Truyện ngắn Lê Ngọc Hạnh: Vẽ lại quê hương

 “Thưa nội, con đi”, thằng nhỏ vòng tay lễ phép. “Ờ! Xuống dưới thành phố ráng học giỏi nghen, con!”. “Dạ, nội!”.Thằng nhỏ quảy ba lô ra sân. Ông già nhìn theo rồi như sực nhớ điều gì quay qua hỏi con nhỏ: “Mà thằng Cu đi học trường gì dưới thành phố vậy ha, Gái?”. “Dạ, anh Bảo học trường Mỹ thuật đó nội. Mai mốt cháu đích tôn của nội sẽ thành họa sĩ đó nha!”. “Vậy hén! Mai mốt thằng Cu thành họa sĩ về, bây kêu nó vẽ lại cho nội bức tranh làng quê này cho thiệt đẹp, nghen!”.

Bền dắt xe đưa thằng con ra trạm xe buýt ngoài Quốc lộ. Từ đó thằng Bảo sẽ tự đón xe đi Sài Gòn…

Nhà văn Lê Ngọc Hạnh ở Bình Dương

Trận cự cãi xảy ra ngoài bờ sông. Ông Ba Bê ngăn không cho đám công trình đóng cọc bê tông xuống mé sông. Sáng đi làm, lúc ra tới đầu đường thấy nhóm công nhân chuyển máy móc vô đường bờ bao phía nhà mình Bền nghĩ thể nào cũng có chuyện, thì y như rằng lúc về xảy ra chuyện thiệt. “Ông già chửi tụi tui quá xá trời đất!”, thằng xe cuốc đang dỡ đám cỏ ngoài mé sông vừa thấy Bền về, thò đầu ra khỏi cabin, méc. Bền gỡ nón bảo hiểm đưa tay gãi gãi đầu: “Ông già nóng tính, mấy anh thông cảm dùm”. “Tụi tui làm mướn, chủ sai đâu làm đó, có biết gì đâu. Ông già biểu muốn đóng cái gì thì lên bờ kiếm đất mà đóng, không được xâm lấn xuống sông”, thằng xe cuốc phân trần!

Bền não ruột. Không chỉ ba anh, mà mấy ông già làng xã Yên An này ai cũng bức xúc, tận từ hồi mé sông bên kia cầu mọc lên dãy nhà xưởng đã hơn chục năm trước. Cái xẻo bờ bao mấy chục năm yên bình, tự dưng kéo máy xúc, máy ủi tới đào xới, san lấp. Biểu sao ông già không bực?

Bền vô nhà, bụng buồn như đám chuồn chuồn đang bay thấp ngoài sân báo hiệu ông trời sắp làm cơn trút nước. Ông Ba Bê đứng trước hiên nhìn xa xăm về phía sông. Bền áng chừng tâm can ông già còn bực bội lắm. “Thôi, kệ họ đi ba…”. Bền an ủi nhưng bụng thì nghĩ, cơn mưa có đột ngột đổ xuống chắc cũng không làm ông già nguội liền cơn nóng giận.

Bền xuống bếp phụ Lắm dọn cơm. Nghĩ, thể nào bữa cơm cũng được ông già nêm nếm thêm mớ “gia vị”. Giờ Bền quen rồi chuyện mỗi bận ông già bực chuyện làng chuyện xã sẽ trút lên đầu mình. Bền đoán không trật phát nào. Lùa được mấy đũa cơm ông già bỏ chén: “Tao tức không chịu nổi mà! Mày làm cán bộ xã là làm cái gì mà để thiên hạ kéo máy móc tới bằm nát cái bờ sông này ra vậy, hả Bền?”. Bền cũng gác đũa, chưa hết chén cơm nghe đã no ngang hông. Hồi sáng, ngoài Ủy ban Bền nghe bàn tán công trình nhà mát ngoài mé sông này của ông cán bộ nào đó. Đám công trình đâu có tự nhiên mà dám kéo cần, kéo cẩu tới mé sông này mà san lấp. Bí thư, Chủ tịch xã biết hết còn phải giả đò làm ngơ nữa kìa!

Bữa đi tập huấn trên huyện về, Bền nghe kể, mấy ông già họp Chi bộ chửi tanh bành vụ mấy nhà máy, xí nghiệp nằm chen lẫn nhà dân. Làng không ra làng. Phố không ra phố. Khu công nghiệp cũng không ra khu công nghiệp. Bê tông mọc từ đồng ra tới sông. Ống xả thải cắm thẳng xuống sông. Bất chấp! Một đống rối nùi, hổn loạn. Chuyện này mấy ông già nói nhiều năm rồi. Nói đến đâu Bền thấy nhà máy, xí nghiệp mọc nhiều thêm đến đó. Không qui hoạch, qui cũ gì hết. Mấy ông già trách đám cán bộ trẻ tụi Bền đã không dám làm, mà nói cũng không dám nói. Chỉ có mỗi thứ dám là dám… sợ trách nhiệm!

Làng quê Yên An ngó tới ngó lui giờ chỉ chốn hẻo hút ven sông này còn hơi hướm của một làng quê đúng nghĩa. Mà cũng duy nhất con đường bờ bao này là con đường đất đỏ hiếm hoi còn sót lại chưa hóa… bê tông! Nhiều năm, mấy ông già cứ trăn đi trở lại đủ thứ chuyện. Ông chú Tư Tấn lo số phận bờ đê, bãi cỏ, ao cá, ao bèo chừng nay mai sẽ biến mất. Ông chú Bảy Bắp thì phán: “Tao nói rồi để mày coi nghe, thằng Bền! Là mai mốt đến mùi cỏ, mùi khói, mùi rạ rơm, đến cái mùi đặc trưng khai ngấy của đám trâu bò gà vịt có muốn… hửi cũng không còn! Khung cảnh làng quê yên bình, thơ mộng Yên An này chừng vài năm nữa chắc chỉ còn… trong tâm tưởng!”.

***

Dân làng xã Yên An ai mà không biết đó giờ Bền làm Chủ tịch Hội nông dân. Quanh năm suốt tháng Bền bị quay tối tăm mày mặt từ rau màu khoai lúa, đến heo vịt bò gà chứ sướng đâu! Vịt nhà ai dở chứng không chịu đẻ, họ ra xã tìm Bền hỏi sao mấy con vịt nhà tui bữa nay không chịu phụt trứng? Heo nhà ai bỏ ăn, họ lên xã kêu tui kiếm ông Bền, nhờ ổng xuống khám dùm mấy con heo sáng nay cứ nằm ngáp không chịu… điểm tâm? Sâu rầy cắn phá rau màu họ cũng ra xã, kêu ông Bền kê dùm toa thuốc đặng về xử đám rầy. Đến nhiều lúc, Bền thấy Chủ tịch Hội nông dân tính ra “có khách” còn nhiều hơn… ông Chủ tịch xã!

Hồi trong số người hay lên Ủy ban kiếm Bền nhiều nhất có nông dân Lắm. Lắm ở xóm bờ bao mé bên kia cầu, đối diện dãy nhà xưởng mé bên kia sông. Bữa nông dân Lắm  kiếm Bền hỏi sao đàn gà đang khỏe cùi cui tự dưng mắc toi giãy đụi rồi chết!? Chủ tịch nông dân Bền nhiệt tình phăng xe máy một nước xuống tỉnh tìm thuốc về để kịp cứu đàn gà. Bữa nọ nông dân Lắm lại cầm cái lá rau bị con sâu mắc dịch vẽ bùa lên Ủy ban, đày đọa Bền giữa trưa đứng nắng cầm cái lá chạy xuống Hội nông dân tỉnh tìm thuốc về để cứu đám rau. Bị nông dân Lắm hành từ chuồng ra vườn, từ xã xuống tỉnh riết, một bữa Chủ tịch Bền “nẹt”: “Bà về gom hết đám gà, vịt, heo qué qua nhà tui ở luôn đi, khỏi mắc công chạy tới, chạy lui”. Tưởng Bền nói chơi, ai dè sau đó người ta thấy đám cưới ông Chủ tịch nông dân Bền và bà nông dân Lắm diễn ra tưng bừng cỏ lá xóm bờ bao thiệt!

Chỉ từ hồi người thành phố rủ nhau về quê Bền mua đất cất nhà, dân xã Yên An bỏ ruộng, bỏ vườn rủ nhau đi làm cò đất, mở quán bán buôn muốn hết nên Bền bớt bị réo rắt chuyện heo qué vịt gà mắc toi mắc dịch nữa. Ngó qua ngó lại, chỉ còn hơn chục hộ cắm sào dọc con đường bờ bao này còn thủy chung với chăn nuôi, tỉa trồng. “Nghề cò” nhàn hạ. Sáng í ới nhau ra quán, cà phê cà pháo, canh me coi ai bán đất, mua đất thì dắt mối kiếm tiền cò. Đất vườn, đất ruộng được xẻ thành những miếng to, miếng nhỏ, lần lượt sang tên đổi chủ. Trụ bê tông trồng mọc lên khắp cánh đồng. Ruộng nương san phẳng thành… thổ cư. Mương rạch lấp kín thành đường đi. Trúng mánh phi vụ đất, ngồi chia “cò”, Bền thấy nông dân phơi phới còn hơn trúng mùa vụ: “Tính ra trồng bê tông mau “thu hoạch” hơn trồng rau”. Đất sốt. Dân ra Ủy ban toàn nghe tìm ông Địa chính, đâu còn ai ngó ngàng đến ông Hội nông dân. Ruộng vườn bê tông lấp kín hết rồi. Giờ đến ra mé sông rầm rầm san lấp. Biểu sao ông già không nổi cơn tam bành cho được?

***

Bền nghe riết tâm can cũng nặng nề. Nhưng biết làm sao được? Đâu có tự nhiên mà người ta đem cặm nhà máy, xí nghiệp sát mé sông. Có tính toán hết chứ! Dễ hiểu mà! Đơn giản muốn chết! Cặm nhà máy sát mé sông thì ống xả thải cắm thẳng ra sông, khỏi tốn chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Cá chết kệ cá. Sông ngộp thở kệ sông. Hồi đám cá cư ngụ đằng khúc sông đó một mớ chịu không nổi, ngoi ngóp rủ nhau tắt thở. Mớ còn sức, hè nhau ngược dòng làm cuộc tản cư ra sông lớn. Khúc sông ngang qua làng Yên An, “ung thư di căn” gần 20 năm, đâu có con cá nào dám lượn lờ tới đó. Chết không kịp ngáp chứ chơi!

Mà mấy ông già chửi đâu có sai. Nhìn thấy hết nhưng đâu người nào dám nói. Nên nhiều năm có một câu vần lân, cứ hỏi đi hỏi lại. Chị Xã hỏi anh Huyện. Anh Huyện nói khúc sông đó bác Tỉnh quản lý. Rồi xong! Mà nói gì mấy cái cống ngầm xả thải ra sông. Nhìn mấy cái ống xả trên nóc xưởng tái chế phế liệu ngày nào cũng đùn lên trời mấy cột khói đen ngòm. Môi trường bị ô nhiễm ngời ngời ngay trước mắt, mà một câu thắc mắc để thể hiện chút trách nhiệm, kiểu như: Có khi nào lúc cấp phép xây dựng mấy nhà máy sát mé sông bên đó, người ta bỏ quên “cái khúc”: Làm đánh giá tác động môi trường?

Hồi chưa dọn về bên nhà Bền. Nông dân Lắm và dân tình xóm bên kia sông đưa đơn khiếu nại quá xá. Đằng đẵng mấy năm, vòng lên vòng xuống, mới “tỉnh” ra: “Con kiến đi kiện củ khoai!”. Rồi… bỏ đất… chạy! Chạy lấy người, chứ sống ở đó, ngày đêm sáng tối hít hửi hằm bà lằng ba thứ mùi hóa chất nồng nặc, rồi cũng tới ngày chung số phận với khúc sông, “ung thư di căn” mà chết! Một bữa, đứng trước mặt dòng sông, nông dân Lắm thề rằng: “Tui thề! Tui mà có quyền. Tui sẽ cho nhổ hết dãy nhà xưởng bên kia sông, trả lại mé sông cho cỏ cây rau bèo trôi nổi như cái hồi xưa hồi xửa…”.

Mà làm cán bộ xã là làm gì? Có những chuyện đến Chủ tịch, Bí thư, còn bị “đứng hình” trước dân, huống hồ cán bộ Hội nông dân quèn quẹt như Bền. Như cái bữa trời mưa lớn, đường sá ngập ngụa, nước tràn vô nhà dân, tràn tận thềm trụ sở Ủy ban. Dân dầm mưa lội nước kéo lên Ủy ban mắng vốn. Dân hỏi sao Nhà nước làm đường rộng chi tới sáu làn xe mà không làm cống? Để trời mưa nước không có chỗ ra sông, tràn vô nhà hư hết đồ đạc? Giờ dân bắt đền ai? Rồi ai đền? Nguyên dàn lãnh đạo xã ra xếp hàng ngang, đứng năn nỉ, hứa hẹn này kia kia nọ. Bí thư xã móc điện thoại quay hình cảnh nước từ đường tuôn rào rào vô sân Ủy ban gửi đồng chí Huyện. Nói, mưa tràn ngập nhà dân, ngập luôn Ủy ban, dân lội nước lên xã quậy quá trời. Đồng chí Huyện cười hề hà trong điện thoại kêu Bí thư xã: “Thì mày năn nỉ dân dùm chứ tao biết làm sao. Thầu công trình làm đường chứ tao có làm đâu. Hỏi tao, tao biết hỏi ai!?”.

Cán bộ xã trăm ngàn cái khổ. Trên đe dưới búa phải nín nhịn đủ thứ chứ sướng gì. Trên chỉ đạo, dưới thực thi. Dám cãi cứ tự mà… đào thải! Mà xã làng này từ xóm ngoài, xóm trong, xóm trên, xóm dưới, ngó qua, ngó lại, ngó tới, ngó lui, quen mặt nhau hết. Làm cán bộ xã thì cũng là làm… dân thôi mà!?

Thành thử, đâu phải mình Bền, mà nguyên dàn Ủy ban gặp mấy ông già là “rét” hết. “Rét” tới nổi, đi đám tiệc, bất kể đám giỗ, đám ma, đám cưới, hay đám cúng Đình, phải ngó trước, dè sau, coi mấy ông già ngồi hướng nào để… né tìm phương khác. Rồi ẩm thực cho lẹ, để kiếm đường lủi cho mau! Mấy ông già có “cái tật” vô chừng mấy chum đế là ngó xung quanh, nhìn mặt coi đứa nào cán bộ xã là túm đầu, xách cổ lôi lại… chửi! “Tụi bây làm cán bộ xã là làm cái gì mà để người ta kéo về đây xẻ tan nát cái làng xã này ra vậy mà coi được hả?”.

***

“Chú Tư Tấn mất rồi. Bảy giờ tối tẩn. Tí anh chở ba qua nhìn mặt chú Tư lần cuối. Mấy ông già tri kỷ làng xã Yên An này lần lượt đi muốn gần hết…!”. Lắm đang với tay kéo mớ lục bình ngoài sông cho đàn vịt thấy Bền về, ngừng tay ngước lên. Bền bần thần! Anh mới gặp ông Tư Tấn ở đám cúng Đình cách hai tuần trước, đâu có nghĩ đó lần cuối cùng gặp ông. Ông già bệnh lao phổi đã nhiều năm. Bữa đó Bền còn nghe ông so sánh hai giai đoạn cuộc đời với mấy ông già chung mâm rằng: “Khổ không thua cảnh hồi chiến tranh. Hồi đó tù bị đày bị tra tấn một kiểu. Giờ hòa bình bị “tra tấn”… một kiểu! Là vì nhiều lần Bền thấy ông già cứ lên xuống Ủy ban phàn nàn chuyện đường mương của xí nghiệp chế biến gỗ ngày nào cũng xả thải ngang hông nhà ông bốc mùi hóa chất nồng nặc. Cán bộ xã cũng nhiều bận lên xuống, mà nhắc nhở kiểu như gãi ngứa, chứ không người nào dám ý kiến ý cò! Nghe nói qua nói lại, xưởng gỗ là họ hàng của anh cán bộ nào đó ở tuốt… trên cao! Nguyên nhân chỉ đơn giản vậy! Thành thử, nhiều năm cái đường mương vẫn cứ hồn nhiên mà xả thải…

Bền còn đang bị ám ảnh vụ tai nạn của ông Bảy Bắp, giờ đến ông Tư Tấn. Bữa giỗ má Bền. Tối hôm trước, Bền gọi điện dặn. Nói, mai chú Bảy cứ ở nhà, nửa buổi con ra rước chú Bảy vô. Ông già biểu khỏi, để tao tự đạp xe ra ngoài đó cho giãn gân giãn cốt. Mà đường sá giờ đâu còn thanh vắng như đường làng hồi xưa. Mấy ông già lại khoái tàng tàng xe đạp như cái thời bao cấp. Mới khổ! Hẻm “Khu phố làng” bề rộng vừa y cái thùng công-tai-nơ. Xui rủi. Sắp ra đến đường lớn, ông già bị thằng công-tai-nơ làm cú đánh lái quẹo vô “hốt” gọn hơ! “Ông già nhìn thấy “thằng quái vật” chình ình trước mặt rồi, mà đâu có chỗ nào để né… Tội nghiệp quá trời đất! Tui bị ám ảnh luôn!” – Ông bảo vệ công ty chứng kiến vụ tai nạn tường thuật lại. Bữa đó lại thành ra ngày giỗ ông Bảy Bắp, trùng giỗ má Bền. Dân xã Yên An giờ hễ thấy công-tai-nơ lù lù là kêu hung thần, quái vật xuất hiện! Họ nói, từ ngày nhà máy, xí nghiệp về, làng xã Yên An này hết an yên rồi!

Giờ thì những người già đang lần lượt… đi xa! Ông chú Bảy, giờ tới ông chú Tư. Rồi nay mai biết đâu chừng lại đến lượt ông già Bền!

Bền lo ông già thương nhớ bạn buồn quá lại sinh bệnh. Bền lên nhà trên. Ông Ba Bê đang nằm trên ván, gác tay lên trán ngó mông lung lên đám mạng nhện giăng đầy dàn cột kèo cũ kỹ. Nghe tiếng chân, ông già bật dậy xả một tràng: “Mày thấy chưa, thằng Bền? Mấy ông già về quê an dưỡng mấy ngày cuối đời mà cũng đâu có yên thân. Một ông bị công – tai – nơ cán chết. Còn một ông hít hửi hóa chất riết, lao phổi, chết. Mà ông Tư Tấn, ổng không chết vì nát phổi thì cũng… bể tim mà chết. Chết vì tức! Cũng biết con người, trước sau gì cũng chết. Nhưng cả đời sống có lý tưởng thì đến cuối đời cũng phải để cho mấy ổng chết cho nhẹ nhàng chớ! Tao tức quá mà! Mày làm cán bộ xã là làm cái gì mà để cái làng xã này giờ tan nát hết vậy hả, Bền?”.

***

Buổi chiều, buồn quá Bền thả bộ lên cầu. Từ trên cao nhìn về bốn phía dòng sông  thấy mênh mông toàn cát. Dưới sông, xà lan, máy hút. Trên bờ máy xúc, máy cẩu, xe ben, xe tải  ầm ĩ như một đại công trình. Cát ở đâu hiếm, chứ bến sông này quanh năm tràn ngập. Hồi còn nông nổi, nghĩ chưa sâu, nhìn chưa thấu, thấy thiên hạ kéo về xây nhà máy, dựng xí nghiệp, Bền mừng. Lúc đó Bền nghĩ, khỏi mắc công đám người trẻ xứ này cứ lớn lên là vác ba lô bỏ quê xuống phố rồi… đi luôn không về. Nhưng giờ Bền chán rồi. Bền vừa chán như mấy con gián mà vừa buồn như mấy con chuồn chuồn đang bay thấp ngoài xa…

Bền nhìn sông. Không biết sông buồn, vui mà nổi cơn ngầu đục? Đám công trình đã kéo cần, kéo cẩu biến đi mất dạng, từ sau mấy vụ sai phạm đất đai rùm beng. Bền nhìn ra xa xăm, hình dung “con sông xanh biếc” của cố nhà thơ Tế Hanh, rồi ướm lên dòng sông quê  đang trước mặt: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre…”.

Bền ngửa mặt nhìn trời. Không biết ông trời buồn, vui mà mới vừa xanh trong đó bỗng kéo cơn vần vũ. Bền thèm một cơn gió thiệt lớn, ào qua quật ngã mấy cái cột khói  đang đùn đùn mấy cuộn đen ngòm cho khuất mắt. Bền thèm một cơn mưa lớn, đổ nước cuốn trôi hết dãy nhà xưởng mé bên kia sông, trả lại mé sông quê xanh cỏ như những ngày xưa xửa. Bền thèm trận nước trút mạnh xuống đầu mình để trôi đi hết những nặng trĩu từ bấy lâu…

Bền biết mình mắc tội với quê hương, với làng xã Yên An này! Nhưng Bền bất lực…

 “Thưa nội, con đi! – Con nhỏ vòng tay lễ phép! “Ờ! Xuống thành phố ráng học cho giỏi nghen, con!”. “Dạ, nội!”. Con nhỏ quảy ba lô ra sân, ông già nhìn theo rồi như sực nhớ điều gì quay qua hỏi thằng nhỏ:“Mà con Gái đi học gì dưới thành phố vậy, thằng Cu?”. “Con Bối học nghành Tài nguyên và Môi trường đó nội. Mai mốt cháu gái nội làm kỹ sư đó nghen!”. “ Ờ! Vậy ha. Vậy nội yên bụng rồi! Hồi xưa, cha ông của nội đã dựng nên cái làng quê này. Hồi đó làng quê Yên An mình đẹp lắm! Đến thế hệ cha bây đã phá nát… Nhưng nội vẫn còn niềm tin vào thế hệ đời cháu… Bảo – Bối của nội! Mơi mốt học xong về, tụi con “vẽ” lại bức tranh làng quê Yên An này cho thiệt đẹp, cho nội, nghen…?. “Dạ, nội! Hai anh em con sẽ về “vẽ lại quê hương” thiệt đẹp, cho nội, hen!”. “Thưa nội! Hai anh em con đi…”

Bền lại ngửa mặt nhìn trời, thấy mây đen đã vây kín một vùng trời rộng. Ông trời hình như thấu nổi lòng Bền, nên bắt đầu làm cơn trút nước…

Thủ Dầu Một, tháng 3.2023

LÊ NGỌC HẠNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *