Sáng sớm, vợ chồng Cò Bợ ra đứng trước tổ rỉa lông cánh chuẩn bị xuống đồng thì ả Cò Hương bay đến, đậu xuống cành tre gần đó và hỏi:
– Anh chị không đi dự tiệc nhà bác Cò Nâu sao?
Chị Cò Bợ hơi lúng túng:
– Nhà tôi không thân thiết ngại quá cô ạ!
Cò Hương chậc lưỡi:
– Em không chối được, con bé Cò Em chơi thân với Cò Xinh nhà em từ nhỏ mà.
Anh Cò Bợ gật đầu:
– Cô đi là phải. Nghe nói bác Cò Nâu mở tiệc lớn, mời cả làng ăn mừng Cò Chị – con gái bác vừa du học Châu Phi về, Cò Em thì đi Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ thành công, xinh đẹp.

– Cò Em bây giờ đẹp nhất làng cò sướng nhỉ! – Chị Cò Bợ trầm trồ.
– Nghiêng thành, nghiêng nước đấy ạ. – Ả Cò Hương cười mỉa.
Chị Cò Bợ thật thà:
– Mặt mũi con bé thế nào, cô nhìn thấy rồi sao?
– Cách đây mấy hôm, nó đến nhà em chơi với Cò Xinh cả ngày mà!
– Thế à. – Anh Cò Bợ chen vào.
Cò Hương gật đầu:
– Vâng. Khổ thật! Trời sinh giống cò vốn mỏ dài, cổ dài, chân dài, vậy mà con bé chưa hài lòng, nó quyết tâm kéo thêm ra cho đúng dáng của siêu mẫu nổi tiếng mới thôi.
Vợ chồng Cò Bợ tròn mắt nhìn nhau, Cò Hương phì cười:
– Chưa hết đâu ạ! Hai cánh xăm hình, lưng xăm chữ to tướng “Cò Lửa. I love you”. Mắt thì cắt mí to ra trông như mắt cú, lúc ngủ vẫn mở trừng trừng lên có nhắm lại được đâu.
– Phụ nữ ai mà không muốn đẹp, như tôi đây, thỉnh thoảng cũng đến “spa” giũa móng, tỉa cánh nhưng mà… -Chị Cò Bợ nhìn chồng bỏ lỡ câu nói.
Anh Cò Bợ tiếp lời:
– Các cô làm đẹp, cánh đàn ông chúng tôi không ý kiến, nhưng làm thế nào để còn nhận ra họ nhà cò chúng ta là được.
– Anh nói phải! Nghe đâu bé Cò Chị cũng làm bố nó một phen hú vía. – Ả Cò Hương lại cười bắt sang chuyện khác.
Nói đến Cò Chị, anh Cò Bợ chậc lưỡi, lắc đầu ngao ngán còn chị Cò Bợ lại nhớ cả làng cò chuyền tai nhau câu chuyện một tháng trước đây – khi Cò Chị từ Châu Phi trở về, lông cánh nhuộm đủ màu như con vẹt. Thoạt nhìn, bác Cò Nâu cũng không nhận ra con gái mình. Ra đường, gặp người quen nó cứ ngước mặt khinh khỉnh không chào ai cả. Có lẽ con bé nghĩ mình rất oai vì được dán cái “tem” du học Châu Phi mà! Bố mẹ nó khéo giấu giếm nhưng cả làng cò đều biết đó chẳng qua là chuyến du lịch dài ngày của các cậu ấm, cô chiêu nhà giàu lười biếng, ham chơi… Cái cần nhưng chưa có đó là tấm bằng tốt nghiệp sau mấy năm “khổ luyện” ở nước ngoài, cái không cần nhưng có đầy đủ là sành sỏi các kiểu ăn chơi xứ người. Tính ra cũng được chút lãi mang về là vài câu học lỏm tiếng của nước người ta để vênh váo với họ hàng, bè bạn…xung quanh. Lãng phí nhiều thứ, đáng tiếc thật! – Chị Cò Bợ chạnh lòng thở dài đánh sượt.
Cả ba đều im lặng không nói gì thêm. Cò Hương xem chừng câu chuyện đã đến hồi vãn, ả lên tiếng trước:
– Nói chuyện với anh chị mãi mà quên. Thôi muộn rồi em đi nhé!
Vợ chồng Cò Bợ gật đầu cười hiền, Cò Hương nói xong vội vã bay đi… Cũng vừa lúc, bé Cò Út về đến tổ, Cò Bợ nhìn con vừa bay vừa dán mắt vào màn hình “Ipad” nên bực mình quát lớn:
– Con xem gì say thế? Coi chừng va đầu vào cây rơi gãy cánh nhé!
Cò Út cúi mặt run rẩy, lặng thinh. Cò Bợ giật phăng cái “Ipad” đay nghiến:
– Biết ngay mà! Cái “kênh” vớ vẩn của thằng Cò Quăm trên “YouTube”. Suốt ngày hết “Bị người yêu khinh thường nghèo khổ, Cò Ruồi mua ngay tổ đẹp giữa rừng và cái kết” lại “Giữa tin đồn li hôn diễn viên Leon Cò Đen tặng hoa cho vợ khiến cộng đồng cò trố mắt quên ăn”.
Cò Út nghe bố nói, nó rụt cổ đứng yên một góc trông đáng thương. Chị Cò Bợ nhẹ nhàng:
– Họ nhà cò chúng ta vốn siêng năng. Cứ mỗi ngày, mẹ ra đồng nhặt thóc, nghỉ trưa gần trường học nghe lũ trò nhỏ đọc vang “Cò rất chăm học nên lúc nào cũng mang sách theo…” mà hãnh diện vô cùng. Con xem những “kênh” vô bổ ấy chỉ thêm hư người thôi!
Cò Bợ nghiêm mặt:
– Càng nhiều người xem Cò Quăm càng được tiền. Nó hưởng lợi lộc còn mình vô tình làm thùng rác cho người ta đổ vào mà không hay biết. Bố thấy con bắt đầu ham chơi, lười học đấy nhé!
– Sao con không xem những “kênh” hay, có ích như mẹ hướng dẫn, ví như “Cái cò siêng năng” của bác Cò Nhạn nhỉ? Bố mẹ vất vả đồng gần, sông xa sớm chiều chỉ mong các con chăm ngoan, học tốt, vậy mà … – Chị Cò Bợ buồn rầu.
Cò Út nhìn mẹ rụt rè:
– Con xin lỗi bố mẹ! Con hứa học hành chăm chỉ hơn ạ!
Cò Bợ với nét mặt vui hơn:
– Thôi hai mẹ con vào sửa soạn bữa trưa nhé! Anh đi một chuyến ra sông xem có bắt được cái tôm, con ốc nào nữa không.
Mẹ con chị Cò Bợ vào tổ. Còn lại một mình, anh Cò Bợ đứng nhìn ra phía đồng nắng gắt, nghĩ đến mấy năm nay mùa hạn kéo dài ruộng đồng nứt nẻ, sông ngòi cạn nước để lộ từng dải cát vàng nằm thoai thoải, buồn bã ôm trên người đám cỏ cháy khô. Nông dân bỏ trồng trọt rủ nhau lên phố làm thuê, xóm làng vắng vẻ, phần nhiều còn lại người già, trẻ con. Lắm lúc giữa trưa nghe tiếng bà ru cháu buồn não nuột:
“Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”
Ngày trước, nơi đây vốn là vùng đất bình yên, trù phú, con người rất yêu quý loài cò. Họ trồng cây, cải tạo ao hồ, nuôi tôm cá để cò về sinh sống. Từ tinh mơ đến tối mịt, cò bay vào ra gõ nhịp rộn ràng, cò thong dong đi bên cạnh con người thân thiện, an nhiên làm dáng cho bác họa sĩ già, cho cô nhiếp ảnh có tấm hình, bức tranh như ý, vần thơ của chàng thi sĩ cũng có cánh cò lượn sóng giữa hoàng hôn…
Rồi đại dịch COVID ập đến, tràn lan khắp nơi, lũ lụt, hạn hán triền miên, con người mất kế sinh nhai, chim, thú bị săn bắt nhiều hơn. Đầu tiên là gia đình thím Cò Diệc may mắn thoát khỏi tay thợ săn, cả nhà hoảng hốt, vội vã rời quê đi lánh nạn giữa đêm khuya khoắt. Đàn cò ở nơi này cũng lần lượt bay đi gần hết. Thi thoảng, loa phát thanh ở đầu làng nói chuyện nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên làm tan chảy các núi băng ở vùng Bắc Cực, sóng thần, bão lũ… ngày càng nhiều trên thế giới, ngoài sự biến đổi của tự nhiên thì phần lớn là do tác động của con người với môi trường – ví như chặt phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất, nguồn nước, tăng lượng phát thải khí CO2 của ngành công nghiệp… Con người gây ra, nhận hậu quả là phải! Nhưng cò không làm mà chịu vạ lây thì đáng thương quá!
Cò Bợ chán nản rúc đầu vào cánh ngủ vùi, bỏ ý định ra sông. Bỗng chợt, nghe tiếng sư trụ trì thuyết pháp ở ngôi chùa phía dưới cành tre. Giọng nói của người ấm áp, nghị lực “Cuộc sống con người thường có hai lựa chọn: Hoặc sống với ước mơ hoặc sống với nỗi sợ”. Cò Bợ sực tỉnh, nghiêng đầu suy ngẫm: – Phải lắm! Giữa “tâm bão” đại dịch COVID của loài người, thời tiết nhiều khắc nghiệt mà ta vẫn bình yên là hạnh phúc, là còn tương lai, còn làm được những gì mình mơ ước… Cò Bợ nhìn ra hướng sông nghe lòng hân hoan tràn đầy nhựa sống, anh khẽ nhún người bay vút lên không trung rồi thả mình trong nắng, mỏ dài, cổ dài, chân dài, dáng đẹp thanh cao theo một đường thẳng giữa khoảng trời xanh lộng gió mênh mông.
TRƯƠNG DUY VŨ