VHSG- Tháng 7, gió về nhiều vô kể, gió lật tung trên từng thửa ruộng cày bỏ ải chưa kịp vào mùa. Gió xoáy lá khô khốc từ những soi bắp nghe hăng hắc trong chiều. Mảnh đất này thiệt lạ, không rộng không hẹp nhưng khum khum một dải vắt ngang sông với ngày tiếp ngày đón gió. Chị hai thường thở dài với những mùa gió về như thế…

Ngày kia là giỗ họ, chị hai sắp sửa đi chợ huyện cùng dì tư. Cứ nghĩ đến lúc bước qua cái cửa hàng có biển hiệu sơn xanh là đôi chân chị hai líu ríu. Mà có phải lần đầu chị đi qua, lần nào cũng có cảm giác mọi người đang nhìn ngó, để ý, bàn chuyện cứ y như họ biết, họ hiểu, họ đi hết trong tim gan chị. Hơn 40 tuổi đời, chị ba kém hai tuổi, cứ nghĩ hai chị em ở vậy lỡ tuổi già cũng có nhau. Có lúc chị hai ước giá như không có những mùa gió về như thế để lòng không chống chếnh…
Cả buổi chiều len trong đám sen, chọn những búp sen thon tươi nhất, ủ trong những chiếc lá xanh ngăn ngắt, cả vạt áo chị ướp hương sen. Gió về nhiều, sen rụng cánh lả tả khắp mặt hồ, chị hai cứ tha thẩn chẳng muốn về. Sen cuối mùa mang nét buồn nhè nhẹ của sự níu kéo thời gian. Nó gợi nhớ, gợi buồn gợi thương và dường như đánh thức những điều tưởng chừng ngủ quên trong chị. Cả đời dì tư len trong đám sen cho kịp những buổi chợ phiên, rồi chị hai, chị ba cũng thế. Ba người đàn bà neo nhau trong căn nhà gió nhiều hơn nắng, sự lặng im nhiều hơn tiếng nói và những ánh mắt ngơ ngác với chiều.
Mẹ gọi tôi về với giọng đầy ái ngại khi nói chuyện chị hai. Tôi mường tượng ngay ra cảnh dì tư chân thấp chân cao chạy sang mẹ, nước mắt ngắn dài nhỏ to chuyện chị. Đời dì tư hai lần hy vọng để rồi chỉ nhận lại cả ngàn buổi chiều nghe mái phên xạc xào tiếng gió. Dì từ yêu thương chờ đợi chuyển sang căm hận đàn ông. Lạ thay, sự căm hận đó không lây truyền sang chị hai chị ba. Cứ nhìn ánh mắt buồn trong của chị mà thấy thương thương, sấp ngửa nửa đời người mà sao vẫn trẻ thơ một lẽ…
Tôi có cảm giác bất an trong lòng, mua vé tàu chuyến sớm nhất để sáng ra ga. Biết tôi thân chị từ nhỏ, hơn hết dù tôi chỉ làm chân nhân viên phố huyện song đối với dì tư, đó là cả một niềm tự hào dòng họ. Cũng bởi thế nên dù là con gái nhưng chuyện gia đình dì đều nhờ gọi tôi về bằng được.
Chị hai gần như câm lặng cặm cụi dưới bếp lo sắp cỗ. Nhà trên, những mâm lớn mâm bé, nào cụ nào ông, chú lớn chú em… tất cả được sắp xếp lớp lang thứ tự theo ngôi vị thứ chi, và chủ đề được bàn đầu tiên là của chị. Đàn ông gia tộc vẫn còn đậm một lễ nghi gia trưởng, và hạnh phúc của chị bỗng chốc trở thành thứ nhẹ không, đem ra phán quyết mà không cần biết đến chị. Tôi bỏ về khi còn chưa tàn cỗ. Với những người lớn tuổi, tôi như một sự nổi loạn, mẹ phải đẩy đưa lấn át tôi mấy lần để xoa dịu mâm trên vì sợ mắc lỗi với dòng tộc. Mẹ về làm dâu bấy nhiêu năm cũng đủ để học cách lắng nghe và an phận, phụ nữ ngàn đời, con dại cái mang nên chẳng thể buồn trách mẹ. Tôi đi qua bếp rồi vội vã quay đi khi thoảng thấy mắt chị ráo hoảng vô hồn rồi lại ầng ậc nước, kìm nén tủi hờn. Thấy thương chị, cả chị ba và cả dì tư nữa, những người đàn bà như hồ sen mùa đông tàn lặng.
Tôi cũng biết người đàn ông của chị vì đã mấy lần mua đồ ở cửa hàng có biển hiệu sơn xanh ấy. Đó là người đàn ông vợ bỏ với hai mặt con. Hai đứa con gái chưa tròn 10 tuổi nhưng nét mặt lúc nào cũng cong cớn khó chịu, khác hẳn gương mặt trầm trầm của người đàn ông.
“Thiết gì tuổi này rồi còn vận vào cho khổ cực thân…”
Dì tư nằm liệt sau mấy ngày khóc lóc và gần như khước từ đứa con rứt ruột đẻ ra, chị hai cũng nước mắt ngắn dài. Chị biết đi đâu bây giờ khi quanh năm chỉ quanh quẩn hồ sen và đôi phiên chợ huyện. Đôi chân trần khô nứt đất, đôi bàn tay gầy và vạt áo nâu đượm sen chưa bao giờ vướng nhiễu thị phi của chợ đời giờ lại đèo bòng thêm một sinh linh mới, chị biết đi đâu bây giờ.
Tôi ném trả hết những áo khăn trẻ con ngay trước cửa hiệu giờ vãn khách. Cũng chẳng phải ngại ngùng mà chỉ sợ thiên hạ quen thói tò mò sẽ xoáy thêm vết thương lòng chị. Người đàn ông bạc nhược chỉ cúi gằm mặt rồi lại cuống cuồng vì tiếng gọi gắt gỏng của người vợ cũ với cái bụng gần vượt mặt phía sau nhà. Thấy thương chị hai hơn bao giờ.
Hai người đàn bà gần như chuyển dạ cùng một giờ. Người phụ nữ kia sinh mau hơn và vẫn là con gái. Chị hai không kêu la một tiếng dù hơn hai giờ trôi qua vẫn chưa động tĩnh. Tôi thấy lạnh nơi sống lưng và vò rát bàn tay trước cửa phòng hộ sinh. Hình như người đàn ông kia cũng vò bàn tay bứt rứt nhưng gặp phải ánh nhìn sắt lạnh của tôi nên lảng đi, không dám tiến gần hơn về phía chị. Ca sinh khó, hình như có tiếng gọi thân nhân, hình như tôi run run ký vào tờ giấy cam kết cho mổ, hình như tôi có nhìn thấy gương mặt nhợt nhạt nhưng thanh thản lạ kỳ của chị hai…
Tôi đặt mấy bông sen trắng lên mộ chị và cả những gương sen non cho đứa bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Dì tư không cho chị ba hái sen xuống chợ nữa, bảo cứ để dành cho đượm hương đến hết mùa chờ chị hai về. Tôi khấn cho người đàn ông ngủ quên nào đó sẽ đón chị về trong yêu thương, kịp lúc mùa sen chưa tàn hết. Năm nay dường như đông về sớm hơn, sen tàn muộn hơn trong tiết trời gợn nhẹ. Tôi lên tàu cũng vào buổi sớm mà lòng dịu vợi, cố gói ánh nhìn thanh thản cuối cùng của chị và tựa hồ thấy đã hóa thành ngàn vạn bông sen trắng trên mặt hồ…
NGUYÊN HẬU