Câu chuyện xúc cảm về “Bồ công anh nhỏ” của Hồ Xuân Đà

VHSG- Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-28.6.2020), nhà giáo – nhà văn Hồ Xuân Đà đã có buổi giao lưu thú vị với độc giả tại Đường sách TPHCM vào sáng ngày 27.6 về cuốn truyện dài “Bồ công anh nhỏ” của chị mới trình làng.

Buổi giao lưu ra mắt sách “Bồ công anh nhỏ – Câu chuyện xúc cảm tuổi mới lớn” có sự hiện diện của các khách mời, nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo: Vũ Hạnh, Lê Văn Duy, Hồ Thị Ngọc Hoài, Bình Địa Mộc, Trần Ngọc Châu, Trần Huy Minh Phương, Tống Phước Bảo, Vũ Lam Hiền, Trần Huyền Trang, Khét… và đông đảo bạn đọc yêu quý Hồ Xuân Đà.

Nhà văn Hồ Xuân Đà (áo xanh) giao lưu về tập truyện cho tuổi mới lớn “Bồ công anh nhỏ”

Tuổi mới lớn là lứa tuổi rất nhiều những thay đổi về tâm – sinh lí. Phụ huynh có con em giai đoạn này sẽ gặp không ít ưu tư – trăn trở với những thay đổi bất thường và nổi loạn của con. Ở lứa tuổi này, các con thường có xu hướng đi tìm kiếm đam mê đích thực của mình, luôn muốn khẳng định mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự ương bướng vẫn không giấu được nét đáng yêu của tuổi ngọc – mộng mơ. Các bạn nhỏ vẫn rất quan tâm, yêu thương và bao dung với người thân, với bè bạn, vẫn có lúc rất hiểu chuyện, nhường nhịn, đôi khi sâu sắc đến bất ngờ.

Nhà thơ Phan Hoàng nói về sự thành công của sự khai thác tâm lý, tư duy và diễn ngôn cho tuổi mới lớn của nhà giáo Hồ Xuân Đà.

Truyện dài “Bồ công anh nhỏ” của tác giả Hồ Xuân Đà là một câu chuyện về xúc cảm tuổi mới lớn như thế. Một câu chuyện dễ cảm nhận, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể đọc và chiêm nghiệm.

Đó là câu chuyện kể về nhân vật chính là cô bé có tên Bụi Phấn. Cô bé rất mộng mơ, nhí nhảnh đồng thời rất cá tính. Ít nói và nội tâm. Cô bé luôn nghĩ về những mơ ước của mình, rất muốn thay đổi, thậm chí muốn nổi loạn để đạt được mơ ước. Nhưng trên hết, cô là một cô bé giàu lòng vị tha với mọi người, rất thương mẹ, thương em trai. Cô chấp nhận sự quan tâm khắt khe có phần bảo thủ của mẹ.

Nhà văn lão thành Vũ Hạnh chúc mừng nhà văn trẻ Hồ Xuân Đà

Bên cạnh đó, vì những tổn thương sâu xa của người lớn, mẹ cô đã có những thái độ đôi lúc chưa thật công bằng đối với chị em cô, nhất là với bản thân Bụi Phấn.Qua những câu chuyện, chúng ta – những bậc phụ huynh phải giật mình nhìn lại kỹ hơn về cảm nhận của con trẻ. Liệu những áp lực, những khó nhọc bộn bề của cuộc sống xui khiến mình tạo ra sự áp đặt có làm ảnh hưởng đến con, có công bằng với con không?..

Hồ Xuân Đà là một cô giáo mầm non, một nhà văn trẻ, đam mê sáng tác và có bút lực dồi dào. Cô giáo Hồ Xuân Đà cũng là tác giả của các tác phẩm dành cho trẻ em như, “Món quà của yêu thương” (những câu chuyện kể về kỹ năng sống cho trẻ mầm non); “Đôi bàn tay mẹ”.

Tác giả Hồ Xuân Đà cùng các học trò – phụ huynh, bạn bè và đồng nghiệp

Chia sẻ về cảm hứng khi chuyển hướng sáng tác những tác phẩm dành cho gia đình – phụ nữ và thiếu nhi, cô Hồ Xuân Đà cho biết, “Tôi là một cô nuôi dạy trẻ, hàng ngày gắn bó với trẻ thơ, sống chung với nét hồn nhiên của tiếng hát lời ca, cộng hưởng những cảm giác chợt vui, chợt buồn của các bé. Là một người mẹ, tôi đã nhận ra những đôi mắt, như tia nắng đầu tiên của mặt trời bắt đầu ngày mới, những tâm hồn như tờ giấy trắng để mỗi ngày, viết lên những điều mới mẻ. Trẻ em cần phải được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay hạnh phúc của toàn xã hội. Sự chăm sóc, vun đắp cho những mầm non lớn lên là nhiệm vụ của gia đình và nhà trường. Là một sự kết hợp cần thiết nhất”.

Nói về tác phẩm, Tiến sĩ Văn học, nhà giáo Hà Thị Kim Phượng cho biết, “Khi thử nghiệm viết cho tuổi mới lớn, Hồ Xuân Đà cũng để lại nhiều ấn tượng thú vị qua cách kể chuyện có duyên, tinh tế. Những câu chuyện thường nhật vừa lạ vừa quen mà khi đọc, ta bắt gặp đâu đó ngay trong chính bản thân mình, con cái mình”.

TOQUOC.VN/VHSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *