Truyện ngắn Nguyễn Cẩm Hương: Vườn đào chốn biên cương

VHSG- Chiếc xe Ford 16 chỗ ngồi lướt êm như bay trên con đường đèo dốc uốn lượn như một con rắn khổng lồ quấn quanh sườn núi. Cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú cứ choán ngợp trong tôi. Sợ hãi vì ghé mắt dòm qua cửa kính thấy mình như đang bay trên mây, nhỡ một cái thì tất cả sẽ tan vào đám mây trắng muốt như bông kia, nhưng rồi tôi lại tặc lưỡi, chết có số, tội gì không tận hưởng cái cảm giác được bay trên núi rừng thế này. Thật nực cười khi có ai đó nghĩ rằng lần đầu tiên tôi biết đến núi rừng, bởi con đường này đối với tôi đã quá quen thuộc, cả những dãy núi mờ ảo trong sương kia, cả cái thung lũng quanh năm mây trắng xóa như bông này, chỉ khác ngày đó con đường không trơn láng mịn màng như một dải lụa thế này, mà nó gập ghềnh sỏi đá bụi mù vào mùa hạ và nhầy nhụa đất đá vào mùa mưa.

Nhà văn Nguyễn Cẩm Hương

Khi đó tôi là một cô gái rất trẻ, lên dạy ở một trường trung học cơ sở vùng cao ngay sát biên giới Việt – Lào. Công việc dạy học của tôi không bận rộn lắm vì học sinh không nhiều, nhưng tôi lại có chân trong ban chấp hành huyện đoàn, nên có công việc gì của huyện liên quan đến công tác thanh niên, tôi đều có mặt. Lần đó cũng như rất nhiều lần tôi được về dự một lễ khai trương làng văn hóa ở bản Cồng Chiêng, bản của người dân tộc Thái. Sau lễ hội là một bữa cơm liên hoan đậm phong vị ẩm thực người Thái, đó là những mâm xôi ngũ sắc rất bắt mắt, thịt lợn hấp chấm với mắc khén, măng nứa nhỏ như chiếc đũa chấm với vừng rang, các loại rau gia vị của rừng giã với muối ớt tỏi tạo một món chấm với xôi, thơm lừng đến nôn nao cả bụng. Ngày đó có một bữa liên hoan như thế được coi là quá đậm đà. Nhưng khi vào bữa mọi người lại chỉ tập trung vào uống rượu. Rượu bày la liệt trên mâm, các cô gái Thái cứ ôm vò rượu khư khư trên tay, bát của ai vừa vơi đi một chút là đã có cô mang đến rót tràn. Tôi đã đói ngấu, chỉ muốn ăn một lèo cho đã cơn thèm nhưng không thể không cầm bát rượu lên cụng chan chát với những tín đồ lưu linh đang nghiêng ngả chúc tụng. Khi màn uống đã đến hồi mãn khai thì đến hồi thăng hoa của rượu, mà quy luật thế, phải xả cho hết cái khí men chứ không thì nổ bung ra mất. Thế là bắt đầu nghêu ngao hát, là ép nhau phải hát, cũng như ép phải uống rượu, như thế mới là xả hết mình, là moi hết ruột gan cho mọi người thấy, thế mới là người sẵn sàng vì mọi người, là người gần gũi với mọi người… Tôi là cô gái trẻ nhất trong đám khách mời. Thực ra thành phần dự liên hoan chỉ có các vị già làng trưởng bản, cán bộ huyện, cán bộ xã và một số chiến sĩ biên phòng ở đồn gần đó. Tôi là tâm điểm để mọi người ép phải hát, tất nhiên rượu thì tôi có thể từ chối đôi chút chứ hát thì không thể, vì tôi vốn là một giọng ca hiếm hoi của huyện đoàn. Ừ hát thì hát, tôi cũng đang hơi phê phê nên chẳng có gì phải ngại ngần. “Ơ ơ… đầu trời có sao chiều sao sớm, đầu núi kia có ơ hai người, dù đi cùng trời dù đi cuối đất, trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người…hai người yêu nhau…”. Tôi hát như lên đồng, chả biết vì men rượu đã ngấm hay vì ánh mắt đang như lửa cháy của mấy chàng lính biên phòng nhìn tôi như thôi miên. Rồi trong cái đám lửa cháy ấy, có một người bỗng cất tiếng hát hòa vào với tiếng hát của tôi, rất ăn ý, rất ngọt ngào, cứ như chúng tôi là một cặp diễn viên hát đôi đã được tập nhuần nhuyễn. Kết thúc, cả hai vẫn còn chếnh choáng trong âm điệu và lời hát trữ tình, rồi tôi bị hết người này đến người kia đòi hát song ca, rồi tất cả cùng ngêu nghao như đã lên đồng cả lượt. Khi tôi giật mình nhìn ra bên ngoài, bầu trời tối sẫm tự lúc nào. Quay lại kiểm những người trong đoàn của huyện thì thấy đã ngả nghiêng cả, cũng bởi họ là đàn ông, nên bạ đâu nằm đấy, có người đã phanh bụng ngáy pho pho. Tôi lo lắng nói với anh Bí thư Huyện đoàn là đến lúc phải về rồi, thì mọi người ồ lên can: “Thôi để mai về cũng được, mấy khi, đang vui mà”. Bí thư Huyện đoàn giọng cũng lè nhè: “Về bây giờ là bị giận đấy, cô sang ngủ với mấy cô gái bản kia, chúng tôi nằm đây ngủ luôn thôi. Với lại khuya rồi, anh lái xe cũng say quá rồi đi không nổi đâu”. Tôi cũng hiểu rằng không thể về được nữa vì hình như anh ta cũng đang muốn ngủ ngay rồi. Nhưng tôi vẫn muốn về vì tôi thuộc con số quản lý bên trường, thấy tôi chưa về thể nào bác bảo vệ cũng lo lắng lắm, ngày mai tôi còn phải lên lớp, không thể để học sinh mất buổi học. Nhưng từ bản Cồng Chiêng về thị trấn huyện cũng phải mất bốn mươi cây số, mà chẳng có phương tiện gì ngoài cái xe ô tô của huyện. Tôi nhăn nhó bỏ ra ngoài hiên sàn, bần thần đứng nhìn bầu trời tối mịt với những bóng núi mờ ảo, thì một tiếng nói khẽ khàng và ráo hoảnh không chút khê nồng mùi rượu: “Cô giáo muốn về lắm à?” Tôi quay lại, té ra anh chàng biên phòng đã hát chung với tôi ban nãy. “Vâng, tôi không những muốn mà phải về, vì tôi còn phải dạy học sinh vào sáng mai”. “Vậy thì tôi sẽ đưa cô giáo về”. “Bằng cách nào?”. “Chúng tôi có ô tô, cô cứ đợi đây, tôi sẽ về lấy xe đánh đến đây đón cô”. “Mình anh à?”. “Chắc là thế, vì không ai cho đi việc riêng vào lúc này, nhưng tôi thì có thể, cô không ngại chứ”. “Việc gì tôi phải ngại, nhất là đi với bộ đội biên phòng”. Nói thế nhưng tôi bỗng thấy ngại ngần, đi với một người đàn ông trong đêm tối thui thế này giữa rừng sâu. Tôi hay đọc sách báo, có nhiều cảnh nói về sự sàm sỡ của đàn ông khi họ có cơ hội. Từ khi lớn lên xa gia đình, nhất là lại lên một vùng núi xa xôi thế này, mẹ tôi hay dặn phải cẩn thận giữ mình, vì đàn ông rất không làm chủ được bản thân khi họ rơi vào những hoàn cảnh khó cưỡng. Tốt nhất là đừng bao giờ để họ có cơ hội. Thế mà bây giờ, tôi lại đang tạo cơ hội cho một người đàn ông lạ, không biết anh ta có kiềm chế nổi mình không? Nhưng không còn lựa chọn nào khác, tôi đành phác nhanh những phương án phòng thân. Chưa kịp quyết định phương án nào tối ưu nhất thì đã thấy chiếc UAZ đang rù rù tiến lại đỗ sát ven đường, tôi chỉ kịp dặn vội một cô gái đang phục vụ ở đó báo rằng tôi về xe của bộ đội biên phòng, rồi tất tả chạy. Chiếc xe lừ lừ tiến vào bóng đêm, rời khỏi những căn nhà sàn kế bên đường của bản Cồng Chiêng thì như thể lạc vào rừng sâu. Con đường ban ngày rộng rãi thế mà ban đêm như bị rừng nuốt chửng, âm u và mê hoặc, tôi nhìn phía trước, phía sau đều như thấy rừng đang vây chặt, phía trước cũng cây, phía sau cũng cây, cây như lũ quỷ đang hò reo đuổi theo chúng tôi. Cả hai lặng im đến nghẹt thở, chỉ nghe có tiếng rít âm u của gió, tiếng chim bị đánh thức táo tác bay, thỉnh thoảng dọc đường lại phải dừng lại cho một chú sơn dương nghễnh ngãng đi qua, rất may chưa gặp một con thú dữ nào. Tôi đã cẩn thận ngồi hàng ghế sau, nhưng lúc này thấy ân hận quá bởi một sự trống trải cô đơn vây bọc, nên tôi cứ nhoài người lên phía trước. Như hiểu được điều đó, anh lính biên phòng bèn quay lại bảo: “Cô giáo sợ phải không? Lên đây mà ngồi này”. Chỉ chờ có vậy, tôi nhanh nhẹn leo lên hàng ghế đầu sát bên tay lái với anh, lúc này tôi chả nghĩ đến việc anh có sàm sỡ hay không mà chỉ thấy thật vững tâm hơn khi có anh bên cạnh. Thật may là tôi đã ngồi cạnh anh vì bỗng nhiên tôi nghe tiếng ù ù rồi rào rào, cây cối hai bên đường ngả nghiêng như hàng loạt con quỷ dữ bắt đầu tấn công chúng tôi. “Cái gì vậy?”. Tôi hốt hoảng nắm lấy cánh tay anh một cách vô thức. “Sắp mưa đấy, mùa này hay có mưa rừng lắm”. Quả thật, chưa kịp nói hết câu thì trời đã đổ mưa, chiếc cần gạt nước gạt loang loáng mà vẫn không xua được màn mưa, phía trước nhòe nhoẹt không phân biệt được đâu là đường đâu là rừng và đâu là vực sâu. Tôi căng thẳng đến cứng cả người, lẩm bẩm cầu mong cho tay lái của anh vững chắc. Đi thêm một đoạn nữa thì bỗng dưng anh quặt xe vào một bản nhỏ ngay cạnh đường, tôi nín thở chờ đợi mà không dám hỏi anh. Bắt đầu rồi chăng, trời mưa, đường rừng hoang vắng, anh không kiềm chế nổi mình nữa rồi, tôi phải làm sao đây? Trong tay không có một thứ vũ khí nào, à, tôi nhớ ra rồi, đôi dép da quai hậu. Tôi lẳng lặng co chân lên thò một tay xuống lần lần cởi quai dép, khó quá, anh đang mải tìm chỗ quay xe, tôi không để ý đến lời anh nói nữa: “Phải dừng xe ở đây thôi, phía trước đường khó đi, lại có vực sâu, đang mưa to thế này đi nguy hiểm lắm, vào đây trú mưa một lát, tạnh ta lại đi tiếp, mưa có sấm cũng nhanh thôi”. Tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng, nhẩm tính, thể nào đến lúc dừng xe rảnh tay lái, anh ta mới giở trò. Xe đã dừng hẳn, cả chiếc xe đã nép vào một khoảnh sân của một nhà dân gần đấy, tôi cảm thấy yên tâm hơn vì có gì tôi sẽ la to lên và lao vào đập cửa một nhà dân. Lúc này chiếc dép cũng đã tuột khỏi chân và tôi đã cầm nó được trên tay. Tôi bình tĩnh chờ đợi. Anh thả tay lái, ngả người về phía sau vẫn không quay nhìn tôi, trong khi tôi lại quay sang nhìn anh chằm chằm: “Cô giáo hát hay thật đấy, như văn công chính hiệu”. Tôi thở phào. “Anh cũng hát hay chẳng kém, chắc anh tham gia văn nghệ của đơn vị?”. “Cô giáo đoán trúng phóc, tôi cũng là hạt nhân văn nghệ của đồn biên phòng đấy, đơn vị tôi thỉnh thoảng lại tổ chức giao lưu văn nghệ với các bản và các đồn biên phòng khác, hôm nào mời cô giáo lên dự nhé”. Tôi từ từ thả chiếc dép xuống, cảm thấy ngượng ngập với anh: “Cô giáo tên gì nhỉ?”  “Em tên Thanh, còn anh?”. “Tôi tên Tùng”. “Cô giáo quê đâu? Lên dạy trên này lâu chưa?”. “Em quê gốc ở một vùng ven biển, nhưng em sinh ra và lớn lên ở thành phố”. “Con gái thành phố mà dám lên tận vùng sâu vùng xa thế này công tác cơ à?”. “Thì biết sao được, đâu cần thanh niên có mà”. “Chà, đúng giọng của cán bộ đoàn”. “Còn anh?”. “Tôi cũng quê dưới xuôi, ở một vùng đồng bằng”. “Thế mà cũng cắm chốt trên rừng sâu núi thẳm này chưa biết đến bao giờ”. “Thì bén duyên với rừng mà, cũng như cô giáo đấy thôi”. Cả hai chúng tôi cùng cười vang át cả tiếng mưa đang ào ào đổ xuống mui xe. Tự nhiên tôi thấy phấn chấn, không lo ngại chờ mưa bao giờ mới tạnh nữa. Câu chuyện bắt đầu trở nên rôm rả, anh ta thật hài hước khiến tôi cười liên tục. Rồi anh ngừng bặt, và thốt nhiên bật lên một câu hát nho nhỏ nhái bài hát mà chúng tôi vừa hát ban nãy: “Trời chẳng có sao sớm sao chiều, xe ơ chỉ có hai người…hai người…”, tôi đế “hai người ra sao”, “hai người bất đắc dĩ ngồi bên nhau”. Tự nhiên tôi lại thấy không thích câu “bất đắc dĩ”, tại sao lại bất đắc dĩ khi tôi đang cảm thấy rất thoải mái. Còn anh, tôi lén quay sang nhìn anh. Trong bóng tối mờ mờ của tia chớp khi có tiếng sấm, tôi thấy anh thật đẹp đẽ và nam tính. Một nỗi khao khát bùng cháy trong trái tim con gái non nớt của tôi, tôi chợt nôn nao mong sao anh quay sang ôm choàng lấy tôi, tôi sẽ để yên và sẽ áp khuôn mặt nóng bừng vào bộ ngực vạm vỡ của anh, rồi… thế nào nữa nhỉ, rồi đôi môi dầy dầy ấy sẽ áp vào vành môi mỏng manh của tôi, rồi… mồ hôi tôi bỗng toát ra, tim tôi đập loạn xạ. Tôi kìm mình mắm môi, trời ơi tôi là một đứa con gái xấu xa, lại đang muốn gợi mở, muốn giăng một tấm lưới tình ra với anh sao. Nhưng quả thật là tôi đang khao khát anh, một người đàn ông mới quen có vài tiếng đồng hồ. Mưa chợt tạnh như lời anh nói, mưa đúng là vô duyên. Chúng tôi đến thị trấn khi trời vẫn chưa kịp sáng. Tôi cứ dùng dằng chưa xuống ngay để chào tạm biệt anh bằng một lời cám ơn thật ngọt ngào, thật lưu luyến, nhưng anh chỉ chìa bàn tay bắt tay tôi một cách dứt khoát, rồi quay xe về, lao nhanh vào màn đêm âm u.

Cũng phải vài tháng sau, hình như tôi đã quên cái chuyến xe đêm ấy, thực ra thì thi thoảng tôi vẫn nhớ nhưng lại gạt đi và mỉa mai bản thân mình, sao lại cứ vu vơ tơ tưởng đến người ta như vậy. Nhưng đột nhiên, vào một buổi chiều khi tôi đang trên lớp thì nhận ra chiếc UAZ đang đỗ ngoài cổng trường. Chân tôi như không đứng vững nữa, chắc là tôi thẫn thờ lắm, đến nỗi học sinh cũng phải ngạc nhiên và nhao nhao lên hỏi: “Cô giáo ơi, cô làm sao đấy ạ?”. Tôi trấn an học sinh, rồi bảo ra ngoài có chút việc. Tôi lao lại chiếc ô tô, không kịp cho bảo vệ ra mở cổng. Bước ra khỏi xe vẫn chính là người chiến sĩ biên phòng hôm ấy. Trông anh hôm nay thật khác, bộ quân phục với quân hàm xanh rất chỉnh tề, tôi nhận ra anh là một trung tá. Tôi chưa kịp mời chào anh vào trường thì anh đã nói luôn: “Làm phiền cô giáo đang giờ lên lớp quá. Đơn vị tôi sắp tới có tổ chức một cuộc giao lưu với đồn biên phòng bên tỉnh Hủa Phăn, rất đông các chiến sĩ bên Lào sang dự, có liên hoan văn nghệ rất bài bản đấy. Tôi mời cô giáo đến góp vui với chúng tôi nhé. Tôi sẽ đưa xe đến đón cô giáo”. Tôi gật đầu đồng ý mà chẳng biết nói thêm điều gì, vì anh cũng vội vàng lên xe quay đầu về ngay.

Hôm xe đến đón tôi lại là một cậu lính trẻ trạc bằng tuổi tôi, cậu ta nhìn tôi cứ tủm tỉm cười làm tôi phân vân thật khó hiểu. Chẳng để tôi phải hỏi, cậu ta cứ một mạch tuôn ra những điều mà tôi đang muốn biết: “Đồn phó Tùng hôm nay đang bận lắm, vừa phải chỉ huy chỉ đạo tổ chức buổi gặp mặt giao lưu kết nghĩa với đồn bạn lại vừa là diễn viên chính trong buổi văn nghệ đấy, anh ấy hát và thổi khèn hay như con trai Mông vậy. Một thời anh ấy công tác cắm bản của người Mông mà, con gái Mông thích anh ấy lắm, nhưng lúc đó anh ấy đã lấy vợ ở quê rồi”. Tôi nghe đến đó thì thấy đầu óc chao đi chao lại như chiếc xe đang nghiêng ngả qua những đoạn đường gập ghềnh ổ gà ổ voi. Mà sao đoạn đường này xóc khủng khiếp, thế mà cái đêm mưa rừng ấy tôi lại không nhận ra nhỉ.

Tôi đến cũng còn đủ thời gian để vào duyệt khớp nhạc cho buổi biểu diễn văn nghệ. Té ra anh đã đăng ký cho tôi và anh một tiết mục, đó chính là bài hát: “Bài ca trên núi” mà chúng tôi đã có lần song ca ngẫu hứng. Không ngờ ở cái đồn biên phòng giáp cửa khẩu này lại có một buổi liên hoan văn nghệ hoành tráng như vậy. Bên đồn biên phòng của nước bạn Lào cũng cử sang một đội văn nghệ rất lành nghề. Nên các tiết mục văn nghệ rất phong phú. Hôm đó dân các bản lân cận cũng nô nức kéo nhau đi xem rất đông.

Tiết mục của tôi và anh gần như là đầu tiên. Tôi bỗng thấy run vì lo ngại không biết mình có đáp ứng được những mong mỏi của mọi người không, mặc dù tôi cũng đã nhiều lần đứng trên sân khấu, nhưng lần này, sao lạ quá, tôi cứ như không phải là mình. Tôi và anh được hóa trang thành một cô gái Mông và chàng trai Mông trong ngày hội xuân, khung cảnh sân khấu là một vườn đào, những cành đào thật nhưng hoa thì giả vì chưa đến mùa hoa nở. Anh bước ra sân khấu với bộ quần áo dân tộc Mông, vừa nhảy múa vừa thổi khèn điệu nghệ như một hoàng tử của núi rừng. Tôi hát lúc đầu còn run rẩy ngượng ngùng, nhưng chỉ lát sau đã trở nên say sưa, tôi như lạc vào giai điệu của bài hát, đắm say như hai người đang yêu nhau. Có những giây phút chúng tôi hát và nhìn sâu vào mắt nhau, như là đang hát cho nhau nghe, đang nói lên nỗi niềm của nhau chứ không phải phục vụ cho những khán giả dưới hội trường kia. “Rừng chiều có tiếng khèn ai đó, khèn hát lên những lời mong chờ, dù đi về rừng dù đi xuống núi trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau”. Có một phút lắng đọng khi bài hát kết thúc, tất cả hội trường lặng im như tờ, rồi tất cả bùng nổ một trận vỗ tay rào rào không ngớt. Có ai đó còn hét lên: “Hát lại đi, hát nữa đi”, rồi lại một tiếng phấn khích nữa: “Đẹp đôi quá đi”. Tôi bỗng xấu hổ vụt chạy ra ngoài, rồi cứ thế chạy mãi vào một vườn cây ngay sau khu hội trường. Tôi chẳng biết đó là đâu nhưng miễn là được biến vào bóng tối, bởi vì …bởi vì tôi nhận ra trái tim tôi đã thuộc về anh rồi, tôi sợ không giấu nổi niềm yêu đang dâng tràn lên ánh mắt tôi trong ánh đèn sáng lóa. Tôi túm vội một gốc cây mảnh mai nhưng xù xì rồi tựa vào đó, muốn nhờ màn đêm xoa dịu tình yêu đang trào dâng ngập ứ trong lòng. Bỗng hình như có bóng người đang đứng phía sau tôi, tôi giật mình hốt hoảng quay lại. Thì… anh đã đứng ngay trước mặt. Tôi đổ vào anh, áp cả khuôn mặt mình vào ngực anh, và tôi nhận ra đôi tay anh vuốt nhẹ lên tóc tôi, lên bờ vai tôi. Nhưng tôi muốn nhiều hơn thế, tình cảm của tôi trào dâng không thể kìm nén được nữa, tôi ngẩng lên chờ đợi. Chúng tôi hôn nhau, xoắn lấy nhau như cả đất trời đang giông bão. Khi đã tỉnh cơn say, tôi hốt hoảng nhận ra mình đã đi hơi xa rồi, tôi thật có tội với một người đàn ông đã có vợ. Tôi lí nhí nói lời xin lỗi, nhưng anh lại bật cười và lại ôm chặt tôi hơn. Tôi hỏi anh: “Chúng mình đang đứng ở đâu thế này, mọi người liệu có biết không?”.  Anh nói: “Chúng mình đang ở trong vườn đào của đồn biên phòng, đây là vườn đào kết nghĩa, vì toàn là những cây đào của đồn biên phòng nước bạn gửi sang làm quà tặng mỗi dịp Tết đến. Sau Tết anh em lại đem ra trồng ở vườn vì thế mới gọi là vườn Việt – Lào. Những cây đào ở đây rất lạ, vào mùa xuân, lá rất ít chỉ có hoa nở thôi. Đến mùa xuân hoa nở hồng rực cả một khu vườn. Anh em về tết bao giờ cũng có một cành đào thật đẹp mang về làm quà”.

Buổi giao lưu văn nghệ vẫn đang còn rất sôi nổi trong hội trường, nhưng tôi không muốn vào đó nữa, song tôi cũng chẳng có lý do gì để bắt anh phải đưa về, vì ngày mai là chủ nhật. Anh bảo: “Tối nay toàn bộ số khách bên Lào sẽ nghỉ lại ở nhà khách của đồn, em ngủ với mấy nữ chiến sĩ bên Lào nhé”. Tôi gật đầu chấp nhận một cách miễn cưỡng. Nhưng anh hiểu ý, và liền nảy ra một sáng kiến. “Hay là em cứ vào phòng anh mà ngủ, tối nay anh phải trực mà”. “Ngại lắm”. “Có gì đâu, ở đây bây giờ anh là toàn quyền, đồn trưởng đang đi họp ở Bộ chỉ huy dưới thành phố rồi”. Tôi lườm anh, té ra vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm đây. Nhưng quả tình tôi rất sung sướng được vào phòng anh. Anh đưa tôi vào rồi khép cửa bảo “Em thay trang phục rồi nghỉ đi, anh còn phải ra giao lưu tiếp với các bạn Lào”. Một mình trong căn phòng sặc mùi đàn ông, tôi cảm thấy rất khó ngủ, tôi lặng lẽ quan sát những đồ đạc và những dụng cụ sinh hoạt của anh. Từ bộ quân phục treo gọn gàng trên mắc áo, đến chiếc giường với chăn gối thẳng nếp, rồi bàn làm việc với từng cái bút, quyển sổ… cái gì cũng khiến tôi thấy hơi ấm của anh và tôi cảm thấy thân thuộc yêu quý. Tôi chú ý đến một khung ảnh bé nhỏ dựng trên kệ cửa sổ giữa một chồng sách dày cộp. Đó là hình một em bé trai khoảng bốn, năm tuổi nhưng khung cảnh lại như không phải ở Việt Nam, là ai nhỉ, chả lẽ anh lại lấy một tấm hình đẹp để treo sao? Tôi đang bần thần cầm tấm ảnh, thì có tiếng gõ cửa, tôi giật mình lo lắng: chết rồi có người biết tôi đang trong phòng anh thì biết ăn nói làm sao. Tôi mở cửa, lại vẫn cậu lính trẻ ban sáng đưa tôi đến đây. “Chào cô giáo, anh Tùng dặn, chị có cần gì thì cứ bấm vào điện thoại bàn số này là gọi về Ban chỉ huy, anh ấy sẽ ở đó. Còn bây giờ mời cô giáo ra liên hoan với chúng tôi”. “Thôi, tôi xin cáo lỗi, tôi muốn nghỉ, tôi ngại mọi người dị nghị lắm, vì…”. “Đừng ngại, anh Tùng quý cô giáo lắm mà. Chúng tôi cũng ủng hộ mà”, “Sao lại như vậy, anh ấy có vợ ở quê…”. “Chết nỗi tôi quên mất, anh Tùng đã ly dị vợ rồi, mà thực ra, vợ anh ấy bỏ anh ấy để đi xuất khẩu lao động, con trai anh ấy đấy, nhưng vừa rồi vợ anh ấy về đem nó sang Đức rồi”. Tôi trút một hơi thở dài nhè nhẹ như trút một gánh nặng, nhưng chắc cũng không tránh khỏi cái nhìn láu lỉnh của chàng lính trẻ. Đêm đó tôi ngủ ngon lành trong hơi ấm chiếc chăn của anh, và tôi cảm thấy như đang được nằm bên anh.

Sáng hôm sau, anh đưa tôi đi thăm mấy bản người Mông, có một bản tên gọi rất gây sự tò mò, đó là bản Thơm, sao lại gọi là bản Thơm, tên chẳng Mông chút nào. “À vì ở đó người dân trồng một loại cây, mà khi phơi khô đốt lên thì tỏa ra một mùi thơm rất dễ chịu và nó còn có tác dụng khử tất cả những mùi tanh hôi, nên dân bản ở đó, mặc dù cũng rất ít tắm và ở bẩn nhưng cả bản không hề ai có mùi hôi, tên bản là do người Kinh đặt, chứ thực tên của bản này là bản Liềng”. Không ngờ anh rất am hiểu về vùng đất nơi đây, cứ như đây mới chính là quê của anh. Tôi không nhắc gì đến chuyện vợ con của anh. Không gian núi rừng đẹp đẽ và lãng mạn thế này, tôi chỉ muốn hiện diện lúc này chỉ có chúng tôi thôi, chứ không muốn một kẻ nào xâm phạm dù đó là quá khứ. Khi đứng trên một triền núi cao xung quanh vắng ngắt dù là đang ở trên đường cái. Tôi chợt nhớ đến cái lời hát sao nó lại đúng với chúng tôi lúc này thế: “Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người… hai người yêu nhau”, chúng tôi lại cùng hát vang, và hát thật to hai tiếng yêu nhau. Sau nụ hôn đến cháy hai làn môi, anh bảo: “Tết này, anh đến nhà em để ra mắt với bố mẹ em nhé, được không?”. “Tất nhiên rồi”, tôi đáp: “Anh nhớ đến đấy, em sẽ giới thiệu với bố mẹ em trước”, “Quà của anh là một cành đào thật đẹp trong vườn kia, nhà em nhớ đừng mua hoa gì nhé, chỉ một cành đào của anh là đủ”.

Tết năm đó, nhà tôi có vẻ chuẩn bị nhiều thứ vì tôi báo là sẽ có khách, mẹ tôi không hỏi nhiều, chỉ biết tôi giới thiệu là một anh chàng sĩ quan biên phòng, là mẹ tôi mừng vì đó là người mà tôi có thể lấy làm chồng, vì dẫu sao bà cũng lo tôi bị ế, khi phải đằng đẵng chốn thâm sơn cùng cốc chưa biết đến bao giờ mới xin được về xuôi. Nghe nói sẽ có một cành đào thật đẹp chốn núi rừng, mẹ tôi đã mua một chiếc bình rất to để sẵn ngay giữa nhà. Và trang trí xung quanh như thể đã có cành đào rồi. Tôi chờ trong nỗi hồi hộp và hạnh phúc, nhưng đến ngày 30, tôi bắt đầu sốt ruột và ấm ức, cả nhà tôi nhìn tôi với con mắt thông cảm và ái ngại làm tôi rất bực. Chiều 30 tết, tất cả các căn nhà trong phố đều đã dọn dẹp hàng quán và đóng cửa để ăn bữa cỗ tất niên. Tôi không dám đóng cửa và ra ngoài đứng ngóng. Đúng lúc đó thì có một chiếc xe tải đang đi từ từ lại phía nhà tôi, cậu lính trẻ đang thò đầu ra hỏi thăm, thì tôi đã reo lên sung sướng. Nhưng bước xuống xe chỉ có cậu lính trẻ lôi từ trong thùng xe ra một cành đào to tướng được bọc bằng một tấm ni lông lớn. Nụ li ti chi chít trên những cành nom khô khan như một que củi. “Anh Tùng không về được”, cậu lính trẻ nói với tôi sau khi cắm cành đào vào lọ hoa trong nhà tôi, làm mẹ cứ xuýt xoa, và tưởng cậu lính trẻ là người ấy nên cứ nhìn cậu ta với ánh mắt lung linh thiện cảm. “Tết này anh ấy phải trực, khoảng mùng 10 mới được nghỉ, năm nay vùng biên giới có nhiều điểm nóng, anh ấy không thể bỏ được, cả anh em chúng tôi cũng không được nghỉ, khoảng sau Tết mới thay phiên nhau nghỉ. Tôi được lệnh mang cành đào đến cho những gia đình mà anh em không về được.

Không ngờ cái tết năm đó lại là một cái tết buồn nhất trong nhà tôi, vì sự lỡ dở, hụt hẫng. Còn tôi chẳng thiết gì đến không khí tết nữa. Tôi ở nhà cho phải phép và chờ đến mùng bốn là xin phép bố mẹ trở lại trường. Cả nhà tôi không ai cật vấn. Tôi bắt xe ca đi lên miền ngược trước rất nhiều con mắt ngạc nhiên của bạn bè, nhưng được sự cảm thông của gia đình. Tôi vào trường như một kẻ dở hơi vì không có một ai ngoài bác bảo vệ già: “Cháu bỏ quên cái gì sao mà lên sớm thế, có quay về nữa không?”. “Không, cháu lên đây là có chút việc, ngày mai bác gọi cho cháu cái xe ôm nhé, cháu muốn đi lên bản Cồng Chiêng”. Tôi phải cắn răng để chi ra một số tiền đắt gấp đôi ngày thường mới điều nổi một tay xe ôm chuyên nghiệp ở thị trấn. Anh ta tinh ranh nói với tôi. “Yêu bộ đội biên phòng thì phải chịu khổ là đúng rồi còn lăn tăn gì”. Tôi vác một túi to bánh chưng, mứt kẹo từ nhà đi để làm quà cho anh và anh em trong đơn vị, chắc mẩm họ sẽ mừng lắm đây. Nhưng đến nơi, điều làm tôi muốn ngất xỉu là anh vắng nhà. Tôi được một số anh em trong đồn đón tiếp rất niềm nở. Họ bày ra cũng đầy bánh chưng, bánh kẹo còn ngon hơn cả thứ tôi mang đi. Nhưng họ vẫn cứ xuýt xoa bảo là để dành cho anh về ăn. Tối đó họ cho tôi được ngủ trong phòng của anh. Tôi lại nằm trên chiếc giường vẫn nồng nàn hơi thở của anh, nhưng lòng tôi thấy cô đơn trống vắng. Tự dưng tôi thấy thương mình, tôi cứ như cọc đi tìm trâu, lặn lội thân gái vượt hơn trăm cây số lên đến đây chỉ để vẩn vơ ngồi một mình đợi và đợi trong nỗi trơ trẽn vô duyên thế này. Hết một ngày hôm sau anh vẫn chưa về, tôi nghe loáng thoáng tiếng những người lính trao đổi với nhau, hình như đang có một đợt truy kích bọn buôn hàng trắng đang qua biên giới. Chưa biết đến bao giờ mới xong. Thế là rõ rồi tôi không thể đợi thêm được nữa. Tôi đề đạt nguyện vọng muốn về, những người lính tranh nhau nài nỉ tôi ở lại, nhưng tôi vẫn nhất quyết, khiến họ buồn thỉu và lại tranh nhau muốn đưa tôi về bằng xe máy, nhưng tôi bỗng giận dỗi từ chối.

Bản Cồng Chiêng đây rồi. Thực ra thì tôi không hề nhận ra, mà chỉ do người lái xe thông báo để tôi xuống. Tôi không khó khăn lắm để hỏi thăm và tìm đến đồn biên phòng ngay gần bản. Nhưng tôi chợt phân vân, để làm gì nhỉ, đã 20 năm rồi, chắc gì anh còn ở đó, và nếu còn chắc gì anh đã muốn gặp tôi khi chính tôi đã là người đánh cắp trái tim của anh và ném nó đi một cách không thương tiếc. Chắc anh đã buồn và hận tôi lắm. Cái hôm gặp nhau cuối cùng của mùa hè năm ấy khi tôi đến tạm biệt anh để về nghỉ hè, chúng tôi cũng đã đi với nhau trên con đường này. Anh đã bất chợt ôm chầm lấy tôi, nhưng cũng lại bất chợt buông tay khi nhận ra tôi cứng đơ trong vòng tay anh. Tôi cũng phải dằn lòng để nói với anh rằng: “Có thể năm học tới em không trở lại trường nữa, vì… gia đình đang xin việc cho em ở thành phố. Anh có bao giờ trở về thành phố làm việc không?”. Tôi nhìn anh như cầu khẩn và thấy anh thật sự đau khổ, anh im lặng, một sự im lặng kéo dài cho đến tận bây giờ.

Đứng trước cánh cổng sắt có anh lính gác trẻ măng bồng súng đứng nghiêm trang, tôi lại cảm thấy bỡ ngỡ như đến đây lần đầu: “Cô tìm ai trong đồn phải không, là ai để cháu báo ra tiếp”. “À, tôi…tôi hỏi cậu Linh…còn ở đây không?”. “Linh nào ạ, Linh kều hay Linh trưởng đồn”. Ô, cậu Linh ngày xưa dáng thư sinh bé nhỏ kia mà, chắc chắn không phải Linh kều rồi. Chả lẽ cậu Linh hồi ấy đã là trưởng đồn rồi sao, thế còn anh?

Linh xuất hiện trước mắt tôi với vẻ mặt hết sức vui mừng nhưng cũng thoáng chút ngỡ ngàng. “Trời ơi chị, nghe cậu lính tả, em đoán ngay là chị. Sao đến giờ chị mới quay lại, em đã chờ… à chị lên đây bằng gì, có vất vả không?”. “Tôi đi xe của cơ quan lên huyện công tác, đoàn đang ở nhà khách của huyện, tôi tranh thủ bắt xe lên đây, bây giờ đã có xe khách lên tận bản Cồng Chiêng rồi”. “Nói chung, so với hồi ấy thì bây giờ trên này thay đổi nhiều lắm. Tuy nhiên, con người thì vẫn thế thôi”. “Thế là thế nào, như Linh bây giờ đã là trưởng đồn rồi”. Tôi tưởng Linh sẽ cười sung sướng, nhưng Linh lại im lặng và khuôn mặt trĩu nặng như một đám mây giông. Tôi bỗng thấy hoang mang và linh tính một điều gì đó không lành nên không dám hỏi đến anh, lòng tôi cồn cào như lửa đốt. Anh đang ở đâu? Câu hỏi vẫn hối thúc trong tim tôi, nhưng hình như Linh cũng đang muốn chờ tôi nói một điều gì đó. Đúng rồi, tôi là người gây ra nỗi đau cho anh, tôi phải nói một lời xin lỗi trước: “Linh này, tôi thật có lỗi, tôi không xứng đáng với anh Tùng đúng không? Hôm nay tôi muốn lên đây là để nói với anh một lời xin lỗi, dù rất muộn rồi, nhưng tôi phải nói, có thể anh không tha thứ cho tôi. Rất tiếc là anh lại chuyển đi nơi khác rồi phải không, Linh có thể giúp tôi gặp anh, hoặc chuyển lời giúp tôi tới anh”. “Trước kia anh ấy vẫn ở đây, nhưng vài năm trước, người nhà đã đưa anh ấy về quê rồi”. “Cái gì? Anh Tùng đã…”. “Ô, thế chị chưa biết gì sao? Anh Tùng đã hy sinh gần chục năm rồi, trong một lần truy bắt bọn buôn bán thú rừng quý hiếm. Anh mải đuổi theo bọn chúng trong đêm tối nên sa xuống vực. Chúng tôi đưa anh về trong tình trạng bị thương nặng. Trên đường đến nơi cấp cứu anh đã tắt thở, lúc đó tôi ngồi bên anh, dù đang đau đớn, anh vẫn cố nói với tôi rằng hãy cho anh nằm lại vườn đào của đơn vị, đó là lời trối trăng duy nhất của anh trước lúc ra đi. Đơn vị đã làm theo đúng ước nguyện của anh, cứ nghĩ anh không muốn xa anh em, xa đồn biên phòng, nhưng chỉ có tôi là biết vì sao anh muốn nằm lại ở vườn đào.

Linh dẫn tôi ra vườn đào thăm lại ngôi mộ trước đó anh đã nằm, trao tôi nén hương rồi lẳng lặng đi vào để mình tôi ở lại. Tôi thắp lên ngôi mộ không có anh, nhưng hình như anh đang nhìn tôi bằng trăm nghìn con mắt lá của cây đào đang rung rinh như cười với tôi, nụ cười vẫn tươi xanh và bao dung thuở nào.

            NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *