Chưa bao giờ nhìn thấy nhưng mỗi khi nhớ về bà ngoại, tôi lại tưởng tượng, ở một góc nhà trên nền đất cũ, chiếc cối đá dùng để giã gạo ngày xưa được lật úp lại, bà đứng lên đó, vòng mái tóc ra trước mặt, người hơi cúi xuống, suối tóc chảy ra đen nhưng nhức. Bà đẹp như một diễn viên chèo.
Mẹ thì không nhớ về bà như thế, mẹ bảo, cứ sáng ra nhìn thấy bà ngoại ngồi ở hiên nhà, đưa lược một cách lơ đễnh vào những sợi tóc lưa thưa bạc trắng, thu gom chúng vào một mảnh vải đen quấn quanh đầu là mẹ cảm thấy được bình yên.
Mỗi người có một nỗi ám ảnh, bao giờ cũng thế. Tôi có kể chuyện gì về bà đi chăng nữa thì đứa con gái 7 tuổi của tôi cũng chỉ nhớ được về một cụ bà ngồi trên giường cười với tất cả mọi thứ xung quanh và có ôm lấy con mèo mướp thì cũng như là đang ôm con vào lòng.
Trong ký ức của bà chỉ có những ngày ào ạt ra đồng làng giữa khoảng lặng của những đợt ném bom để trồng khoai, cấy lúa là đáng kể. Làng bà ngoại nằm ngay bên triền sông, nơi có bến phà nổi tiếng vì bị tàn phá, oanh tạc. Cũng đúng thôi, cả một dải đất đằng đẵng chỉ có một bến phà này để trung chuyển hàng hóa quân lương từ hậu phương ra tiền tuyến thì làm sao không ác liệt cho được. Người ta ước tính mỗi ngày lượng bom dội xuống đây tương đương một quả bom nguyên tử. Nhưng chiến tranh không hoàn toàn đồng nghĩa với cái chết và sự hủy hoại, càng chiến tranh con người lại càng phải mạnh mẽ quật cường để sống và chiến đấu. Sau tiếng hiệu lệnh cắt bom từ trên đồi lan xuống mọi người lại xuống đồng như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Không biết trời thương hay “lúa khoai hợp với hơi bom” mà cứ vươn lên tươi tốt. Khi cơn gió từ ngoài sông thổi vào mang theo vị ngọt thơm của sữa lúa đang làm đòng, hương lúa tưởng như có thể làm dịu cả những vết thương đang ứa máu…

Kí ức của bà, là những đêm mò mẫm trên từng con chữ trong các lớp bình dân học vụ trong ánh đèn nhờ nhờ sáng tối, là những buổi họp chi đoàn thanh niên bàn bạc lịch canh đếm bom, làm đường giao thông, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, là những buổi vui văn nghệ trong những căn hầm bí mật mà khi trở về nhà trời đã tan tản sáng …
Chiến tranh lại nói đến chiến tranh, chúng tôi nghe đã phát chán nhưng ở cái tuổi ông bà, bố mẹ tôi nếu không nói đến chiến tranh, không nói đến bao cấp, tập trung trưng thu quân lương, quân dụng cho nhà nước, không kể đến những ngày tem phiếu thì biết lấy gì mà khoe với con, với cháu. Ký ức mỏng dày với nhịp sống dân tộc.
Bà đi lấy chồng từ thuở “nữ thập tam, nam thập lục”. Không tìm hiểu không yêu nhau tha thiết nhưng ông bà cũng có với nhau 4 mặt con. Bà ngoại cứ nuôi đứa lớn, mang đứa bé rồi lao động sản xuất như biết bao như người đàn bà thời chiến. Bởi ông ngoại tôi, dầu không trực tiếp cầm súng nhưng cũng có mười năm xa nhà biền biệt. Ông là cán bộ quân bưu, di chuyển chủ yếu là đi bộ trong rừng hoặc thả mình trôi trên những bè nứa dọc sông suối. Ký ức của ông là những chuyến thượng ngàn, đại ngàn, là những đêm gió vun vút bên tai và luôn có cái cảm giác có người đang đi bên cạnh. Kí ức của ông là những khi mang thư đến trạm thì nhẹ mà mang giấy báo tử về địa phương thì nặng, là nỗi ám ảnh về những giọt nước mắt rỉ ra qua những vết chân chim khi người ta không còn sức để mà khóc nữa. Lấy nhau nhưng quá ít thời gian bên nhau để mà có kí ức, để mà nhớ về nhau có thể đó chính là lý do khiến ông càng yên tâm biền biệt.
Bà cũng sẽ vui vẻ sống trong cái khổ cực như bao người đàn bà khác ở thế hệ ấy. Không mưu cầu yêu đương, thậm chí cả không cần cả sự trợ giúp của người đàn ông trong nuôi con sinh nở. Tất cả họ không có thời gian để mà ước muốn, mà than vãn, bà cũng sẽ hài lòng, thỏa mãn như mọi người khác nếu ông bà có được một người con trai.
Không ai biết trong đầu bà nghĩ gì nhưng kể từ khi những người xung quanh bắt đầu dạy các dì tôi gọi ông ngoại tôi là chú chứ không gọi là cha như bình thường nữa thì bà như có vẻ trầm tư hơn. Có thể đó là duyên cớ trực tiếp để bà nghĩ đến việc đi tìm người đàn bà khác cho ông.
Thực ra thì ông ngoại tôi mồ côi từ bé, nhà chỉ có hai anh em nương vào nhau. Bà cô giờ đã đi lấy chồng, dẫu có nghĩ trong bụng thì có lẽ bà cô cũng không dám nói ra nên việc này bà ngoại tôi làm chủ. Bà đi khắp làng trên xóm dưới tìm người chấp nhận làm vợ lẽ của ông. Chiến tranh, đàn ông ở nhà chỉ như lá cuối thu. Rất nhiều người đàn bà chỉ hi vọng được một lần biết đến mùi đàn ông, được làm mẹ. Bà không khó gì để có một cái gật đầu. Nhưng lạ thay ông ngoại tôi lại là người không đồng ý. Cũng không biết là ông cách mạng, tiến bộ hay vì lý do gì mà ông kiên quyết thế. Bà không nói gì nữa, bà cũng không quá cương quyết, có lẽ bà nghĩ mình còn cố được. Ngày xưa, người ta cứ chửa rồi đẻ, không phải lo đến chuyện học hành, chăm bẵm nên chuyện có sinh thêm vài ba lần đi chăng nữa cũng không quá quan trọng.
Ông bà đã cố. Nhưng khi thì sảy thai, khi thì tiêu chảy, đậu mùa… cuối cùng thì ông vẫn bảo “số mình không có con trai”. Số phận là thứ gì đó người ta sẽ nói khi không biết vin vào cái gì nữa.
Năm đó, khi Dì cả học xong lớp 4, ông ngoại xin cho Dì đi làm kế toán của bưu điện huyện nơi ông làm việc, Dì hai cũng đi sơ tán cách đó mấy xã để đi học, căn nhà trở nên trống trải. Nói trống trải thì cũng đúng mà như bà thì cũng đúng “nhà mình rộng hơn, đủ để kê thêm một cái giường”. Nói là bà làm thật. Bà dọn dẹp một góc nhà thật sạch sẽ, dán mấy tờ giấy báo vào tường cho nó đỡ ẩm ướt. Bà nhờ người đóng thêm một cái giường đặt cạnh giường ông bà.
Mùa đông lại đến. Những mùa đông của ngày xưa lạnh đến thấu xương. Có lẽ do bụng không lúc nào được no nên cái rét nó rộng đường vào những cơ thể còm cõi ấy hơn. Bà bảo rét quá, bà thường xuyên không ngủ được. Đêm đêm bà trở dậy, lúc thì lấy rơm may lại thành những tấm thảm đặt xuống giường nằm cho đỡ rét, khi bà ngồi mài sắn, khoai làm thành những món bánh dân giã đổi vị cho các con, khi bà đốt lửa cho ấm căn nhà. Sau hàng tuần như thế, một sáng, bà thức dậy với vẻ khang khác. Bà lấy trong rương chiếc áo đẹp nhất, chiếc áo may từ mảnh vải trắng mà phải sau rất nhiều lần cất trữ tem phiếu, đợi chờ, nhờ vả đến cả mối quan hệ thì ông mới đổi được. Bà đã mặc nó một lần vào cái ngày mà ông thông báo chính thức được chuyển về làm ở bưu điện huyện không phải đi xa nữa và một lần là bà sang bên kia sông xin cho Dì hai đi học và xin với thầy hiệu trưởng cho bà được đóng ba cây tre và mấy trăm lá cọ thay cho công lao động. Bà đã nhắm được mấy cây tre mỡ cao, to và thẳng tắp trong vườn nhà. Bà khoác áo lên người tần ngần đứng ngắm nghía một lúc rồi quay lại nói với ông:
– Hôm nay, ông cố mua ít thịt lợn nhé !
– Nhà có việc gì à ?
– Là lâu rồi nhà mình không ăn thì tôi nói thế thôi.
Ông ngạc nhiên cũng phải bởi có bao giờ bà nhắc đến chuyện thịt thà đâu. Mà thực tế là bà không nói thỉnh thoảng ông cũng mang về. Cái bưu điện nơi ông làm việc nằm bên cạnh cửa hàng thực phẩm. Ông vốn hiền hậu, hay giúp đỡ các cô trong việc dọn dẹp cửa hàng, lại thỉnh thoảng tặng mấy cô mậu dịch viên chiếc tem thư cũ để các cô bổ sung vào bộ sưu tập nên cũng được các cô ấy quý. Mỗi buổi chiều, bọn trẻ con trong xóm cứ đứng thành hàng dài chờ chiếc xe của ông đi qua. Dù có đang làm gì thì cũng thả tất cả xuống đó để ngó xem ở cái khung ngang cạnh cái biển số 0378 của xe thống nhất có treo thêm cái gì không. Lúc là lòng, thủ, cẳng lợn, những thứ mà người ta không bán phân phối theo tem phiếu, cũng có khi là những chiến kẹo bọc giấy xanh đỏ… Những lúc như thế ông thường dừng lại chia cho bọn trẻ một lượt rồi mới về nhà.
Bà ra khỏi nhà từ lúc gà còn chưa gáy sáng, mang theo một cái thúng trong đó chỉ lỏng chỏng vài ba quả cau, vài ba miếng trầu. Bà cẩn thẩn đậy nó lại. Ai nhìn vào thì cũng sẽ thấy là bà đang đi chợ. Rồi bà sẽ không phải bận tâm trả lời các câu hỏi này nọ của những người vô tình gặp trên đường. Dáng hơi cúi xuống, bà đều đặn bước chân trên con đường trước mặt.
Đến xâm xẩm tối thì bà về, chiếc thúng có vẻ nặng hơn. Trong đó là đồ đạc, tư trang của người đàn bà đang đội chiếc nón mới che kín mặt lầm lũi bước đi sau bà.
Bữa cơm được dọn ra. Một bát thịt gà kho nghệ, một đĩa tai lợn trộn với đu đủ, một đĩa rau muống và một bát nước luộc, mấy quả cà pháo, một bát khoai lang luộc và một xoong tư cơm trắng. Bà giới thiệu: Đây là bà Sen, một người họ hàng xa của bà. Từ nay, bà sẽ sống với chúng ta và các con cần phải gọi bà là dì. Bọn trẻ nhướn mắt lên nhìn nhau, không dấu sự ngơ ngác. Không phải là bọn trẻ chưa nhìn thấy người họ hàng này lần nào mà căn bản là gốc gác ba họ nhà bà đều ở đây. Những anh em khác trong nhà bà vẫn qua chơi mỗi khi có việc, vì một nỗi gì đó mà họ rất thương bà. Nhưng bà Sen, thậm chí chưa ai trong số họ một lần nhắc đến. Nhưng bọn trẻ con im lặng. Ông bà vẫn giáo dục mẹ tôi và các Dì như thế khi nhà có khách. Bà ngồi cạnh nồi, xơi cơm và gắp thức ăn lên bát mọi người, ông không nói gì nói đúng hơn là không biết phải nói gì, bà Sen thậm chí còn không ngẩng mặt lên khỏi bát cơm. Bữa ăn nặng nề rồi cũng đi qua.
Bà Sen, người đàn bà ấy, không đẹp, nhưng không hề xấu. Khuôn mặt không có vẻ thanh thoát nhẹ nhàng như bà ngoại tôi nhưng bù lại lại hiền lành chất phác, phúc hậu. Bà cư xử cũng đúng mực. Nhất nhất nghe theo sự sắp xếp của bà tôi. Nếu không có việc gì quan trọng cũng chẳng mấy ai nghe bà nói gì bao giờ. Hình như, Dì hai tôi có hôm nghe chuyện ở đâu đó cũng về nhà nói này nói nọ nhưng bà gạt đi ngay với cái câu muôn thuở “Trẻ con biết gì mà tham gia vào chuyện người lớn”.
Ông thì không dễ nói như mọi người trong nhà. Có lần bà nói với ông “ Tôi biết là tôi sai, tôi không xin ý kiến ông mà tự ý quyết định. Nhưng cực chẳng đã tôi mới phải làm thế. Bởi có nói ra ông cũng có đồng ý đâu. Ông đối với tôi như thế là tôi và các con đã mang ơn ông lắm rồi. Còn bây giờ người ta đã về đây ông làm thế nào cho cô ấy đỡ tủi thân thì làm. Cũng có mấy đám đến hỏi nhưng cô ấy thuận theo ông, thế là mình có phúc. Nhà mình neo người, đông con hơn đông của ông ạ”. Tuyệt nhiên, bà không nói đến chuyện con trai, nỗi lòng mà cả ông và bà đều đau đáu.
Sao ông lại không hiểu bà đang cảm thấy như thế nào. Với đời một người phụ nữ làm gì có khái niệm gọi là hạnh phúc riêng tư, từ lúc bắt đầu suy nghĩ, từ khi có ký ức bà đã thuộc về ông, về những đứa con. “Dù bà có nói gì đi nữa tôi vẫn không đồng ý, tôi là đảng viên làm thế người ta cười cho, bà mà không bảo người ta đi là tôi ở luôn cơ quan không về nữa”. Có lẽ, biết tính bà nên ông nói vậy thôi chứ, nếu ông mà có lấy vợ thật thì cũng không ai đưa ra mà kiểm điểm. Bà cưới vợ cho ông đàng hoàng chứ có phải trai gái, hủ hóa đâu. Không có người nối dõi còn là tội bất hiếu. Bà đã tự trấn an thế nhưng khi nghe đến danh dự của ông, của người đảng viên những năm 30 có thể sẽ bị hoen ố là bà thấy sợ, với lại ông trong bà là người nghĩ cái gì cũng đúng, biết nhìn xa trông rộng, nghĩ đến việc lớn, chứ không tủn mủn, cỏn con như bà nên bà chột dạ “Hay là mình đã sai thật”.
Một thời gian sau, người ta cũng không còn thấy người họ hàng xa ở trong ngôi nhà đó nữa. Không có bữa cơm chia tay như khi đến nhưng hẳn người như bà sẽ sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, biết đâu cả chuyện tương lai.
Ông ngoại tôi mắc bệnh hen suyễn, những năm tháng cuối đời chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên ông, nhưng cũng chỉ làm thế để ông bà có cảm giác nhà đông con đông cháu chứ bà tôi vẫn chăm sóc ông như một thứ niềm vui duy nhất của bà. Có đứa này, đứa kia kể cả các con gái, con rể giành việc thì ông vẫn bảo chỉ có bà chăm sóc là ông thấy được thoải mái nhất. Ông thường nói với bà “ Người đi trước như tôi là người hạnh phúc hơn, người đi sau như bà lủi thủi một mình mới đáng để quan tâm, lo lắng”. Có lẽ, trong mắt ông bà là tất cả nên ông nói vậy chứ thật ra nhà ông bà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười của con cháu. Khi dì và mẹ tôi đến tuổi lấy chồng bà không lựa chọn hoàn cảnh gia thế, nghề nghiệp chỉ mong các con gái bà không phải đi làm dâu trưởng. Bà vẫn ám ảnh bởi người nối dõi. Ông thì chỉ mong được con cháu quây quần nên cũng không nhất trí với những đám xa, riêng chú lấy Dì út còn phải chấp nhận ở rể, thành thử tất cả chúng tôi đều bên ông bà vào những lúc như thế này.
Người già bệnh tật, đó là một nỗi khổ sở nhưng với con cháu thì đây là dịp để bày tỏ lòng hiếu kính, cơ hội để tạ ơn sinh thành dưỡng dục. Ông ngoại tôi tuổi đã ngấp ké 90, lại cũng được chăm sóc ông một thời gian nên nếu ông phải ra đi lúc này cũng không phải là điều đau xót nhất. Có một điều, cả mẹ tôi các dì đều canh cánh, cuối cùng thì cũng quyết định lấy hết can đảm, Dì út đánh liều mà hỏi: “ Cha ơi, chúng con hỏi câu này có gì sai mong cha tha thứ, nhưng chúng con nhất định phải hỏi. Xin cha cho chúng con biết cha còn có người con nào nữa không? Phận làm con ai cũng muốn làm tròn đạo hiếu”. Cả nhà tôi đều tin rằng trong mười năm ông xa nhà, trong ý chí nhất quyết không chịu lấy vợ lẽ sinh con trai của ông mấu chốt là nằm ở đây. Ông không nói gì. Thời gian không còn nhiều mẹ tôi và các dì lại càng gặng hỏi. Ánh mắt nặng nhọc của ông tìm bà “ Bố mẹ tôi mất sớm, bà và các con là tất cả đối với tôi. Nếu trời có gọi tôi về tôi lúc này tôi cũng ra đi nhẹ nhàng và thanh thản”. Tay ông để trong tay bà run run.
Hai phần ba quãng đời sống trong bom đạn chiến tranh, tình yêu giữa những người đàn bà mộc mạc, tần tảo và những người đàn ông chân chất, hồn hậu có thể là thứ gì đó quá xa xỉ. Bởi tình yêu nam nữ đã được hòa trong tình yêu tổ quốc, tình yêu quê hương làng mạc, trong sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Nhưng tôi cũng tin rằng ông ngoại đã yêu thương bà bằng tất cả tình yêu, sự sẻ chia và lòng kính trọng.
Chú dì đi làm, bọn trẻ con đi học, căn nhà đối với bà chỉ thu hẹp từ chiếc giường đến nơi ban thờ có di ảnh ông. Gia đình tôi và cả các dì đều mong muốn được đón bà về chơi. Tiếng là con cháu ở gần nhưng đã bao giờ bà đi chơi được nhà nào quá ngày đâu “Còn có ông ở nhà”. Thời gian cứ thế trôi đi chỉ có câu trả lời của bà muôn đời vẫn như thế “ Để ông một mình cô quạnh, bà không đành”
Chúng tôi lớn lên, những buổi tụ tập cuối tuần thưa dần. Cũng bởi vì khi thế giới của chúng tôi mở ra thế giới của bà càng thu hẹp, trôi dần về quá khứ. “ Sắp đến tết rồi nhỉ, ông là thích ăn bánh chưng lắm, lúc đó có thể ngoài trời đang chang chang cái nắng tháng sáu. Các cháu cứ về đi học đi, học hành thi cứ để đi công tác như ông, đừng ở nhà vất vả lắm mặc cho chúng tôi đều đã xa lâu rồi những ngày phổ thông… Ngày xưa, ông rất thích đứng nhìn bà chải tóc. Không ai gan lỳ như ông ngoại chúng mày. Mỗi lần đi đưa thư đến đâu thấy cái gì lạ ông đều mang về. Mẹ với các dì chúng mày đứa nào cũng ghét bà chỉ thích ông thôi, cả đời ông chưa biết cầm cây roi đánh con bao giờ…”. Mọi thứ cứ lẫn lộn vào nhau, có những điều chúng tôi ngày nào cũng nghe bà kể nhưng với bà thì đó luôn là lần đầu tiên với đủ sự hào hứng. Trong mỗi câu chuyện đều ẩn ẩn hiện hiện “nhân vật chính của đời bà” với chính xác đến từng centimet chẳng đủ sức phù trừ cho những chuyện đang từng ngày bà đối diện.
Bà vẫn ngồi đó, đôi mắt mờ đục hướng ra phía cửa. Những câu chuyện xưa ngày từng ngày lảng bảng trôi trong mùi hương khói, trong nụ cười móm mém, trong thế giới đầy vơi nỗi niềm. Thế giới mà chúng tôi có cố gắng mấy cũng không bao giờ đi hết được.
DƯƠNG THU PHƯƠNG