Truyện ngắn Phan Đức Nam: Mai tứ quý

(Thân tặng anh Nguyễn Hiếu Học)

Ông Ngọc trằn trọc không ngủ được, càng suy nghĩ càng thấy rối! Ông biết người trên 80 tuổi như mình không nên suy nghĩ nhiều, nhưng việc gấp đột biến xảy ra trong gia đình khiến ông lo lắng hoang mang. Tính ông thoáng, việc không dính dáng hay ngoài khả năng mình ông đều cho qua. Để tâm làm gì chuyện bao đồng thiên hạ, từ chuyện lớn thế giới, chuyện quốc gia đại sự, đến chuyện nhỏ thường ngày, nghĩ cho cùng thì đâu cũng vào đó, ông có biết cũng chẳng giải quyết được gì, có khi thêm rắc rối.

Ông cũng chẳng cần ăn ngon mặc đẹp cho lắm, chỉ cần được đọc sách, viết văn, làm thơ, giao lưu với bạn bè là vui – Ông nhiều lần nghĩ vậy và thấy mình may mắn có được bà vợ biết thông cảm quan tâm đến sở thích của chồng. Bà chỉ sợ ông ham đọc sách quá mà tới bữa quên ăn, viết lách say sưa đêm hôm thức khuya mà tổn hại sức khỏe. Nhiều lần bà nhắc nhở thì ông cười: Kệ tôi! Tới bữa, thấy tôi đang viết thì mẹ con bà cứ việc ăn trước, đừng gọi lỡ “đứt mạch”, tôi muốn viết tiếp thì phải đọc lại từ đầu, có khi không hay…

Đó là chuyện trước đây mươi năm, ông say mê với những cuốn sách hay, những bài viết tâm đắc của mình. Giờ nguồn cảm hứng ấy vẫn còn nhưng ông không quan trọng hóa nó nữa. Viết được thì tốt, không viết được nữa thì thôi. Giờ ông thích đọc hơn. Có những cuốn sách ngày xưa ông đọc rồi, giờ đọc lại vẫn hay và thấm thía hơn.

Nhà văn Phan Đức Nam

Ông biết mình có viết thêm được năm mười cuốn sách đi nữa thì cũng vậy thôi. Khi ông mất người ta sẽ dần quên, may lắm có vài bạn văn thơ thân thiết nhớ, rồi những người ấy cũng lần lượt xa, lần lượt đi… Đây này, những đoạn văn hay, những bài thơ ông thích, ông nắn nót chép tay hàng chục tập, rồi những cuốn sách ông yêu quý, nâng niu từng trang, bọc bìa cẩn thận, qua tháng năm rồi sẽ ố vàng, sẽ bị mọt ăn… Có khi chính cháu chắt hậu duệ của ông sau này đem bán giấy vụn. Cũng phải chịu thôi! Thế giới thuộc về người sống.

Ông Ngọc gật gù: Thì mình đang sống đây, còn sống và được làm những gì mình thích là vui rồi. Mình tin mai sau vẫn còn có người yêu quý giữ gìn sách vở, nhưng phải là sách hay. Mình từng coi thư viện, năm nào cũng loại bỏ hàng đống sách báo cũ lỗi thời và ít giá trị. Ngay trong nhà mình, sách văn thơ bạn bè tặng, hay có dở có, mình biết nhận xét đánh giá chứ, nhưng thương công sức tâm huyết bạn, mình cứ trưng trên kệ sách, bạn có tới chơi trông thấy mà vui. Khi mình mất đi, liệu con cháu mình có còn để đó không?…

Ông Ngọc nghĩ đến đó rồi lắc đầu thở dài. Sách vở văn chương là điều ông quan tâm suốt cả đời ấy giờ đành nằm im, để dành cho mối bận tâm lớn trước mắt là lo giải quyết tai nạn và sức khỏe của bà vợ, người đã gắn bó với ông hầu như suốt cả cuộc đời. Từ lâu ông vẫn biết, không có bà thì ông không thể an tâm thư thái nằm ngồi rung đùi đọc sách. Có lần ông hóm hỉnh nghĩ chính vợ mình mới là quyển sách hay sách quý mà ông chưa viết được.

Việc ông và gia đình đang bận tâm lo lắng là tiền đâu để chữa trị cho bà Mai – vợ ông? Ít ra cũng mất hai trăm triệu, chưa kể thời gian và tốn kém lâu dài. Thực ra ông và các con đã đưa ra cách giải quyết rồi. Nhưng đâu phải có, đâu phải muốn, là được? Nghĩ đi nghĩ lại, sa vào thời điểm đại dịch Covid đành phó cho số mệnh. Cả thế giới còn kinh hoàng chao đảo huống chi gia đình ông.

Cách đây năm năm, bà Mai vợ ông thủ thỉ: “Ông nghe nè, mình bớt diện tích trồng cây cảnh đi, ông cắt cho tui năm mét mặt tiền chạy suốt hông nhà, để tui xây dãy phòng trọ kiếm tiền trang trải sinh sống hằng ngày. Chớ tui bịnh tim đau yếu, tháng nào cũng đi viện, rồi tiền ăn học cho con cháu… Lương hưu ông chỉ đủ ông xài… Ông nghĩ sao?” Ông đã buồn buồn gật đầu, vợ mình cực chẳng đã mới nói vậy. Bả còn yêu vườn yêu cây cảnh hơn mình. Mình có công tha kỳ hoa dị thảo về trồng, trồng nhiều thì bả càng chăm tưới nhiều. Bao nhiêu là công lao! Giờ phải cắt bớt hơn trăm mét vuông vườn, phá cây đẹp đi để xây nhà trọ thì uổng thiệt! Thôi vì kinh tế gia đình đành  thu gọn lại. Bạn bè ai thích cây cảnh tới xin thì mình tặng, để bạn chăm sóc hộ mình, vả lại giờ vợ chồng mình đã lớn tuổi, không đủ sức tưới cả vườn cây rộng…

Gà gáy rộ canh tư, trời sắp sáng, qua Noël trời chuyển rét xuân. Ông Ngọc biết mình không thể dỗ giấc ngủ được nữa liền ngồi dậy, chuẩn bị nấu nước pha trà, pha cà phê, sẵn nước sôi chắc phải làm tô mì gói. Vợ nằm viện rồi ông phải tự lo. Nghĩ thương bà ấy quá!

Vừa nhấm nháp cà phê, thay vì đọc sách như mọi khi, sáng nay ông tiếp tục đắm vào suy tính, dù suy tính đang bế tắc, chỉ mong chờ dịp may nào đó?…

Ông Ngọc thở dài: Lúc này mới thấy tiền bạc cần thiết – dù mình là người chẳng quan tâm lắm về tiền bạc, mình chỉ mong khỏe mạnh, ngày ngày được đọc sách là vui. Nghĩ lại, mình đã không quan tâm mà còn phá tiền, phá lớn nữa mới thiệt dở!

Ôi dà! Thời trẻ ai cũng có lúc nông nổi bốc đồng. Mình tự bào chữa thôi miễn không hư hỏng là được. Qua chiến tranh còn sống là may rồi.

Giải phóng 1975 thống nhất đất nước, mình lúc đó mới lấy vợ, được đứa con trai đầu, niềm vui nhân đôi nhân ba, người có máu phiêu lưu rong chơi văn nghệ như mình bốc lên, ai đời mẫu đất ông bà để lại, mình dám bán đi một nửa để lấy 3 cây vàng, chỉ đưa vợ 1 cây, còn 2 cây mình thủ túi đi… chơi. Mình lên tầu Thống Nhất về quê Đà Nẵng, rồi ra Bắc vi vu. Quá yêu nhà thơ Quang Dũng, mình ra tận quê ông để ngắm núi Ba Vì, tìm Đôi mắt người Sơn Tây, xem Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ như thế nào?… Ôi chao bao ước mơ giờ mới thỏa phần nào! Nhờ giải phóng thống nhất đất nước mình mới đi được, dại gì không đi? Khi về lại Thủ Dầu Một, mình kể hành trình du hí cho các bạn văn thơ nghe, nhiều người gật gù: Nhất anh! Ít ai dám chơi như anh.

Cũng có người tiếc cho mình, thời gian càng về sau, đất đai lên giá càng tiếc hơn. Chính mình cũng tiếc, rồi nghĩ: Thời ấy nó vậy! Nhiều người còn bán đất, bán nhà lầu mặt tiền rẻ sình để lấy vàng vượt biên. Người chết, gia đình tan nát. Người sống, ở đâu cũng phải làm phải ăn, hạnh phúc sung sướng chưa biết ai hơn ai? Còn mình bán đất để đi thăm quê hương đất nước, biết chỗ này chỗ kia, thỏa được ước mơ, có gì mà tiếc? Ai chê cười thì mình chịu. Việc đã qua có tiếc cũng xong rồi.

Bởi vậy khi vợ mình đề nghị cắt đất xây phòng trọ mình gật đầu cái rụp. Lần này để bả quyết định, mình tán đồng. Rút kinh nghiệm, xây phòng trọ thì đất vẫn còn của mình. Nhưng tiền đâu bà xây? Mình hỏi vợ. Bả nói như không: Tui dự tính rồi, miễn ông đồng ý, tui mượn bà con, anh em, vay thêm ngân hàng. Tiền thu phòng trọ tui để dành trả dần, vài năm là xong.

Nhưng chưa xong nợ ngân hàng thì dịch Covid bùng phát ở Vũ Hán rồi lan nhanh ra thế giới. Nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp không có tiền trả phòng trọ. Người trả phòng về quê, người năn nỉ nấn ná xin khất… Người ta khổ không có nhà, mình có phòng để không, tui chỉ lấy tiền điện nước – Vợ mình phân giải vậy – Bả không nói mình cũng biết. Đồng cam cộng khổ, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.

Ai ngờ sắp Noël, hai vợ chồng công nhân thất nghiệp nản quá trả phòng về quê làm ruộng, vợ mình gần bảy mươi rồi còn ráng leo cầu thang lên gác xép, không phải để thu dọn mà ý bả muốn xem người ta có quên thứ gì thì nhắc. Không may cầu thang gẫy đổ, bả sụp té gẫy xương đùi và sụp sống lưng. Mình và hai con trai cấp tốc theo xe cấp cứu đưa bả lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vợ mình bị tai nạn ngay lúc đại dịch khiến gia đình thêm suy sụp. Con gái mình du học nước ngoài bị cắt trợ cấp, thất nghiệp. Ai cũng khó khăn, không vay mượn được. Chính mình lúc nguy cấp phải vay nóng bạn bè vài chỗ. Suy đi tính lại chỉ còn nước bán tiếp đất – còn đất để bán giải quyết là may, nhưng giai đoạn khó khăn này bán mau mau được không?

Trước khi xây phòng trọ, vợ chồng ông đã bàn nhau làm giấy chia 500m2 đất còn lại cho ba đứa con. Con trai lớn sẽ ở nhà ông bà đang ở để trông coi việc thờ tự. Con trai thứ hưởng phần đất đã xây phòng trọ – vợ chồng nó bảo nhau tích cóp, vay thêm ngân hàng phụ với vợ ông xây dựng, lấy tiền cho con ăn học. Khi mẹ bị tai nạn, vợ chồng nó nói với ông: “Bán được dãy phòng trọ thì cứ bán ba à. Phòng trọ giờ không ăn nữa. Lo cho má là chính. Anh em con tính sau.” Con gái út ông ở nước ngoài điện về, bàn: “Bán phần đất ba má chia cho con phía bên phải nhà mình hay hơn. Nhiều người thích mua đất hơn mua nhà ba à. Con ra trường lấy chồng bên này, tụi con tự lo được.” Thấy các con có hiếu ông rất mừng. Từ lâu ông vẫn để tâm thương đứa gái út, nó ngoan hiền và ham đọc sách giống ông. Nó tự học là chính, được học bổng nước ngoài, qua đó nó vừa học vừa đi làm thêm, lấy được bằng Thạc sĩ rồi còn muốn học tiếp. Năm ngoái nó điện về khoe: “Ba má khỏi lo cho con. Giờ con không đi phụ bán nhà hàng buổi tối nữa. Con phụ giảng với thầy, có lương rồi ba má à.”

Vợ chồng ông rất vui và hãnh diện về con gái út. Ông thầm mong con học xong về nước. Ông sẽ xây nhà, lo gả chồng cho nó. Rồi ông hơi lo lo khi nghe vợ nói con Hồng định kết hôn với anh chàng nào đó học hơn nó một lớp. Anh chàng người Việt này đã nhập tịch Canada… Gì chớ sinh viên du học nước ngoài, khi ra trường có công ăn việc làm bên đó rồi ít khi muốn về vì nhiều lý do, chúng đã ăn học, đã quen sinh hoạt, môi trường… Chắc gì về nước tìm được công việc thích hợp?

Dẫu sao thì phần đất vợ chồng ông chia cho con gái cưng vẫn thuộc quyền của nó. Giờ nó thúc ông bán đi để lo cho mẹ, làm ông xúc động, vừa buồn vừa vui, con gái ông đã có con đường của nó. Việc cần thiết bây giờ là bán được đất càng nhanh càng tốt. Mà đất đai nhà cửa mua bán phải có duyên, nhất là trong giai đoạn Covid khó khăn, bất động sản đóng băng. Không lẽ của mười bán năm? Đem thế chấp vay ngân hàng không có tiền trả lãi hàng tháng, lãi mẹ đẻ lãi con tới tấp, đau đầu lắm! Lo không xong, ngân hàng phát mãi giá rẻ, quay qua quay lại mất đất như không – nhiều bạn ông cảnh giác vậy.

Cấp thời, hai con trai ông đã bán gấp hai chiếc xe máy còn tốt của chúng đang đi để lo cho mẹ. Chiếc xe máy cà tàng của ông chỉ đôi ba triệu chẳng thấm tháp gì. Cuối năm nhà có người lâm nạn buồn ơi là buồn! Ông và các con bảo nhau ráng cầm cự qua Tết, may ra có người tới mua đất…

Dẫu sao tới ngày cúng Ông Táo cũng phải có chút hương hoa, trưa hôm đó, ông Ngọc đang thắp nhang thì có khách tìm.

Vị khách cỡ tuổi ông Ngọc, người cao lớn đẫy đà, vừa vào nhà, ông ta đã vui vẻ chào hỏi: “Nghe nói ông muốn bán đất?” Ông Ngọc mừng mừng: “Dạ phải… Mời ông vào… Ông đọc báo hay qua người giới thiệu?…” Vị khách mỉm cười, bí mật: “Tôi tự tìm hiểu, không qua cò kiếc gì hết.” – “Vậy là hay rồi. Tụi cò hay đẩy giá, đòi hỏi này nọ… Nếu ông thực tâm muốn mua thì tôi thực tâm bán, việc sẽ mau mắn thuận lợi…” – “Tôi biết.” – “Mời ông uống nước, rồi ra xem đất, sát bên nhà tôi thôi.” Vị khách gật gù mỉm cười, lại nói: “Tôi biết.” Ông Ngọc hơi thắc mắc: “Ông biết rồi sao?…” – “À! Trước khi vô đây… tôi có hỏi thăm… Dẫu sao mua đất cũng phải tìm hiểu điều tra kỹ chớ ông. Bên địa chính cho biết là đất của ông không vào diện quy hoạch, dẫu chưa lên thổ cư nhưng hợp pháp, mua bán được.” Ông Ngọc nghĩ: Ông này kinh nghiệm đây.

Người khách giới thiệu mình tên Tâm rồi bộc bạch: “Thấy nhà ông nhiều sách, tôi mê lắm. Nói thật tôi từng sống ở Thủ Dầu Một này bốn năm đó ông.” – “Vậy sao?” – “Ừa. Năm 1970, tôi học trường Sĩ quan công binh Thủ Dầu Một mà.” – “Vậy ông là?…” – “Sĩ quan công binh. Sau giải phóng tôi học tập cải tạo, rồi đi Mỹ theo diện HO. Giờ lớn tuổi tôi muốn về Việt Nam sinh sống, bên đó lạnh lắm không hợp với người già. Về quê hương có bà con, bạn bè vui hơn.” – “Ông thường về Việt Nam không?” – “Có dịp là về. Quê tôi mãi Bắc Ninh. Đây là lần thứ hai tôi về thăm Thủ Dầu Một, lần này tôi quyết định mua đất ở đây, Bình Dương đang phát triển – cũng là nơi tôi có nhiều kỷ niệm. Thời gian tôi học ở đây, suýt nữa lấy vợ ở Bến Cát đó, chỉ vì chiến tranh…”

Ông Ngọc thấy vui vui, hỏi: “Giờ… cô ấy… à bà ấy ra sao?” Ông Tâm thở dài: “Bà ấy mất năm năm rồi!… Tôi có ra thăm mộ… Mối tình xưa thật đẹp! Người ta nói hơi sến nhưng đúng thật: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”

Ông Ngọc gượng cười, rồi quay lại vấn đề chính: “Giờ tôi đưa ông ra xem đất?” – “Chắc không cần đâu. Trước khi vào đây tôi đã nhìn qua… Ông chỉ cần cho biết giá cả?” Ông Ngọc hơi chần chừ, rồi nói giá mình cần bán, không nói giá cao để khách dễ mua.

Ông khách tên Tâm gật đầu ngay: “Ok. Vì mến ông, tôi mua, vì duyên nữa…” Ông Ngọc bất ngờ vì việc mua bán diễn ra quá nhanh chóng thuận lợi. Ông Tâm nói tiếp: “Ngay bây giờ, tôi xin đặt cọc 200 triệu. Nếu cần đặt cọc hơn ông cứ nói? Tôi sẽ thanh toán đủ khi xong thủ tục giấy tờ.” Ông Ngọc mừng run: “Cảm ơn. Ông đặt cọc như vậy được rồi… Tôi chỉ xin một điều…” – “Ông cứ nói?” – “Cho tôi xin bứng chuyển cây mai tứ quý… trên phần đất bán cho ông, về sân nhà tôi…” – “Cây mai cổ thụ đó à?… Bứng sang nhà ông thì cũng được” – “Theo luật đất đai đã bán đi thì chủ cũ chỉ có quyền thu hoạch, còn cây cối thuộc quyền chủ mới. Tôi xin hoàn lại ông 50 triệu. Chi phí bứng chuyển cây mai tôi lo.” Ông Tâm đắn đo: “Cây mai cổ thụ đó à? Tôi cũng thích cây mai đó… Nhưng nếu là kỷ niệm thì tôi tôn trọng. Có cần thiết lắm không?” – “Với tôi là cần thiết.” – “Ông có thể kể cho tôi nghe về kỷ niệm đó? Nếu không kể được thì thôi. Không sao.” Ông Ngọc gật đầu – “Được chớ.”.

Ông Ngọc vừa châm trà vừa chậm rãi kể: “Chiến tranh đã lùi xa, tôi và ông dẫu ở hai phía đối địch nhưng giờ chúng ta đã già. Rồi tất cả phải nhìn lại. Năm 1973, một đồng đội là bạn thân của tôi hy sinh, chúng tôi đã chôn bạn trên đồi, cạnh một cây mai rừng, có nơi gọi là mai núi. Cây có sức sống dẻo dai, hoa đỏ hoa vàng nở lai rai bốn mùa gọi là mai tứ quý. Sau chiến tranh, tôi dẫn gia đình bạn lên rừng tìm mộ người thân. Dạo đó gần Tết, tôi đang cố lục trí nhớ lần tìm thì thấy trên đồi cao, giữa rừng cây thưa thớt bị bom na-pan tàn phá, sừng sững một cây mai lớn nở hoa đỏ rực, xen lẫn những hoa vàng lóng lánh như bông lửa. Cây mai nở đầy hoa lửa như hút gọi chúng tôi. Phải rồi! Chúng tôi đã chôn bạn trên đồi để tránh ngập lụt, cạnh cây mai rừng để có điểm ghi nhớ. Quả nhiên khi đến nơi thì thấy có nắm đất bị sạt lở, gia đình quyết định đào lên thì tìm được hài cốt bạn tôi. Tôi nghĩ linh hồn bạn mình có trong cây mai đó, nên năm sau, tôi quyết tâm bốc chuyển cây mai về nhà mình trồng, sợ dân khai hoang lấn tới… Nhứt là bọn lâm tặc phát hiện, chúng dễ gì tha…”

Ông Tâm lắng nghe, xúc động: “Tôi hiều rồi, hiểu rồi… Nếu có linh hồn, tôi nghĩ bạn ông đã phù hộ cho ông, gia đình ông…”

Ông Ngọc phân vân nhìn vị khách, ông Tâm nói tiếp: “Và có lẽ phù hộ cho cả hai chúng ta.” – “Ông nói tôi không hiểu? Sao lại có ông trong đó?” Ông Tâm mỉm cười: “À… phù trợ xui đẩy tôi đến đây mua đất đó mà… Trên đất có cây mai tứ quý linh thiêng… Tôi không cần nhớ số nhà, chỉ cần đến khu Chánh Nghĩa này hỏi thăm nhà bà Mai có cây mai cổ thụ là người ta chỉ tới.” Ông Ngọc còn ngơ ngẩn thì ông Tâm hỏi: “Bà nhà đỡ chưa ông?”

Lần này thì ông Ngọc thật sự thắc mắc: Sao ông ta biết vợ mình… bị nạn mà hỏi “đỡ chưa?” Làm như trước khi đến đây ông ta đã hỏi thăm… coi như điều tra sơ bộ đất đai và những người trong gia đình mình?… Ông này coi bộ tò mò kỹ tính đây!

Đã vậy mình cũng nên nói với ông ta chút trở ngại về giấy tờ sắp giải quyết, để cả hai cùng tính: “Nói thiệt với ông… phần đất sắp bán cho ông đã chuyển tên con gái tôi. Cháu đang học bên Cannada, giấy tờ chuyển nhượng cần có chữ ký và sự đồng ý của nó. Đang dịch Covid con gái tôi không về được, giấy tờ qua lại sợ hơi lâu.” Ông Tâm cười: “Không sao, tôi biết mà! Giờ qua mạng internet, thế giới kết nối, giấy tờ thông thoáng sẽ nhanh thôi. Chỉ cần chúng ta tin nhau.” – “Cảm ơn ông. Gặp được người mau mắn dễ tính như ông tôi rất vui. Ông không cần xem đất mà đã đặt cọc không bớt xén gì hết, thì ngay bây giờ tôi sẽ đưa ông ra cắm cọc bàn giao đất. Nếu ông muốn xây tường rào ngăn cách cho rạch ròi chắc chắn, tôi sẽ gọi thợ xây cho, sau khi bốc chuyển cây mai tứ quý…” – “Hà hà! Không cần đâu. Nhìn nhau qua bờ hoa vẫn đẹp hơn ông à. Tôi là dân công binh kỹ thuật, cần chính xác, nhưng rồi chúng ta sẽ thân thiết, sẽ là một nhà thôi.”.

Ông Ngọc nghe xong càng thêm thắc mắc. Ông khách dễ mến này sao hay nói lấp lửng? Mình có cảm giác như ông ta đã biết rõ gia đình mình, ông ta vui vẻ sởi lởi, têu tếu mà lại có gì đó bí mật?

Vị khách tên Tâm vỗ vai ông Ngọc: “Tôi đã nói với ông rồi, đây là lần thứ hai tôi thăm lại Thủ Dầu Một, lần này có mục đích rõ ràng. Rồi tôi quyết định mua đất của ông cũng là có nguyên do. Theo tôi là duyên. Từ từ ông sẽ biết. Giờ tôi xin nói rõ: Con trai út của tôi tên Ân học cùng trường với con gái ông bên Canada. Hai đứa nó thương nhau và đã hứa hôn. Năm ngoái cha con tôi định bay về Việt Nam để thưa chuyện với gia đình ông kết tình thông gia. Nhưng con tôi bận thi, nó nhắn địa chỉ và nhờ tôi bay về trước. Gì chứ khu Chánh Nghĩa gần sân banh này tôi đã từng biết. Khi tôi về tới Việt Nam thì đại dịch Covid bùng ra, làm tôi kẹt lại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra y tế nửa tháng. Thời gian đó con tôi cho biết mẹ vợ tương lai của nó bị tai nạn, nó thúc tôi tới thăm. Rồi tôi được biết ông bán đất để lo cho vợ… Ông bán thì tôi mua, mua cho con trai tôi, vậy đó. Giờ tôi xin phép được theo ông tới thăm bà chị nghe?”.

Ông Ngọc ngẩn ra. Hai người nhìn cây mai tứ quý đang ngập ngừng nở hoa.

PHAN ĐỨC NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *