Truyện ngắn Trịnh Phương Trà: Giấc mơ ban ngày

VHSG- Đúng hẹn, Dũng đến. Vừa thấy chiếc xe dựng trước thềm, trống ngực tôi đã đập thình thịch. Chúng tôi ngồi bên nhau, nói những câu chuyện không đầu không cuối và đợi chiều đi. Rồi tôi dọn cơm. Những món ăn được tha về từ siêu thị, chứ tôi chẳng còn tâm trạng nào mà nấu nướng. Bữa cơm bày ra trên chiếc bàn ở phòng khách. Tôi thay bộ đồ ở nhà bằng chiếc váy hai dây. Rồi, quên mất là sắp ăn cơm, tôi quyết định thoa một tí son lên đôi môi tái nhợt. 

Dũng nheo nheo mắt nhìn chiếc váy, muốn nói một câu gì đó.

Hai đứa chậm rãi ăn, tôi chậm rãi mỉm cười khi Dũng nhắc lại những câu chuyện của chúng tôi thời trung học. Chiếc đồng hồ treo tường thong thả đếm tích tắc tích tắc.

Bỗng Dũng ngừng câu chuyện nhìn tôi “Bây giờ mà Duyên thay đổi…”

Tôi cắm mặt vào chén cơm, tự hỏi làm sao mà thay đổi được đây?

Nhà văn Trịnh Phương Trà

Có tiếng bánh xe dừng trên con đường lổn ngổn sỏi phía trước nhà. Hình như taxi. Đúng là taxi. Tôi nghe cánh cửa xe đóng lại. Rồi tôi nghe tiếng chân. Những bước chân của người ấy!

Vào sinh nhật lần thứ hai mươi tám của tôi, người ấy đã về đây.

Những bước chân thật gần, và tôi run rẩy.

Một cái gì đó rơi xuống nền, vỡ ra một tiếng chói tai. Tôi cúi xuống nhặt. Khi ngẩng lên, người ấy đã tươi cười đứng trên ngưỡng cửa phòng khách. Nụ cười đó, ánh mắt đó mang lại cho tôi biết bao ấm áp, ngay cả trong mơ.

Nụ cười lặng đi khi Dũng hỏi to “Ai vậy em?”

Người ấy nhìn Dũng rồi nhìn tôi. Đôi mắt của người ấy dừng lại trên chiếc váy hai dây trễ nãi.

Đúng lúc ấy, không sớm hơn cũng không muộn hơn, Dũng đặt tay lên đôi vai trần của tôi “Ai vậy em?”

Ánh mặt trời vụt tắt trong đôi mắt vẫn cùng tôi đi vào giấc ngủ. Tôi thấy mình vừa bước hụt chân và rơi xuống một cái hố sâu.

 “Duyên…” Giọng người ấy hơi run.

Thật kỳ lạ, ngay khi có cảm giác rằng mình sắp quỵ xuống, đầu óc tôi bỗng sáng rõ.

 “Xin lỗi – Tôi rành rọt nói với người ấy – Xin lỗi về mọi chuyện giữa chúng ta. Đây là…”

Không biết đã hết câu chưa, nhưng những gì tôi định nói, người ấy đã hiểu. Còn tôi thì đứng như bị đóng đinh trong phòng khách, bên bữa cơm chiều. Tôi chờ đợi người ấy ném vào tôi sự giận dữ. Nhưng không, người ấy chỉ đứng lặng trên ngưỡng cửa, chừng như chưa biết phải làm gì. Rồi người ấy quay đi. Chỉ có đôi mắt nói rằng tôi vừa làm sụp đổ một thế giới.

Tôi lắng nghe những bước chân của người ấy đang rời xa. Những bước chân đang rời xa tôi. Mãi mãi.

Dũng ấn tôi xuống ghế “Giờ thì Duyên có thể khóc được rồi”.

Nhưng tôi không khóc. Người đàn ông tôi yêu đã rời xa tôi. Vậy mà tôi không khóc được. Nước mắt đi đâu mất rồi?

***

Cuối tuần, Minh thường đến chỗ tôi. Chúng tôi cùng đi chợ, nấu nướng, nói chung là cùng làm mọi chuyện. Hai chúng tôi nằm trên chiếc giường một mét hai và cảm thấy buổi trưa, buổi chiều trôi qua thật nhanh. Minh bảo: Như thế này thích thật!

Tôi thì khác. Như phần lớn phụ nữ ở đất nước Á Đông này, đã tốt nghiệp và có  việc làm ổn định, đã hò hẹn với một người đàn ông, tôi bắt đầu nghĩ về một mái nhà có tiếng cười bọn trẻ. Còn Minh, như phần lớn đàn ông trên trái đất, đã xếp sự nghiệp vào ưu tiên hàng đầu. Tôi yêu Minh nên tôi đợi, và nhủ rằng ba năm quen nhau không phải là khoảng thời gian quá lâu. Minh bận rộn đến thế cơ mà.

Bận rộn nên cuối tuần, Minh không thường đến chỗ tôi nữa. Sợ Minh tham công tiếc việc mà bỏ bữa, tôi nấu những món ngon rồi mang đến công ty. Cứ nghĩ sẽ vui, ai ngờ Minh cau mặt “Anh không phải là đứa trẻ!”

Rồi Minh đi công tác. Tôi nhớ, nhưng mỗi khi bấm số và áp chiếc điện thoại vào tai, chỉ nghe những âm thanh chói gắt. Tôi sợ.

Sau chuyến đi xa về, Minh phờ phạc. Tôi nhìn cái cằm râu tua tủa, xót xa. Tôi mặc chiếc váy Minh mua tặng vào dịp sinh nhật, thoa một tí phấn hồng lên má, một tí son lên môi. Cô gái nào cũng muốn mình xinh xắn hơn khi đi bên cạnh người yêu. Minh chở tôi đến một quán cà phê nhỏ trên con đường có nhiều quán xá. Sau khi kéo ghế ngồi, tôi đưa mắt nhìn sang bên kia đường, mỉm cười vì ngạc nhiên. Minh cũng nhìn theo tôi, hỏi em cười gì vậy. Định nói rằng chúng mình gặp nhau lần đầu ở ngôi quán bên kia, anh quên rồi sao, nhưng tôi chắc Minh đã quên nên không nói gì cả.

Minh gọi một quả dừa cho tôi và một ly cà phê đen cho anh, như mọi khi. Dường như Minh đang có điều gì đó rất khó nghĩ. Chúng tôi cứ ngồi như thế, tôi uống nước dừa, Minh uống cà phê. Rồi Minh rút từ trong túi ra một chiếc hộp. Một chiếc hộp nhỏ xíu, màu đỏ. Tim tôi đập mạnh, rất mạnh. Tôi biết trong hộp đựng vật gì.

Minh đặt chiếc nhẫn vào tay tôi. “Anh mua đã lâu rồi nhưng chưa tìm được dịp nào để đưa nó cho em”. Tôi thấy mắt mình cay quá. Vậy mà có một phút một giây nào đó, tôi lo Minh sẽ thay đổi.

Chẳng biết Minh có cảm giác giống như tôi không mà đôi mắt đỏ lên. “Anh yêu em. Anh mua chiếc nhẫn này vì muốn hỏi cưới em làm vợ – Minh nói một cách khó khăn – Nhưng cuộc sống không chỉ có tình yêu mà còn cần những thứ khác. Anh không có mà em cũng không có…”

Tôi không khóc, chỉ thấy mình bị xô xuống từ trên cao. Tôi cố gắng rời khỏi nơi tôi và Minh đang ngồi bằng những bước chân thong thả. Tôi gọi một chiếc xe ôm và về ngôi nhà trọ của mình. Tôi thấy lạnh nên chui vào chăn. Cuộn mình trong đó, có một câu hỏi cứ đập đi đập lại trong đầu, rằng tôi đã sai ở chỗ nào. Trong lòng bàn tay, thật ngạc nhiên là chiếc nhẫn vẫn còn ở đó. Nó sáng lên. Và không ngừng truyền cảm giác lạnh tê tái vào từng mạch máu trong người. Tôi không biết mình sai ở chỗ nào. Minh nói yêu tôi, nhưng Minh cần những thứ khác, thứ mà tôi chẳng bao giờ có được. Người ta chia tay đơn giản vậy sao?

Tôi đi dự đám cưới. Minh nói nếu không đến với nhau thì hãy coi như bạn bè và xử sự một cách văn minh. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể coi Minh như một người bạn, sau những gì mà chúng tôi đã có cùng nhau. Nhưng tôi vẫn đi dự đám cưới.

Tôi chọn một chiếc bàn gần nơi cô dâu chú rể sẽ bước lên ra mắt khách khứa. Tôi thấy Minh khoác tay cô dâu của anh đi vào nơi mà người dẫn chương trình đám cưới gọi một cách văn vẻ là hôn đường. Tôi thấy Minh mở rượu sâm banh và rót tràn những chiếc ly thủy tinh. Tôi thấy Minh dâng rượu cho những người mà từ nay sẽ gọi là ba, là mẹ. Những người đến từ một thế giới khác. Một thế giới vốn không thuộc về những người như tôi, như Minh. Phải chăng vì thế mà trong ngày cưới Minh cứ như người đi lạc. Miệng cười, nhưng đôi mắt thì mượn của người khác.

Tôi rời đám cưới khi tiệc chưa tàn. Không hiểu sao đã đến nước này, tôi lại buồn đến vậy. Vì đôi mắt như của người đi lạc ấy, trong một ngày mà ai đến cũng hoan hỉ chúc mừng. Càng nghĩ càng đau. Tôi thậm chí không biết mình đang khóc.

Thế rồi tôi gặp người ấy. Chính xác là tôi đâm xe vào người ấy.

***

Cũng bất ngờ như lúc chia tay, Minh xuất hiện trước cửa phòng trọ, ngập ngừng mời tôi đi uống cà phê. Như đã nói, cũng phải cư xử cho văn minh khi không yêu nhau nữa. Tôi đi, thử  xem sau hai năm trái tim mình có còn ngọ nguậy.

 “Trông em vẫn như  trước”. Minh nhìn tôi bằng đôi mắt rất quen. Chỉ có đôi mắt là quen, còn mọi thứ toát ra từ  con người anh đều trở nên xa lạ.

 “Anh đã khác đi nhiều”. Tôi nói, và bỗng nhớ tới lời thoại trong một bộ phim tình cảm. Hai người từng yêu nhau tình cờ gặp nhau, mở đầu giống hệt câu tôi và Minh vừa nói. Câu thứ ba như thế này: “Nhưng tình yêu mà anh dành cho em thì vẫn vậy”. Để xem cuộc gặp này có giống trong phim không.

 “Em còn giữ chiếc nhẫn không?”

 “Vẫn còn – tôi gật đầu – như một quà tặng.”

 “Anh đã ly hôn” – Minh nói rồi nhìn tôi đăm đăm, lần này cái nhìn rất khác.

 “Vậy ư?”

“Anh chưa bao giờ quên em. Chúng ta…”

Đoạn này lại giống một bộ phim khác. Nhân vật nữ nói: “Những ký ức về anh chưa bao giờ tắt trong em”. Nhưng tôi không phải là cô gái đó. Hoàn toàn không phải.

 “Anh à – Tôi nói sau khi đã uống hết nước trong trái dừa – Nước dừa rất ngon (câu này chẳng ăn nhập vào đâu cả). Em có bạn trai rồi”.

Tôi chào Minh, sau khi chắc chắn rằng trái tim mình không hề ngọ nguậy. Rời quán cà phê, tôi vội trở về nhà. Hôm nay là thứ bảy. Tôi thường lên mạng vào thứ bảy, chỉ để nói chuyện với một người.

Ở nơi xa lắc, người mà tôi đâm xe vào trong buổi tối vừa đi vừa khóc cũng đã vào Yahoo!Messenger.

 “Hôm nay có ai đi dạo phố không?”

 “Phố không có gì vui” Tôi gõ lên bàn phím “Còn anh?”

 “Bận lắm. Phải lo làm kiếm tiền để cưới vợ”.

 “Vậy đã nhắm được cô nào chưa?”

 “Rồi!”

 “Cô ấy thế nào?”

 “Rất quan trọng đối với anh. Vì vậy anh sẽ kết hôn”.

 “Chúc mừng nhé!”

 “Ừ”

 “Giờ  em phải đi chợ rồi”.

Tôi không đi chợ. Tôi chỉ kịp Sign Out trước khi đóng băng bên máy vi tính. Ai đó vừa kéo một sợi dây thép gai qua lồng ngực và từng mũi nhọn của nó không ngừng miết vào trái tim đang nghẹt thở.

Người ấy sẽ kết hôn! Sẽ kết hôn! Thế thì tại sao tôi lại ngốc nghếch lưu giữ những cuộc nói chuyện trên mạng của mình? Tại sao tôi cứ xem dự báo thời tiết chỉ để biết ngày mai, người ấy sẽ đi làm trên con đường ướt mưa hay ngập nắng? Và tại sao mỗi khi đọc một trang viết về vùng đất mà người ấy đang sống, tôi lại thấy lòng mình như chiếc lá, chao đi…

Tôi lần hồi tìm lại những câu chuyện bâng quơ của những sáng thứ bảy. Những buổi sáng chưa xa mà chuyện đã quá xa rồi. Có lẽ màn hình vi tính xuống cấp. Tôi đọc có mấy trang mà mắt cay quá thể!

Tôi mất ngủ. Tôi mộng du trong hụt hẫng. Tôi thắc thỏm chờ tin nhắn. Nhưng chỉ có sự im lặng ở cùng tôi trong căn phòng hăm mấy mét vuông. Tôi nhắn tin cho một người bạn, để cô ấy trả lời và tôi có thể nghe âm thanh quen thuộc từ chiếc điện thoại cầm tay. Thật lạ là tiếng chuông báo tin nhắn cũng làm tim nhói lên nên tôi tắt máy. Rồi tôi Sign In, click vào nickname đang lạnh ngắt. Không biết tự bao giờ người ấy đã là mưa là nắng của tôi. Gõ những dòng run rẩy thế rồi tôi vội vàng xóa đi. Để làm gì kia chứ. Người ấy là ảo ảnh, là một giấc mơ ấm áp nhưng ngắn ngủi trong đêm đông dài.

Ngày cứ thế tàn đi và đêm cứ thế phai đi. Hôm nay từ tờ mờ sáng trời đã ủ dột rồi nhanh chóng hất xuống một cơn mưa tầm tã. Nỗi buồn dồn lại, đầy ứ căn phòng.

Đinh ninh chẳng còn ai đợi nhưng con ngốc tôi vẫn đến nơi hẹn. Tôi vào Yahoo! Messenger.

Hóa ra người ấy vẫn chờ tôi ở nơi xa lắc.

 “Sao Duyên tắt máy mãi vậy? Em không ốm đấy chứ?”

 “Em không sao” – Tôi nói dối – “Kế hoạch kết hôn của anh như thế nào rồi?”

 “Chưa chuẩn bị gì cả.”

 “Sao vậy?”

 “Anh muốn kết hôn nhưng chưa biết cô ấy có muốn hay không.”

 “Thì hãy hỏi cô ấy”.

 “Anh sẽ hỏi. Ngay bây giờ.”

 “Ngay bây giờ?”

 “Duyên có muốn cùng anh…?”

 “Anh sẽ cố gắng để Duyên không bao giờ phải rơi nước mắt. Anh nói rất thật đấy”.

Cơn mưa ngoài kia ngừng lại khi con ngốc tôi chợt hiểu điều người ấy muốn nói. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy những chiếc lá đang hết mình xanh.

Người ấy nói vào dịp sinh nhật tôi người ấy sẽ và

o ra mắt ba mẹ. Tôi mở tủ, hối hả tìm bộ cánh ưng ý nhất. Tôi mặc vào, soi gương, rồi chợt nhớ ra rằng hơn một tháng nữa mới đến sinh nhật.

***

Dũng về. Cậu ta chào tôi bằng câu “Mình thật không hiểu!”

Phải, làm sao mà Dũng hiểu. Tôi đã sống với Minh, đã mơ những giấc mơ có Minh cho đến khi người đàn ông đó một mình rẽ sang lối khác. Trong những tháng những ngày trống rỗng, tôi không biết mình đã tựa vào một người. Rồi tôi ngạc nhiên khi thấy niềm vui nỗi buồn của người ấy trở nên quá đỗi quan trọng.

Lúc này đây chẳng còn chuyến bay nào nữa, có lẽ người ấy vẫn chưa đi xa. Giá mà tôi có thể chạy đi tìm người ấy. Giá mà tôi có thể đến bên người ấy để nói rằng dù mưa gió bão bùng, tôi vẫn muốn cùng người ấy đi hết cuộc đời…

Nhưng bây giờ và cả về sau, điều duy nhất tôi có thể làm là rời xa người ấy, mãi mãi!

Tôi đổi số điện thoại. Tôi nhận thêm việc rồi vùi vào đó như một tên tù khổ sai. Và mỗi khi phờ phạc trở về căn phòng hăm mấy mét vuông, tôi cố tránh xa cái bàn để máy vi tính.

Cần phải nói thêm là trên cái bàn ấy, ngay dưới bàn phím có một tờ giấy. Tôi đã đặt nó vào đấy để mỗi khi nhớ cháy lòng, mỗi khi ngồi vào bàn và định click chuột vào biểu tượng Yahoo!Messenger, tờ giấy sẽ nghiêm khắc nhắc tôi dừng lại. Và tôi rụt tay lại. Và tôi lau nước mắt của mình.

Bên dưới bàn phím, tờ giấy đã thành một đám lửa. Bệnh viện trao nó cho tôi, sau khi tôi trao cho họ 250 ml máu. Tôi muốn giúp một ai đó, hóa ra lại không thể! Cũng không ai có thể giúp dập tắt đám lửa đang đốt dần cuộc sống của tôi.

Tờ giấy đó có tên tôi, chữ  HIV và một dấu cộng.

TRỊNH PHƯƠNG TRÀ

One thought on “Truyện ngắn Trịnh Phương Trà: Giấc mơ ban ngày

  1. Nguyễn Hồng Minh says:

    Truyệt ngắn rật cục.
    Có nhiều cách để mở đầu cho truyện ngắn này, ý tôi nói là có nhiều cách để dẫn nhập để mình có thể viết cảm xúc hoặc suy nghĩ về truyện ngắn này. Tiêu đề này là một cách mà tôi chọn đặt bút xuống để viết (typing), và tôi chỉ viết cảm nhận cho đoạn đầu tiên của truyện ngắn này mà thôi. Thế là đủ.
    Truyện ngắn rật cục tức là các phần truyện ngắn tách rời, các nhân vật tự nhiên xuất hiện. Tất nhiên không tuyệt đối. Ví dụ như là các ngón tay có các khớp xương và bên ngoài là da bao phủ, chúng nối với nhau là mạch máu, là gân, là cơ, các khớp và da …vv dây thần kinh nữa. Thì phong cách truyện ngắn này thuộc về dạng truyện ngắn chỉ có khác khúc xương và nối với nhau một chút mạch máu để nuôi dưỡng mà tôi không thấy co da, có gân, có khớp, có dây thần kinh.
    Nói chung thì các truyện ngắn dạng rời khớp như thế này đều như vậy cả. Chỉ có điều sự khéo léo liên quan của các nhân vật và sự xuất hiện của các nhân vật là như thế nào thôi. Ở đây ba nhân vật nam không ai biết ai, xoay quanh một nhân vật nữ biết tất cả. Ba nhân vật nam là những tình địch của nhau, cứ tạm gọi như thế, mà không hề biết nhau. Một lỗ thủng lớn, một điểm yếu sâu sắc của đàn ông khi yêu hoặc chọn đối tượng, mà không hiểu được kẻ địch có bao nhiêu thằng, và hình thù, tính cách của chúng ra sao. Đàn ông chỉ biết cắm đầu vào.
    Đó là một cách vào đề, có thể vào theo cách khác như sau: Đây là một truyện ngắn chưa phải là hay nhất của Phương Trà. Với một giọng văn mà bác Chu (nhà văn Đỗ Chu) đã khen ngợi và so sánh với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở phía Nam và Phú Yên có Phương Trà thì truyện ngắn này chưa là gì với sức viết của Phương Trà. Còn nhớ, khi chị được giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn hai nghìn từ của báo Lao động thì đủ để hiểu. Ngoài những câu từ đẹp của một giọng viết văn, tản văn, phóng sự và báo như là khai thác vào đôi mắt, rồi con tim run run hay rung động không nào, rồi về chiếc lá, và những câu văn tả về cơn mưa và căn phòng. Chúng rất đẹp và có lẽ đó là đặc trưng và thế mạnh. Nhưng, có những sự chưa phù hợp trong truyện ngắn này khi dùng và đặt những câu văn đẹp đó vào tâm trạng của nhân vật nữ với ba nhân vật nam. Nhất là đối với Minh và Người lạ.
    Hoặc có thể đặt vấn đề bài viết rằng: Nhà văn thường bị coi viết tác phẩm truyện ngắn giống như bài báo. Tức là người viết ấy có một tính cách ngây thơ nào đó mà chưa phát hiện ra được mình đang viết văn như viết báo, hoặc tác phẩm của mình có tính chất báo chí. Nhưng chiều ngược lại thì khác. Khi người viết đã có tư duy viết báo chí, có quan niệm và nhận thức về truyền thông một cách rộng dài rồi và đưa tư duy truyền thông ấy để tạo ra những “bí mật” trong truyện ngắn thì không còn là sự ngây thơ nữa mà đó chính là tính toán. Truyện ngắn này khi đọc sẽ tạo ra cho các bạn điều gì tương tự như thế. Hoặc người đọc sẽ phải chăm chú, sẽ phải mở lòng để suy tư cùng người viết nếu không sẽ đánh lỡ mật một trật tự của cái sự hiểu biết của mình. Cách viết ấy có lẽ chuyển đổi sang truyện ngắn mà Phương Trà làm chủ được và chủ đích áp đặt vào truyện ngắn này.
    Có thể vào đề như thế này: Tôi cũng viết một truyện ngắn và gửi dự thi cuộc thi truyện ngắn của Hội nhà văn. Không biết đã kết thúc chưa, nhưng có lẽ truyện ngắn ấy đã chưa được chọn. Ở đó tôi cũng ngầm đưa ý bệnh xã hội, bệnh HIV vào cho nhân vật nữ. Và sau khi nụ hôn bên chiếc xe đầu kéo thì anh chàng lái xe chỉ còn sống và đưa vào công việc tình yêu của nụ hôn ấy. Người chị và là nhân vật nữ hiểu được điều đó cho dù hẹn và thực hiện nụ hôn ấy với người khác. Và rồi buổi chiều hôm ấy có một chiếc xe công ten nơ đầu kéo to lớn không chịu chạy mà cứ nằm im một chỗ. Người lái xe ngắm nhìn từ xa mà mơ mộng về một mái nhà. Trong khi ấy nhân vật nữ phải tiếp liên tục những người đàn ông, ngây ngất trong những niềm vui sướng nhục dục của mình, có thể vì kinh tế hoặc không nhưng chắc chắn rằng những năm người thanh phiên nhau lên cái cây xa xa kia để khoảng không có thêm chiều lộng gió hoàn toàn nằm trong mắt người lái xe. Và rồi cô gái sau đó sắp đặt cho em mình gặp lại và lặp lại nụ hôn với người lái xe. Mối tình được xây đấp. Riêng mình nhân biết được bản thân, xin vào làm ni cô ở chùa, làm các công việc thiện nguyện sau đó mất sau ba năm sống. Cô em gái và người chồng là lái xe ấy tới chùa và được sư chùa kể lại chuyện chị mình mắc bệnh HIV. Không biết truyện ngắn ấy có được chấp nhận không nhưng ở truyện ngắn này của Phương Trà, ban đầu đọc cứ nghĩ là dựa vào HIV để khai thác nội tâm, mong muốn của con người khi phải đối mặt với dịch bệnh thế kỷ, dịch bệnh không có thuốc chữa!
    Cũng có thể khai thông bắt đầu bằng thời gian như thế này: Tôi không biết Phương Trà viết truyện ngắn này là từ khi nào? Nhưng có lẽ phải sau sinh nhật thứ 28 của cô ấy. Tức là cũng cách đây phải hơn 12 năm rồi, hoặc dài hơn nếu Phương Trà viết khi còn trẻ hơn tuổi hai tám. Khi ấy HIV đang còn là dịch bệnh không có thuốc điều trị, giờ đây đã thay đổi, con người không phải đối mặt với cái chết hoàn toàn khi mặc căn bệnh này. Sự kỳ thị giờ đây cũng giảm đi rất nhiều. Nhiền ngoài đời Phương Trà xinh sắn và thỏ thẻ hơn trong bức hình, và giọng nói Tuy Hòa có lẽ có chút ít gì đó nằm trong tính cách của tác giả để rồi một vài tính cách nhân vật bộc lộ ra.
    Thôi tôi dừng lại ở việc mở đầu mà đã dài quá rồi mà chưa đi vào cảm nhận đoạn đầu của truyện ngắn này. Cứ đà này, suy nghĩ về mở màn mà đã hết giờ, hết giấy, hết mực mất chưa nói tới là vào nội dung.
    Đoạn đầu, người đọc chỉ đọc đoạn đầu sẽ không hiểu truyện ngắn nói gì. Nhưng sau khi đọc xong truyện ngắn thì cảm nhận ra đoạn đầu là đoạn sơ hở nhất của nhà văn. Dũng là nhân vật liên hệ có khớp xương với nhân vật nữ (nhân vật tôi) là bạn học trung học gì đó. Tức là giờ là 28 tuổi tức là đã làm bạn rất lâu rồi. Bạn kiểu này rất thân và gần nhà, thường là như vậy. Và 28 tuổi rồi thì Dũng cũng hiểu nhân vật nữ nhiều nhất, không biết có yêu không nhưng câu nói lấp lửng đầu tiên: bây giờ mà thay đổi…tức là Dũng đã biết Duyên (nhân vật nữ) bị H, đã cầu hôn và chấp nhận tình yêu với một người như thế nhưng bị Duyên từ chối. Nên anh ấy mới nói là nếu Duyên thay đổi thì mình vẫn tới với nhau. Và cái đúng hẹn mở đầu truyện ngắn ấy là cái hẹn của Duyên với Dũng tới nhà chơi vào dịp sinh nhật thứ 28 của mình. Lạ thay sinh nhật bạn chơi lâu với nhau và thân thế, có cả yêu thương trong đó mà lại không có bánh sinh nhật, Có thể Dũng không biết hôm nay là sinh nhật Duyên, cái hẹn này là cái hẹn của truyền thông, cái hẹn im lặng và mất tăm khi chỉ nêu ra như vậy.
    “..làm sao mà thay đổi được đây”, Duyên chẳng nghĩ tới tình, chẳng nghĩ tới bạn, chẳng nghĩ tới Dũng trước mặt cho dù có trống ngực đập thình thịch, rồi bộ váy hai dây, rồi một tí son môi cho đôi môi chưa chuẩn bị tái nhợt, nhưng sự đối nghịch của suy nghĩ là hiện tại Duyên lo cho bản thân, đang nghĩ về H, và vì thế làm sao thay đổi được, làm sao mà trở về lúc chưa bị cho được! Tôi hơi buồn cười khi nghĩ tới đây, có lẽ tôi đi quá xa với ý định của tác giả, nhưng có chắc là vậy bởi tôi cũng đang bám theo câu chữ của truyện ngắn mà. Nếu Phương Trà không lên tiếng thì tôi cứ cho là đúng thế!
    Tác giả kể, giọng nhân vật nữ cảm nhận, tiếng bước chân và nhận ra ngay là người ấy. Lạ thật, thần giác quan hay sao mà đúng thế, hay là tác giả thêm vào đây khi nghĩ mình đang kể lại câu chuyện này. Tác giả cho nhân vật biết là người ấy từ bước chân ngoài cửa. Có thể là linh cảm của một người phụ nữ đang yêu. Nhưng có làm gì lên tội đâu mà lo sợ. Chính cái lo sợ tạo ra sự phát hiện này. Hay là giờ đây mới bật nhớ là có hẹn với người tình qua mạng, qua thế giới ảo, sau một lần đâm xe, và biết địa chỉ ấy?
    Đoạn đầu của truyện ngắn tuy ngắn nhưng đã diễn ra các mâu thuẫn và bất cập với nội dung trong truyện ngắn. Từ nhân vật nữ nói với Người ấy chứ không phải nói với Dũng “Xin lỗi về mọi chuyện giữa chúng ta” tại sao phải xin lỗi, xin lỗi làm cái gì, có gì mà xin lỗi. Nhân vật Người ấy đi xa về không biết sao biết địa chỉ và biết ngày sinh nhật của Duyên và anh ấy đã giữ lời hứa. Chỉ có cô gái, chỉ có nhân vật nữ, chỉ có Duyên là chả nhớ gì ngoài cái hẹn “đúng hẹn” của Dũng. Lạ thật thế mà chính nhân vật này đã trái ngược với lòng mình trong chuyện, với những niềm vui gần như hứa hẹn với nhân vật trong mạng ảo kia. Và cả cái giác quan, nỗi lo sợ bước chân, và cả cái bát rơi vỡ nhức óc, như bom nổ dưới chân mình, tất cả đều rất lạ. Nhân vật Dũng nhân vật cô gái, chỉ có nhân vật Người ấy là không lạ và viết đạt nhất của Phương Trà.
    Tại sao nhân vật Dũng lại là lạ? có thể tính cách vùng miền nằm trong nhân vật này khi anh ta đối xử trong tình huống khó xử ấy. Xem anh ta làm gì nào? anh ta nắm lấy cái vai gầy của Duyên, một hành động không phải là bạn thân, không phải là người tình, không phải là người nhà, chẳng phải là hành động nên làm trong tình huống ấy. Rồi anh ta thốt ra to tướng và ngạc nhiên hỏi người kia là ai? Cần gì phải hỏi khi mà đã thấu hiểu nhau, cần gì phải ngạc nhiên khi bạn mình có người tới như mình. Còn ấn vai nhân vật nữ xuống phán một câu “giờ thì Duyên khóc được rồi”, thật lạ, và thật buồn cười với hàng loạt tình huống của người đàn ông này. Có lẽ nào dành giật với người đàn ông khác, với kẻ địch bằng cách này, nhưng không phải vậy, cuối truyện ngắn là anh ta cũng chẳng hiểu gì cả. Một sự ngờ nghệch đáng nghi ngờ và lạ lẫm.
    Nếu là bạn thì Dũng đương nhiên hiểu người bạn gái của mình, và cả khi thông cảm tới mức biết Duyên bị H rồi vẫn tới cùng vẫn đặt niềm tin. Thì đương nhiên anh ta phải hành xử như một điển hình đẹp của phái nam. Dũng im lặng một lúc đủ để không lâu hơn sự im lặng và ngạc nhiên của Người lạ, người ấy, người đàn ông đứng cười trước cửa nhà Duyên. Dũng đứng lên nói lời xin lỗi vì sự có mặt của mình, rồi chào Duyên ra về. Bắt tay người lạ, nhẹ đóng cửa tế nhỉ. Hết. Thế có phải là đẹp không!
    Nhân vật cô gái mâu thuẫn trong cách nghĩ và tác giả giãi bày phân tích tâm trạng, yêu mà lại nói và tạo ra khoảng cách không yêu, xin lỗi về chuyện trên mạng, bởi đó là giả, đây mới là thật. Nhân vật nữ khẳng định tình huống đang mặc váy ngủ, váy hai dây với người trước mặt mới chính là chồng, là gi đình, hoặc là người tình hơn là những vớ vẩn nói qua mạng, những giây phút đắm chìm khi bước ra hôn trường, khi đâm vào người ấy. Và không cùng nằm trên cái giường 1,2 mét, nên nhân vật Người ấy không làm lây truyền H cho Duyên. Thế mà nhân vật nữ vẫn khẳng định người đàn ông tôi yêu đã xa rời tôi….câu cuối của đoạn một vẫn chỉ trở về với bản thân nhân vật nữ, nhân vật Duyện, chẳng tình yêu, chẳng suy nghĩ cho nam giới, mà chỉ nghĩ cho mình, cho bệnh tình của mình, cho con H đang ở trong người mình, một phong cách truyền thông và báo chí cứng cựa : Vậy mà tôi không khóc được, nước mắt đi đâu mất rồi!
    Nhân vật Người ấy ở đoạn này khá hay, gặp lần đầu đã nhân ra Duyên ngay, không biết viên gạch tình yêu hay lâu đài tình ái đã được đặt xuống cách thời điểm ấy mấy năm. Cứ thử tính thế này: ra trường tầm khoảng 22 tuổi tới 23 tuổi tùy trường cao đẳng hay đại học. Đợi Minh ba năm nữa là tầm 25 tuổi hoặc 26 tuổi, rồi hai năm sau gặp Minh trở lại mới nói là có bạn trai. Tức là chỉ có một mạch máu nhỏ để nuôi các khúc xương, các người đàn ông kết nối với nhau trong dòng thời gian của nhân vật nữ, có Minh là vì có vụ đâm xe, và có người ấy làm bạn trai vì có Minh li dị vợ. Viết tới đây tôi mới ngớ người là nhân vật trùng tên với mình (hì hì), nhưng mới lại nhớ ra là nhận định của nhân vật nữ trong buổi hôn phối thông qua ánh mắt của Minh, lúc đó Duyên đã biết họ chả hợp với cả mình và Minh, ô hay điều đó suy nghĩ và giải thích cho việc đi đám cưới hay là sao, cũng lạ, nhưng vì tôi chỉ phân tích đoạn đầu của truyện ngắn mà không phân tích toàn bộ, bởi viết dài ra đây qua thành oan. Quay lại với xương khớp, vì thế mà có cái hẹn sinh nhật về ra mắt, và có tiếng bước chân và nụ cười tươi trước cửa nhà. Nhân vật người ấy có điểm dừng, điểm dừng ấy tôi thấy tác giả rất khéo tạo ra. Viết tới đây hình như chuyện này, tức là chuyện tôi typing các dòng này mình đã bặt gặp ở đâu, à đúng rồi trong một giấc mơ, giống như giấc mơ ban ngày này!
    “Nhưng không, người ấy chỉ đứng lặng trên ngưỡng cửa, chừng như chưa biết phải làm gì.” câu này hay nhất trong đoạn đầu truyện ngắn mà có lẽ hay nhất trong truyện ngắn này. Nó tạo ra bản chất của nhân vật Người ấy. Khoảng im lặng này nhằm để định vị bản thân và định vị sự có mặt của Dũng, người đàn ông kia, kẻ tình địch và cũng là kẻ nghi ngờ không nên có mặt đang có mặt thực. Cũng là thời gian để định hình được giữa ảo và thật là như thế nào? Giữa những gì hy vọng và thất vọng, giữa những gì của các câu nói thề thốt, hoặc gần như thế trên mạng ạo và thực tế là xin lỗi về tất cả mọi chuyện giữa chúng ta. Ban đầu tôi còn nghĩ đó là chồng Duyên đi công tác về và bắt gặp chuyện này. Tôi đã nghĩ cần gì phải rời đi, cần gì phải quay đi và rời xa mãi mãi. Người ấy bình tĩnh cười với Dũng, tới bắt tay Dũng hoặc không bắt tay mà chỉ im lặng vác, xách va li lên phòng của mình. Còn mọi chuyện ở lại có Duyên lo, không cần thiết phải làm sáng tỏ ngay lúc này, ngay lúc nhà đang có khách, cho dù khách đó có thể là người tình của vợ, thế mới cao thủ thế mới hay. Nhưng tôi đã nhầm, người ấy chẳng phải là chồng, những người đàn ông chẳng biết nhau thế mới khổ. Tôi cũng là đàn ông, may là tôi đã gặp Phương Trà, được tác giả tặng cuốn tạp văn của mình trong đó có hai truyện ngắn. Bác Chu khuyên tôi xin, và chắc bác cũng nói cô gái xinh đẹp ấy tặng cho tôi. Tôi cảm ơn rất nhiều và nâng niu cuốn sách nhiều lắm. Đọc phần đầu truyện ngắn mà tôi đã nghĩ ra tới năm sau cái mở đầu, nghĩ thật buồn cười.
    Hòa Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *