VHSG- Hàng loạt cây phượng trong trường học gục xuống. Màu hoa đỏ tung tóe trên mặt đất.
Cư dân mạng đã kêu lên, đã nổi giận và có cả tuyệt vọng về một điều gì đó đang diễn ra trong trường học. Mới đây, xã hội chứng kiến một số kẻ nâng điểm thi vào đại học nhảy lên reo mừng vì “thoát án” thì thêm một lần nữa trường học đã sụp đổ. Lẽ ra, tội đó phải dằn vặt lương tâm họ suốt đời.

Tôi không nói cây phượng mang ý nghĩa tinh thần như thế nào với trường học, với học sinh mà chỉ nói đến thiên nhiên và những hành vi liên quan đến việc hành xử với thiên nhiên. Hồi tôi còn học phổ thông, hàng năm chúng tôi nô nức đi trồng cây trong dịp Tết trồng cây và suốt những năm tháng học ở trường chúng tôi chăm sóc những cây đó như chăm sóc một người bạn. Thế mà chỉ mấy chục năm sau thôi, cuộc thảm sát cây đã xẩy ra trong chính trường học. Một sự xuống dốc kinh hãi của bản chất và sứ mệnh giáo dục.
Tôi đã xem những bức ảnh chụp cảnh những cây phượng bị đốn gục. Cảnh đó thực sự giống một cuộc thảm sát. Một cuộc thảm sát thiên nhiên. Nhưng tồi tệ hơn đó là một cuộc thảm sát văn hóa. Chúng ta phải nói như thế nào về quyết định của những ông/bà hiệu trưởng và những thầy cô liên can (gián tiếp hay trực tiếp) vào vụ thảm sát này. Và cả những thầy/cô im lặng trước hành vi đó. Im lặng ở đây cũng là đồng phạm.
Lý do gì dẫn đến cuộc thảm sát văn hóa này? Đó là thói vô trách nhiệm, đó là sự ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình và đó là sự bạc nhược… Sự thật đã có một cái gây đổ vô tình đã gây ra hậu quả đau buồn. Thay vì người ta tìm cách tìm ra nguyên nhân dẫn đến hậu qủa đau buồn ấy và ngăn chặn trường hợp tương tự có thể xảy ra thì người ta tiến hành một cuộc thảm sát những cái cây để tránh hậu họa.
Nhưng hậu họa mà các ông bà giáo viên này nghĩ tới chỉ là hậu họa liên quan đến cá nhân họ, đến quyền lợi và vị trí của họ. Đấy thực sự là một hành động phi giáo dục, phi nhân văn. Vậy có ai chắc chắn là không có những cây cầu không bất chợt gục đổ? không có những tòa nhà bất chợt sụp đổ? không có những phương tiện giao thông bất ngờ mất lái hay vỡ lốp? Một người bạn tôi nói rằng: nếu như thế thì việc tiêm chủng cho trẻ em phải dừng lại toàn bộ vì đã có những đứa trẻ bị chết vì tiêm chủng do phản ứng thuốc hay những nguyên nhân mà các bác sỹ không thể lường trước được và cũng khó tránh được.
Tôi chưa thấy một chỉ thị nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vụ thảm sát các cây phượng ở một số nhà trường. Nếu ai đó trong nghành giáo dục nghĩ rằng chỉ là chặt mấy cái cây thì đó là những người không bao giờ hiểu giáo dục là gì và xã hội phải xem lại “bệnh án tâm hồn” của họ.
Lấp một con sông, lấp một hồ nước với bất kỳ mục đích gì cũng là một sai lầm trầm trọng hay nói cách khác đó là tội phạm. Phá rừng nguyên sinh để làm bất cứ công trình gì cũng là sự dốt nát. Những kẻ phá rừng, lấp sông hồ… không thể dùng bất cứ lý do gì để biện minh cho những hành động tồi tệ ấy.
Giết chết một con chim trước mặt trẻ em, tàn phá những cái cây trước mặt trẻ em, trừng phạt và nhục mạ một đứa trẻ trước những đứa trẻ khác, nâng điểm cho những học sinh kém, lạm dụng tình dục trẻ em…là những con đường đưa những công dân tương lai đến một thế giới của ích kỷ, của tham lam, của vô cảm, của bạo lực, của tăm tối trong một tương lại rất gần. Tất cả những hành vi ấy là những cuộc THẢM SÁT VĂN HÓA và hậu quả của những cuộc thảm sát ấy sẽ như thế nào thì tất cả những người có lương tâm đều quá thấu hiểu.
NGUYỄN QUANG THIỀU
Hệ thống tư tưởng thiếu triết học quan!
Chia sẻ với bài viết và cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi bênh vực cho những cái cây, cho những con người.
Cây to đổ gây chết người ấy là cây được đánh vào trồng. Khi cây lớn được đánh qua lại thì rễ của nó sẽ kém hơn cây từ hạt hoặc cây được trồng từ nhỏ ở đó. Tức là chúng ta không kiểm soát lịch sử của cây và vì thế nhận hậu quả của nó. Qua đây thấy được tính nhân quả, ứng xử với cây thế nào cây ứng xử lại với chúng ta như thế. Xin lỗi tôi không nói mạt sát việc đã rồi là cái chết của em nhỏ, mà nói tới việc quản lý cái cây, quản lý lịch sử của cái cây đó chính là ứng xử của người có liên quan mà cây ở trong trường thì nhà trường trước tiên phải liên đới…vv so on. Giờ đây nhân bài của nhà thơ lớn Nguyễn Quang Thiều chúng ta đề cập tới một vấn đề khác về tinh thần – triết học quan!
Tại sao tàn phá một loạt? Tại sao có những hành vi như thế? Tại sao những con người thực hiện không có lấn cấn gì cả? Tại sao lại xảy ra hiện tượng này?
Tại vì một cái cây đổ và một em nhỏ thiệt mạng. Không sai, nhưng đó chưa đủ. Đó chỉ là mồi lửa thắp lên giống như mồi lửa được thắp bởi cái đầu gối kỳ đè vào cái đầu của người da đén dẫn đến cái chết bên nước Mỹ ấy thôi. Vậy vấn đề là ở đâu?
Ở trên tôi đã nói tới việc kiểm soát rủi ro trên cơ sở hiểu thiên nhiên, hiểu lịch sử cái cây từ đó có các biện pháp nhưng đã thiếu hút cái đó và tòn bộ trên diện rộng đều như nhau. Tại sao trên diện rộng lại như sau như vậy? Tại sao thời gian dài nó vẫn tồn tại như vậy? Tại sao nó tạo thành cơn sóng ngầm gây hại mà vẫn được con người coi thường và bỏ qua như thế? Là vì chúng ta đã quen với việc đó. Tại sao việc không bình thường làm chúng ta quen? Cái bất cập giữa các màu da đã trở thành quen ở một quốc gia!
Sau đó các hành vi tạo ra sự tàn sát một loạt, xin lỗi tôi dùng từ của Nguyễn Quang Thiều, vậy thì tại sao có các hành động hàng loạt như vậy? Trên diện rộng và hoàn toàn giống nhau? Cũng không nhận biết được điều này là chưa phù hợp mà vẫn nghĩ nó phù hợp và bình thường? Tại sao con người hiện đại hiện nay nghĩ điều này và thấy điều này là bình thường?
Các yếu tố tinh thần nào tác động vào tư duy để chúng ta cảm giác bình thường và hành động như thế?
Vì chúng ta bây giờ đã thành cái máy.
Vì chúng ta thiếu mất cái cốt triết học quan của con người.
Triết học quan ấy chỉ ra rằng chúng ta tuân lệnh cấp trên một cách răp rắp không thì ảnh hưởng tới mình. Lo cho bản thân trong thời đại nào cũng là chính, chỉ đúng với một người. Lo cho bản thân trong thời đại nào cũng là chính lại đúng với nhiều người, đại đa số người thi thành cấp dưới như hiện nay là dấu hiệu đáng lo ngại. Đó chính là một mặt của triết học quan mà chúng ta bị chi phối bởi tinh thần. Tinh thần ấy không phải là bắt nguồn từ bên trong bản chất của chính ta. Ta đã thành cái máy để quyền lực, để lợi ích, để cảm xúc số đông ấn nút cho ta hành động. Và lợi ích của chính ta làm động lực truyền cho ta vận hành cái máy ấy. Chẳng có tâm hồn nhưng tinh thần vẫn có! Chẳng có tâm hồn nhưng một phần cảm xúc vẫn có, cảm xúc hoàn thành, cảm xúc an nhiên của sự hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành như một cái máy!
Triết học quan thể hiện cho chúng ta giá trị tinh thần, tâm hồn mà ở đó chính những cái gì tốt đẹp không bị làm sai lệch đi, hành vi không bị làm cho sai lệch đi, lễ nghĩa ngay cả với cái cây, con kiến, đồ vật không bị sai lệch đi, luân lý không bị sai lệch đi …thì giờ đây không còn nữa! Cho nên chúng ta phải đi lại xuất phát điểm của nguồn cơn, của triết học quan từ đó mới rõ tường chính bản thân ta, và thấu đạt, lan truyền tới những người khác!
Hòa Phong.