Truyện ngắn Lê Trâm: Bên kia đỉnh dốc

VHSG- Có thể Đông sẽ không gặp anh nếu không đi ngang qua đây. Vừa đúng lúc chiều xõa xuống vùng sơn cước những chùm nắng hình rẽ quạt chạm mặt nước sông lại hắt lên trùng trùng những đóa sáng óng ánh. Ở đây đã là thượng nguồn. Đông nín thở vượt con dốc dựng đứng. Vắng hoe. Có lẽ mùa  lũ nước thường tràn ngang đây nên thấy đầy những mỏm đá sắc lẻm. Đến gần sông bỗng gặp những căn nhà núp sau mấy lùm cây ùm xòa. Nhà trên cao và đường ở dưới thật thấp một khoảng chênh lệch đủ để người nhìn phải choáng ngợp. Đông đi qua con ngõ có bờ  rào đá xếp cao nghều nghệu vòng ôm mé sông. Con ngõ là lạ Đông chưa gặp bao giờ. Cô đi một cách vô thức trong buổi chiều đã sắp tàn chẳng khác một cánh chim lẻ loi. Như đã chạm đến được nơi sơn cùng thủy tận. Mà thiệt con đường dẫn men theo sông loanh quanh rồi chấm dứt một cách vô cớ bởi những bụi rậm. Bụng đói cồn cào mà chân vẫn cứ phải lê đi. Đến nơi sơn cùng thủy tận thiệt rồi Đông vừa đi vừa nghĩ thầm. Lòng cô rộn lên một cảm giác lạ khó tả.

Và Đông đã gặp anh ở đó. Máu me đầm đìa.

Nhà văn Lê Trâm

Đông ré lên rồi thụp người xuống rờ khắp người anh. Nơi nào cũng có máu. Vẫn không thấy động đậy. Đông xốc anh lên vai chạy xuống hướng bến đò. Đá như muốn cắt chân Đông ra từng mảnh. Mặc kệ cô cứ chạy. Đông biết qua được bên tê sông sẽ gặp trạm xá. Tới được trạm sẽ coi như anh đã được cứu. Không có ai ở bến. Chỉ mấy chiếc ghe nằm lặng lẽ gối đầu lên cát. Đông đặt anh lên một chiếc ghe gối đầu anh lên be ghe rồi rút vội sào chống tới tấp. Chiếc ghe mất phương hướng cứ quay xà quần. Đông thở hắt ra dần dần định thần. Cô nín thở mím môi nương theo dòng chảy chống nhẹ chiếc sào. Cuối cùng chiếc ghe cũng ngoan ngoãn hướng về phía bờ đối diện. Đông đổ gục trước cổng trạm xá vừa đúng lúc trời sập tối.

***

Sơn làm cán bộ kỹ thuật của nhà máy thủy điện từ Sông Hinh lên được mấy tháng. Vẫn đang chân ướt chân ráo.  Từ lâu vùng thượng nguồn này chẳng điện đóm gì. Cả một lưu vực sông Hà Khê rộng lớn chỉ có mỗi một cái mỏ toàn than cám được khai thác từ đời tám hoánh. Đầu tiên là của một người chủ gốc Hoa sau đến một công ty Pháp có cơ sở tận Hòn Gai. Thời chiến tranh mỏ bị bỏ hoang phế và chỉ được khai thác trở lại đầu những năm 80. Giỏi lắm chỉ dùng để đun lò. Cùng lắm là thêm cái nhiệt điện vài mê ga oát. Theo con đường chạy từ mỏ than lên có thể chọn được vài địa điểm để ngăn đập làm hồ chứa nước làm thủy điện. Chỉ hơn được vài chục mê ga oát như cái nhiệt điện phía dưới. Nhưng ở đây được thế là quý lắm rồi. Lấp đập cả một vùng rộng lớn sẽ ngập trong nước ngập nguyên một vùng toàn cây dầu rái hiếm nơi có. Dầu rái dùng để trét ghe trét thúng mũng dần sàng bền đến mấy mươi năm hơn khối thứ và được dân phía đồng bằng và những người đi biển ưa thích. Mỗi năm một lần dầu rái được thu hoạch bọn con buôn tứ xứ lại quẩy bồ lên mua. Từ đây đến mùa họ lại quảy bồ đi bán dạo khắp nơi. Vùng này nhà nào có dầu rái là biết ngay giàu thấy rõ. Cho chìm cả rừng dầu rái xuống lòng hồ thì tiếc thật nhưng đâu có cách lựa chọn nào tối ưu hơn. Và sâu trong kia kéo đến tận biên giới Việt Lào là rừng nguyên sinh bạt ngàn. Một vùng rừng nguyên sinh tích tụ nước cho hàng trăm sông hồ khe suối. Trong ấy khe Rú Bò là một điểm tụ và sớm được chọn làm nơi đấp đập. Sơn mất gần hai tháng trời lộn xuôi lộn ngược mới gọi là cơ bản thăm dò hết lòng hồ. Phía địa phương muốn sớm biết có thể tận dụng tối đa bao nhiêu công suất cho thủy điện. Càng lớn càng tốt. Bọn lâm tặc thì nhăm nhe mớ gỗ trước sau gì cũng chìm sâu xuống lòng hồ. Cũng càng nhiều càng tốt. Bọn này có mặt khắp nơi ngày nào Sơn cũng chộ. Khi trên rừng lúc ở quán. Chẳng giống thợ sơn tràng mà giống bọn đầu trộm đuôi cướp. Nhất là ở các quán nhậu vốn nhan nhản dọc theo hai con đường chạy xuôi hai triền sông. Bọn chúng nhiều lúc cứ như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ khác nhất là những thằng làm công ăn lương như Sơn. Có hôm đang lạc lối giữa rừng sâu bỗng nghe ầm ầm chẳng khác tiếng voi dày xéo ngoảnh lại đã thấy từ đâu đó trong hốc rừng vọt ra một chiếc Mink đen lùi lũi máy nổ to hơn bò rống như xe tăng đâm thẳng vào Sơn. Anh phải lăn mấy vòng mới thoát được chiếc xe quái quỷ. Số lần chạm mặt những kẻ lạ mặt ( tất nhiên là phải lạ mặt rồi) râu ria xồm xoàm mắt ngầu đỏ với cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện thì khó mà kể hết. Bọn họ lúc nào cũng sẵn chiếc rựa dài ngoẵng bén ngót trên vai múa một đường thì lim cũng đứt huống chi xương thịt người. Sơn không khỏi rùng mình chỉ mong sớm xong thiết kế để chuồn xa nơi này. Chạm vào bọn này chỉ có nước bỏ xác nơi rừng xanh núi thẳm. Mỗi lần chộ bọn chúng Sơn lại cúi gầm mặt lầm lũi bước nhanh kịp thời biến sau lùm cây rậm nào đó. Cuối cùng vẫn không thoát.

Sơn nhớ đó là lúc đã trưa trà trưa trật anh định quay về lán thì một cánh tay đặt nhẹ lên vai anh. Sơn giật thót người vừa kịp quay lại thì cánh tay rắn như thép bấu chặt lấy vai Sơn níu cứng ngắt. Chỉ kịp thoáng thấy những chùm râu đỏ quạch như râu tôm luộc đôi mắt trắng dã. Và hai vệt sẹo nơi cằm.

– Cán bộ đi khảo sát à sắp xong chưa?

Sơn gật đầu đầy cảnh giác thay cho câu trả lời. Chỉ mong sớm thoát cái bấu vai đau điếng đầy vẻ đe dọa.

– Vào sâu tới đâu thế ? – Gã hất hàm hỏi.

Sơn khoát tay một vòng quanh khu vực Sơn và gã đang đứng.

– Chắc sẽ dừng ở đây!

Gã râu rậm bật cười khùng khục.

– Dừng ở đây thì làm ăn cái đéo mẹ gì hử?

Rồi gã hất hàm phất tay lên chỉ vào phía rừng sâu:

– Phải vào sâu tận trong kia kìa càng xa càng tốt càng sâu càng tốt phải không cán bộ?

Sơn biết mình đang gặp thứ dữ. Và bọn chúng đang muốn gây áp lực với anh. Anh dịu giọng:

– Thì… người ta bảo là như vậy. Hơn nữa đã đủ cho vùng lòng hồ theo yêu cầu của địa phương…

Gã râu rậm quắt mắt nhìn Sơn trừng trừng rồi cười lớn:

– Hà hà vào sâu tới đâu là tùy anh mày đấy hiểu chưa? Liệu hồn mày! Biến!

Lẹ như sóc gã nhanh chóng lủi vào một hóc rừng không còn tí dấu vết chẳng khác bọn ma câykhiến Sơn không kịp phản ứng. Từ lúc ấy Sơn hiểu mình chẳng thể yên với chúng.

***

Đông từng nghe nói nói nhiều về cái vùng thị tứ nằm lọt giữa hai bờ con sông lớn nhất chảy ngang một tỉnh cũng rộng nhất nhì miền Trung này. Còn sâu trong kia là núi. Một vùng cây trái sum sê nhờ tựa vào phù sa của con sông khá dài ấy. Bên cạnh vẻ hiền từ của  dòng sông những vườn cây trái những biền dâu nương bắp những chiếc ghe cắm sào nằm lặng bên bến sông… là sự dữ dằn tiềm ẩn bên trong. Một thời nơi đây là thủ phủ của dân “điệu” – dân “ngậm ngãi tìm trầm“ thời mới. Nhiều giai thoại về thiên hạ đệ nhất kì nam lan truyền khắp hàng cùng ngõ xóm vào đúng những năm tháng khắc nghiệt vì đói rách những ngày hậu chién của những ngày bừng tỉnh sau men chiến thắng vội vã lao vào một cuộc chạy đua mới mong làm giàu trong nháy mắt. Giàu đâu chẳng thấy chỉ thêm bao nhiêu con người đã bỏ thây tận rừng sâu bao nhiêu kẻ thân tàn ma dại. Kỳ nam cũng chỉ là giấc mơ đổi đời hiện lên đâu đó xa vời. Rồi những kẻ buôn trầm giả phất lên nhanh chóng cùng lúc bao nhiêu kẻ sạt nghiệp vì bị lừa. Riết chỉ còn là dư âm phủ lên một thị tứ vốn nổi tiếng nhiều gái đẹp một không khí buồn tẻ chán ngắt cùng với không ít nhan sắc đã tan nát đời qua cơn lốc tìm trầm. Rồi đến phiên cơn sốt vàng. Cứ theo như lời thiên hạ đồn thì vàng có đầu dẫy nơi suối khe sông bãi. Cứ vục xuống dưới đất cát là sẽ có ngay vàng(?). Rừng nương sông suối tan hoang. Những ngày đi điều tra Đông chứng kiến bao tấn bi kịch ụp xuống cái vùng quê nghèo khó từng bao đời che chở những phận đời hẩm hiu sau lũy tre. Chỉ vì một lúc nông nỗi… Lần này là gỗ. Nghe đồn bọn lâm tặc đang bám vào các dự án thủy điện dày đặc đang sắp và sẽ triển khai theo mấy  con sông đầy dốc của miền Trung nhiều giông gió này để tận diệt núi rừng. Mới hai năm làm báo nhưng Đông cũng đủ từng trải để hiểu không dễ gì tiếp cận sự thật ở nơi chốn hùm beo sống cùng rắn rết này. Đông lại phải sắm vai mới cho mình lần này cô sẽ đi sưu tầm văn học dân gian. Đông làm một công đôi việc bởi cô vốn thích văn học dân gian ngay từ hồi đại học và nhất là sau mấy chuyến cùng thầy đi điền dã. Bọn lâm tặc bám vào Sơn còn cô thì ra sức bám vào bọn nó Sơn thì bám vào dự án. Giả dụ Sơn cũng bám theo cô thì khép kín đủ một vòng tròn đầy oan khiên! Nhiều lần bọn chúng úp mở nhắc đến một thằng tóc dài nhưng Đông vẫn không thể tìm ra đó là ai. Nhưng mưu tính mở rộng lòng hồ cho chìm thật nhiều rừng xuống lòng hồ bằng mọi giá không bằng tiền thì bằng thật nhiều tiền như kiểu nói của bọn giang hồ và nếu cần kể cả máu thì cô biết khá sớm. Nên không khỏi rùng mình mỗi lần tiếp cận các đối tượng cộm cán. Đông chông chênh giữa một bên là những văn bản văn học dân gian kỳ thú sưu tầm được một bên là những âm mưu đen tối ngày đêm rình rập nên chẳng đêm nào ngủ yên giấc. Giống như Sơn cô mong sớm kết thúc loạt bài này để “xử” mấy cái văn bản quyến rũ kia. Nhiều lúc quá mệt mỏi Đông muốn bỏ quách cho nhẹ lòng nhưng rồi hình ảnh những nạn nhân của hai cơn bão trầm vàng lại hiện lên trong đầu cô khiến cô không thể nào bỏ cuộc.

* * *

Từ số tư liệu có ở Sơn cùng những tư liệu tự mình điều tra Đông dần dần vẽ nên được mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư chủ rừng đối tác và bọn khai thác rừng. Tất cả xoay quanh bộ hồ sơ thiết kế của Sơn bởi từ đây có thể khai thác rừng bất tận nếu muốn và Đông nhận ra ngay đấy chính là một hiểm họa khó lường. Trước đây Sơn từng đoán biết nên đã hết sức cẩn thận anh cân nhắc từng ly trước khi quyết định và rất kiên quyết với khá nhiều gợi ý mở rộng lòng hồ từ nhiều người có quyền chức chứ không riêng gì bọn mặt rô anh từng chộ trong rừng ngoài quán. Phát hiện được vấn đề Đông rất mừng bởi cô có thể sớm kết thúc cuộc điều tra để dành thời gian chăm sóc Sơn. Và nếu Sơn bình phục sớm cô sẽ tiếp tục cuộc điền dã bị bỏ dở…

Khi Đông từ bệnh viện tỉnh trở lại cô không còn tin ở mắt mình nữa. Từng đoàn xe bò ma chất đầy gỗ quý lao ầm ầm khiến con đường vốn tơi tả càng thêm rách nát bụi đỏ tung mù mịt suốt ngày đêm. Gỗ bỏ lăn lóc khắp nơi: Hàng trăm hàng ngàn khối ở các bến sông các điểm tập kết phía bìa rừng trong vườn ngoài ngõ nơi các nhà dân… Trên con đường đất đỏ lở loét dẫn vào lòng hồ từng đàn trâu oằn vai với những súc gỗ quý hiếm khai thác từ tận rừng sâu được tải ra ngày đêm…

Thì ra người ta đã nhanh chóng thay Sơn bằng một cán bộ kỹ thuật khác và dự án đã nhanh chóng được phê duyệt. Người được chỉ định thầu không ai khác hơn gã mặt sẹo từng nhiều lần hăm dọa Sơn. Tất cả mọi thứ hợp lý đến hoàn hảo trừ bản thiết kế. Và việc chỉ định thầu đầy khuất tất. Cuối cùng ngoài gã tóc dài (đến khi Sơn ngả xuống Đông mới biết gã ấy chính là anh) Đông cũng đã tiếp cận được người bí thư chi bộ già nhà ở gần bến sông. Mọi móc xích sáng tỏ dần… Câu chuyện này thôi không kể nữa.

Sơn bảo bên kia một con dốc khá dài cái vùng mang tên Xóm Đạo hoang vắng không một bóng người nơi dải đất hẹp chạy sát một bên là chân núi một bên là sông trồng toàn thầu đâu phía thượng nguồn kia đã từng là một xóm đạo sầm uất. Họ theo đạo Cao đài hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh đã bỏ làng tiêu thổ kháng chiến và chạy lên đây lập làng mới. Đó là mùa đông năm 1946. Những ngày toàn quốc kháng chiến. Đã từng có trường học bệnh xá nhà giảng kho lúa ruộng nương… cho mấy trăm con người. Sơn cười bảo với cô bên kia dốc không chỉ là rừng xanh núi đỏ đâu cũng chẳng phải chốn sơn cùng thủy tận mà là cuộc sống đấy như cái xóm đạo một thời kia đã từng đầy sức sống. Chỉ tiếc rằng sau một trận dịch dân làng chết gần hết người sống sót bỏ làng rời đi. Vẫn còn dày đặc những ngôi mộ và một tấm bia ghi lại những điều anh kể mà không tin sao?  Thế thì những Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Bỏ quê lên núi lập làng chống Tây… Đông sưu tầm được thì sao nhỉ? Vẫn còn mà… Sau giông bão sức sống lại bừng lên rồi Đông xem…

LÊ TRÂM (QUẢNG NAM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *