Bản quyền tác giả văn học, chuyện cũ nói mãi

Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng “tác phẩm phái sinh” của các tác phẩm văn học. Một vài người vì “vô tư” mà không nhớ, nhưng cũng nhiều người cố ý “quên” tác phẩm văn học để không phải thực hiện trách nhiệm bản quyền với tác giả. Không ít các nhà văn, nhà thơ bị “đạo”, bị “ăn cắp” một cách trắng trợn những “đứa con” tinh thần.

Việc vi phạm bản quyền đã nhiều đến mức người ta chẳng còn ngạc nhiên nếu có nhà văn, nhà thơ nào đó lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị người khác “chôm chỉa”. Nhiều vụ việc cứ nóng lên một hồi rồi lại “chìm xuồng”. Phải chăng đã đến lúc cần sự lên tiếng mạnh mẽ của các tác giả và cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn của các cơ quan chức năng đối với hành vi sai phạm bản quyền để điều này không trở thành một “vấn nạn” như hiện nay.

Nhà văn Như Bình và những tác phẩm bị một nhà đài khai thác mà không xin phép tác giả.

Những lần vi phạm bản quyền làm “xôn xao” làng văn

Mới đây nhất, trên trang Facebook cá nhân của mình nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chia sẻ câu chuyện xung quanh việc Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn vở kịch “Bến nước thời gian”. Truyện ngắn “Mười ba bến nước” của ông chính là cảm hứng, tư liệu sáng tác nguồn cội để tác giả Tạ Xuyên chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Thế nhưng, Nhà hát Tuổi trẻ không ghi, không nói tên tác phẩm “Mười ba bến nước”, tên tác giả Sương Nguyệt Minh trong thành phần sáng tạo của vở kịch “Bến nước thời gian”.

Trước đó vài năm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng lên tiếng về vở kịch “Khát vọng” của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cùng của biên kịch Tạ Xuyên. Vụ việc này được nhiều người quan tâm, thậm chí có cơ quan sẵn sàng đứng ra giúp nhà văn Nguyễn Quang Thiều đòi lại công bằng. Thế nhưng tác giả truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” không mong gì hơn là lời xin lỗi của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Việc vi phạm bản quyền đôi khi còn đến từ chính những tác giả, nhà văn khác. Một vài vụ tiêu biểu có thể kể đến như nhà văn trẻ Kai Hoàng nhái tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong chính cuộc thi mà tác giả “Cánh đồng bất tận” làm giám khảo. Tác giả Lê Thủy, hội viên của Hội VHNT tỉnh Đắk Nông đạo văn của nhiều người trong và ngoài nước trong nhiều năm đăng trên tạp chí của tỉnh cũng gây chấn động văn đàn cả nước một thời.

Những vụ việc bị xâm phạm bản quyền mà bạn đọc có thể ít biết đến hơn bởi tác giả không lên tiếng tố cáo. Có thể kể đến, chuyện nhà văn Như Bình nhiều lần phát hiện tác phẩm của mình bị chương trình một truyền hình Trung ương khai thác sử dụng liên tục trong một thời gian dài mà không hề xin phép.

Cụ thể các câu chuyện trong bộ 6 tập “Những chuyện khó tin nhưng có thật” của chị đã in trên trang 31 chuyên mục “Những chuyện khó tin nhưng có thật” của Báo An ninh thế giới Giữa tháng, cuối Tháng bị một đạo diễn gạo cội hàng cha chú nghiễm nhiên chuyển thể thành bản dựng truyền hình trong thời gian dài. Vấn đề ở đây chị biết mỗi chương trình truyền hình khai thác “Chuyện khó tin nhưng có thật” của chị được trả hàng chục triệu đồng nhuận bút, nhưng giá như chị nhận được một lời đề nghị xin phép sử dụng thì có lẽ chị sẽ bớt buồn hơn và không mất đi sự tôn trọng làm nghề đối với vị đạo diễn cha chú kia. Nhưng khi chị có ý định phản ánh, thì có sự can thiệp nên vì nể nang, chị lại thôi.

Chị Như Bình chia sẻ, chị vẫn chờ một lời xin lỗi từ ê kíp và vị đạo diễn nọ. Nếu không nhận được lời xin lỗi, chắc chắn chị vẫn sẽ lựa chọn thời gian thích hợp để chia sẻ vụ việc này lên công luận. Hay nhà thơ Bình Nguyên Trang phát hiện chùm thơ của chị nằm “chềnh ềnh” trên báo khác mà không hề thông qua mình.

Cần sự lên tiếng mạnh mẽ của các tác giả

Tác giả không lên tiếng tố cáo một phần vì cả nể, phần vì bị can thiệp từ cấp trên, từ các mối quan hệ chằng chịt, hoặc ngại ồn ào. Phần nữa họ mất lòng tin, bởi không ít vụ rầm rộ một thời gian rồi cũng chẳng đi đến đâu. Chính điều này là một trong những lý do khiến việc vi phạm bản quyền ngày càng trở nên ngang nhiên, nhức nhối. Dù cho pháp luật đã có quy định rõ ràng, thế nhưng việc thực thi và đòi quyền lợi của tác giả bị vi phạm bản quyền vẫn còn nhiều trăn trở. Có lẽ điều này đã sinh ra tâm lý “ngại” lên tiếng của các tác giả.

Trong câu chuyện của nhà văn Sương Nguyệt Minh, sự lên tiếng của tác giả đã thu hút được lượng lớn người quan tâm và chia sẻ. Có lẽ chính bởi điều đó nên ngay ngày hôm sau khi tác giả đăng bài, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cùng họa sĩ, phó giám đốc và hai nghệ sĩ trong phòng nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ đã đến gặp ông. Đạo diễn xin lỗi, nhận trách nhiệm và hứa sẽ cùng Nhà hát khắc phục hậu quả, cũng như xin được thực hiện ngay tác quyền cho tác giả văn học cả giá trị tinh thần và vật chất trong thời gian ngắn nhất. Qua việc này để thấy rằng tiếng nói của nhà văn có ảnh hưởng rất nhiều đến việc đòi lại công bằng cho chính tác phẩm của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cho rằng “Các nhà văn cần phải lên tiếng về vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn nữa. Thậm chí có trường hợp phải đưa ra luật pháp. Trách nhiệm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền không chỉ là trách nhiệm của người sử dụng tác phẩm mà cả người là tác giả của tác phẩm đó. Nhà văn Việt Nam lâu nay thường xuê xoa hoặc không coi trọng vấn đề vi phạm bản quyền đối với chính tác phẩm của họ. Thái độ thờ ơ với bản quyền của nhà văn hay thiếu kiên quyết trong việc đấu tranh cho quyền lợi của mình vô hình chung “bao che” cho những hành vi vi phạm bản quyền. Đứng về phía nào đó sự im lặng của các nhà văn trước việc vi phạm bản quyền chính là một yếu tố gián tiếp làm cho việc vi phạm bản quyền gia tăng. Việc lên tiếng không chỉ là bảo vệ quyền lợi của cá nhân nhà văn mà là góp phần vào việc xây dựng một đời sống văn minh, theo luật pháp”.

Cuộc chiến bảo vệ tác quyền cần sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan, chức năng có thẩm quyền và đặc biệt là của những tác giả văn học. Chính sự lên tiếng để bảo vệ tác phẩm của mình, bảo vệ đồng nghiệp, kiên quyết đấu tranh với những hành vi sai phạm sẽ góp phần đẩy lùi những việc làm sai trái. Tiếng nói của các nhà văn, nhà thơ như một tấm phin lọc loại bỏ phần “cặn” để xây dựng nên một môi trường sáng tác nghệ thuật lành mạnh.

Bên cạnh việc không nhân nhượng trước các hành vi sai trái thì các tác giả cũng cần biết tự bảo vệ mình bằng việc tìm hiểu kỹ Luật bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ. Những tác phẩm xuất bản phải chủ động được đăng ký bản quyền để được bảo vệ khi bị xâm phạm.

Các hành vi cố ý vi phạm phải được xử lý triệt để và nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng bên cạnh những người cố ý trốn tránh việc chi trả tác quyền thì cũng không ít trường hợp vi phạm bởi chính sự thiếu hiểu biết. Nhiều người vô tư “xào nấu” tác phẩm của người khác, thậm chí bê nguyên cả bài thơ, truyện ngắn của người khác về đề tên mình vào rất “hồn nhiên”. Do đó để đẩy lùi “vấn nạn” vi phạm tác quyền muốn có hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp cũng phải được chú trọng và triển khai bởi chính các tác giả và các cơ quan chức năng có trách nhiệm.

Nói về cách các tác giả bảo vệ bản quyền văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn chia sẻ: “Có người ví tác phẩm văn học như một cái “máy cái” để từ đó có điện ảnh, sân khấu. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu nổi tiếng được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học. Bản quyền của các tác giả văn học đóng một phần rất quan trọng. Vì vậy, tính chất bản quyền của tác phẩm văn học rất đặc biệt so với các tác phẩm ở những thể loại khác thậm chí có tính quyết định đối với sự thành công của tác phẩm phái sinh.

Để bảo vệ tác phẩm của mình, các nhà văn cần phải đăng ký bản quyền với các cơ quan bảo vệ bản quyền của Nhà nước hoặc các tổ chức bảo vệ bản quyền như Trung tâm bảo vệ tác quyền của Hội Nhà văn. Không ít các nhà văn là hội viên của Hội Nhà văn đã được Trung tâm này bảo vệ”.

Cần cơ chế xử phạt nghiêm khắc

Mặc dù Luật bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ đều được quy định rõ ràng. Thế nhưng hành trình đòi lại công bằng của người bị hại vẫn vô cùng nhiêu khê. Chưa nhiều vụ việc vi phạm bản quyền được xử lý, nếu có thì cũng chưa đủ sức răn đe và thấm thía so với lợi nhuận mà người vi phạm thu được từ hành vi của mình.

Chính vì vậy cần có một cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn nữa để tình trạng vi phạm bản quyền không ngày một phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối. Để các tác giả văn học yên tâm sáng tác, yên tâm công bố những tác phẩm của mình cho công chúng mà không phải nơm nớp lo sợ bị ăn cắp hay khản tiếng kêu gọi để đòi lại tên mình cho chính thứ mà mình đã vắt kiệt sức lực, trí tuệ mình viết ra.

Hiện nay xử lý vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền liên quan đến quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, được sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền xử phạt tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20.3.2017 và Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 của Chính phủ và Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.

LÊ ĐÌNH TRUNG/VNCA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *