VHSG- Trước đây thơ Thành Dũng nằm ở chiều thứ nhất: Viết để chứng minh là chủ thể, là một người con hiểu được quê hương nguồn cội, là kẻ nhặt nhạnh những nét đẹp của cuộc đời trao lại cho đời. Còn ở tập thơ “Tương đối hẹp” này, Thành Dũng đang ở chiều ngược lại. Hãy đọc anh để thấy con người đôi khi không phải là chủ thể mà là nạn nhân của số phận, của thời cuộc, của những đớn đau không phải do mình tìm đến…

Fedinand de Saussure, nhà ngôn ngữ học lớn của thế kỉ XX, đã đề xuất một mệnh đề mà sức ảnh hưởng của nó lan rộng ra cả khoa học xã hội lẫn tự nhiên suốt thế kỉ XX. Ban đầu F. Saussure chỉ chú tâm đến sự khác biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ với hai khái niệm lời nói (palore) và ngôn ngữ (langue) và khái quát thành công thức: ngôn ngữ là kí hiệu = cái biểu đạt/ cái được biểu đạt. Giữa hai yếu tố cái biểu đạt (hình thức) và cái được biểu đạt (nội dung) vốn không có mối quan hệ trực tiếp có thể giải thích bằng lí trí logic, nếu không muốn nói là võ đoán. Cái được biểu đạt đôi khi có sự quy chiếu vào thế giới vật chất bên ngoài giúp cho quá trình giao tiếp của con người trở nên hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi ngôn từ trong lĩnh vực thơ không hề có sự quy chiếu vào đâu cả. Tức là, cái biểu đạt chỉ biểu đạt chính nó. Khi ấy, ngôn từ thơ không còn là một loại kí hiệu để giao tiếp mà nó trở thành một thứ biểu tượng. Và đọc thơ, chính là đọc những biểu tượng. Tôi đọc tập thơ “Tương đối hẹp” của Thành Dũng trong một tâm thế như vậy.
“Tương đối hẹp” là một cái tựa biểu tượng. Nó không phải là tín hiệu ngôn ngữ để nói về một lí thuyết Vật lí trong cõi nhân sinh; nhưng nó có khả năng khơi gợi về một lí thuyết tương đối trong cõi nhân tình. Nó cũng không chỉ là kí hiệu để giao tiếp theo kiểu ba tiếng “tương đối hẹp” là một ngữ đoạn của một câu nói thiếu phần đề; mà nó còn tiềm tàng một khả năng vô hạn những chủ đề nằm ở khoảng trống trước ba chữ “tương đối hẹp”. Biểu tượng chính là một đặc trưng quan trọng của văn hóa, bởi vậy đọc ngôn từ biểu tượng người ta thấy lạ nhưng không xa, thấy quen nhưng lại không thuộc.
Gần 100 bài thơ lần này của Thành Dũng đã có một sự thay đổi lớn về hình thức thể hiện, đặc biệt là ở loại lục bát, vốn là sở trường của anh trong nhiều tập thơ trước đây. Hơn 50% tổng số bài thơ của anh trong tập này vẫn có “hơi hướng” lục bát, nhưng đó là một thứ thể loại đã biến tấu rất nhiều dựa trên ngôn từ biểu tượng. Cách ngắt dòng của anh làm cho cả bài thơ đầy hình ảnh đặt cạnh nhau, và đồng thời cũng tạo ra những khoảng trống để người đọc tự lấp đầy cho mình những trăn trở. Thử đọc một bài của anh sẽ thấy ngay điều ấy.
KHÂU
Xỏ kim
khâu
lại vết lòng
máu tươi nhểu xuống
mênh mông
kiếp người
Tiếng chuông
rụng
trắng mù khơi
hình như
giấu cả
phận đời vừa loang
Đêm sắp cạn
ngày vừa sang
nắng lên
đốt
hết
bẽ bàng đời nhau
Tính biểu tượng trong ngôn từ của bài thơ này nó không nằm ở kết cấu tuyến tính từ trái qua phải của mỗi dòng thơ mà nó là một kết cấu gồm bốn cột trên xuống dưới. Nhiều hình ảnh đã nổi lên nhờ vào sự xuống dòng, ngắt câu; đồng thời nhiều nỗi trăn trở cũng từ đó mà khơi gợi. Tuy vậy, để thấy rõ hơn những biểu tượng nằm sau kí hiệu ngôn từ, tôi tạm sắp xếp bài thơ ấy lại như sau:
Xỏ kim | |||
khâu lại vết lòng | máu tươi nhểu xuống | mênh mông | kiếp người |
tiếng chuông | |||
rụng | |||
trắng mù khơi | |||
hình như | |||
giấu cả | phận đời vừa loang | ||
đêm sắp cạn | |||
ngày vừa sang | |||
nắng lên | |||
đốt | |||
hết | bẽ bàng | đời nhau |
Đọc theo trật tự từ trái qua phải và rồi cứ theo theo dòng tâm trạng, hình ảnh và biểu tượng càng rõ và đậm hơn nữa. Đặc biệt những khoảng trống còn níu kéo tâm tư của người đọc gấp đôi. Tuy nhiên, nếu dọc bài thơ theo cột, ý nghĩa của nó lộ ra những chiều kích khác hoàn toàn.
Đó là những hành động có tính lưỡng phân vừa có tính kết nối (xỏ, khâu) lại vừa có tính hủy diệt (đốt, giấu).
Đó là những trạng thái của sự tuyệt vọng, ngút ngàn những liên tưởng về ngõ cụt của kiếp người (nhểu xuống, rớt xuống, hết).
Đó là những cảm giác đôi khi không rõ ràng (hình như, mênh mông) nhưng đôi khi cực kì xót xa (bẽ bàng đớn đau).
Và đó là những kiếp những phận con người có khác chi sự vật (tiếng chuông), nó cũng phụ thuộc và nằm trong sự chi phối của thời gian và sự trì níu của không gian sinh tồn.
Bài thơ là những giằng xé về phận người, những đớn đau về cõi nhân sinh, những thức nhận về sự vô tri, những trăn trở về sự tàn phai. Tất cả diễn ra dưới tầng sâu của một cuộc sống ồn ào, đầy âm thanh hình ảnh và sự phồn vinh giả tạo. Đọc theo dạng cột, bài thơ còn cho thấy trong sâu thẳm tâm thức của cái tôi trữ tình là những sự vụn vỡ, yếu đuối và nát tan với niềm tin và những điều sáo rỗng. Tất cả những điều vừa nói, không thể lí giải bằng lối đọc tuyến tính và bằng cách phân tích ý nghĩa ngôn từ, nó lấy hình thức làm mục tiêu.
Suốt cả tập thơ, những ngôn từ biểu tượng cho sự tương đối mong manh và cõi nhân gian bé tí này cứ âm thầm xếp thành từng lớp, từng lớp ken dày nhau bằng các dấu chấm câu bất chợt. Đọc qua thì thấy vui, thấy tếu, thấy cười. Nhìn kĩ lại thì thấy nhộn nhạo những cơn đau đâu đó trong tiềm thức, trong não trạng, trong chốn xa xăm nào đó của nhiều lớp người đi trước.
Đọc thơ của Thành Dũng ngày càng hơi mệt. Nhiều người quen anh cũng nói vậy. Có người còn không muốn nói về thơ của Thành Dũng, chỉ muốn nói chuyện với Dũng thôi. Sao vậy? Bởi vì bạn bè quen anh, biết anh nhưng có thể chưa hiểu hết anh. Cứ nghĩ tới Thành Dũng là nghĩ tới lục bát, riết rồi quen, rồi mặc định, rồi ấn định và xác tín cho mình một kiểu thơ Thành Dũng mà không chấp nhận và thật khó nhọc khi chấp nhận một Thành Dũng mới trên cánh đồng chữ. Thành Dũng không hề quên lục bát nhưng anh đang làm thơ lục bát ở một chiều kích văn hóa khác.
Có người cho rằng văn hóa có hai chiều: một chiều là do bản thân cuộc sống hiện tại con người tạo ra với tư cách là chủ thể và một chiều con người được sinh ra với tư cách là đối tượng, bị phụ thuộc vào nó. Trước đây thơ Thành Dũng nằm ở chiều thứ nhất: Viết để chứng minh là chủ thể, là một người con hiểu được quê hương nguồn cội, là kẻ nhặt nhạnh những nét đẹp của cuộc đời trao lại cho đời. Còn ở tập thơ “Tương đối hẹp” này, Thành Dũng đang ở chiều ngược lại. Hãy đọc anh để thấy con người đôi khi không phải là chủ thể mà là nạn nhân của số phận, của thời cuộc, của những đớn đau không phải do mình tìm đến, của những mông lung không do mình đặt câu hỏi mà từ những thứ khác ở bên dưới, bên trong và bên trên mỗi một con người, mỗi một phận người, ở trong “Tương đối hẹp”.
Sóc Trăng, những ngày cuối năm 2019
TS HUỲNH VŨ LAM