Chống dịch: Hiểu biết, không kỳ thị

Kể từ đầu đại dịch Covid-19 cho đến nay, Việt Nam đã đi qua 4 đợt bùng phát. Giải pháp, cấp độ thực thi chống dịch được uyển chuyển trên cơ sở các nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng được giao trách nhiệm để uyển chuyển với những phương án riêng tùy tình hình và điều kiện sở tại nhưng thống nhất dưới sự điều hành chung của trung ương.

Trong các đợt dịch bùng phát trước, với những nỗ lực hợp tác từ người dân và các biện pháp cứng rắn, việc siết chặt diện rộng được đưa ra ngay từ đầu, hiệu quả khống chế, kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Nhưng tình hình đại dịch càng lúc càng phức tạp, chiến lược chống dịch cũng đang dần thay đổi để thích ứng với các chuyển biến mới.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, phạm vi truy vết, cách ly khi có ca nhiễm đang thu hẹp để ít gây tác động đến cuộc sống của cộng đồng chung quanh. Trong một thành phố, như trường hợp TP HCM, việc khoanh vùng quận này với quận khác với những cấp độ kiểm soát khác nhau (theo Chỉ thị 15, 16) đang được thực hiện tuy chưa thể gọi là trôi chảy đồng bộ nhưng cũng cho thấy một triết lý chống dịch thận trọng, với mục đích chính là không để ảnh hưởng trên diện rộng của khu vực kinh tế và đời sống sinh hoạt, sinh kế của người dân và không gây ra sự kỳ thị giữa các quận, các khu phố bị phong tỏa với các khu vực còn lại.

Nhìn rộng ra, ở đây phát sinh một bài toán khó: TP HCM là đô thị kinh tế quan trọng phía Nam và cả nước; là nơi thu hút người nhập cư từ các tỉnh về mưu sinh, lập nghiệp, học hành, giao thương, câu hỏi đặt ra là các tỉnh sẽ ứng xử sao với người từ TP HCM (được xem là “vùng có dịch”) đến địa phương của mình?

Có tỉnh đã tiến hành kiểm soát, cách ly, cũng có nơi chỉ tiến hành khai báo y tế, theo dõi và mới nhất, như Đồng Nai thì ban hành Văn bản 6180/UBND-KGVX với các biện pháp cách ly, đồng thời lập chốt kiểm tra tại những cửa ngõ đi qua địa phương…

Vẫn biết việc thiết lập các hàng rào bảo vệ địa phương khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là cần thiết và cần cứng rắn nhưng việc đưa ra các nguyên tắc cần đặt trên tinh thần chia sẻ và hợp tác, thấu tình đạt lý thay vì tạo ra rào chắn, tâm lý kỳ thị giữa địa phương này với địa phương kia. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán các giải pháp có tính khả thi để không rơi vào tình trạng rối ren mất kiểm soát, “ngăn sông cấm chợ”, cắt đứt “mạch máu” lưu thông khi chưa có những chủ trương chung về việc phong tỏa ở cấp độ tỉnh, thành.

Gần đây, việc các tỉnh, thành trong nước vận động tăng cường nhân sự chăm sóc y tế cho Bắc Giang; hay xa hơn, việc các tỉnh “chi viện” cho Đà Nẵng để dập dịch cho thấy tinh thần chia sẻ giữa các địa phương cùng vượt qua những khó khăn không mong muốn do dịch bệnh mang lại. Có lẽ tinh thần ấy cần được các địa phương khuyến khích mạnh mẽ hơn thay vì ban hành các quy định chống dịch với tư duy duy ý chí và “địa phương tính”, vội vã kéo rào chắn lập các chốt ngăn đường giữa thành phố này với thành phố kia. Bởi từ đây, dễ nảy sinh tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử không đáng có, thậm chí dễ dàng biến mình thành nạn nhân bị cô lập trong bối cảnh đại dịch khó lường.

Cần sự hiểu biết về bản chất dịch bệnh, tầm nhìn cởi mở để cùng nhau vượt qua khó khăn của đại dịch trong tinh thần bao dung và trách nhiệm liên đới, thay vì phân biệt đối xử quốc gia này với quốc gia khác, địa phương này với địa phương khác, cộng đồng này với cộng đồng khác, thậm chí con người này với con người khác trong cùng một cộng đồng, đất nước.

NGUYỄN TƯỜNG/NLĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *