Ấn tượng về những tác phẩm của nhà văn Lê Lựu

Tôi may mắn được tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Lê Lựu khá sớm, ngay từ thời còn nhỏ. Vốn thích đọc bất kỳ cuốn sách nào rơi vào tay mình nên không nhớ từ đâu, tôi đọc cả tập truyện “Phía mặt trời”, “Mở rừng” mà nhà văn Lê Lựu viết cùng rất nhiều cuốn sách của các tác giả khác trong và ngoài nước khi còn học tiểu học.

Rồi tôi được xem phim “Người về đồng cói” của nữ đạo diễn nổi tiếng Bạch Diệp dựng theo truyện phim của nhà văn Lê Lựu cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Ấn tượng sâu sắc với tôi là phim có cô Riêng vô cùng xinh đẹp, do diễn viên điện ảnh trẻ Thanh Loan lúc bấy giờ thể hiện và hình ảnh chú bộ đội Văn, một thương binh từ chiến trường về, mang phẩm chất người lính Cụ Hồ, chỉ còn một cánh tay vẫn làm việc hăng say giữa cánh đồng cói mênh mông bát ngát…

Nhà văn Lê Lựu (1942 – 2022)

Sau này, khi tôi đã lớn lên, đất nước thống nhất nhưng trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài, đói khổ triền miên rồi bứt phá vượt thoát bằng công cuộc đổi mới, cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu ra đời gây tiếng vang như một dấu mốc cho một chặng đường mới trong văn chương và trong tư duy nhận thức, phản tỉnh của mỗi con người đã đi qua  chiến tranh và bước vào thời kỳ hậu chiến. May mắn ngày ấy, mỗi cuốn sách phát hành đều hàng vạn bản nên tôi đã chắt bóp dành tiền mua được và nghiến ngấu đọc hết ngay trong đêm trắng. Những trang sách in bằng giấy mỏng màu xám của một thời thiếu thốn đã ám ảnh tôi cùng nỗi buồn vương vất về thân phận những con người như Giang Minh Sài. Đất nước mình đã có bao nhiêu thân phận người  lặng lẽ sống và chịu đựng như thế? Có bao nhiêu bi kịch riêng, chung? Những cảnh huống nào tạo ra những thân phận ấy? Làm thế nào để đổi thay cuộc sống theo hướng tốt đẹp? Tương lai rồi sẽ ra sao…? Những câu hỏi cứ vang lên trong tôi đeo đẳng mãi và chắc chắn đeo đẳng nhiều người những tháng ngày khốn khó đói ăn, thiếu mặc, đầy ấu trĩ lúc bấy giờ.

Văn chương Lê Lựu mà tôi từng biết qua các tác phẩm viết trong thời chiến tranh vốn trong sáng và hào hùng, không  có những thân phận, ám ảnh bi kịch và những trăn trở cay đắng ấy. Chỉ có hình tượng những người lính, những thanh niên xung phong mang nỗi niềm riêng – chung, yêu nước vô bờ, dũng cảm quên mình, đẹp lồng lộng giữa bom rơi đạn nổ, những khoảnh khắc bình yên với những tâm hồn như suối nguồn,  tình yêu trong sáng giữa đại ngàn Trường Sơn… Và họ đẹp cả trong lao động, sản xuất, khi bị thương tật trở về, giữ vững phẩm chất người lính, đấu tranh với những cái xấu, tạo lập những giá trị mới mẻ, tốt tươi nơi đồng đất quê nhà. Nhưng đến “Thời xa vắng”, nhân vật trong trang sách Lê Lựu mang chiều sâu tính cách, được khắc họa tâm lý tinh tế, kỹ càng, là thân phận đủ đầy, điển hình cho số đông bước ra từ cuộc chiến. Đã lâu rồi trong văn học Việt Nam mới có một nhân vật điển hình như thế. Giang Minh Sài đã trở thành một tính ngữ, một định ngữ, một tên riêng để chỉ những ai không được sống là chính mình, chạy theo những thứ không phải của mình, không thuộc về mình; những người bất hạnh trong sự khó hòa nhập cuộc  sống đời thường, đặc biệt  trong gia đình; những người luôn sống vì người khác mà ít được trân trọng, gặp nhiều bi kịch số phận…

Tóm lại là, đến “Thời xa vắng”, có một nhà văn Lê Lựu  với một phong cách viết khác, một tìm tòi đổi mới, cách kể chuyện mới, lột tả, phơi mở chính mình để kể những câu chuyện thời bình mà đầy rẫy những “cuộc chiến” cá nhân… Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong điếu văn tiễn biệt nhà văn Lê Lựu: “Năm 1985, ông xuất bản tiểu thuyết Thời xa vắng, một thiên truyện đặc sắc và đau đớn viết về nông thôn, về một con người không tìm thấy hạnh phúc bên ngoài bầu khí quyển quen thuộc của mình. Tác phẩm được coi như tiếng súng lệnh của thời kỳ đổi mới văn học, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim nhựa năm 2004 và được dịch và xuất bản trên thế giới. Thời xa vắng là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những thứ hay những giá trị của người khác. Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thực sự mang tới một thay đổi lớn lao và quan trọng cho đời sống văn học Việt Nam. Tư tưởng của Thời xa vắng đã làm cho văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới kể từ năm 1954”. Có thể nói, tác phẩm đã đặt một dấu mốc văn học quan trọng cho thời kỳ đổi mới nói chung và đổi mới văn học nói riêng. Chỉ tiếc là tác phẩm điện ảnh chuyển thể của đạo diễn Hồ Quang Minh, dù đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng chưa thể hiện được hết nội dung và sức cuốn hút của “Thời xa vắng”.

Cuốn tiểu thuyết “đình đám” thứ ba của nhà văn Lê Lựu, khác với các cuốn trước, càng nổi tiếng sau khi bộ phim truyền hình dài tập cùng tên của đạo diễn Lê Đức Tiến ra đời – “Sóng ở đáy sông”. Câu chuyện đời của Núi, số phận một tù phạm đất cảng Hải Phòng (mà nguyên mẫu nhà văn chỉ thoáng gặp), đã được kể lại sinh động thông qua  trí tưởng tượng phong phú nhưng rất đời, vô cùng hiện thực của nhà văn. Nghệ sĩ Xuân Bắc đã thành công và khẳng định mình qua vai diễn để đời này cùng với dàn diễn viên trẻ mang lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Nhiều bạn đọc đã tìm đến sách sau khi được xem bộ phim truyền hình dài tập mang tính nhân văn với những thân phận người một thời kỳ chiến tranh, bao cấp đầy cay cực.

Sức hấp dẫn trong các tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu  không phải là cốt truyện hấp dẫn, tình tiết ly kỳ, nghệ thuật canh tân mới mẻ, mà là sự chân thực trong phong cách kể. Thực như chính cuộc đời diễn ra như thế. Thực đến mức nhiều người đồng nhất thân phận nhân vật với nhà văn. Thực đến mức nhiều người nhận mình là nguyên mẫu ngoài đời. Thậm chí có khi còn tìm đến tận nhà văn đòi trả công, chia nhuận bút vì mình là nguyên mẫu…

Bản thân nhà văn từng chia sẻ: “…Tôi là người ít học, ít đọc và lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám lấy sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện thật “có gì viết nấy…”. Tất nhiên, đó là lời  nói hết sức khiêm tốn của nhà văn nhưng cũng cho chúng ta thấy một điều cốt lõi trong phong cách viết của ông, một Người kể chuyện chân thật.

Những trang viết của nhà văn Lê Lựu luôn chân thực về cảm xúc, đau đáu nỗi đời, trăn trở về những thân phận người. Vốn là người nông dân mặc áo lính, nhà văn trước hết thuộc về những người lính, những gì ông viết thời chiến tranh về những người lính thật sinh động và giản dị. Những người lính dũng cảm đương đầu với bom rơi đạn nổ, trong sáng, hồn nhiên, với nỗi nhớ quê hương sâu sắc, mỗi người một số phận,  không nề hà khó khăn, thử thách, hy sinh cả thời chiến lẫn thời bình… Ai đọc ” Mở rừng” hẳn sẽ khó  quên những nhân vật như chính ủy Nguyễn Quang Văn và con gái Bình Nguyên, binh trạm trưởng Lan với gia cảnh éo le, đặc biệt là các nam nữ chiến sĩ Trường, Vũ , Ngà,  Thú….Họ như thép đã tôi qua lửa đỏ và nước lạnh, dũng cảm vô bờ và yêu thương cháy bỏng. Những trang viết về Trường Sơn bom đạn đẹp bi tráng với những người hùng bình dị ấy, khiến người đọc xúc động và tự hào về quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh.

Với “Thời xa vắng”, người lính nông dân được  đặc tả giữa đời thường. Cả một chặng đời dài suốt mấy chục năm của anh lính Giang Minh Sài được tái hiện sinh động với chiều sâu cảm xúc, trăn trở, cay đắng, đầy ắp suy tư…Nhà văn Lê Lựu đã đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật để khắc họa một người lính đã kinh qua mười bảy năm trong quân ngũ, trong đó có mười một năm ở chiến trường.  “Mười một năm không một lần về phép, mười một năm phải đếm từng giờ, giành giật với cái chết”, nay trở về với đời thường sẽ hòa nhập ra sao? Sống với sự vinh quang nối dài hay phải chật vật xoay xở với cuộc sống thời bình với những  lạ lẫm thị thành và khó khăn chật vật thời hậu chiến, bao cấp? Cuộc chiến với quân thù đã chấm dứt nhưng “cuộc chiến” với chính mình, trong mỗi cá nhân mới bắt đầu.

Nhà thơ Bùi Thanh Hà – tác giả bài viết

Với sự trải nghiệm thấm thía của bản thân và tài quan sát tinh tế, ông đã kể lại hết sức chân thực về thế hệ mình, thời sống của mình. Nhà văn  Lê Lựu đã từng phát biểu: “Qua văn chương, người ta muốn hiểu thời chúng ta đang sống là như thế nào? Người ta muốn nhận thức đúng thực chất các quan hệ xã hội con người đã sống một quãng đời lắm sôi động, nhiều biến cố vừa qua và bây giờ.”. Ông đã làm được điều ấy qua các tác phẩm  viết với bao  suy tư, khắc khoải, trăn trở với từng con chữ trên mỗi chặng đường cuộc sống ông qua.

Đến “Sóng ở đáy sông “, vẫn trung thành với lối kể chuyện chân thật mà hấp dẫn, đi sâu vào thân phận con người, phản ánh một   “thời xa vắng” nhiều định kiến, ấu trĩ, nhà văn Lê Lựu  đã tạo nên  một nhân vật Núi với quá trình tha hóa, với nhiều vấn đề  bi kịch của cá nhân, xã hội, gia đình. Những định kiến cứng nhắc, sự vô cảm của người thân, sự đói khát cả vật chất lẫn tinh thần có thể đẩy con người đến sự cô đơn cùng cực, đến tội lỗi và tội ác. Và chỉ có tình yêu thương  mới cảm hóa được lòng người, mới đưa được những ai lầm lỗi  đi vào con đường sáng, làm lại cuộc đời.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã từng nhận xét: “Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa…”.

Với những bi kịch số phận và dự cảm sâu xa về sự biến đổi hệ giá trị văn hóa của thời kỳ mở cửa kinh tế, đồng tiền lên ngôi, tác động đến nhân cách con người, nhà văn Lê Lựu đã đi sâu vào những bi kịch tình yêu, gia đình như để gióng một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội. Bi kịch tình yêu, gia đình của Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng”, và bi kịch xót xa đẩy Núi vào con đường lầm lạc hết lần này đến lần khác cho thấy cuộc sống  gia đình và những định kiến xã hội quyết định rất lớn đến hạnh phúc, số phận và sự hình thành nhân cách con người. Con người sẽ tránh được biết bao đau khổ khi được sống trong sự  cảm thông, thấu hiểu, tôn trọng ở môi trường xã hội và  trong tình yêu thương, hạnh phúc gia đình.  Đó cũng là những giá trị nhân đạo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các tác phẩm mà nhà văn Lẻ Lựu cống hiến cho đời trong chặng đường sáng tác  thứ hai của ông.

Đọc các tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu, chúng ta thấy cả một chặng đường  dài tác giả đã đi qua, thấy dấu ấn sắc nét của một “thời xa vắng”, thấy cả tiếng  sóng lòng lặng lẽ mà dữ dội trước dòng sông cuộc đời không ngưng nghỉ của  một tài năng văn chương đau đáu với quê hương đất nước, với thân phận con người. Dù có thể đôi lúc, ta bắt gặp trong trang văn ông viết đôi lời cay đắng, âu cũng là lẽ thường tình của một con người tận hiến với văn chương nhưng số phận nhiều thử thách nghiệt ngã mà thôi. Người đã đi về “thời xa vắng”, với đồng cói quê nhà nhưng những trang sách, những nhân vật vẫn ở lại trong lòng bạn đọc. Đó cũng là hạnh phúc của một người cầm bút tài năng, trung thực!

BÙI THANH HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *