Truyện ngắn Tạ Ngọc Điệp: Nước mắt của rừng

Ở đây, 20 năm trước trẻ con vẫn đọc câu “nước Việt Nam rừng vàng biển bạc”. Cái thực tế được chứng minh rõ rệt. Trẻ con kiếm củi chăn bò, mẹ hái măng, hái rau rừng, xúc cá ven suối. Bố đưa trâu lên rừng kéo gỗ, lấy mật ong. Đi từ sáng sớm, đùm cơm, bi đông nước, tối mịt mới về. Ở xóm này chỉ có người chết vì băng huyết, vì sinh khó, vì sốt rét chứ chưa thấy ai chết vì đói.

Cái tuổi thơ ấy trôi qua nhanh, cái bìa rừng cứ xa tít tắp. Lâu lâu có người đi lạc trong rừng được trâu đem về, có người bị Fulro bắn chết khi đang kiếm lá thuốc trong những cánh rừng ấy. Sống bám rừng, chết cũng nằm xuống gần những gốc cây ven rừng. Lớn lên chút nữa thì dân đi kinh tế mới đông hơn, cánh rừng trở nên xa hơn, mãi bên kia ngọn suối. Trường học cũng được dựng gần rừng, lớp học 15 đứa từ lớp 1 đến lớp 3, có cô giáo nói giọng Nghệ Tĩnh làm tức mắt mấy anh chàng thợ rừng, thợ săn xa vợ.

Là xóm người Kinh duy nhất nằm gần bìa rừng, dân cư thưa thớt với vài chục hộ, hầu hết đều là những người trẻ mạnh khỏe. Đàn bà đẻ nhiều. Đàn ông họ lập phường hội sắm xe thồ đi kiếm gỗ. Đến kiếm ăn từ những vùng quê khác nhau nên người dân cũng đùm bọc nhau, lâu lâu lại có hộ gia đình nào đó rủ thêm bạn bè anh em đồng hương ở quê vào, mang cả vợ con nên xóm Trái càng ngày càng đông đúc. Đám đàn ông đi thồ gỗ, lúc đầu họ chỉ thồ gỗ hương, trắc cho phường buôn rồi cả gỗ dỗi, chò chỉ. Sau khi ý thức được sự bóc lột và trả công rẻ mạt họ tự sắm rìu, cưa vào tận nơi đốn, đẽo rồi thồ về bán, công nhọc hơn một chút nhưng bù lại họ có đồng ra đồng vào. Họ nhận tiền, uống rượu và ngày mai lại như thế. Ngày qua ngày, xóm Trái đông hơn, cả trẻ con và người lớn. Những chuyến đi rừng 1 ngày thưa dần, người ta đi 2,3 ngày mới về. Bán. Nghỉ ngơi. Sắm chuyến và đi tiếp. Hành trang là những hộp nhựa đựng ớt ngâm nước mắm, những can 5 lít thịt heo với muối trắng phớ, những đôi dép rọ, những bộ quần áo bộ đội treo lủng lẳng trên những cọc thồ. Là những người trẻ nên họ hăng hái lắm. Có người sau 1 chuyến dư dăm ba trăm, đủ mua cho con mới sinh hộp sữa Rồng vàng, đứa trẻ lớn đôi dép nhựa, bộ quần áo. Nhìn đứa trẻ háo hức nhận đồ mới, bố nó cũng hăm hở lên đường và tiếp tục sinh ra những đứa con khác mang dư vị rừng.

Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp ở Gia Lai

Dạo ấy người ta rộ lên gỗ pơmu, nghe nói cánh rừng K5 này Pơmu nhiều lắm, người ta đưa mẫu lá lên cho phường thợ rừng. Cây gỗ quý này mọc ở độ cao cả nghìn mét, lá xanh đậm, gỗ có vân đẹp mê hồn và mùi thơm đuổi được muỗi. Người ta đi băng rừng tìm rồi kháo nhau, có, có, mà làm đến đời cháu vẫn không hết. Chỉ cần trèo lên cây to, gióng mắt nhìn chỗ nào có cây pơ mu là nó mọc từng đám, có màu xanh khác hẳn. Người ta hạ, đốn rồi đẽo thành mặt có bản to có khi là 60-70 phân rồi thồ qua cả chục ngày đường mới về đến nhà. Những con dốc tên Đỏ, lán Cáo, bãi Nai ngày xưa xa thế mà giờ trở thành niềm mơ ước. Có người khi đi vợ mang bầu, đến khi thồ được gỗ về thì con đã tập lật. Giá bán pơmu nghe đâu cũng cao lắm và chỉ còn Tây Nguyên là có nhiều. Thợ rừng khá hơn thì các phường buôn gỗ giàu trông thấy, người ta buôn xuống cảng Quy Nhơn, chung chi xong xuôi thì lời 1 chuyến cả chục cây vàng thời đó. Chủ gỗ này, báo phường gỗ kia và họ kéo quân về làm cho mình, cánh thợ rừng chia ra thành dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…Đường vào rừng cứ như trẩy hội. Rầm rầm. Có hôm, người ngủ ở dưới, ông Ba mươi lơ thơ đi trên đầu nhưng trăng vẫn sáng và chiếc xe Dream lùn, Angle trở thành mơ ước nên nhắm mắt, nín thở cho ông đi qua.

Tiền nhiều, sống chung thành đàn. Đàn ông có vợ gửi cho con, cho vợ đong gạo ở quê, còn đám thanh niên đổ vào bài bạc, đề đóm. Chả biết đứa nào thắng nhưng thằng nào cũng nhận là mình đã bay mất chuyến gỗ 2 tuần mà bán được giá. Số tiền kiếm được gửi ra ngã ba Gia Trung cho các em ở quán Hoa Đào có cặp mông căng nẩy, chỉ cần vỗ vào đó một cái thôi là da tay mát rười rượi. Đám đàn ông thợ rừng xa vợ lâu ngày. Đám thanh niên mới lớn tò mò, sung sức cứ vục mặt vào ngực các em, các chị ấy mà hít lấy hít để cho lại sức, cho đã mắt, cho nhẵn túi tiền. Chuyến trước ứng tiền chuyến sau, để tiêu, để chủ gỗ giữ công, lợi đôi bên. Người ta ví “lương” của đám thợ rừng như kinh nguyệt của đàn bà, háo hức, 1 tháng đến 1 lần, không quá 3 ngày thì sạch sẽ. Họ lại hăng hái vào rừng. Chẳng biết bao giờ mới hết gỗ mà lo, cứ hưởng thụ cho quên đi những ngày nhọc nhằn, có chuyện, có gái kể khoác với nhau khi nằm chung võng trong cơn mưa rừng.

Năm năm, cái thời gian chưa dài để lấy đi sự sung sức trong thằng đàn ông cường tráng. Họ phải đi hơn 1 tháng, mãi tận Kon Pne, Kon Lông, nhưng về đổ gỗ ở Mang Yang vì nghe đâu trại bản doanh của KonKaKinh nằm ở dưới Kbang, không thoát ra được. Của khó người khôn. Một người chết người ta làm bàn thờ để cúng kiếng qua đường, nhưng có bận 3 người bị cây đè chết một lúc, tháng Chạp năm đó nơi bãi Sình nhóm 7 người Tày ăn nấm thì 6 người chết tím đen mấy ngày sau người ta phát hiện ra thì đã hôi thối. Cánh rừng pơmu bớt xanh thì phải đổi đến ngót nghét bốn chục mạng với vô số lý do dở người. Uống rượu say ngã suối chết, trúng gió chết, chém nhau chết, gỗ đè chết, có người về cách nhà 1 quãng thì bị con suối Ayun nhấn chìm tìm ra xác anh ta khi quạ đã kéo đến hàng bầy. Gỗ khai thác càng đắt giá thì cánh thợ rừng càng có giá, rượu đưa vào tận nơi với giá gấp 20 lần mà bao nhiêu cũng hết, dịch vụ em út cũng gùi đến tận lán với bà chủ có cuốn sổ ghi tên băng, tên chủ gỗ hẹn ngày về thanh toán. Có anh nọ buổi chiều bị ướt mưa, mắc cảm rừng, tối sang lán các em giải mỏi, lâm trận rồi gục trên bụng của ả kia, ả khiếp, từ đó tạm biệt rừng rồi không biết đi đâu và làm gì?

Mưa rừng qua bao nhiêu mùa vẫn ẩm dột, chị em Giang lớn lên, mơn mởn nhưng chưa thấy ai đi rừng nhiều mà giàu. Bố Giang nổi tiếng siêng năng xốc vác mà cũng chỉ nuôi đủ 5 chị em Giang và bà vợ chuẩn bị sinh con thứ 6. Cần mẫn nhưng đi đêm nhiều có ngày gặp ma. Bố Giang bị cây đè vỡ xương bánh chè, phát hiện muộn quá người ta cưa gần hết chân phải. Ông chống gậy bán cho hội thợ rừng đẩy gỗ ngang qua nhà từng bịch nước mía. Bà vợ 6 con nhưng phây phây nghe nói có ngủ với lão buôn gỗ bụng phệ mấy bận, ông có nghe nói bóng gió nhưng không làm được gì khi sức trai đổ cả cho rừng và vắt kiệt cho 6 đứa con ấy. Tóc ông bạc gần hết vì có lẽ sau hơn  10 năm ngấm đủ nước mưa rừng, còn đâu dáng vẻ nhanh nhẹn của chàng thanh niên khiến cô giáo dạy “đa cấp” kia đổ ngang đổ dọc và xin tạm đứa con cho bớt hiu quạnh trong cơn mưa rừng chiều (lão chém gió thế).

Nhưng …ông thấy mình may mắn vì còn nhìn thấy cuộc đời, ít ra là may hơn những kẻ phải nằm trong chăn, gói trong chiếu bê bết máu được cáng ngang  qua nhà ông những buổi chiều muộn. Ông nói đùa, “có thằng bé mới lớn, quê tận Nghệ An, vào đi rừng nấu cơm phụ với chú, vấp phải cọc chống xe thồ gỗ, bị gỗ đè, cáng ngang qua nhà ông thì chết. Tối trước khi chết hắn còn nói hắn chưa bao giờ thấy ngực con gái mới lớn, nghe mấy anh kể chuyện là đẹp lắm, chuyến này về hắn sẽ đi với mấy anh cho biết mùi đàn bà

Rừng cạn dần, người ta bắt đầu đi nhặt lại những mảnh vụn, những cành nhỏ mà trước đây họ cho là phế phẩm. Giang và Hà lấy chồng. Những anh thợ rừng vạm vỡ ngủ với con gái ông trong bìa rừng trước khi cưới với hai cái bụng to lù lù, em cưới rồi chị cưới. Ông Thông có 3 đứa cháu trai quây quần. Đám cưới không rộn rã nhưng ít ra ông cũng có sui gia, chứ không như lũ bạn của cái Giang cái Hà, đẻ xong không biết bố là tên thợ rừng nào, để cho ông bà ngoại nuôi rồi đi Sài Gòn, cả năm mới về 1 lần, nghe nói ở Sài Gòn cũng làm tăng ca khiếp lắm, vắt kiệt sức. Mấy đứa con gái đi về răng hô, mông lép kẹp và ngực tóp teo. Xóm Trái có đến 15 nhà phải nuôi cháu ngoại, có đứa bố chết, đứa không rõ bố, mấy ông thợ rừng ngồi với nhau kháo rằng phải đổi xóm thành xóm Gái, xóm Ngoại. Mấy ông không còn sức để đi nữa nhưng nhớ rừng lắm, nhớ những đồng tiền màu xanh mát rượi, những mụ đàn bà thiếu vải đi ngang qua lán bạt ỏn ẻn, nhớ thời ngang dọc giữa Kbang, Kon Tum oai phong như hổ báo nhưng giờ tay mỏi, chân run, sức đã vắt kiệt cho bầy con háu ăn mà cái nghèo vẫn đeo từ năm này qua năm khác. Kiểm lâm công an họ càng làm gắt hơn, ai khai thác không có giấy phép họ bắt, giam, nên hãi.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Cái ngày 2.9.2009  đi vào lịch sử của xóm Trái khi ánh điện được về với thôn. Sau bao nhiêu năm chính quyền vận động người dân ra gần trung tâm mà không được, rồi họ cũng kéo điện cho xóm Trái. Những chuyến gỗ thưa dần nhưng văn minh hiện rõ. Cả xóm đã sắm được cái TV Panasonic 14 inch, có cái cần ăng ten chễm chệ trên cọc lồ ô cao vút, muốn coi đài nào phải xoay về hướng ấy, trời mưa thì cả xóm đua nhau cùng đếm mè trên TV.

Bằng tuổi cái Giang nhưng tôi ở cách nhà cái Giang 40km tuy cùng huyện nhưng từ bé chưa khi nào tôi với nó gặp nhau. Nó con chú, tôi con bác bà con xa. Tốt nghiệp đại học chờ xin việc tôi mới ghé vào đó thăm nó với lão. Mấy lần đám cưới bên xóm Trái bố tôi đều không cho đi theo vì sợ con suối Ayun hung dữ và cả đám trai làng Trái ganh tỵ với sự vạm vỡ và ánh mắt đen láy, hút gái của tôi. Tôi chỉ nghe nói chị em Giang, Hà, Sen đẹp nhất xóm Trái. Mấy thằng con trai tầm tuổi tôi cũng vào đó tán tỉnh và bị thanh niên trong đó đập xe máy, cánh thợ rừng họ vây họ đánh cho te tua. Có lẽ họ đẹp nên họ lấy chồng sớm, còn mấy đứa bạn gái tôi quen, có lẽ xấu hơn nên vớt vát lại bằng cái bằng đại học xanh đỏ. Nghe đâu cả xóm Trái không có người tốt nghiệp nổi cấp 2.

Xóm Trái văng vẳng tiếng chó sủa. Cánh thợ rừng giờ đã dạt đi đâu hết. Những tiếng trẻ con khóc văng vẳng bên tai. Chú Thông thọt một chân nhưng vẫn còn nhanh nhẹn vì giải nghệ rừng sớm. Bộ bàn ghế hương là kỷ niệm quý giá nhất của chú trong chuyến rừng gần cuối cùng. Linh cảm chẳng lành, trong chuyến đó chú đổi cục pơ mu lấy bộ bàn ghế của anh Công an trại giam Gia Trung. Tôi nhẹ nhàng hỏi “15 năm khai thác với hàng chục ngàn khối gỗ ngang qua đây, ba bốn năm gần đây cháu không nghe ai nhắc đến pơmu nữa, có lẽ pơ mu đã tuyệt chủng rồi chú hà”.  Chế thêm ấm trà, lão thở dài “mày bằng tuổi cái Giang mà nó đã già lọm khọm, còn chú mày phơi phới thế này đây. Đã biết mùi đàn bà chưa? Nhìn cũng phong độ, sát gái đó chứ bộ. Gỗ lạt bữa ni có mô nữa cháu, hồi chú mới đi, cứ nghĩ mần hết đời cũng không hết, vậy mà hết thiệt cháu nờ, không biết vợ chồng con Giang sắp tới mần chi mà sống mà nuôi con. Tao động viên cho mấy đứa cháu đi học nghề, may mới thoát khỏi cái vũng nước đen ngòm của xóm Trái”.

Vậy nhà dân ở đây họ làm chi để sống hả chú” – Tôi hỏi thêm.

Thì vẫn bám rừng, hái thuốc, làm gỗ tạp, gùi gỗ cho cánh đầu nậu, bảo kê, được trả lương nhưng không phải muốn làm là làm, muốn nghỉ là nghỉ, rừng có luật của rừng cháu à”

Ở đây mà cũng có bảo kê á chú” – tôi giật mình, tôi tưởng bảo kê chỉ có ở thành phố với mấy nhà hàng khách sạn mát mẻ mà mấy đứa cùng phòng tôi đã kháo nhau đi chơi cho biết mùi đời, nhưng tôi nào dám. Bố tôi là bộ đội, mẹ tôi giáo viên dạy văn nên hơi bảo thủ. Đến khi tôi có bạn gái cũng chỉ dám hôn và sờ soạng bên ngoài, ấy vậy mà nó dọa có thai, tôi cũng run như cầy sấy…

Chỉ có cái bút, cái cửa quyền, cái polyme mới phá rừng nhanh thôi cháu à. Người ta móc nối cơ quan này với cơ quan kia, làm giấy phép này giấy phép kia và phải làm theo dây chuyền, có luật lệ, có cưa máy, có xe kéo rầm rập. Hồi chiều mới có đám giang hồ An Khê ghé lên chém nhau với nhóm giang hồ trên đây máu me be bét, nghe đâu hắn ra giá 300 triệu cho mạng sống của thằng Sứt nhà màu trắng to nhất huyện đó.  Nhưng rồi thằng Sứt chết không phải do giang hồ chém mà do ăn chặn giá của đám thợ rừng. Thằng thợ rừng người Kẻ Bàng hiền khô mà hắn chém cho mắc rựa trên đầu. Nghe đâu đám đàn em thằng Sứt đã mò về quê thằng đó lùng bắt vợ con đền mạng. Công an không biết tính vụ này sao vì nghe đồn đám công an nhậu nhẹt với thằng Sứt suốt. Mấy đám rừng bên kia nhìn vậy chứ vô trong người ta chặt và ủi trọc hết rồi, cha ơi là đau đớn”.

Lão chế trà, với Remove, chuyển kênh Tivi, mắt nhấp nhem, lão lắng nghe cô váy vàng tóc xoăn trên chuyển động 24h  ấy nói về việc Hà Nội chặt cây. Lão chưa được ra Hà Nội lần nào, nghe nói thủ đô đẹp lắm, là trái tim của cả nước, Hà Nội mấy năm gần đây phát triển nhanh lắm, coi tivi thấy nhà cao tầng san sát thì biết. Vậy mà nghe nói cán bộ ở Hà Nội quyết định chặt 6.700 cây xanh, nhựa từ những cây tuôn chảy, khô vón như máu đang xắt ra từ tâm can lão. Ở đây vùng xa xôi, người ta không biết đến nên lâm tặc hoành hành, rừng bị băm vụn cũng có lí do là lực lượng kiểm lâm yếu và mỏng, chứ Hà Nội, hàng triệu người qua lại mà chỉ trong mấy hôm hai ngàn cây xanh bị đốn hạ không thương tiếc, lão chép miệng “cán bộ có lương tri nữa không hả trời, nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, rồi bây sẽ trả giá đắt”. Lão tắt bụp tivi.

Hai mươi năm mà nước mắt từ những cánh rừng chưa ngừng chảy”. Lão nói tiếp. Tôi không nghĩ một ông thợ rừng lâu năm mà lại triết lý đến như thế. Có lẽ cái TV trong quán nước đã trở thành bạn thân của ông lão suốt gần 5 năm nay. Trong ký ức tôi ùa lại hình ảnh của năm ngoái. Tôi ngồi trong máy bay trở về nhà sau chuyến du lịch với mẹ ở quê, mẹ tôi vẫn tự hào quê của mẹ có làng trồng rau húng nổi tiếng mà người ta gọi là Húng Láng. Buổi chiều, tôi thả mình dọc sông Tô Lịch, đi dưới những tán cây cổ thụ mát rười rượi mà tôi thấy yêu quê ngoại lắm. Hà Nội với tôi cũng bon chen, xô bồ nhưng có những nét tĩnh nằm trong những vòm cây cổ thụ từng bị bom mình cày nát thân mà vẫn vươn lên mạnh mẽ. Thoạt nhìn ra cửa sổ khi máy bay còn 20 phút nữa hạ cánh. Những cánh rừng nguyên sinh trong ký ức của ba tôi kể trong chuyến công tác giờ trơ trọi, trọc lóc chỉ còn những quả đồi tròn như cái bát úp. Tôi tròn mắt và căng tai nghe toàn bộ câu chuyện của rừng của một người từng là lâm tặc lão làng. Thi thoảng lão chép miệng “nhanh quá, nhanh quá, ai ngờ có ngày rừng kiệt, thợ rừng phá rừng nhưng còn xót rừng, còn thương rừng vì nó có một phần máu thịt của mình cháu à”.

Ngày ấy, lâm tặc họ chỉ đốn những cây đủ tuổi đủ tác, đủ để lấy gỗ, đủ sức mình thồ về, còn bây giờ họ đốn kiệt, họ san bằng trước sự chứng kiến của hàng vạn người. Một người còn nói vô cảm, chứ hàng triệu người phải có trăm người có trách nhiệm mà còn lên tiếng để giữ lại cây, lại đất, lại rừng.

Chén hết ấm trà, lão tấm tắc khen trà bố tôi biếu ngon, lão còn ước lão ta trẻ lại như tôi, vươn vai thành thằng trai ba mươi làm nghề bảo vệ rừng, học về rừng vì lão ta yêu gió rừng xôn xao. Lão là lâm tặc nhưng lão ta chỉ đốn những cây cần bán, đủ để cho 6 đứa con của lão ăn học nên người chứ không phí phạm…Giá mà, lão không què chân sớm thì chị em cái Giang có đứa sẽ trở thành cô giáo…

Mưa tháng 10 vẫn còn rả rích, dòng suối Ayun đục ngầu cuồn cuộn chảy như gầm như thét, như nước mắt tuôn chảy thành dòng, như muốn cuốn phăng tất cả những gì đáng lẽ phải thuộc về rừng.

TẠ NGỌC ĐIỆP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *