Truyện ngắn Ngô Thị Thu Vân: Biển không có lỗi

Nghe tiếng cô Xuân trở mình húng hắng ho, Hải ngồi bật dậy chạy đến bên giường má: “Má dậy rồi hả?”. Cô Xuân mở mắt, gật đầu.

Chuyện người già sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu là chuyện bình thường. Nhưng với Hải, chỉ cần cô Xuân húng hắng ho hay bước chân kéo lê một chút là Hải thấp thỏm lo.

Trong lúc Hải mát xa cho cô Xuân trước khi cô xuống giường, cô nói với Hải: “Chủ nhật này mình đi biển chơi đi!”. Hải bất ngờ dừng tay trước lời đề nghị đường đột của mẹ. Anh ngạc nhiên: “Mẹ nói thiệt hả?”. “Ừ! Thiệt”.

Cảnh đơn thân, vất vả lắm cô Xuân mới lo cho Hải ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp đại học, trong khi nhiều bạn bè chọn Sài Gòn làm nơi khởi nghiệp và phát triển thì Hải dứt khoát về quê với mẹ. Tiếng là quê nhưng Bến Tre không phải gốc gác của cô Xuân.

***

Quê cô là một làng chài nhỏ ven biển miền Trung. Người dân ở đây đa phần sinh ra, lớn lên chỉ quẩn quanh bên chân sóng. Thứ âm thanh quen thuộc của họ khi vừa mở mắt chào đời cho đến khi về với đất là tiếng sóng, tiếng gió mặn mòi vị biển; là hình ảnh đoàn người háo hức đợi chờ thuyền cập bến mỗi bình minh lên, mỗi hoàng hôn xuống; nơi hết thế hệ này sang thế hệ khác cùng biển lớn lên.

Lâu lắm rồi cô Xuân không về quê. Từ những ngày ngư phủ ra khơi bằng con thuyền nan nhỏ với chiếc cần câu đơn sơ, đến lúc vượt trùng khơi trên những con tàu hiện đại hàng trăm mã lực; từ lúc ngư dân lênh đênh cùng con sóng chỉ để mưu sinh đến ý thức được rằng mình phải có trách nhiệm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc; từ những ngư dân bám biển, chịu thương, chịu khó đến một thế hệ tỷ phú trẻ không chỉ sống bằng nghề khai thác, đánh bắt sản vật mà còn biết cậy vào biển để làm du lịch, mang đến cho làng chài màu da thịt mới: khang trang, kiêu hãnh và trù phú.

Nhà văn Ngô Thị Thu Vân

Cô Xuân không về vì ở đó không còn ai, theo cái nghĩa ruột rà máu mũ. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Có những nỗi niềm trắc ẩn cô chưa bao giờ kể với ai. Những ám ảnh khiến cô phải rời bỏ làng chài, rời bỏ nơi cô sinh ra, lớn lên… và trải qua một mối tình tựa biển: êm ả và cuộn sóng, bình yên và bão tố.

Con người biết đến biển và đại dương như là một “cỗ máy” điều chỉnh cân bằng các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết. Không có biển và đại dương, các đại lục sẽ trở thành các sa mạc khô cằn. Biển nuôi sống con người. Biển là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nhạc họa. Biển ôm trong lòng nó biết bao nhiêu điều bí ẩn, kỳ diệu mà con người muôn đời không thể khám phá hết.

Trong chiến tranh, biển còn tạo nên những huyền thoại mà chỉ có con người với lòng yêu nước tột cùng, sự mưu trí sáng tạo, tinh thần quả cảm vượt bậc, sự hy sinh cao cả mới dệt nên. Đó là những huyền thoại về con tàu không số và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Trên con tàu không số vận chuyển 50 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, ông ngoại cô làm thuyền trưởng chỉ huy cùng với 18 đồng chí thủy thủ đang trên đường đi thì bị tàu địch phát hiện bám theo. Chúng cho máy bay quần thảo, thả pháo sáng, rực cả một vùng biển đêm. Tình hình buộc ta phải nổ súng và cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra sau đó. Thêm nhiều máy bay địch được gọi đến yểm trợ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra suốt mấy giờ liền. Nhận định nếu tiếp tục chiến đấu sẽ rất bất lợi, ông ngoại cô thay mặt chỉ huy quyết định hủy tàu. Vẫn theo thông lệ, hủy tàu xong, anh em thủy thủ sẽ bơi vào bờ rồi tìm đường trở ra Bắc.

Không ai biết vì sao khi tất cả vào bờ an toàn thì không thấy vị chỉ huy của mình. Ông đã ở lại trong lòng biển bao la. Câu chuyện tiếp theo của ông là gì chỉ có biển mới biết. Bằng một cách nào đó, tin ông hy sinh được đưa về gia đình, lúc ấy bà ngoại Xuân đã mất. Mẹ cô bắt đầu có thói quen chiều chiều tha thẩn ra biển, ngồi nhìn ra phía xa khơi, trải tầm mắt ngút ngàn về tận phía ranh giới của trời và biển, cảm nhận vị mặn nồng của biển lẫn trong vị mặn của nước mắt.

Bí ẩn đó của biển và cũng là bí mật về ông ngoại của cô mà Xuân chỉ được nghe mẹ cô kể lại sau khi cuộc chiến tranh khốc liệt mấy mươi năm kết thúc. Những hải trình bí mật chứa đầy hiểm nguy, những cung đường trên biển mênh mông trời, mênh mông nước, không hề có vật ngụy trang che chắn, những con tàu mong manh như chiếc lá gối sóng nhấp nhô, sẵn sàng bị nhấn chìm bởi sóng dữ, bão giông hay không may lọt vào vòng vây của địch, hình ảnh ông ngoại cô kiên cường chỉ huy chiến đấu và lặng lẽ chìm vào lòng biển… tất cả lần lượt hiện ra trong trí tưởng tượng của Xuân. Nó làm trỗi dậy trong cô một thứ tình yêu thiêng liêng: Tình yêu Tổ Quốc. Không phải là thứ tình yêu Tổ Quốc giáo điều trong sách vở mà rất rõ ràng, cụ thể tưởng chừng sờ nắm được.

Khi mẹ cô kể chuyện, cô thấy bà giống như một người vừa bước ra từ quá khứ, hơi thở mong manh tợ làn khói, đôi mắt bà vời vợi xa xăm, giọng nói đều đều nhè nhẹ như tiếng giọt sương tí tách trên lá cỏ. Xuân đưa tay áp lên ngực mình, chỗ có trái tim đang thon thót thở, Xuân càng yêu biển nồng nàn, thiết tha và khắc khoải hơn, vì cô biết trong lòng biển kia có hài cốt của ông ngoại cô, người chiến sĩ quả cảm đã hy sinh góp phần làm nên con đường vận tải chiến lược: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cô càng yêu mẹ hơn khi biết từ lâu mẹ cô phải giấu nỗi bất hạnh mất cha vào tận đáy lòng, không như Xuân, mỗi lần nhớ cha, cô tha hồ khóc lóc, kể lể.

Năm Xuân 8 tuổi, làng biển của cô trải qua những ngày thật buồn. Đó là những ngày giông bão dữ dội, con tàu mang theo trai làng đi chuyến đó phần đông đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển sâu, trong đó có người cha thân yêu của cô. Những ngôi mộ gió ở làng biển tiếp tục nối thành hàng dài, những ngôi mộ không hài cốt, những ngôi mộ… trống. Qua bận đó, đi trong làng nhìn đâu cũng thấy đàn bà con nít, người ta cám cảnh đặt cho nó cái tên: “Làng góa phụ” như một cách thi vị hóa nỗi đau.

Rồi trời cũng thôi bảo, trả lại cho biển những ngày tháng bình yên, những con tàu lại tiếp tục ra khơi, những đứa trẻ rũ vành khăn sô lại hồn nhiên lớn lên, mặn mòi và khắc khổ.

Sau bão, căn nhà ven biển của mẹ con cô Xuân hoang hoác, xác xơ. Thế nhưng mất mát, đau thương không làm người đàn bà làng biển ấy ngã gục. Những người đàn bà góa bụa, họ tựa vào nhau, ấm áp và can trường, tự gầy dựng lại cuộc sống với hai bàn tay trắng. Xuân một buổi đi học, buổi vá lưới, cạy hàu, bóc tôm trong khi mẹ cô mỗi ngày từ sớm tinh mơ đã ra chợ phân loại, vận chuyển cá… hai bàn tay tanh tưởi, to bè, xám ngắt. Nét thanh xuân chỉ còn đọng lại thi thoảng trong nụ cười ấm áp của bà.

Tranh của họa sĩ Thùy Vy

Nhưng cuộc sống cho dù có khắc nghiệt đến đâu, cho dù đàn ông làng biển đa phần là chết trẻ, cho dù phụ nữ lấy chồng đi biển luôn bị ám ảnh câu “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”, cho dù có bao nhiêu cái cho dù nữa, thì ở đấy tình yêu vẫn hồn nhiên nảy mầm, sinh sôi và kết trái. Cô Xuân biết yêu. Người yêu của Xuân tên Dương. Dương làm nghề đi bạn cho tàu cá, cũng lâm cảnh con côi mẹ góa, có điều phía sau Dương còn có bốn em nhỏ, trên vai gánh nặng chuyện áo cơm. Xuân không e ngại cảnh nhà Dương nghèo khó bởi cô tin vào sức mạnh vô biên của tình yêu.

Đúng vào lúc đó, khủng hoảng kinh tế ập đến, giá dầu tăng vùn vụt, thêm  bị mất mùa, thua lỗ, thu nhập nghề biển bấp bênh, số tàu cá hoạt động xa bờ giảm dần. Nghề đi bạn không còn nuôi nổi mấy miệng ăn, chứng kiến nhiều lao động đi biển bỏ nghề ồ ạt đi xuất khẩu lao động, tìm kiếm cơ hội đổi đời, Dương bàn với Xuân để anh  ra nước ngoài làm việc một vài năm.

Ngày tiễn Dương ra sân bay, Xuân ngập ngừng báo tin cho Dương biết tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái, một mầm sống đang tượng hình. Trong khi Dương còn chưa kịp đặt tên cho mớ cảm xúc hỗn độn đang diễn ra trong lòng anh là gì để nói cho Xuân biết, thì có tiếng cô xướng ngôn viên thông báo đến giờ máy bay cất cánh. Xuân nhìn theo tấm lưng Dương thấp thoáng trong dòng người, cô không khóc, chỉ cảm thấy buồn và hụt hẫng.

Hết thời hạn 3 năm, Dương báo tin công ty gia hạn cho anh ở lại làm việc thêm hai năm nữa và không một câu nào bảo Xuân chờ đợi. Tất cả những tình huống lấy ra từ trong thực tế đến những suy đoán viễn vông khiến Xuân phập phồng, hoang mang lo sợ, nó lấn lướt và triệt tiêu dần niềm tin mãnh liệt trong cô.

Cho đến một ngày, chút hy vọng mong manh còn sót lại như thể bóng chiều sắp múc cạn ngày của Xuân… phụt tắt. Hôm ấy, có việc ra ủy ban, tình cờ Xuân gặp anh bạn cùng đi chung chuyến với Dương bị trục xuất về nước do hết hợp đồng  trốn ở lại làm chui, bị bắt, Xuân bèn hỏi thăm tin tức của Dương. Quanh co, ngập ngừng mãi, anh ta mới thố lộ chuyện Dương đã có người phụ nữ khác. Hơn thế nữa, đã sống như vợ chồng với cô ta hơn một năm nay.

Xuân bán tín bán nghi, cô gọi cho Dương. Khi nghe Xuân gọi đúng tên người phụ nữ và mô tả đúng nơi “gia đình” họ đang trú ngụ, Dương thừa nhận tất cả. Nhưng để “làm dịu” tình hình, Dương kể lể dông dài rằng là:

Thật ra không phải công ty gia hạn cho anh ở lại làm việc thêm hai năm nữa sau khi hết hạn hợp đồng như Dương đã nói, mà anh trốn ở lại. Trong thời gian lao động ở đây, Dương quan sát thấy ngành xây dựng ở nước này rất phát triển, rất cần lao động làm các công việc chân tay mà người lao động bản địa “chê” không làm. Sử dụng “lao động chui” tiết kiệm được nhiều chi phí nên các doanh nghiệp nhỏ rất chuộng. Dương cũng quan sát thấy nếu mình không vi phạm pháp luật kiểu đánh nhau, cờ bạc hay tụ tập ăn nhậu gây rối trật tự, thì cảnh sát địa phương cũng  “lờ” đi. Dương bèn đánh cược rủi may.

Nói là nói vậy nhưng mang thân phận của một người cư trú bất hợp pháp, lúc nào Dương cũng phập phồng lo sợ, lo bị phát hiện, bị phạt, bị trục xuất thậm chí bị bắt giam. Với vốn tiếng địa phương còn bập bẹ, những ngày đầu Dương gặp không biết bao nhiêu là khó khăn trong việc đi lại, thuê nhà, tìm chỗ xin việc… Nhưng nghĩ đến mẹ và bốn đứa em đang tuổi ăn học, nghĩ đến đứa con trai ra đời hơn hai tuổi vẫn chưa biết mặt cha cùng với con số thu nhập hấp dẫn từ “lao động chui”, Dương quyết tâm ở lại, chịu cảnh sống chui nhủi xứ người tiếp tục cuộc mưu sinh.

Trong một lần đi mua quần áo ở khu chợ của cộng đồng người Việt, qua giọng nói, Dương phát hiện chị Lê chủ shop là người đồng hương với anh bên Việt Nam, quê chị cũng là một làng chài ven biển. Lê lấy chồng từ cái bận con gái Việt lấy người nước ngoài phải qua kỳ “thi tuyển”. Lọt được vào mắt người tuyển chọn, có thể xếp Lê vào hàng con gái đẹp. Nhưng Lê thiệt thà quá, cái thiệt thà của người làng biển, chị không biết sử dụng sắc đẹp của mình như một thứ vũ khí tấn công. Lần hồi, sự tận tụy với nhà chồng, công việc đồng áng vất vả, con mọn bám vây… làm cho Lê ngày càng “xuống cấp”. Chồng Lê ngang nhiên mang về nhà người đàn bà khác, trẻ đẹp ngang cái hồi Lê “trúng tuyển”, họ giành luôn hai đứa trẻ, đuổi cô ra khỏi nhà. Thân lưu lạc quê người đất khách, làm gì trong tình cảnh ấy? Cũng có đôi lần Lê nghĩ đến cái chết, cũng có đôi lần Lê nghĩ đến chuyện về quê, nhưng món tiền hằng tháng mà cô phải dấm dúi gửi về cho gia đình níu chân cô ở lại.

Trong “tứ hỷ” của cổ nhân, “Tha hương ngộ cố tri” được đặt đứng thứ hai sau “Cửu hạn phùng cam vũ”. Có nghĩa với người xưa, đứng sau “nắng hạn gặp mưa rào” thì “xa quê gặp bạn cũ” là một trong bốn điều mừng vui của con người. Lưu lạc xứ người, được gặp một người cùng nói tiếng mẹ đẻ với mình, cùng là người duyên hải miền Trung, lại gặp nhau trong hoàn cảnh Dương đang cư trú bất hợp pháp, rất cần sự giúp đỡ, với anh, cho dù không phải là bạn cũ cũng đâu khác gì “cố tri”.

Những cuộc gặp của hai người ngày càng thường xuyên hơn. Câu chuyện của họ xoay quanh về tuổi thơ, về biển, về làng chài, về nỗi nhớ nhà, về những khó khăn trắc trở trong cuộc sống ly hương… mỗi ngày như giọt nắng nhỏ xuống, nhỏ xuống làm ấm áp nỗi cô đơn của hai người. Nhưng nói một người đàn ông xa vợ vốn là dân đi bạn, lực lưỡng khỏe mạnh đầy sức sống và một người đàn bà đơn thân đang độ chín của xuân thì mà gặp nhau chỉ để tâm sự, chia sẻ buồn vui là thần thánh hóa con người. Từ nhu cầu “giải phóng năng lượng”, họ lần hồi nhận ra trong từng nụ hôn, trong từng hơi thở, trong từng cái ve vuốt, trong từng cơn rùng mình và đổ ập xuống… có một chút tình yêu len lỏi. Chút tình ấy mỗi ngày mỗi dày thêm. Dương bắt đầu theo chân Lê tập tành buôn bán và dọn hẳn về ở nhà chị.

Dọn về sống chung nhà, Dương tận mắt chứng kiến sự vất vả của Lê. Có những ngày trời lạnh thấu xương, Lê vẫn dậy từ hừng sáng để chất hàng, cộ hàng ra chợ. Dương cảm phục nghị lực của chị, sau đó là cảm động bởi cái tình chị dành cho anh có cả sự đùm bọc, che chở và đủ nghĩa hy sinh: Hôm đó, bất thình lình vào đợt truy quét người cư trú bất hợp pháp. Trong lúc bị rượt đuổi, Lê đã đốc thúc Dương bỏ cô lại mà chạy, Lê còn đánh lạc hướng công an cho anh chạy trốn, mặc kệ chị với đống hàng hóa.

Kể lể dông dài nhưng kết thúc câu chuyện, Dương nói thật ngắn gọn: “Anh nợ Lê nhiều quá! Anh xin lỗi em….”. Xuân ngất lịm đi. Tỉnh dậy, bao nhiêu đắng cay tủi nhục cô mang ra thả hết ra biển rồi ôm con xuôi về phương Nam. Từ một người dân làng chài, Xuân trở thành một nông dân thực thụ. Gần hai mươi năm làm thuê làm mướn, cô cũng dành dụm mua được một mãnh đất nho nhỏ, xây một căn nhà tươm tất và nuôi thằng Hải học hành tới nơi tới chốn.

***

Trước lời đề nghị đi chơi biển của cô Xuân, Hải tỏ ra ngạc nhiên đến như vậy không phải không có lý do. Ngày đầu tiên bước chân vào lớp học mầm non, Hải ngơ ngác mãi khi thấy ánh mắt cô giáo nhìn mình nhưng miệng cứ gọi tên: Biển ơi! Biển à. Hải nghĩ mình cũng có hai tên, một tên ở nhà và một tên ở trường như một số bạn trong lớp, nên tập đinh ninh khi đến lớp mình là Biển.

Có vẻ như ở vùng đồng bằng sông nước, tên Biển gợi lên một cái gì đó lạ lẫm, thú vị. Người ta thích gọi Hải là Biển hơn. Chỉ mình cô Xuân là không bao giờ nhắc đến cái tên mà cô đã đặt cho Hải. Chưa bao giờ cô kể cho Hải nghe về quê ngoại – cái làng chài nằm ven biển mà cô đã sinh Hải ra ở đó. Mỗi lần Hải ngỏ ý muốn về quê ngoại, cô Xuân đều nói: “Ở đó đâu còn ai mà về”. Kỳ thật cô không biết gần đây Hải đã nhiều lần lén mẹ ra miền Trung, về thăm làng biển quê ngoại. Gặp lại những người cùng thời với mẹ, khi biết Hải là thằng Biển năm nào theo mẹ đi “biệt tích”, mọi người ai nấy vồn vã mừng vui. Thế là thỉnh thoảng Hải lại giấu mẹ, lại khoác ba lô lên vai đi về phía biển.

Hải không hiểu vì sao mẹ “kỳ thị” biển đến như vậy. Mẹ từ chối tất cả những lần đi du lịch biển, mỗi lần xem phim nhìn thấy biển,  mẹ thường quay mặt đi… Nhưng chiều chiều Hải vẫn thường bắt gặp mẹ đứng dựa cửa sau, ánh mắt mải miết dõi theo con nước ngoài sông cái đang dập dềnh đổ ra cửa biển. Hải biết tận trong sâu thẳm miền ký ức, mẹ vẫn còn dành cho biển một nỗi nhớ róng riết, khôn nguôi.

Sáng nay trước lời đề nghị của cô Xuân: “Chủ nhật này mình đi biển chơi đi!”, Hải bị sự đường đột làm cho đứng hình. Như một người chớp được thời cơ quyết không để vuột mất, Hải reo lên: “Ngày mai đi mẹ, chủ nhật lâu quá. Ngày mai con xin nghỉ phép, mình đi liền nha mẹ! Đi ngày thường không kẹt xe, biển lại ít người, không khí trong lành, tha hồ ngắm biển. Mà mẹ thích đi đâu, Vũng Tàu hay Nha Trang”. Hải nói liền tù tì một hơi như sợ không như vậy thì cô Xuân sẽ đổi ý.

Cô Xuân nhìn Hải, trong một sát na thời gian, cô buột miệng: “Mình về làng chài quê ngoại. Không phải con đã về đó nhiều lần rồi sao?”.

Hai mẹ con họ nhìn nhau, nước mắt lăn tròn trên má. Lần đầu tiên thấy Hải khóc, cô Xuân rướn người đưa tay áo lau nước mắt cho con, cô chép miệng: “Tất cả là do con người, biển không có lỗi”.

NGÔ THỊ THU VÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *