Truyện ngắn Phạm Thanh Thúy: Trong rượu không có độc

VHSG- Hôm nay Dũng trở về.

Chúng tôi xa nhau đã khá lâu, Dũng nói lần này trở lại sẽ ở bên tôi mãi mãi. Tôi đã nhớ anh rất nhiều. Mỗi lúc nhớ anh, tôi ngắm khóm hồng trắng trước hiên nhà. Với tôi, hoa hồng trắng mới là biểu tượng của tình yêu.

Tôi yêu Dũng. Dũng yêu tôi. Chúng tôi yêu nhau. Vì tôi, Dũng đã trồng trước cửa nhà tôi một khóm hoa hồng trắng. Khi ấy anh mới đến, còn nhỏ tuổi mà khuôn mặt già xọm như một người đàn ông trưởng thành khắc khổ. Cha tôi bảo Dũng là đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, đánh cắp gia đình. Cha mẹ ly hôn và anh sống với dượng ghẻ. Nói chung, những gì liên quan đến “ghẻ” luôn mang lại những ám ảnh khủng khiếp. Dũng cũng không ngoại lệ, và thế là Dũng đến làng Hạ, sống trong gia đình tôi, trồng trước cửa nhà tôi một khóm hồng trắng. Tiếc là hôm nay anh trở về, khóm hoa không nở một bông nào.

Nhà văn trẻ Phạm Thanh Thúy

Tôi chuẩn bị một chai rượu đặc biệt. Nó được làm ra chỉ để dành cho những cuộc hội ngộ. Cha tôi bảo uống rượu này trong những cuộc hội ngộ sẽ khiến người ra đi không quên người ở lại, người ở lại sẽ không quên người ra đi.

Vậy có loại rượu khiến người ta quên không? Cha tôi bảo có chứ, đã có thứ này tất phải có thứ kia. Nhưng rượu uống để nhớ và rượu uống để quên không phải tự nó sinh ra trên đời, là do người ta làm ra. Rượu cha tôi làm ra có phải thần tửu không? Không. Nó đơn giản là được làm ra bởi cha tôi, và cha tôi đặt tên cho nó, như đặt tên những đứa con để phân biệt đứa này với đứa khác. Nó có thật sự khiến người ta uống vào là nhớ hay quên không? Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ uống hai thứ đó. Chỉ có điều, rượu cha tôi nấu khiến người ta đã uống một lần là không thể không uống lần thứ hai. Có những người suốt mấy chục năm trời chỉ uống rượu cha tôi nấu. Không phải cha tôi là người duy nhất ở làng Hạ nấu rượu. Cả làng Hạ nấu rượu. Làng Hạ lúc nào cũng như ủ trong hơi men.

Dũng đến với gia đình tôi và được cha tôi hứa sẽ truyền bí quyết nấu rượu do ông tự tìm ra và giữ kín. Cha tôi muốn anh lo cho tôi suốt đời khi các chị gái tôi đã yên phận nhà chồng. Lẽ ra, cha tôi có thể làm giàu, vì bí mật nghề nghiệp ấy. Nhưng nhà tôi nghèo, và vẫn nghèo. Nghèo đến nỗi một hôm mẹ tôi đi bán rượu và không bao giờ quay về nữa. Cha tôi ngồi trên vành một chiếc lu to tướng bỏ không, bảo cha lỡ để mẹ uống nhầm rượu lãng quên rồi…

Rượu lãng quên cha tôi để ở đâu? Tôi chưa một lần nhìn thấy nó. Nhưng rượu đoàn tụ thì cha chỉ cho tôi xem. Lúc tôi chào đời, cha chôn xuống đất một chum rượu, nói khi nào con gái lấy chồng, hoặc bất cứ khi nào con gái cho là cần thiết (vấn đề phải là chuyện vui) sẽ mở chum rượu đó uống mừng. Chuyện này không lạ, các chị gái của tôi đều được cha làm như thế, cả làng Hạ đều làm như thế. Cái Nụ hàng xóm nhà tôi cũng được cha nó chôn cho một hũ rượu, dù nó lớn lên chẳng được bình thường.

Song vào ngày cha chỉ cho tôi vị trí của chum rượu cất sâu dưới lòng đất, cha bảo điểm khác biệt lớn nhất mà chum rượu của tôi so những chum rượu của các chị tôi và những cô gái khác trong làng, chính là rượu đó sẽ khiến tôi và chồng (tương lai) gắn với nhau suốt đời, không cách nào làm lìa xa được.

Tôi có ngốc để tin vào điều đó không? Tuyệt đối không. Vì nếu làm được thế thì cha đã không mất mẹ, mẹ sẽ không giống như phần lớn đàn ông, đàn bà làng Hạ, uống nhầm rượu lãng quên mà đi không trở lại. Làng Hạ hiếm có gia đình nào tròn vẹn, hoặc đàn ông, hoặc đàn bà đi bán rượu và lạc gia đình, có thể là quên mãi mãi. Làng Hạ nấu rượu đã trên 200 năm, người làng Hạ đi bán rượu tứ xứ, và cũng nhiều người tứ xứ đến làng Hạ rồi ở lại, giống như Dũng.

Dũng ôm trong tay bó hoa hồng trắng, mà từ xa về, trông chúng bớt đi vẻ tươi tắn tinh khiết. Khuôn mặt Dũng rạng ngời. Khuôn mặt tôi yêu dấu.

“Anh mang hoa cho em đấy”.

Dũng trao hoa cho tôi, rồi tiến đến bàn thờ, lôi trong ba-lô ra một túi hoa quả. Dũng thắp hương cho cha tôi. Hồi còn sống chung với chúng tôi, anh vẫn gọi ông là cha, giống như tôi vậy.

Cha tôi tìm thấy Dũng ở gần chợ thị trấn, nơi mà những chuyến xe khách bắc nam thường ghé qua nghỉ ngơi ít phút, khi Dũng, với khuôn mặt già xọm như một người đàn ông khắc khổ lắp trên cái cổ và một thân hình trẻ con, đang lễ mễ bê những chồng bát to trong quán phở. Dũng cũng từ trên một chuyến xe bắc nam như thế đến thị trấn này. Cha tôi thương cậu bé có khuôn mặt quá già trước tuổi kia, và ông từng khao khát có một đứa con trai nối dõi. Thế là Dũng về với cha tôi.

Tôi bày hoa hồng trắng, quả và rượu lên bàn. Tối nay trăng lá lan huyền ảo vắt ngang ngọn tre đầu làng. Trăng hạ tuần, khi chúng tôi còn nhỏ, thường thức rất khuya để ngắm trăng lặng lẽ trôi qua bầu trời, trong hương cau lộng ngát và hương men rượu đượm nồng. Hồi ấy cái Nụ hay sang chơi và ngủ quên ở nhà tôi, hai đứa tôi ngủ ở đầu hè. Cái Nụ thường bảo trong đêm có người gọi tên nó. Cha tôi bảo là ma gọi đấy, đừng bao giờ thưa, nếu thưa là ma bắt mất hồn, sáng ra chỉ còn là cái xác lạnh cóng mà thôi.

Tôi ngắm khuôn mặt rạng ngời của Dũng. Có lẽ anh là người kỳ lạ, càng trưởng thành thì khuôn mặt càng trẻ ra, cứ như anh đang sống ngược. Anh cũng ngắm khuôn mặt tôi, dưới ánh trăng yếu ớt mà tôi đã cố gắng cảm nhận khi những ánh điện trong làng đã dần tắt bớt. Tôi rót chén rượu đầu tiên, ánh sáng yếu làm tôi vụng về rót tràn ra ngoài. Dũng đã có 15 năm nấu rượu cho cha tôi, anh không lạ gì mùi của rượu sẽ cho biết vị của nó như thế nào. Anh khẽ bảo tôi:

“Rượu ngon đừng nên lãng phí”.

“Anh đã uống rượu này bao giờ chưa?”.

“Chưa, nhưng đây là một loại rượu đặc biệt”.

Tôi không nói đây là rượu mà cha tôi nấu dành riêng cho tôi. Cha mong tôi hạnh phúc.

Tôi và Dũng có quá nhiều kỷ niệm đẹp, chúng tôi đã sống bên nhau 15 năm, rất dài cho một tình yêu. Tôi tin là như vậy.

Dũng nấu rượu 15 năm với cha tôi, và cha tôi có truyền cho anh bí quyết như ông đã hứa hay không, tôi không biết. Ngày cha tôi mất, Dũng không có mặt. Cha không nhắc một lời nào tới Dũng, ông chỉ nhìn tôi thở dài, nước mắt lăn ngang thái dương, làm ướt đầm mớ tóc bạc bết hai bên vành tai. Cha tôi khóc, không biết vì thương tôi, thương mẹ tôi, hay đau lòng vì Dũng. Tôi không biết.

Dũng không giải thích cho tôi biết anh đã đi đâu vào những ngày tôi chịu tang cha. Anh cũng không nói anh có làm gì có lỗi với cha tôi không. Anh chỉ rất buồn. Buồn đến nỗi tôi có cảm giác nếu mất tôi, anh sẽ không buồn đến thế.

Chúng tôi có rất nhiều khoảng thời gian ngọt ngào bên nhau, và cả những xa cách. Bây giờ anh đã trở về bên tôi đây, với nụ hôn ngọt ngào đúng nghĩa của sự cách xa được đáp bù. Tôi và anh hôn nhau ở hiên nhà ngập ánh trăng mờ. Tôi nhớ những ngày còn niên thiếu.

“Dũng à? Nếu trong rượu này có độc, anh có hận em không? Có vui lòng chết cùng em không?”.

Dũng vuốt tóc tôi, tóc tôi thơm mùi rượu. Từ lâu, con gái làng Hạ tóc đứa nào cũng thơm mùi rượu.

“Nhưng tại sao chúng ta phải chết, trong khi cuộc đời này rất đáng sống?”.

Từ bao giờ Dũng cục mịch và thất học của tôi có thể nói những lời như trong phim thế nhỉ? Tôi dụi đầu vào vai anh. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Dũng đã về bên tôi, sẽ ở bên tôi mãi mãi, vì rượu hạnh ngộ này như một thứ bùa mê, khiến người ta cùng uống với nhau sẽ không thể nào quên nhau được.

Nhưng tôi có nên nói với anh điều đó không? Rằng thứ rượu này sẽ khiến người ta không thể quên nhau, khiến người ra đi sẽ sớm trở về. Bí quyết nấu rượu của cha tôi là gì vậy? Có phải là để nấu được những chai rượu như thế hay không? Ông có truyền cho Dũng như đã hứa hay không? Để giữ chân anh, để anh lo lắng và yêu thương tôi suốt đời…

Tôi không biết.

Khuôn mặt Dũng ngời ngời hạnh phúc. Trong rượu không có độc. Hoặc nếu có độc thì cũng không khiến người ta chết nhanh được. Tôi biết cha không đời nào hại con gái mình chết vào ngày nó hạnh phúc và bình yên như thế. Như đêm nay.

Tôi đã tựa đầu vào vai Dũng suốt khuya, khi anh tựa lưng vào tường và ngủ. Trái tim anh đập dịu dàng trong lồng ngực. Anh không biết là tôi đang khóc. Người ta chỉ khóc như thế trước những mất mát mà thôi. Trong rượu không có độc, cũng chẳng có bùa mê, vì nó còn có ý nghĩa gì khi người ta không thể quên nhau mà trong lòng lại không muốn nhớ…

Ngày mai tỉnh giấc, có thể Dũng sẽ giống như mẹ tôi, lại bước chân đi và lạc lối về. Tôi có thể đã lấy nhầm rượu lãng quên, hoặc cha tôi đã giấu nhầm dưới lòng đất một hũ rượu lãng quên.

Tôi nhìn sang nhà cái Nụ. Nó đã đi lạc với cái bụng rất to. Không người nào trong làng Hạ nhận đã làm điều đó với nó. Có một lần, khi còn nhỏ, tôi không nhớ mình nằm mơ hay là có thật, trong giấc ngủ ngoài hiên, quả nhiên tôi nghe thấy tiếng ai gọi Nụ. Tôi mở mắt, thấy một cậu bé đang ngồi bên Nụ, say sưa nhìn nó ngủ, như thiên thần ngắm một thiên thần…

Bó hoa hồng trắng Dũng mang về tặng tôi nhân ngày hạnh ngộ tươi thắm trong đêm. Dũng biết tôi yêu hoa hồng trắng, nhưng anh không biết, với tôi, hoa hồng trắng là biểu tượng của tình yêu đích thực, mà với tất cả mọi người, biểu tượng của tình yêu là hoa hồng đỏ.

PHẠM THANH THÚY (HÀ NỘI)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *