VHSG- Năm nào cũng thế, Tết từ Miền Tây lên thành phố theo đường sông lớn, rẽ vào kênh Tàu Hủ rồi cập bến Bình Đông. Có bến Bình Đông, Tết quận Năm có vẻ sớm hơn các quận khác, khi dưa trưng, dưa lễ Rạch Giá lên đây từ giữa tháng chạp.
Cùng với dưa hấu là hành tím, củ kiệu Sóc Trăng, thơm, khóm Long An, tôm khô, cải bẹ Gò Công, thèo lèo mè đen Bến Tre, bánh tráng sữa Vĩnh Long… cũng lên từ đường sông Cửu Long. Sau đồ ăn là đồ chơi, là kiểng bông, kiểng trái – cúc, tắc Sa Đéc, là kiểng lá bùm sụm hình thú mười hai con giáp, con chuột, con trâu, con khỉ… Cái Mơn, Chợ Lách. Nhưng theo đường bộ thì Tết còn đến quận Năm sớm hơn nữa! Ngay từ Noel, con đường nối Chợ Bình Tây với nhà Bưu Điện đã đỏ rực các bức chữ nghinh xuân, nào tài lộc mãn thiên, nào vạn sự như ý… đã đỏ rực các phong bao lì xì đủ kích cỡ, chủng loại.

Ngọc nhận ra bước xuân sớm kia khi ngồi xe bus theo đường ven kênh trên xa lộ Đông Tây, từ kí túc xá sinh viên tới nhà hàng thức ăn nhanh Hàn Kim Chi. Sáng nay nhà hàng khai trương đón tết Bính Thân ở đường Tản Đà, gần đại học Y Dược. Ngọc là nhân vật không thể thiếu trong lễ khai trương, là…con khỉ bông dễ thương, thứ con rối tiếp thị với cái áo khỉ chùm kín người, chỉ hở hai con mắt lanh lợi để dụ con nít, cùng ba má, anh chị của chúng vào nhà hàng. 8 tiếng đội lốt khỉ, đội cái máy nóng ba bốn chục độ C như vậy được trả 1 triệu đồng! Đang cần tiền, chàng sinh viên văn khoa quyết hi sinh kì nghỉ Tết kéo dài hơn nửa tháng, quyết “xuân tha hương” một năm, sáng làm khỉ, tối làm người giữ xe hội hoa xuân, để kiếm cho được 12 triệu. mua cái máy chụp hình Canon hàng xách tay, tạm đủ chuẩn đồ nghề cho một nhà báo chuyên nghiệp. Sang năm tốt nghiệp rồi, sau tết, chỉ còn năm con khỉ 2016 này nữa là Ngọc phải bước bằng được vào nghề báo. Ở lại thành phố Tết này, còn là để kiểm nghiệm thực tế, tìm thêm chi tiết, viết bằng xong truyện tình gắn với một lễ hội chỉ có ở quân Năm, lễ hội Macchabée tri ân người hiến thân cho khoa học, tiến hành mỗi năm vào cuối thánh chạp ở trường đại học Y Dược.
Ngọc biết lễ hội này khi giúp Ngà cô bạn trường Y của mình chấp búp để tài tốt nghiệp của cô “Y đức và tri thức y khoa nhìn từ lễ hội Macchabée”. Chấp bút cho nên Ngọc có thể thuộc từng đoạn văn của mình: “Đến thời kỳ phục hưng, thế kỷ 16 sau công nguyên, ngành giải phẫu học phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn học quan trọng, việc phẫu tích tiêu bản cơ thể người, trở nên phổ biến và bắt buộc trong các trường đại học phục vụ cho học tập, nghiên cứu … chính cảm hứng khoa học này đã tạo ra lễ Macchabée – khiêu vũ tạ ơn những người đã hiến thân mình cho khoa học. Năm 1990 cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổ chức lễ hội Macchabée, từ đó lễ hội khiêu vũ này đã nhanh chóng truyền sang tất cả các trường Đại học Y khoa ở Việt Nam”. Ngọc thuộc cả đoạn văn tràn trề cảm xúc của đại diện sinh viên trường đại học Y Dược đọc trong Macchabée mới nhất mà chính anh nhập tin trích dẫn: “ những người tình nguyện nằm đây, nguyên vẹn cả thể phách và tinh anh. Thể phách vẫn còn với từng mạch máu, bắp cơ, từng bộ phận cơ thể trong bài giảng của thầy trò trường Y chúng tôi, tinh anh vẫn còn, còn mãi mỗi dịp xuân về…”
Theo đuổi cùng Ngà để tài này, Ngọc biết, thể phách của hàng nghìn người tình nguyện nằm ở các bảng phân tích, các con số thống kế của luận văn, còn tinh anh phía sau những con số kia là chuyện những kiếp người thăng trầm, sướng khổ, sống chết… vẫn thủy chung như nhất với nhau. Như chuyện tình đẹp chẳng kém gì Romeo – Juliet, đẹp chẳng kém gì Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, mà Ngọc đang ghi chép, đang viết dở dang! Chuyện ấy, đẹp như tưởng tượng, mơ mộng của nhà văn trẻ về cặp đôi Rô Mê Ngọc – Juy Li Ngà, về chuyện tình của chính mình…

Những năm tháng cuối thời báo cấp già nua, cả thành phố đói! Cô thanh niên xung phong tên Xuân nhận lệnh xuống kí hợp đống mua gạo từ các tập đoàn sản xuất, các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường quốc doanh dưới Miền Tây, làm qùa tết cho anh em trong đơn vị. Mua cho tập thể, có công lệnh đường hoàng, mà cứ phải lẩn như trạch vì nạn ngăn sông cấm chợ. Có mấy bao tải gạo mà không dám đưa vào bến, phải lên xe giữa đường, nửa đêm khuya khoắt. Trên xe tối mò, Xuân ngủ thiếp lúc nào không hay, ngủ ngồi trên bao gạo của mình, ngả cả mái đầu vào bắp vế người ngồi ghế kề bên. Ngủ say, thức giấc thì trời đã sáng banh, xe đã tới Bình Chánh. Người có bắp vế nhà trọ sửng sốt:
– Xuân hả! Sao lại đi buôn gạo!
– Anh Thức! Em vẫn thanh niên xung phong mà!
Xuân đứng lên, ngay trên bao gạo, đầu muốn chạm vào nóc xe, đứng như khoe trong nắng sớm bộ đồng phục thanh niên xung phong của mình. Cả xe chứng kiến, anh bộ đội gặp người bạn Sài Gòn xưa mười mấy năm bặt tin. Họ đều là sinh viện thời xuống đường dậy mà đi, đồng bào ơi. Đã sương gió, đã can trừơng bấy nhiêu năm, đã ngoài ba mươi cả rồi mà anh thì vẫn trai tân, gái trinh vẫn chị!
Chiếc xe thắng gấp. Xuân té gọn hơ vào lòng Thức, tạo cơ hội để anh lơ xe ngọt ngào với cả hai người:
– Anh chị làm ơn xuống gạo ngoài nầy! Vào bến là tiêu đấy. Lại phiền toái nhà xe tụi em.
Gạo xuống giữa đường cũng xuýt mất vì xe đò vừa đi, xe quản lí thị trừơng đã tới. Đã hăm, không muốn tịch thu thì đóng thuế, khiến Thức phải đặt tay vào bao súng ngăn bên hông, diễn cương một vai kịch:
– Đấy là gạo nông trường quân đội chúng tôi tặng các chiến hữu thanh niên xung phong. Không phải thương phẩm! Không có chuyện thuế má ở đây!
Mấy cán bộ thị trường mẫn cán nghe thấy có lí thì niệm tình tha cho. Tết ấy thành duyên trời, buộc chặt Xuân với Thức vào nhau.
Xuân và Thức đã hưu cả rồi. Hơn hai mươi xuân gắn bó đã cho họ những hơn hai mươi đứa con, chính xác là 27 đứa. Chẳng là khi đứa thứ nhất chào đời, nhân dạng đã khiếm khuyết, chẳng bằng người ta, bé lại yểu mệnh chỉ sống được với ba má, chưa đầy tuần. Bác sĩ khuyên, không vợ, thì chồng, đã có hiểm họa da cam trong máu, chẳng nên sinh nữa. Cặp đôi hoàn hảo này, hướng thiện y đức, y khoa, ngay từ thời đang xoan đã âm thầm giao kết để vừa nhận sổ hưu là bán ngay căn nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, được nhà nước đãi ngộ, mua đất dưới Củ Chi lập trại nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, đã nuôi 27 em. Lại thêm, không muốn con đàn nhà mình phải bận việc hiếu cho cha mẹ, Xuân và Thức đã kí vào một lá đơn chung, xin được sống thêm lần nữa trong lễ hội Macchabée trường đại học Y Dược.
Lá đơn chung đã mai mối. Hai cặp đôi Ngọc Ngà và Xuân Thức quen biết nhau. Bốn người hẹn với nhau Macchabée Bính Thân năm nay tới giao lưu với những người biết sống thêm một lần nữa…
Nhưng Macchabée hành lễ buổi chiều. Sáng nay Ngọc còn vai khỉ khai trương.
Trống múa lân đã dứt. Ông Địa với đàn lân 3 ông, đủ cả, ông râu bạc, ông râu đen, ông râu đỏ đã vãn hát, đã về cả rồi. Chỉ còn Ngọc liến khỉ một mình trước mặt tiền mười thước rộng của nhà hàng Hàn Kim Chi. Nắng xuân phương Nam mỗi lúc mỗi gắt hơn. Gắt nhất là lúc Ngà tới, tay trong tay với một người đàn ông khác, không phải là Ngọc.
Ngà nói nói cười cười. Con khỉ tiếp thị cũng cười. Lại còn múa nữa chứ, những vũ điệu hầu quyền. Khiến người đi cùng Ngà nổi hứng, bắt Ngà ôm khỉ bông cho anh ta chụp hình. Rồi anh ta tạo dáng âu yếm khỉ để Ngà bấm máy. Chưa hết. Kiểu cuối cùng trước khi bỏ đi (chứ không chịu vào ăn nhanh) là mỗi người một bên, khỉ đứng giữa, còn anh chàng đang đỉnh thì đưa gậy tự sướng, vừa chỉnh gậy vừa nói: “Trên facebook chiều nay, cả thế giới biết anh với em du xuân cùng chú khỉ dễ thương này”.
Ngà nói nói cười cười! Còn Ngọc trong ấy chắc là đang khóc. Những người viết văn đa cảm, yếu đuối lắm. Cứ khóc Ngọc ơi! Để chiều này được cười nụ cười thật của mình với cặp vợ chồng có 27 đứa con ở lễ hội tri ân. Khóc để sáng mắt nhận ra, ai được duyên trời se kết rồi thủy chung như nhất với nhau trên cõi đời này.
TRẦN QUỐC TOÀN