Vì sự chính trực của trí thức: Đã đến lúc họ cần chấm dứt…

Ngày 17.4.2022, từ email phuongphungkbiengioi@gmail.com, một người là Phùng Phương với danh nghĩa “Người đưa tin” đã gửi thư tiêu đề “Thông tin thời sự về đạo văn” vào email của tôi, kèm link hai bài “Có hay không chuyện vi phạm bản quyền trong tác phẩm “Giọng điệu trong thơ trữ tình”!?” của Thanh Tâm đăng trên trang mạng Tạp chí Nông thôn và Phát triển, và bài “Tri thức của nhiều người “lạc trôi” vào cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình của PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp” của Hoài Trinh đăng trên “Chuyên trang Hội nhập” – trang mạng của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.

Đọc, tôi buồn cười vì hai bài cùng chung lối bắt bẻ vụn vặt theo kiểu “không ưa dưa cũng có dòi”, câu chữ ngây ngô, lên gân nhằm chủ đích “không có bột cũng cố gột nên hồ”. Buồn cười hơn là hai trang đăng bài của Thanh Tâm, Hoài Trinh có địa chỉ khác nhau, song cả hai trang cùng chung số điện thoại di động 0985.105…, cùng do một người là VXN làm Tổng Thư ký Tòa soạn, phụ trách “Chuyên trang”.

Nhớ đến chiêu trò có người đã từng sử dụng với danh nghĩa “người đưa tin” gửi thư vào email của nhiều người trong làng văn để tiến công một số tác giả, tôi không quan tâm hai bài viết đó. Tuy nhiên, nhân đây tôi vẫn muốn được chúc mừng Thanh Tâm và Hoài Trinh, vì bài vở của họ đã được đăng trên hai trang mạng có Trưởng ban truyền thông, Thư ký Tòa soạn là… Á hậu! (Lưu ý: Để bảo đảm xác thực, tôi đã chụp lại một số hình ảnh liên quan hai trang mạng này).

Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Nửa năm qua đi, ngày 12.11.2022 trong Thư rác và ngày 14.11.2022 trong Hộp thư đến, qua email duchoanphuxuyen@gmail.com, một người là Đức Hòa đã gửi vào email của tôi hai thư cùng tiêu đề “Kiến nghị thu hồi Giải thưởng Nhà nước đối với tác giả đạo văn Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học” kèm bản PDF 25 trang với nội dung “Kiến nghị thu hồi Giải thưởng Nhà nước đối với tác giả đạo văn Nguyễn Đăng Điệp” ký tên Đinh Hải – Đức Hòa – Mạnh Gia – Thanh Tâm – Hoài Trinh – Hoàng Thanh, dẫn link hai bài báo đã đề cập ở trên, và giới thiệu bài “Lại phát hiện rúng động về Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều người trong công trình Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Hoàng Thanh đăng ngày 9.11.2022 trên trang mạng “Pháp luật và Chính sách”.

Đọc cái gọi là “Kiến nghị” của Đinh Hải – Đức Hòa – Mạnh Gia – Thanh Tâm – Hoài Trinh – Hoàng Thanh, tôi tiếp tục buồn cười, vì văn bản ấy không có người nhận và nơi nhận, không có địa chỉ người gửi mà lại “kiến nghị Chủ tịch nước, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nội vụ, Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước”. Theo tôi, đó là thứ “kiến nghị” được sản xuất nhằm mục đích duy nhất là rải vào email cá nhân bôi xấu người khác, chứ không đề xuất ý kiến một cách danh chính ngôn thuận gửi nơi có thẩm quyền. Để chứng minh kiến nghị có cơ sở, sáu vị ký tên lắp ghép ba bài báo công bố trên ba trang Nông thôn và Phát triển, Văn hóa và Phát triển, Pháp luật và Chính sách, và chính thao tác lắp ghép này khiến tôi ngờ ngợ tác giả chỉ là một người? Bởi bằng kinh nghiệm làm việc tôi thấy, nếu người viết thiếu khả năng trình bày “đa giọng điệu”, sẽ rất dễ để lại “dấu vân tay” của họ trong văn bản, từ lập luận, hành văn, cách thức tổ chức bài, đến lối khai thác, sử dụng tài liệu… Và liệu có phải ngẫu nhiên khi hai bài của Thanh Tâm, Hoài Trinh đều được công bố vào ngày 1.4 – ngày lâu nay vẫn được gọi là “Cá tháng Tư”?

Theo dõi sinh hoạt văn học từ đầu năm 2022 đến nay, tôi thấy sau khi hai bài báo của Thanh Tâm, Hoài Trinh xuất hiện, báo chí và giới nghiên cứu văn học hoàn toàn im ắng. Mà thường thì sau khi có phát hiện “động trời” như thế, báo chí sẽ triệt để khai thác, thậm chí phỏng vấn một số người trong nghề giúp sự việc sớm “ra ngô, ra khoai”. Cho nên tôi nể Hoàng Thanh vì người viết này có trí tưởng tượng siêu phàm và tài năng biến “không thành có” khi mở đầu bài báo anh ta (chị ta) đã viết: “Hồi tháng 4/2022, giới chuyên môn xôn xao khi phát hiện Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều người để viết cuốn Giọng điệu trong thơ trữ tình, thì nay lại tiếp tục bàng hoàng khi thấy tác giả này đạo văn xào xáo, copy ý tưởng từ nhiều công trình khác nhau để in cuốn Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại”.

Để sáng tỏ, tôi kính mong Hoàng Thanh công bố dẫn chứng đủ để chứng minh giới chuyên môn “xôn xao, bàng hoàng”. Tất nhiên, các dẫn chứng cần phải chính danh, trực tiếp xác định đó là ý kiến của người trong giới chuyên môn, không phải nick ảo trên mạng xã hội, mà đã được đăng trên trang mạng có đăng ký tên miền chính thức (.vn), như vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Nếu không chứng minh cụ thể thì tình trạng giới chuyên môn “xôn xao, bàng hoàng” như Hoàng Thanh hô hoán chỉ có ý nghĩa duy nhất là… bịa!

Tôi nghĩ, một trong các yếu tố tạo nên tư cách của trí thức là sự chính trực và đàng hoàng, nên khi người ta phải dùng tới chiêu trò lập email với những cái tên mơ hồ như Phùng Phương, Đức Hòa để rải tài liệu vào email cá nhân thì chỉ tự chứng minh họ là tri thức có tư cách méo mó. Vì thế tôi nghi ngờ động cơ của những người ký vào bản “kiến nghị” gửi vào email của tôi. Cũng vì thế, tôi coi việc họ kiến nghị “để bảo đảm uy tín cho Giải thưởng Nhà nước, tạo sự công bằng, khách quan, công minh trong giới nghiên cứu khoa học trong nước” chỉ là câu chữ đầu môi chót lưỡi. Thêm nữa, nếu họ thực tâm muốn “tạo sự công bằng, khách quan, công minh trong giới nghiên cứu khoa học trong nước”, thì với tất cả sự nhiệt thành như đã thể hiện, họ nên góp phần làm sáng tỏ một số vụ “đạo văn” còn xác thực hơn nhiều. Làm những việc như thế, họ sẽ được trân trọng. Không làm được như thế và thực sự mong muốn lành mạnh vì giới nghiên cứu khoa học trong nước, thì đã đến lúc họ cần chấm dứt lối hành xử không tương xứng với tư cách trí thức.

Vĩ thanh:

– Khi tôi viết xong bài này, không biết vì sao bài “Lại phát hiện rúng động về Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều người trong công trình Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” đã không còn trên trang Pháp luật và Chính sách?

– Ngày 13.11.2022, trang Pháp luật và Chính sách có đăng bài “Phát hiện thêm Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại của Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều tác giả khác” của Văn Huy, sau đó, ngày 15.11.2022, cũng trang này đăng bài “Việc đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp: Thành viên Hội đồng xét giải thưởng cấp Nhà nước đề nghị gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền” của P.V. Không biết vì sao hai bài đã không còn, nhưng vẫn có thể đọc qua bản cache?

– Đọc cái nhan đề “Việc đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp: Thành viên Hội đồng xét giải thưởng cấp Nhà nước đề nghị gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền” qua sa-pô “Một giáo sư – nhà khoa học có uy tín trong ngành Văn học, là thành viên có vai trò quan trọng của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước chính thức lên tiếng một cách khách quan”, tôi ngỡ vị nào đó lên tiếng giúp tỏ tường câu chuyện. Hóa ra chẳng có gì mà ầm ĩ. Vì trước câu hỏi: “Với tư cách là người được mời tham gia trong Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét đề nghị trao giải thưởng, quan điểm của ông như thế nào và liệu ông sẽ có văn bản đề nghị thu hồi giải thưởng để bảo vệ liêm chính học thuật trước khi được công bố trao tặng không?” vị Giáo sư (giấu tên) trả lời: “việc này ai có ý kiến đề nghị thu hồi giải thưởng phải gửi đơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ, với đủ tên tuổi tư cách pháp nhân cụ thể, không dùng bút danh”. Trả lời như thế thì chẳng có ý nghĩa gì, vì bất cứ người lương thiện nào cũng tiến hành như vậy!   

NGUYỄN HÒA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *