Chuyện chưa kể bên bàn viết

VHSG- Chưa bao giờ các lớp học viết văn lại nhiều như ngày nay. Không chỉ các lớp học trực tiếp, mà cả các lớp học gián tiếp. Một cú click, thế thôi, là đủ để bạn trở thành học trò của Neil Gaiman, Margaret Atwood, R.L Stine, toàn các nhà văn lớn cả.

Một trong những thắc mắc mà những người viết trẻ rất quan tâm, thói quen viết như thế nào sẽ hiệu quả nhất, nhưng có thật các nhà văn sẽ giải đáp được điều này?

Viết thần tốc hay viết rùa bò?

Một số nhà văn viết rất nhanh. Isaac Asimov – người được xếp vào hàng ngũ “bộ tam” tiểu thuyết gia xuất sắc nhất trong dòng văn khoa học viễn tưởng – sống tới 72 tuổi, nhưng xuất bản hơn 500 cuốn sách.

Hồi năm 1969, khi ông mới viết được 108 cuốn, người ta đã thống kê trung bình dung lượng mỗi cuốn là 70.000 từ, và nhân lên, họ gọi ông là “người đàn ông của 7.650.000 từ”. Nếu cứ lấy con số dung lượng trung bình ấy thì giờ đây, sau khi qua đời, Asimov phải là “người đàn ông của 35.000.000 từ”.

Làm thế nào Asimov viết nhiều như vậy? Đơn giản, bởi ông viết nhanh. Asimov thú nhận ông viết nhanh tới nỗi, nỗi lo sợ thường trực của ông là cái máy đánh chữ (vâng, thời Asimov còn dùng máy đánh chữ mà ông đã viết tốc độ vậy rồi) sẽ dở chứng giữa chừng. Thành thử ông lúc nào cũng phải có một chiếc máy đánh chữ sơ cua.

Asimov gần như viết mọi lúc mọi nơi, ông chỉ rời khỏi cái máy đánh chữ mỗi khi phải đi giảng bài ở đâu đó, điều mà ông khẳng định là hiếm khi, hoặc mỗi khi vợ con ông đòi đi chơi, điều mà vợ con ông khẳng định là hiếm khi.

Nhưng ngay cả khi không viết, ông bảo ông vẫn viết, viết trong đầu. Cả khi đi ăn, khi đi ngủ, não bộ ông vẫn chỉ xoay quanh những tiểu thuyết và truyện ngắn mà ông đang bận bịu triển khai, và để những luồng đối thoại, suy nghĩ, mô tả trôi qua trong trí tưởng tượng của mình.

Trường phái viết nhanh như Asimov có một truyền thống khá lâu đời từ thời Plato, cái thời mà người ta cho rằng người nghệ sĩ có được cảm hứng sáng tác là nhờ bị chiếm lĩnh bởi các vị thần, do đó mà đôi khi họ trải qua những phút xuất thần khi đột nhiên bao nhiêu ngôn từ, ý tưởng ập đến. Có lẽ đó là lí do những nhà văn hoang đàng nghiện ngập thì thường… viết nhanh.

Như Jack Kerouac đã viết cuốn tiểu thuyết kinh điển Trên đường chỉ trong có 3 tuần hoàn ngập trong ảo giác ma túy, khiến Truman Capote phải nhận xét rằng: “Đó không phải là viết; đó là gõ chữ”.

Căn phòng ngủ huyền thoại của Proust tại bảo tàng.

Một ví dụ khác là Georges Simenon – nhà văn ước tính bán được tới 550 triệu bản sách trên toàn cầu – người viết nhanh tới mức giới văn đàn thêu dệt rằng ông từng nhốt mình trong cái lồng kính suốt 3 ngày 3 đêm để sáng tác từ đầu tới cuối một cuốn tiểu thuyết trong khi khán giả có thể đứng ngoài nhìn ngắm.

Song, đối nghịch với những nhà văn sáng tác thần tốc thì lại có những nhà văn sáng tác chậm như rùa.

“Hôm nay anh viết được bao nhiêu từ rồi?”, một ngày nọ, một người bạn bắt gặp James Joyce bên bàn viết và hỏi thăm.

“Bảy”, Joyce ôn tồn đáp.

“Thế là tuyệt rồi đấy, với anh mà nói”, người bạn nhận xét.

“Ừ nhưng giờ tôi phải xếp lại chúng cho đúng thứ tự cái đã”, Joyce e dè.

Trên đây là giai thoại nổi tiếng về James Joyce – người khổng lồ của văn chương thế kỷ 20, người viết nên thứ văn chương kỳ bí và thách đố, khó đọc bậc nhất, liên tục đòi hỏi các thế hệ sau phải kiến giải đi kiến giải lại. Thế mà, mấy ai biết rằng, một ngày làm việc được coi là thành công của Joyce là ngày ông viết được… 3 câu. Tất nhiên, 3 câu của Joyce thì cũng chẳng phải 3 câu bình thường, song nói gì đi nữa, Joyce cũng được liệt vào dạng viết chậm.

Viết khuya khoắt hay viết tinh mơ?

Viết vào lúc nào cũng tùy thuộc vào nhịp sinh học của từng tác giả.

Với Hemingway, ông phải viết vào sáng sớm, “ngay khi xuất hiện ánh sáng đầu tiên”. Cũng như người khác tập thể dục, Hemingway coi việc viết sẽ làm mình ấm người trong thời điểm bình minh “trời mát mẻ hoặc lạnh giá”.

Các tiểu thuyết gia đương đại như Haruki Murakami và Don Delillo cũng lựa chọn buổi sáng là thời gian hiệu quả nhất của mình. Murakami sống rất điều độ, ông dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liền tù tì 5-6 tiếng, sau đó thì đi chạy bộ hoặc bơi.

Với Murakami, sự điều độ và thói quen như nhất là chìa khóa của thành công, chứ không phải trông chờ vào những nguồn cảm hứng bất chợt: “Sự lặp lại tự thân nó trở thành một điều quan trọng; nó là một dạng của mê hoặc. Tôi tự mê hoặc bản thân để đạt tới trạng thái sâu lắng trong tâm trí”.

Tương tự như Murakami, Delilo tiết lộ ông dậy sớm, viết, rồi chạy, chìm đắm vào thế giới của hoa cỏ, chim chóc, và rồi lại viết. Ông cũng điều độ y như Murakami vậy, không thuốc lá, không ăn vặt, không cà phê, nhà cửa thì luôn sạch sẽ, nếu có gì có thể chen được vào mạch viết của ông thì chỉ có tấm ảnh của thần tượng Borge – một văn hào người Argentina – treo trên tường.

Song nếu bạn làm biếng và thích đời sống cú đêm thì cũng đừng lo. Chẳng ai dám nói viết buổi sáng mới là hiệu quả. Nhiều thiên tài văn chương chỉ hoạt động về đêm.

Trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất, ngay câu đầu tiên đã là: “Trong một thời gian dài, tôi đã thường đi ngủ sớm. Đôi khi, nến vừa tắt, mắt tôi đã nhắm nghiền lại nhanh tới mức tôi không còn thời gian tự nhủ: “Ta ngủ đây”.”

Theo sau đó là một đoạn dài miên man suy tư về việc ngủ. Vốn dĩ đây là bộ tiểu thuyết có tính bán tự truyện, nên cũng không có gì lạ khi ngoài đời tác giả của nó, văn hào Marcel Proust là một người viết hoạt động về đêm. Phòng ngủ của ông nay được trưng bày trong viện bảo tàng, bởi đó là nơi hàng đêm nhà văn dành thời gian để viết, chính xác là trên giường, giữa những đợt ốm đau dặt dẹo.

Một thiên tài văn chương khác là Franz Kafka cũng chỉ viết vào buổi tối. Kafka mắc chứng mất ngủ kinh niên, và ban ngày thì ông phải đến công sở làm những việc ông chán ghét nhất trên đời. “Viết là một giấc ngủ còn sâu hơn cái chết”, ông viết như thế trong thư gửi vị hôn thê. Được biết ông đã sáng tác truyện ngắn Bản án sau khi bừng tỉnh từ một cơn ác mộng, và viết từ 10 giờ đêm tới 6 giờ sáng hôm sau.

Nếu như những nhà văn yêu buổi sáng tìm thấy ở những giờ khắc bắt đầu ngày mới một nguồn sinh khí tràn trề, thì với những nhà văn cú đêm, có thể mượn lời tả của Nabokov: “Đêm, một người có thể tri nhận với một nồng độ đặc biệt của sự bất động nơi vạn vật – cái đèn, bộ đồ nội thất, những tấm ảnh treo trên khung đặt trên bàn. Đây đó tiếng nước nghèn nghẹn và òng ọc trong những đường ống kín như thể tiếng nức nở dâng lên từ cổ họng căn nhà” – hay nói cách khác, đêm đưa con người vào trạng thái tịch mặc thật sâu.

Và những thói quen viết kỳ quặc khác

Các thiên tài thì thường có chút khác người, điều đó càng chuẩn xác hơn với những thiên tài trong lĩnh vực nghệ thuật, mà ở đây là văn chương.

Nhà thơ vĩ đại T.S Eliot có thói quen trang điểm tô son, trát phấn xanh lè lên mặt khi viết. Nữ văn sĩ Virginia Woolf trong nhật kí của mình sau cuộc gặp gỡ với Eliot cũng ghi lại điều đó: “Tôi không chắc là ông ấy không tô son”. Chẳng ai rõ vì sao ông lại trang điểm mà cứ nhất quyết phải màu xanh lá cây mới được, cho đến khi cuốn sách tiểu sử của ông ra mắt, người ta mới tiết lộ làm thế khiến ông thấy ông giống… nhà thơ hơn.

Còn Woolf, bà có thể thấy Eliot kỳ quặc, nhưng chính bà cũng kỳ quặc không kém. Woolf là một trong những nữ văn sĩ xuất chúng nhất lịch sử văn chương Anh. Thế mà bà cũng có nhiều điểm tự ti về nghề nghiệp của mình. Chả là, Woolf có một người chị em gái làm họa sĩ, mà các họa sĩ thì thường đứng vẽ tranh. Thế nên Woolf cảm thấy nếu bà mà ngồi viết thì dường như viết có vẻ quá dễ dãi so với vẽ, do vậy mà Woolf đứng viết. Bà có một chiếc bàn cao hơn 1 mét, nơi bà đã sáng tác những tuyệt phẩm của mình.

Một trong những câu của Woolf được trích dẫn nhiều nhất là: “Một phụ nữ muốn viết văn cần có tiền và một căn phòng riêng”. Đáng nhẽ bà nên viết: Một phụ nữ muốn viết văn cần có tiền, một căn phòng riêng và một chiếc bàn đứng.

Và chúng ta còn có vô số những nhà văn với thói quen kỳ cục khác. Đó là Agatha Christie sáng tác một số truyện li kì nhất khi vừa ăn táo vừa ngâm bồn nước nóng, hay nhà văn đoạt giải Nobel John Steinbeck lúc nào cũng phải có 12 chiếc bút chì gọt cẩn thận ở hộc bàn, trong khi Stephen King mỗi ngày đặt tiêu chí phải viết 2.000 từ không có bổ ngữ bất kể chuyện gì xảy ra.

Thật khó để nói rằng những thói quen này là đúng hay sai, có ích hay không có ích. Bởi cũng như văn chương mỗi người một vẻ, thói quen viết cũng muôn hình vạn trạng. Nếu có điều gì bạn thực sự nên học trong thói quen viết của các nhà văn, thì có lẽ chỉ có điều này, điều mà Joyce Oates Carol đã nói trong lớp học viết đầu tiên bà giảng dạy: “Kẻ thù của việc viết là sự quấy nhiễu”.

Bạn viết nhanh cũng được, chậm cũng được, viết đêm cũng được mà viết ngày cũng được, bạn coi viết như một nghi thức cũng được mà viết khi say xỉn (như F.Scott Fitzgerald chẳng hạn) cũng không sao, bạn có thể có những thói quen lạ đời khi viết, mà cũng có thể viết trong trạng thái rất bình thường như một người làm việc công sở, điều quan trọng duy nhất là, đừng để bị quấy rầy khi viết.

HIỀN TRANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *