VHSG- Nhà văn Văn Thành Lê sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, học Đại học Sư phạm Huế, làm thầy giáo dạy môn Sinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu trước khi chuyển qua công tác trong ngành văn học nghệ thuật.
Văn Thành Lê viết rất khỏe với nhiều thể loại từ thơ, truyện ngắn truyện dài đến chân dung văn học; từ đề tài thiếu nhi đến tuổi mới lớn tuổi quá lớn. Anh đã xuất bản 14 cuốn sách và đoạt giải thưởng truyện ngắn, truyện dài, giải thưởng thơ, giải thưởng sáng tác cho Thiếu nhi…
Hiện anh sinh sống tại Sài Gòn và làm truyền thông chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng. Đi nhiều, năng động và hoạt, càng lúc truyện anh càng thiên về giễu nhại. VHSG xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của nhà văn Văn Thành Lê.
TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

1.
Can chết. Chết đúng đầu năm âm lịch mới ác chứ. Đời đểu thật. Khoảnh khắc ấy pháo hoa khoe rợp trời. Dân tình nô nức xuân phấn khích Tết. Thế mà Can chết. Chết không kịp ngáp. Chết trần chết truồng. Chết ngẩn chết ngơ. Chết không nửa tiếng ú ớ. Sáng ra mọi người mới hay. Tin lan nhanh hơn dịch virus tả.
Thành phố biển sóng vẫn dịu êm gió vẫn chan hoà. Sóng trên môi người râm ran khó tả. Gió trên má người khó tả râm ran. Trong nhà, ti vi lúc lúc lại sôi lên với bài hát Happy new year của ban nhạc ABBA huyền thoại. Ngoài phố, góc nào cũng mồm – văn – hoá, gọi tên cúng cơm là loa công cộng, chõe lên nền trời xanh văn xanh vắt, hết Tết tết tết tết đến rồi lại hạ nửa tông xuống Mùa xuân sang ta chúc nhau. Tết và xuân quần nhau uỳnh uỵch với đề – xi – ben lớn muốn vỡ màng nhĩ trái xuyên qua màng nhĩ phải, hoặc ngược lại.
Thật. Đừng dại dột vỗ ngực ta đây với từ “ngờ”. Đầy tréo ngoe và lắt léo. Đầy ảo diệu và khó lường. Khó lường hơn cả thời tiết sau khi nghe dự báo của đài khí tượng quốc gia. Can phương phi đạo mạo. Mặt tràn đầy, da căng lẳn. Giọng vang và lạnh. Tướng ấy, thầy nhân tướng học nào xem cũng gật gù trầm ngâm rồi thảng thốt mạnh miệng phán, không vật chết voi cũng đủ sức vờn với hổ. Đứng đầu tờ báo của tỉnh đâu phải chuyện đùa. Phụ trách “miệng” của cả địa phương. Hét ra lửa.
Chẳng hiểu sao những năm gần đây nam giới nước nhà, hùng hậu nhất là bộ phận công chức, không ai bảo ai, nhất loạt bụng mỗi ngày lại phình ra như ăn nhầm bột nở hay kiểu trẻ con lâu ngày không xổ giun sán thế kỷ trước. Cộng hưởng với chiều cao vô cùng khiêm tốn, nên ai nấy đi đi lại lại y chang lật đật dở hơi.
Giữa lố nhố số đông với dáng vóc thường biến trông cứ “chậm tiến” làm sao ấy, Can sừng sững hẳn lên, với chiều cao vượt trội, vòng hai lớn càng tôn ngoại hình hơn. Gặp Can trong các cuộc họp hay tăng hai tăng ba đến mức lên tăng xông, người đối diện dễ nghĩ con người này ba đầu sáu tay có khả năng xoay đất chuyển trời lắm.
Vậy mà đùng cái, Can chết. Người ta không ngả ngửa ra mới lạ.
Can nằm đấy. Trong cỗ quan tài chạm khắc lắm tinh vi nhiều kĩ xảo không quên phần sâu sắc lòe loẹt. Tang gia đột ngột nhưng không bối rối. Tổ chức chặt chẽ. Dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp từ A đến sau cả Z. Tờ báo, cơ quan Can làm thủ trưởng, chuyên tham gia các sự kiện lớn nhỏ, với đám tang là bé như muỗi đực.
Vợ Can mặt lạnh tanh không mảy may biểu hiện xúc cảm. Hay đúng hơn là thứ xúc cảm kiểu vô cảm, thật khó cho ai muốn định vị bằng tên gọi. Thị dật dờ lọt thỏm trong bộ đồ tang. Như thể có tí hồn thì đã bỏ khổ chủ đi cười cợt ở miền cao xanh nào đó. Con cháu việc ai nấy làm. Răm rắp. Điềm nhiên. Tự tại. Chẳng lời qua lời lại. Hoặc có thì cực chẳng đã mới nói, kiểu lời vàng ý ngọc, nên tiết kiệm.
Cụ ông, lúc còn sống Can gọi bằng bố, đi đi lại lại chỉ đạo lũ con cháu lo tang lễ hết sức rành mạch, rõ ràng, dù cụ đã nhận tiền trợ cấp nhà nước giành cho người cao tuổi bao năm rồi cụ không buồn nhớ, theo khai sinh là chạm ngưỡng 90 đã vài năm. Trước đó, cụ phăm phăm lên máy bay cùng vợ Can, khiến hai cô nàng cao ráo gầm thoáng mặc đồng phục lơ máy bay hay còn gọi là tiếp viên hàng không sững sờ vì kinh nghiệm bay khắp trời bao nhiêu năm nhưng chưa gặp cụ nào già như vậy mà trông chắc chắn đến thế, một mạch từ Bắc vào, sau khi nghe tin thằng con cả du xuân bằng tour miền cực lạc không có vé khứ hồi.
2.
Có lẽ người dân nơi làng quê chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ quanh năm thiếu ăn thuở nào của Can không ngờ được đám tang Can lại rình rang và to đùng vật vã như này. Cùng một lứa bên trời lam lũ. Học chữ rơi chữ vãi đến lớp Bảy thì, phần đói quá buông bút bỏ ngang, phần tự thấy não đã đầy có nhét chữ cũng chẳng vào, nên quay ra trên đồng cạn dưới đồng sâu, mò cua bắt cá quát trâu kéo cày.
Kéo cày. Nếu ở quê, nói như ngôn ngữ bây giờ là làm thêm, thì chỉ đến kiêm nhiệm chức… mõ làng, là hết. Ông nội Can, một đời khản họng chiềng làng chiềng chạ rát lưỡi cạn nước bọt mong kiếm miếng đầu thừa đuôi thẹo của làng. Đến đời bố, oách hơn, thiên đường hơn, là chiếc đài bán dẫn Orionton made in Hungari to kềnh to càng treo bên hông.
Riêng Can, từ tay đáng lẽ theo trâu ngắm đường cày đảm đang be bờ ruộng trên cuốc góc ruộng dưới thành sếp tổng cơ quan lung linh chữ nghĩa rực rỡ thông tin, khác nào mả cụ tổ táng trúng hàm rồng. Vậy nên, bạn đọc tò mò con đường Can đi dích dắc li kì như nào mà vài bước đã vượt thoát lên “ông” nhanh thế cũng là điều dễ hiểu.
Khúc khởi động của Can đã khác hẳn bạn bè trang lứa.
Tổng động viên, trai tráng trong làng trong xã có mống nào đều được vét đi bằng hết. Sạch nhẵn. Đứa pháo binh. Đứa công binh. Đứa thông tin. Đứa thiết giáp. Hùng hục đầu tắt mặt tối. Mỗi Can được điều đi học lái xe. Chắc do tờ khai có chua thêm dòng: từng kéo… xe bò.
Ở chiến trường nhiều khi có mắt như mù. Bom đạn nó yêu nó quý nó sán lại thì lẩn đằng trời cũng gặp ông bà ông vải. Lao mình vào mớ mịt mùng khói lửa đì đùng đạn bom, chẳng thể nói tên nào khổ hơn, góc nào sướng hơn. Nhưng rõ ràng Can ôm vô – lăng vi vu vào ra, ghẹo nữ thanh niên xung phong thiếu hơi trai dọc đường, xem ra phơi phới và sinh động hơn lũ bạn nhập ngũ cùng đợt.
Rũ bùn một bước lên xe, nửa bước cũng xe. Vài lần đụng B.52 rải thảm. Lúc địch thả bom đầu đoàn xe thì xe Can chạy phía đuôi. Lúc địch thả bom cuối đoàn xe thì xe Can chạy đầu. Lần đoàn xe bị phục kích thì xe Can bảo dưỡng ở tuyến sau, chủ nhân đang… tán gái.
Cứ như chiến tranh trừ Can ra. Cứ như bom đạn kiềng nể Can. Đến mức bạn bè phải thốt lên, không thể tin được, hay là Can có bùa có ngải tránh đạn. Kinh nghiệm được rút ra, chốt lại, chắc nịch một cây, không như cán bộ bây giờ rút kinh nghiệm năm này qua năm khác nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ sau vẫn vậy hoặc thêm phần tệ hơn, rằng chạy theo sau xe Can là vô tư, có trúng bom cũng không bao giờ chết.
Luôn vậy, Can phơi phới Đường Trường Sơn xe anh qua cho đến ngày không còn đạn nổ bom rơi.
Thủ trưởng đơn vị chuyển ngành, cởi thắt lưng buông quân phục, ra cơ quan dân sự. Thời cả nước đồng lòng đồng hướng ấy mà thủ trưởng đã đi trước thời đại vài bước, xác định làm gì cũng cần đội hình e kíp. Thuộc tính thuộc nết việc mới dễ trôi làm mới dễ chảy, dân gian nói gọn là…dễ sai bảo. Thủ trưởng kéo Can ra cùng. Ngày ấy tai nạn giao thông ở xứ ta chưa thành đặc sản như giờ, nhưng thủ trưởng vốn tính cẩn thận, ngồi trên xe của người đến bom đạn cũng phải tránh thì chẳng yên tâm nào bằng.
Với người nhanh nhạy như thủ trưởng thì chẳng lạ gì chuyện trong khoảng thời gian chưa cần dài từ thủ trưởng nhỏ đã thành thủ trưởng vừa vừa rồi thủ trưởng lớn, sau nữa là thủ trưởng hết lớn, cao nhất địa phương. Thủ trưởng vượt các chướng ngại vật cán đích sớm gọn gàng, Can cũng kịp lên tiếp quản chức đội trưởng đội lái xe của ủy ban.
Can thức thời lúc nào không ai biết. Ngày ngày chạy xe đưa các sếp đi công tác tranh thủ tuồn hàng đối lưu xuôi ngược. Lâm sản về biển. Hải sản lên rừng. Hàng cấm đi đến nơi về đến chốn. Mạng lưới càng ngày càng được mở rộng, nhân lên. Mô hình làm ăn này được các đối tác tin tưởng tuyệt đối. An toàn. Chỉn chu. Chắc chắn. Anh em trong đội xe răm rắp dưới trướng. Ai cũng “gọi dạ bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà”. Một tay Can điều phối đâu vào đấy, còn đấy vào đâu chỉ mỗi Can biết.
Can lại có khiếu đi tắt đón đầu, trước cả thời điểm các nhà hoạch định kinh tế nghĩ ra cụm từ này. Hay đi te về tắt, như di sản ngôn ngữ ông cha để lại? Đùng cái thứ nhất từ anh lớp Bảy tay quen xăng xăng nhớt nhớt Can có bằng đại học tại chức, tạm hiểu là học đại đi vì cái chức. Đùng cái thứ hai Can thành phó Chánh Văn phòng. Đùng cái thứ ba phó Chánh thành phó tổng tờ báo. Từ phó Chánh thảo công văn còn run tay, từng bị thủ trưởng đơn vị cơ sở ngang phè phè trả ngược công văn với chi chít mực đỏ kèm dòng chữ “công văn quá nhiều lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp nên không hiểu, xin trả lại ủy ban”, Can thành sếp cơ quan đụng đâu cũng chữ cũng nghĩa lớn nhất địa phương.
Những pha nhảy cóc của Can ước chừng đẹp hơn cú sút má ngoài chân trái huyền thoại bóng đi hình quả chuối của danh thủ lùn Roberto Carlos ở xứ sở vũ điệu samba thuở nào. Mọi thứ như được lập trình sẵn. Can chỉ việc bước vào. Điềm nhiên đợi. Đến hẹn thì lên.
Giới thạo tin chạm mặt nhau lôi chuyện Can ra vừa mổ vừa xẻ. Không biết Can qua báo làm việc kiểu gì? Nghề chữ nghĩa như thể đi trên dây. Lơ mơ tay ngang không chừng dễ mà lộn cổ đi chấn thương chỉnh hình? Dân văn phòng ủy ban thở phào nhẹ nhõm, như kiểu vừa nổi lên sau hồi bị dìm uống no nước tưởng chết đuối. Cánh báo chí nháo nhác như tổ ong mật mất ong chúa.
3.
Lạ. Nếu như thời chiến, làm lính, bom đạn toàn tránh Can, thì thời bình, mỗi lần mọi người kháo nhau phen này chắc Can chết, lên thớt đến nơi rồi, có chạy đằng trời, coi chừng nhuyễn như cháo dinh dưỡng cho trẻ em, Can lại nhảy lên cao hơn.
Lần xôn xao chuyện Can tổ chức rút xăng có quy mô cho đầu nậu tiêu thụ ra ngoài chợ đen thì, dồn thêm cú nữa, đàn em ghen ăn tức ở cho Can Lộ Lộ chuyện Can vận chuyển gỗ lậu thường xuyên bằng xe công vụ trong các chuyến đưa sếp đi công tác. Oạch. Can nhận quyết định nghỉ đội trưởng đội xe.
Tưởng xong. Tiễn biệt vô – lăng xe V.I.P. Chấm dứt tháng ngày thị uy ngông nghênh biển số xanh trên đường. Hóa không phải. Quyết định ấy, vế sau nói Can nhận vị trí công tác mới, phó Chánh Văn phòng. Biển số xe vẫn xanh, khác là ở tầm cao mới, có người phục vụ, không phải phục vụ người nữa.
Lần Can bị tố cầm đầu đường dây chạy vào công chức tỉnh và công chức các huyện, tưởng một đi không trở lại, lửa đã đượm, nước đã sôi, chỉ chờ động tác nhúng nữa là xong. Và Can đi thật, nhưng không phải đi về vườn mà qua giữ cương vị phó tổng cơ quan báo tỉnh. Non năm sau lên chức tổng, thay thế tổng tiền nhiệm được kích hoạt để về hưu trước tuổi.
Nhóm phóng viên phanh phui đường dây tuyển dụng công chức thành lính dưới quyền Can. Tréo ngoe còn hơn ngóe. Một phóng viên trong nhóm đấm ngực bùm bụp, như hảo hán xưa về tụ nghĩa làm việc lớn, chửi đời thế mà xỏ lá rồi một bước rời cổng cơ quan không ngoái lại nửa mắt không đoái hoài chế độ nghỉ việc, mặc kệ lá xà cừ xao xác tiễn chân.
Nơi bàn nhậu, sừng sừng vào nổi hứng lên, Can chia sẻ bí kíp làm quan không khó với các chiến hữu, như tuyên ngôn: “Làm công chức dễ nhất là ở vị trí… lãnh đạo. Được ăn được nói được gói mang về. Ăn có người đưa tận miệng. Nói có người chấp bút. Gói có người mang tận nhà. Để lên vị trí lãnh đạo có khó không? Nói không khó là khoác lác, nhưng nói khó thì cũng không hẳn. Chẳng có việc gì khó. Miễn được lòng sếp.”
Thật vậy. Có thể lấy Can làm ví dụ điển hình, trực quan sinh động, rời quân ngũ vẫn thuộc điều lệnh, bước đều bước, để tiến. Khó nhằn khô khốc như học chính chị chính em Can còn vượt qua giản đơn nhẹ hều. Nhiều người vẫn kể lại chuyện Can trong phòng thi, chép đến câu “Mác nói:…” thì giám thị đi xuống, Can vội đẩy tài liệu vào hộc bàn, mặt chuyển trạng thái tỉnh bơ thâm trầm đầy nhân tình thế thái tựa triết gia cổ đại, giám thị chờ mãi không thấy Can viết tiếp, hỏi Mác nói gì, sao không làm bài nữa, Can nói cô đứng đây Mác không dám nói…
Từ độ Can về báo, số công nhân viên vào biên chế tăng lên đáng kể. Tưởng về cơ quan toàn người có chữ Can sáng mắt sáng lòng ra được chút, biết nhìn xuống chứ không chỉ chăm chăm nhìn lên như trước. Té ra vậy mà không phải vậy. Can tuyển biên chế nhân viên văn phòng. Từ bảo vệ, lao công đến văn thư, thủ quỹ, kế toán… Nhiều phòng nhiều ban phải cỡ Can mới có thể nghĩ ra, được thiết lập. Giật mình, giành vài phút để ý mới ngớ người, toàn con cháu dây mơ rễ má. Không ruột rà máu mủ cũng bà con theo cách của Can. Riêng phóng viên, lực lượng làm nên bộ mặt, quyết định tờ báo sống chết hay ngấp ngoải thoi thóp, vẫn dậm chân tại chỗ hợp đồng định kỳ lương theo sản phẩm.
Điển hình dễ gây xao xuyến lòng là người gọi Can bằng cậu, trước lơ xe đường dài, hét ra nắng gió bụi đường, sau tai nạn xe đổ đèo mất phanh chân đi cà nhắc, về làm bảo vệ ở báo. Khách vào ra cơ quan cậu chàng cứ xem như hành khách nhảy xe dù tính quỵt tiền, quát nạt hoạch họe như không. Ấn tượng nữa là người gọi Can bằng bác, trước chuyên nghề làm pháo, bị thuốc nổ cháy nám mặt, như táo úng, vào đội bảo trì, sửa chữa thì ít, chuyên lập kế hoạch hoá giá đồ và mua sắm thiết bị mới là nhiều. Thảng thốt hơn là người gọi Can bằng chú, từ giữ ngựa cho khách du lịch thuê cưỡi chụp ảnh mười lăm nghìn một kiểu thuở nào thành… chủ tịch công đoàn cơ quan.
Bộ ba xe, pháo, mã tung hoành ngang dọc chẳng khác nào siêu nhân áo xanh quần sịp đỏ trong hoạt hình cho trẻ nít, lôi cuốn và mạnh mẽ, luôn làm những việc ngoài trí tưởng.
4.
Ông già bà lão trong khu phố trầm trồ, sống gần hết đời người, hấp hối nay mai thôi nhưng chưa thấy đám tang nào lớn cỡ đám tang Can.
Cơ man vòng hoa. Xếp chật sân lớn, san sát nhau, kéo ra tận vỉa hè. Trắng tang tóc. Vàng sang trọng quyền quý. Tím thủy chung son sắt. Nếu tỉ mẩn tính rồi hân hoan hoá giá hoa tươi, hứa hẹn sẽ vặn mình thành rác vô cơ sau ít ngày, ra tiền thì chắc chắn đủ xây vài chục căn nhà tình thương hoặc vài ngôi trường cấp 4 thay thế trường tranh tre nứa lá vùng cao, loại trường luôn nôn nao sợ nơm nớp lo mỗi khi thời tiết lên cơn chuyển mình trở dạ.
Căn biệt thự nhà vườn giữa phố của Can chưa khi nào mở rộng cửa và đông người đến thế. Thường ngày nhà cổng kín tường cao, hàng xóm chẳng biết phía trong úp mở ra sao. Khách vào ra thụt thụt thò thò. Vào cửa trước mất hút phía cửa sau. Bí hiểm như mộ cổ chờ chuyên gia khảo cổ học định vị khai quật.
Lúc này mọi sự bí hiểm đã hết.
Đám tang đông đúc. Trong trật tự. Sao cứ cảm giác… không bình thường. Không giống đi viếng những đám tang khác. Bà quả phụ không chào không hỏi. Chỉ cúi đầu. Con trưởng con thứ thực hành thành thục bài của mẹ. Người đến chẳng biết nên mở lời ra sao cho phải. Đám khác còn hỏi thăm vài câu, động viên vài lời. Riêng kiểu ra đi của Can đúng là chơi khó cả gia đình và bạn bè đến viếng.
Chơi khó gia đình và bạn bè đến viếng? Không. Chính xác là giữa gia đình và bạn bè đến viếng, chứ giữa bạn bè đến viếng với nhau thì không. Bên bàn nước, sau khi thắp xong thẻ hương, hay ngồi chờ đến lượt vào tiễn biệt những ngày vui của Can, vẫn ồn ào trong trật tự những câu chuyện vừa xoay vừa xoáy, về Can.
“Nghe bảo thượng mã phong.”
“Đầu lợp lại mái cả trăm lần rồi còn thượng mã phong? Tưởng chỉ bọn oắt con non kinh nghiệm mới chết kiểu ấy.”
“Rượu nhão ra rồi lại còn thích chúc mừng năm mới. Hôm ấy lão đánh đến hai trận, từ trưa thông qua tối. Trận tối có tôi. Chín giờ mới về nhà em kia. Lên xe còn nói vớt câu, Tết này vợ về Bắc nên vui hơn… Tết.”
…
“Vợ chồng lão hết tình cạn nghĩa lâu rồi. Cộng sinh che mắt thiên hạ thôi. Lão còn đùa, nói đất nước độc lập nhưng tự do cá nhân còn chừng mực, riêng gia đình lão vợ chồng độc lập, tự do thật sự, nên cộng gộp lại lão độc lập, tự do và… hạnh phúc.”
“Con bồ lão thế mà ác. Lão xỉn thế mà còn…”
“Cóc chết tại miệng, trai chết tại thằng oắt con.”
…
“Bọn phóng viên báo thở phào. Chứ từ khi ông Can về, báo be bét. Nhân viên nhiều hơn phóng viên, biên tập viên. Toàn con cháu ông ấy. Báo thành căn cứ địa gia đình. Gia đình trị. Phóng viên quẩn quanh ký hợp đồng hết ngắn hạn này đến ngắn hạn khác, không sao vào chính thức được.”
“Mấy đứa có năng lực hầu như đi sạch. Bài vở tin tức giờ toàn kiểu vơ bèo gạt tép, cốt đắp đầy trang.”
“Có đứa nói lão đã kịp biến tòa soạn thành… lầu xanh từ hồi nào không biết. Xanh đỏ tím vàng vào ra nườm nượp như chuồn chuồn bất kể giờ giấc.”
5.
Mùng 3 Tết, nhà nhà hoá vàng tiễn ông bà ông vải, Can được tiễn về miền giun dế.
Xe tang lượn vòng quanh biển, khách sạn nhà hàng san sát, toàn địa chỉ đỏ nơi Can lừng lẫy chiều lòng các sếp lớn một thời. Gió từ Thái Bình Dương thổi vào. Mát mặt. Xe chạy vòng qua cơ quan cũ của Can. Thời điểm ấy trang online của báo dẫn lại tin, theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết toàn quốc xảy ra 427 vụ tai nạn giao thông, làm chết 246 người, bị thương 415 người(*). Có người bất giác cười, nói nếu thống kê cả tai nạn giường chiếu thì không biết bao nhiêu?
Can lên thiên đàng hay xuống địa ngục? Nào ai biết. Chỉ biết rằng, hóa ra Can đi vậy lại hay cho chính Can. Trước Tết tòa soạn điên đảo với thanh tra tài chính, giật gấu vá vai chắp nối đủ đường vẫn thâm trước hụt sau thiếu tòe loe tóe lóe. Hàng loạt hợp đồng quảng cáo lấy tài sản và nhận tiền tài trợ với tỉ lệ chênh lệch khủng bị khui ra. Trang thiết bị được mua thường xuyên với độ vênh so với giá trị thực là một trên trời một dưới đáy biển bị phát giác.
Cọ xòe ô che nắng của Can hạ cánh an toàn vui thú điền viên từ lâu. Sếp mới thuộc trường phái khác. Khác tần số, không bắt được sóng, đường truyền liên tục chập chờn. Dù Can là chúa kinh nghiệm trong việc tạo lập đường truyền mới.
Mặc sư thầy áo vàng lẩm bẩm ê a lên trầm xuống bổng khi ngân nga thong thả khi giật cục gấp gáp bài kinh bằng tiếng Phạn, có khi thầy cũng chẳng hiểu hết, theo nghi lễ trước khi các đô tuỳ nâng quan tài hạ huyệt, phía ngoài từng nhóm nhỏ vẫn chưa hết chuyện, hay là xì xào như buôn bạc giả cho đỡ nhạt miệng.
“Xong. Hạ huyệt an toàn.”
“Cũng là một cách hạ cánh an toàn. Có khi như vậy lại hay.”
“Ông Tạo khéo sắp đặt. Đúng là khó khăn nào Can cũng hóa giải được.”
“Mỗi lần dính chưởng, tưởng chết lại thoát. Lần này vẫn thoát, nhưng là hồn thoát xác.”
“Hòa cả làng, chẳng thanh tra nào đi xử… bát hương.”
“Đấy nhé. Có leo cao đến mấy cũng không leo qua được đũng quần đàn bà con gái. Thằng đàn ông, chui ra từ đấy, đi đâu rồi cũng nhớ đến cội đến nguồn, rồi lại về chết ở đấy. Bảo thế có kinh không?”
VĂN THÀNH LÊ
__________
(*): Theo báo Tuổi Trẻ online, ngày 22.2.2015