VHSG- Tin ban kèn xanh của trường trung học cơ sở phường II được giải nhất nhạc lễ “Liên hoan tiếng kèn khăn quàng đỏ toàn quốc” làm vui cả xóm đạo. Nhà thờ chuông báo lễ sáng, báo cả tin vui này, những nhịp chuông nhắc lại tới mấy lần, như đàn reo dây khiến những người thờ ơ nhất cũng phải lắng nghe.
Ngoài chợ chồm hỗm ven kinh Tàu Hủ, mấy bà hàng rau hỏi nhau, có đám cưới nhà nào phải không? Hay nhà nào mới sinh em bé? Bà Năm Cải cũng hỏi những câu như thế cho dù bà là mẹ đẻ của Nhã Lan người phụ trách đội kèn quán quân năm nay.
Vì Nhã Lan đã kịp khoe giải nhất với mẹ mình đâu. Tối qua mang tin vui về nhà thì bà Năm ngủ rồi, giờ này bà lại đang ở ngoài chợ, bên gánh rau không thiếu thứ cải nào, cải làn, cải bẹ, cải bắp, cải trời, cải phụng, cải xà lách xoong, cải bó xôi, cải ngồng…Chợ Tết, nhà nào cũng muốn chất rau tươi vào tủ lạnh, nhà nào cũng muốn muối một liễn dưa cải bên nồi thịt kho tàu. Mà bà Năm Cải, như cách gọi của người mua rau, chuyên về rau cải.

Sáng nào cô giao Nhã Lan cũng ra chợ bán rau tiếp mẹ rồi mới tới trường, nhưng sáng nay thì không, cô phải tới trường sớm, đưa ban kèn xanh đi biểu diễn ở đường đi bộ Nguyễn Huệ trên quận Nhất, trong chương trình khai mạc hội hoa xuân Canh Tý 2020. Vội tới mức suýt quên mang cây trompet kèn lệnh của mình.
Lan mải kèn tới quên mình đã hết tuổi “băm” từ năm ngoái, năm kia. Bằng ấy tuồi rồi mà vẫn ngủ chung giường với mẹ. Đến chị hiệu trưởng dù biết khó tìm ai thay được bà tướng kèn của mình nhưng cũng phải nhắc, vừa nghiêm nghị, vừa thân tình “Lan ơi, nhà mình một bà mẹ đơn thân là đủ rồi đấy, chấm ai đi chứ! Bày con của em trong đội kèn, rồi cũng đứa thành mẹ, đứa thanh cha, em sống với ai!”
Bày con dàn kèn đã thay nhau theo mẹ Lan từ khi cô học xong lớp sư phạm âm nhạc, về trường vừa dạy nhạc vừa làm tổng phụ trách đội. Bằng ấy việc chưa thỏa chí một người mê nhạc tới kì lạ, một người như có nhạc trong máu huyết, cô lập ngay Ban kèn xanh với dàn kèn mượn của nhà thờ và cây kèn qùa tặng của mẹ từ sinh nhật lần thứ nhất, từ lễ thôi nôi. Bày con nhạc kèn theo mẹ Lan tham gia thi cấp quận, cấp thành phố, cấp khu vực, cấp quốc gia và sáng nay 50 tay kèn nam, nữ thổi kèn khai mạc hội hoa xuân.
Ban kèn xanh hôm nay diện nhạc phục hai màu xanh, trắng may theo kiểu quân phục của các chú lính chì trong truyện cổ của Angdecxen. Cho tới khi bé đội trưởng xắp ra lệnh diễn thì tay trompet số 1 đứng ngoài cùng kêu lên:
– Chị Lan, kèn em phô nốt son làm sao bây giờ
– Trăng sao gì nữa! Đây! Thổi kèn này.
Lan đưa cây trompet của mình. Dòng nhạc xuân tuôn chảy. Reo vang bình minh thôi thúc, Đa-Nuyt xanh quyến rũ, Tiếng chày trên sóc bom bo nhịp nhàng. Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh rộn rã…
Người xem ngày càng đông. Rất nhiều người lần đầu được đứng gần một dàn ken như thế và tìm cách nhìn tận mắt, để nhận mặt các loại kèn đã nổi tiếng từ xưa, ôboa, clarinet, phagot, co, coocne, trompet, trombon, tuyba…Bên kèn còn trống nữa chứ.
Cho tới khi chương trình chấm dứt, có một người đàn ông tóc bạc, vẫn đứng đấy ngắm nhìn cây trompet của bà tướng kèn Nhã Lan đang trên tay người lính kén khăn quàng đỏ. Ông đứng gần tới đọc đươc cả dòng chữ khắc trên cây kèn. Ông nói với tay kèn tí hon:
– Cháu ơi đây là kèn của ông! À! Xin lỗi cho ông hỏi kèn này của ai?
– Cô phụ trách cho con mượn đấy. Cô con đây ông!
Đúng lúc ấy thì Nhã Lan bước tới. Người đàn ông đầu bạc nói với Nhã Lan:
– Thưa cô, đã có một thời tôi thổi cây kèn này. Cô có thể cho tôi gặp người trao cây kèn này vào tay cô.
– Dạ được, mẹ cháu trao cho cháu. Mời ông lên xe cùng đội kèn cháu đưa ông đi
Tay kèn đầu bạc, ngồi giữa những anh lính kén khăn quàng đỏ, thủ khoa một đại nhạc hội đang đầy nhạc hứng, đang kèn. Chuyển xe chỉ tham gia giao thông mà chạy như xe hội, như một nhà hát thiếu nhi trên đường. Xe tới trường phường II, đội kèn giải tán, ông khách lại ngồi lên xe honda của Lan, ngồi sau lưng Lan chạy tới chợ chồm hỗm ven kinh.
– Má có khách má ơi!
– Mời ông mua đi. Rau sạch cả đấy. Bà nhà dặn ông mua gì để tôi lựa cho. Cải củ hay cải bắp. Nếu nhà đổ bánh xèo thì phải mua cải xanh mới đúng vị. Mua đi ông!
– Tôi…tôi…thưa bà…
– Ông người Bắc phải không. Người Bắc hay nấu rau tần ô với cá rô đồng. Ông mua đi.
– Tôi…tôi là Dũng Tò Te đây Bích Điệp ơi.
Bà Năm Cải sững người, buông rơi mớ tần ô. Bây giời bà mới nhận ra cây trompet của Nhã Lan ông khách cầm trên tay. Tên một anh lính kèn khắc trên đó mà!
Ngày ấy anh Dũng thi rớt tú tài hai, bị bắt lính. Nhưng thật may chỉ là lính kiểng trong đội nhạc binh. Kèn của tay nhạc binh có khắc một câu thơ, nét khắc như tiếng thờ dài từ một thời kì lịch sử: Tò te kèn thổi tiếng năm ba / Nghe lọt vào tai dạ xót xa. Các bạn đồng ngũ gọi Dũng Tò Te, là nhắc chữ Tò Te trong dòng thơ lịch sử này. Và dòng sử trôi tới một ngày muà xuân 1975, anh lính kiểng, để lại cây kèn chiến bại của mình cho người bạn tình, bỏ lại chính bà tướng kèn Nhã Lan, khi bà mới chỉ là một mầm sống trong bụng mẹ, rồi tùy nghi di tản sang mãi tận bên kia đại dương. Từ Mỹ ông đã về ăn Tết Việt Nam mấy lần rồi. Những cho tới năm nay mới được nói:
– Dũng Tò Te đây Bích Điệp ơi!
Người đàn ông nhắc lại câu nói ấy. Bà Năm Cải đã lâu lắm mới lại được gọi bằng tên khai sanh Bích Điệp của mình. Bà Bích Điệp mẹ cô Nhã Lan khẽ khàng thưa:
– Tôi đây. Con ông đây.
Bà Năm Bích Điệp đẩy Nhã Lan tới gần cha mình hơn. Và cây kèn đồng đã cũ xỉn trên tay hai người bỗng sáng lóa dưới nắng xuân, đẹp như một nhịp cầu âm nhạc nối xưa với nay, nối buồn với vui, nối bên này với bên kia, đưa những lênh đênh chìm nỗi mấy mươi năm cập bến xuân xum họp. Cái bến chợ chồm hỗm ven kinh, xanh tươi màu cải xanh đủ loại, cải làn, cải bẹ, cải bắp, cải trời…
TRẦN QUỐC TOÀN