Cảo thơm lần giở: Fitzgerald nghĩ gì?

Nhà văn Mỹ S. Fitzgerald (1896-1940) nổi danh vì tiểu thuyết và truyện ngắn vào những năm 20 của thế kỷ XX; ông là người phát ngôn của “kỷ nguyên nhạc Jazz”.

Năm 1922, S. Fitzgerald viết tập Truyện về kỷ nguyên nhạc Jazz (Tales of the Jazz Age). Ông định nghĩa: “Kỷ nguyên này là kỷ nguyên của thế hệ mới, lớn lên để thấy tất cả các thần minh đã chết, tất cả các cuộc chiến tranh đã kết thúc, tất cả các tín ngưỡng trong con người đều bị khuynh đảo”. Ông tạo ra những nhân vật sắc cạnh, trắng trợn, vô trách nhiệm, biến cuộc đời thành một cuộc chơi bất tận. Tính chất xúc cảm buông lỏng, thoải mái của nhạc Jazz thích hợp với tinh thần thoải mái, chống công thức, vui vẻ, trụy lạc của thời kỳ bùng nổ ở Mỹ ngay sau Đại chiến Thế giới I. Tất cả các truyện của Fitzgerald đều thấm nhuần ý thức là có cái gì sai trái một cách tuyệt vọng, họ là những người Mỹ tiêu biểu, tin tưởng là tiền, quyền thế và tri thức mang lại hạnh phúc, nhưng đều vỡ mộng. Fitzgerald cũng thuộc “Thế hệ mất mát” như Hemingway, Ezra Pound, Dos Passos, Sinclair Lewis.

Nhà văn Fitzgerald (1896-1940).

Ông phục vụ trong quân đội cuối Đại chiến Thế giới I, nhưng chưa tham gia chiến đấu mà dùng thời gian viết văn.

Thành công rực rỡ đầu tiên của Fitzgerald là cuốn tiểu thuyết Phía bên đây Thiên đường (This Side of Paradise, 1920) xuất bản năm ông 24 tuổi, viết trong trại lính, được coi là bản tuyên ngôn của thế hệ trẻ sau chiến tranh 1914-1918.

Cũng năm 1920, ông lấy Zelda, một cô gái đẹp, con một gia đình quý phái; họ bắt đầu một cuộc đời huy hoàng như trong tiểu thuyết của ông, sống ở những nơi ăn chơi sang trọng (Paris, New York…), ở những khách sạn lịch sự trên thế giới, cho đến khi vợ ông bị mất trí và cả ông cũng bị sa sút về tinh thần và thể chất.

Thường bao giờ sau khi viết một tiểu thuyết dài, Fitzgerald lại xuất bản một tập truyện ngắn Gatxby cừ khôi (The Great Gasby, 1925), xuất bản khi ông 29 tuổi được coi là một kiệt tác của ông. Sau đó là tập truyện Tất cả các chàng trai buồn rầu (All the Sad Young men, 1926). Tới thời điểm này thì ông phải đương đầu với nhiều khó khăn về tình cảm và tài chính. Vì phải viết nhiều truyện cho báo chí nên mãi 8 năm sau ông mới cho ra được cuốn tiểu thuyết Đêm dịu dàng (Tender is the night, 1934), kể lại sự tan vỡ của một gia đình và một lương tâm, nhắc tới gia đình bản thân. Ông vẫn cố gắng viết và mất năm 44 tuổi vì nghiện rượu, sau khi sống một cuộc đời chìm nổi, lên voi xuống chó.

Phía bên đây Thiên đường gợi lại tâm trạng vô vọng “Thế hệ mất mát” của những năm tác giả học đại học. Cuốn tiểu thuyết đề cập đến một chủ đề quen thuộc của ông: Tình yêu chân thật bị tiền làm cho tàn lụi. Ông miêu tả rất kỹ thuở ban đầu của kỷ nguyên nhạc Jazz.

Truyện kể về Amory Blaine, một thanh niên học đại học nhưng chỉ để ý đến văn chương, có tính “tự do”, lăng nhăng với một số cô gái lả lơi. Nhưng rồi anh thực sự yêu một thiếu nữ là Rosaline; cô này về sau hắt hủi anh để lấy một thanh niên có nhiều của hơn. Trong Chiến tranh Thế giới I, Amory làm sĩ quan ở bên Pháp. Khi về, anh làm nghề quảng cáo. Chưa đầy 30 tuổi, anh đã có tâm trạng chán chường, trắng trợn, luyến tiếc…

Trong Gatxby cừ khôi, tác giả gợi lại nhiều kỷ niệm cá nhân trong khi kể lại một cách trào phúng một câu chuyện thời sự về tình và tiền vào những năm cuồng loạn ở Mỹ sau Đại chiến I, những năm được mệnh danh là “Những năm 20 ầm ĩ” (The Roaring Twenties). Ông miêu tả một xã hội giàu có, ăn chơi phè phỡn, có bộ mặt lộng lẫy giả tạo, thiếu văn hóa, đạo đức chán ngấy. Gatxby, tên thật là James Gatz, là một tay lãng tử, ít học mà lãng mạn, xuất thân từ một gia đình nghèo miền Trung Tây Mỹ. Giải ngũ sau khi tham gia chiến tranh vào những năm 1917-1918, gã đã trở nên giàu sụ do buôn rượu lậu, phất lên và sụp đổ đều chớp nhoáng.

Trong tòa lâu đài của gã ở New York, gã tiếp hàng trăm khách thượng lưu, đa số là những tên “bất lương cố tật”, trăm nghìn đổi một trận cười như không. Gatxby đã từng dan díu với Daisy, nhưng cô này bỏ đi lấy một tay tỷ phú hung hăng là Tom Buchanan. Gatxby làm giàu và khoe của chỉ cốt chiếm lại Daisy mà không được. Có lần Daisy lái xe hơi của Gatxby, vô tình chẹt chết Myrtle, tình nhân của Tom mà không biết. Chồng cô này theo dõi vết xe, phát hiện ra là xe của Gatxby; Gatxby “yêng hùng” giữ kín sự thật để bao che cho Daisy, vì vậy, hắn bị chồng Myrtle bắn chết. Các bạn bè và đồng bọn đều bỏ rơi Gatxby, dự đám tang của gã chỉ có cha gã và một người ân khách cũ.

Sau đây là một số suy nghĩ của Fitzgerald:

Cần phải biết là sự việc không có triển vọng nhưng vẫn phải cương quyết thay đổi chúng.

Ngày mai chúng ta sẽ chạy nhanh hơn, cánh tay chúng ta sẽ vươn xa hơn… Cứ như vậy mà chúng ta tiến lên, chiếc thuyền bơi ngược thời gian không ngừng đẩy ta lùi về dĩ vãng.

Anh vươn bàn tay vô vọng để cố gắng nắm lấy được một nắm gió cuối cùng, để mang theo một mảnh cuối cùng của những nơi mà nàng đã khiến anh say mê yêu đương. Nhưng tàu chạy quá nhanh, mọi thứ đều mờ nhòa trước mắt anh. Và thế là anh biết anh đã mãi mãi mất một mảnh của bản thân anh, mảnh thanh khiết nhất, tốt đẹp nhất.

Khi tôi còn ít tuổi hơn, nghĩa là ít biết chống đỡ hơn, dễ bị tổn thương hơn, cha tôi khuyên tôi một điều mà tôi thường nghĩ đi nghĩ lại: khi con có ý định chỉ trích ai, thì con nên nghĩ là không phải ai cũng có những thuận lợi như con.

Lửa không nóng, nước đá không lạnh bằng những ảo tưởng mà người ta ôm ấp trong lòng.

Hãy chỉ cho tôi một người anh hùng, tôi sẽ viết cho anh một bi kịch về người đó.

Ai trong chúng ta cũng ngờ ngợ là mình có một đức tính cơ bản. Điều đó của tôi là: tôi là một trong những người tử tế mà tôi được biết.

Cuộc đời vô cùng phong phú, nếu ta chẳng thấy gì trong cuộc đời thì chớ đổ tại cuộc đời mà phải đổ lỗi cho mình.

Cái đẹp của mọi nền văn chương là điều sau đây: mình phát hiện ra là những ước vọng của mình cũng y như của mọi người, là mình không phải là duy nhất và khác mọi người.

Người ta bao giờ cũng buồn khi nhìn bằng một con mắt mới với những cái mà mình đã từng bỏ hết tâm lực và phán xét.

Quá tuổi 40, người ta ít khi chịu bị thuyết phục bởi bất cứ điều gì. Vào tuổi 18, những điều ta tin là những ngọn đồi từ trên đó ta nhìn đời; vào tuổi 45 thì chúng ta giấu kín những điều ấy vào hang động

HỮU NGỌC/SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *