Truyện ngắn Trần Quang Lộc: Trên chuyến tàu khuya

VHSG- Chuyến tàu đêm tạm dừng độ chừng 10 phút trên một ga xép để đưa đón khách rồi vội vã chuyển mình rẽ bóng đêm tiếp tục cuộc hành trình về hướng Pa-ri.

Nhà văn Trần Quang Lộc

Không khí đặc quánh sương đêm mát lạnh của miền quê Ha-vrơ yên bình len qua những khe hở của toa tàu gây cho gã cái cảm giác sảng khoái, dễ chịu.  Một hành khách trung niên vừa mới lên tàu bước vào toa, tiện tay ném túi hành lý lên chiếc giường, đối diện với giường gã đang nằm. Người khách thản nhiên cởi bỏ áo ngoài rồi thong thả gieo mình xuống tấm nệm, dang rộng tay chân ra chiều khoan khoái lắm như người vừa mới trải qua một cuộc hành trình dài đầy vất vả. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn trên nóc toa, mọi cử chỉ của người khách mới đến không thể lọt qua đôi mắt cú vọ của gã. Qua cách ăn mặc với bộ ria mép rậm rịt, đen nhánh, hai bên vểnh lên như hình ngạnh trê của người trung niên, gã đoan chắc, đó là dân xứ Noc-man-di, nơi có nhiều phong cảnh xinh đẹp, con người ở đó cũng lịch lãm, cũng hào phóng, và rất giàu có. Gã nhuếch mép nở nụ cười đầy bí ẩn. Lúc này, trong toa nằm chỉ còn lại hai người: gã và người trung niên. Gã bỗng cất giọng thân thiện:

– Chú em về đâu?

Người trung niên quay mặt đối diện với gã:

– Em đến Pa-ri.

– Để làm gì?

– Thừa hưởng gia tài của bà cô họ để lại.

– Ô! Thật tuyệt! Mà có khá lắm không?

– Một ngôi biệt thự ở khu ngoại ô Pa-ri với trên năm triệu Euro ở ngân hàng Thuỵ sĩ.

Gã kêu lên đầy phấn khích:

– Wow! Thật là tuyệt vời. Chú em rồi sẽ giàu to.

– Còn ông anh?. Chàng trung niên hỏi.

Gã trả lời tỉnh queo:

– Chẳng về đâu cả!

Người trung niên lộ vẻ ngạc nhiên:

– Ông anh quên mình đang ngồi trên chuyến tàu tốc hành?

– Có thể ta sẽ quay trở lại nơi ta vừa mới ra đi khi tàu dừng lại ga sắp đến, và cũng có thể đi tiếp đến Pa-ri hoặc một nơi nào đó trên đất Pháp.

Lại một nhân vật kỳ quặc nữa, cũng có thể một gã tâm thần! Người trung niên nghĩ thế. Anh ta lân la làm quen:

– Ông anh ở đâu và đang làm nghề gì?

– Vô gia cư, chuyên nghề cướp giật!

Gã trung niên giật thót mình, nhổm dậy:

– Cướp?

– Vâng, cướp tàu. Gã nói  – Chú em nghe nói đến bọn cướp tàu bao giờ chưa?

Giọng người trung niên run run:

– Dạ … dạ em … em chỉ đọc loáng thoáng trên các mặt báo chứ chưa biết cụ thể lắm.

Gã chậm rãi, nhẩn nha giải thích như một người truyền nghề:

– Mua vé lên tàu, loại vé nằm hạng sang đấy. Đợi đến nửa đêm về sáng, lúc hành khách ngủ say là ra tay cướp: cướp hành lý, cướp tư trang, đôi khi cướp cả mạng người nữa đấy chú. Xong việc là chuồn thẳng bằng mọi cách.

Mặt người trung niên biến sắc:

– Trời! Ông anh thật bạo gan! Em…

Gã hứng chí cắt lời người đối thoại, tay vỗ vỗ vào chiếc va ly to đùng bên cạnh, khoe:

– Siêu lợi nhuận! Chưa giáp tháng mà ta đã có thừa cho một chuyến du lịch vòng quanh thế giới bằng phương tiện hiện đại nhất.

– Nếu rủi ro bị phát hiện lúc tàu đang chạy với vận tốc nhanh?.

Gã vội rút khẩu súng lục giấu dưới gối lên xoay mấy vòng trông rất điệu nghệ như dân chăn bò miền Viễn Tây nước Mỹ trước cuộc đọ súng tay đôi trong những bộ phim Cao-bồi. Rồi như vô tình, mũi súng của gã chỉa thẳng vào người trung niên, giọng gã bỗng sắc lạnh:

– Thằng em này sẽ giúp ta giải quyết mọi chuyện yên thắm. Hi hi hi hiii

Theo phản xạ tự nhiên, người trung niên đưa hai bàn tay về phía trước như để che chắn, mặt lộ vẻ kinh hãi:

– Ấy chết! Xin ông anh quay nòng súng sang hướng khác. Em sợ lắm! Súng đạn vô tình. Rủi nó cướp cò thì khốn!

– Cướp là cướp thế nào!?. Gã sừng sộ – Thằng em trung thành chưa bao giờ làm trái lệnh ta. Gã khoe – Nó rất chính xác đến từng milimét chú em à, đặc biệt bộ hãm thanh tuyệt hảo . “Bụp” một phát là ngoẻo rồi vứt xác ra ngoài cửa sổ. Thế là xong, chỉ có trời biết. Gã xoay xoay nòng súng như đang chuẩn bị lẫy cò.

Người trung niên vừa lách mình né tránh họng súng đen ngòm, vừa van nài:

– Nhưng mà em … em sợ … súng đạn lắm!

Gã cất tiếng cười khằn khặc như người bị siết cổ rồi đanh giọng:

– Sợ! Chú mày nhát bỏ mẹ. Sợ chết thì nộp chiếc valy lại đây.

Người trung niên hoảng hồn, nói lắp bắp:

– Ấy chết. Xin … xin ông anh th … tha cho. Em … em nghèo lắm! Chỉ có mấy bộ đồ với một ít … tiền còm!

Gã vẫy nhẹ nòng súng, giục:

– Mang va ly lại đây. Nhanh!

Người trung niên luống cuống mang chiếc valy đến để cạnh gã. Gã hất hàm, lệnh:

– Mở ra!

Người trung niên vừa run lập cập vừa tháo các chốt, nắp valy bật mở. Gã cúi xuống hất tung quần áo rồi lôi ra một xấp tiền đô dày cộm, một xâu chuỗi kim cương với mấy sợi dây chuyền vàng đưa lên dứ dứ trước mặt người trung niên, chửi  tục:

– Đ. má, nghèo cái con mẹ mày! Chỉ bấy nhiêu đây thôi cũng đủ trở thành đại gia tỉnh lẻ rồi. Sau khi cho tất cả chiến lợi phẩm vào valy của mình, gã dí nòng súng dồn người trung niên trở lại vị trí cũ, lấy dây ny lông đã chuẩn bị sẵn trói rịt nạn nhân xuống thành giường, đoạn dùng tấm chăn phủ kín từ cổ trở xuống.

Gã bảo:

– Chú em chịu khó nằm yên như đang ngủ say. Mọi dấu hiệu chống đối dù nhỏ đến đâu thằng em mặt sắt này cũng dễ nổi khùng. Cảnh sát sẽ đích thân cởi trói cho chú mày sau khi tao xuống ga Giec-xây dông thẳng. Đó là tao có lòng nhân từ chứ gặp lão Jean Pie thì mày ngủm ngay từ đầu rồi con ạ. Lão không nhiều lời đâu. Chú mày đã nghe ai nói đến lão Jean Pie chưa ?

– Dạ, dạ em có nghe. Đó là…là tên cướp ranh ma xảo quyệt nhưng cũng rất thông minh, chuyên giết người diệt khẩu dù chỉ vì một món hàng giá trị chưa đến mười xu, hiện đang bị Cục an ninh và cảnh sát Pháp truy lùng, người trung niên nói giọng run run.

– Đúng đấy con ạ. Gặp hắn là đời mày đi đoong rồi. Gã không thích nhiều lời. Riêng tao, dẫu sao tao cũng còn đức hiếu sinh, vẫn mở cho con đường sống nếu chú mày biết điều.

Người trung niên năn nỉ:

– Ông anh cho em xin lại số giấy tờ tùy thân để khi đến Pa-ri em còn có cơ sở chứng minh với pháp luật nhận quyền thừa kế.

Gã bực dọc gắt:

– Đã bảo câm họng. Đ. M thằng này khó giáo dục. Mày tưởng tao là thằng tâm thần hả? Tao cho mày một viên kẹo đồng thì có. Vừa nói, gã vừa giương súng lên nạp đạn lắc cắc. Người trung niên hoảng vía:

– Ôi thôi thôi, anh tha cho em!. Nói xong, anh ta líu ríu quay mặt vào trong nằm bất động.

Gã yên chí đút khẩu súng dưới gối, ngả lưng xuống nệm. Lòng gã khoan khoái bởi đêm nay trúng quả đậm. Không những nắm chắc mẫm trong tay một tài sản lớn mà còn sắp làm chủ ngôi biệt thự khu ngoại ô Pa-ri và trên nửa triệu Euro của bà cô trời ơi nào đó. Đến Pa-ri …

– Ông anh ơi! Ít ra ông anh cũng cho đàn em xin lại một ít đồng xu lẻ để tiêu pha dọc đường chứ!

Bị cắt ngang dòng suy tưởng, gã bực dọc vét sạch các túi lôi ra nắm tiền lẻ đem lại vo tròn  nhét chặt vào miệng nạn nhân. Gã càu nhàu:

– Mẹ mày, tao đang muốn yên mà cứ léo nhéo mãi. Ông nổi bực lên là tiêu đời đấy con à!. Gã quay lại giường ngả lưng, tiếp tục dòng suy tưởng. Đến Pa-ri, gã sẽ làm toàn bộ hồ sơ giả để nhận quyền thừa kế. Việc này đối với gã dễ như trở bàn tay. Gã nhẩm tính, với tốc độ này, tàu sẽ đến ga Giec-xây lúc trời tảng sáng. Nghĩa là chỉ còn gần tiếng đồng giờ nữa, gã sẽ rời tàu yên ổn với số tài sản lớn. Nhảy tàu lúc này là cực kỳ nguy hiểm, mất mạng như chơi. Mãi suy nghĩ, gã ngủ quên lúc nào không biết. Đến khi loa tàu kêu gọi hành khách chuẩn bị xuống ga Giec-xây, gã mới tỉnh giấc. Đột nhiên, gã ngồi bật dậy, toàn thân run lẩy bẩy, mồ hôi tứa ra như tắm khi phát hiện ra tờ giấy có ghi nguệch ngoạc dòng chữ :

Cảm ơn ông bạn đồng nghiệp đần độn, vất vả mấy tháng thu gom giúp ta

một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Ký tên: J. Pie

Trên tờ giấy có đính thêm bộ ria giả rậm rì hình ngạnh trê.

Tàu dừng trên ga Giec-xây lúc trời rạng sáng. Gã lảo đảo bước xuống sân ga. Ngang qua cửa hiệu điểm tâm, nhìn những chai rượu vang đỏ, mấy đĩa bánh la-huya bày trong tủ kính, bao tử gã cồn cào. Gã đưa tay lục tất cả các túi áo, túi quần… Thất vọng, gã chắp tay sau đít lầm lũi đi đến một xóm lao động nghèo còn lãng đãng sương đêm.

Cùng lúc đó, tại một khu rừng cách sân ga Giec-xây không xa mấy, J. Pie đang ngồi ủ rũ như con mèo ướt! Trước mặt tên cướp nổi tiếng ranh ma xảo quyệt là ngổn ngang đủ thứ: một xấp tiền giả, một khẩu súng giả. Toàn bộ số tư trang bán chưa đầy ba xu bởi toàn hàng giả. Chỉ có mấy bộ đồ của gã là thật nhưng đã cũ mèm lại thum thủm mùi mồ hôi lâu ngày. Tên cướp Jean Pie buông tiếng thở dài: Cả hai phi vụ đều trót lọt. Tưởng đêm nay vớ bẫm, hóa ra công cốc!./.

TRẦN QUANG LỘC

(BÌNH ĐỊNH)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *