VHSG- Nhà thơ Mai Quỳnh Nam vừa xuất bản tập thơ Không tì vết, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Người ta cho rằng nhà thơ Mỹ Louise Gluck nhận được giải Nobel văn chương năm nay 2020 vì thơ bà “Độc đáo” không giống ai. Tôi có đọc một số bài viết về bà trên Facebook mới biết quan niệm về thơ của bà làm tôi tâm đắc. Bà cho rằng thơ phải “ít chữ, kiệm lời” và “Thơ là phong cách của tư tưởng”.
Tôi không so sánh nhà thơ Mai Quỳnh Nam với nữ nhà thơ Mỹ vừa đoạt giải Nobel văn chương năm nay, bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng. Trong bài viết này, tôi muốn nói đến một tập thơ mới xuất bản của ông, tập Không tì vết mà theo tôi là tập thơ “ít chữ; kiệm lời” mang “Phong cách của tư tưởng”: Thế giới phẳng hơn, hấp dẫn hơn,/ Nhưng cũng đầy hiểm họa/ Một quá trình song song giữa kiến tạo và tàn phá (Nhìn vĩ mô)
Bài thơ chỉ có ba câu những chứa đứng cả một nguyên lý triết học: Được và mất luôn đi liền với nhau. Cái sự được và mất là hai mặt của thế giới, của sự phất triển và tồn tại dù ở lĩnh vực xã hội hay tự nhiên. Hơn 2.500 năm trước Lão Tử đã nói đến nguyên lý này: Được đi liền với mất, phúc đi liền với họa, trong họa có phúc, trong phúc có họa! Hãy nhìn thế giới mà chúng ta đang sống rõ ràng là kiến tạo và tàn phá đang đi liền với nhau!
Thơ không phái là triết học, nhưng, nói như nhà văn Ấn Độ, Frem Chandre: Triết học là bậc đá bước tới thi ca… Có lẽ Mai Quỳnh Nam đã ý thức rõ về điều này, nên trong bài Thống kê trong thơ W. Szymborska đã viết: “… Về những người yêu thơ/ Ba từ kỳ lạ nhất – sự quan sát ngập tràn cảm xúc”.
Phải có sự “… ngập tràn cảm xúc” trong ý nghĩ, tư tưởng, trong mọi sự quan sát… mới mang đến sự giao cảm cho người đọc, như vậy thơ mới thực là thơ: Cơn gió thoảng qua rồi đi thôi/ Lạnh và mong manh kiếp người (Cơn gió đầu đông).
Bài thơ chỉ có hai câu, nhưng thực sự làm tôi rung động vì ý nghĩ về cơn gió đầu đông đã “ngập tràn cảm xúc” của chính nhà thơ đã truyền sang tôi.
Tôi thích sự “ít chữ; kiệm lời” trong tập thơ này. Tất cả các bài thơ trong tập Không tì vết tôi không thấy bài nào dài qua hai trang in. Có nhiều bài thơ không có đầu đề. Thơ một câu, thơ hai câu, thơ không có đầu đề thực ra cũng không phải là mới. Cố nhà thơ Trần Dần và một số nhà thơ ở xứ ta đã làm. Nhưng, với nhà thơ Mai Quỳnh Nam qua một số tập thơ của ông mà tôi đọc, gần như đã trở thành một phong cách riêng biệt. Trong biển thơ mênh mông hiện giờ, đó là điều làm cho thơ Mai Quỳnh Nam không bị lẫn vào số đông. Đó mới là điều đáng nói! Bởi nghề viết, nhất là thơ, khó lắm, như Mai Quỳnh Nam đã viết trong bài Thế lưỡng nan của nghề viết: Chứ mới hơi bị ngầu/ Chữ cũ trắng phau phau
Bài thơ Đếm đến một in trong tập này tôi thích: Một con cá bơi lội nhởn nhơ/ Một con cá nằm chờ trên thớt/ Một cành hoa cắm trên bàn thờ/ Một cành hoa vứt ngoài bãi rác/ Một giấc mơ xao động giấc mơ/ Một bi kịch, một bi kích khác.
Cuộc đời là vậy, có và không, được và mất, hay và dở, mọi thứ trên đời này diễn ra theo quy luật của nó, không thể thể theo ý muốn của ai, dù đó là ý muốn tốt đẹp nhất!
Bây giờ cũng có khá nhiều người làm thơ “Triết lý”. Có những bài thơ dài, tôi đọc mãi mà không hiểu gì cả. Lại có những bài thơ đăng báo hẳn hoi, tôi đọc thấy toàn là “Triết lý” vụn vặt, nói ra những điều chẳng để làm gì, chẳng cần cho ai, chẳng làm ai đồng cảm… Nhiều bài thơ trong tập Không tì vết của Mai Quỳnh Nam nói những điều tưởng như ai cũng biết, nói những chuyện ngày thường, nhưng, phía sau con chữ là những ý tưởng làm ta phải suy nghĩ: Vỡ tan tành/ Long lanh từng mảnh nhỏ/ Sự kết thúc rực rỡ (Pha lê).Tôi thừa ra ngoài quán rượu/ Nơi cánh đàn ông say xỉn và đập phá/ Họ thừa ra ngoài ngôi nhà/ Khi đang là chồng, là cha/ Chẳng ai bù đắp được cho ai/ Trong tình cảm éo le này (Sự thừa ra). *** Ở xó xỉnh ấy/ Tôi có ấm êm/ Vàng son của ngôi đền/ Hoang lạnh quá…/ ***Tranh chấp dữ dội/ Giữa ánh sáng và bóng tối/ Nhưng rồi/ Bóng tối vẫn là bóng tối/ Ánh sáng vẫn là ánh sang/ Ngay cả khi chạng vạng/ Cũng đủ nhìn thấy/ Ai vừa đi qua./ *** Đêm rã vụn/ Ý nghĩ bị cắt rời/ Từ sự thù hận.
Con người khác con vật là ở chổ có ý thức, nếu sống bản năng, làm việc theo bản năng thì mọi thứ sẻ đảo lộn, chỉ có hai câu mà nói ra được một nguyên lý sâu xa của đạo đức con người: Họ rú lên điệp khúc bản năng/ Thế giới vỡ ra xô lệch cân bằng (Ở bệnh viện tâm thần). *** Chỉ có thể có/ Khi biết rũ bỏ.
Có tám chữ hai câu mà nói được cả một nguyên lý của đạo Phật – RŨ BỎ!
Thơ là vậy. Ông cha mình đã nói về thơ là “Ý tại, ngôn ngoại”. Sự vang ngân trong thơ là ý nghĩa sâu xa sau từng con chữ.
Thời còn là sinh viên khoa văn đại học Tổng Hợp Hà Nội, tôi nghe thầy giáo đọc câu thơ: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” có ý phê phán. Sau này tôi mới biết đó là câu thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tiêu biểu của trường phái TƯỢNG TRƯNG. Gần đây tôi đọc lại DẠ ĐÀI với bản tuyên ngôn TƯỢNG TRƯNG, tôi thấy thích, thấy bản chất thơ cũng đúng như tôi nghĩ: “ … Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới trên hàng chữ, phải ấn dấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy…” (trích trong cuốn Trần Dần- Ghi 1954-1960).
Bây giờ, người ta đang nói nhiều về cách tân thơ, tôi thiển nghĩ, cách tân, đổi mới là điều cần thiết, nhưng, dù cách tân đổi mới thế nào, thơ vẫn phải là thơ. Có lẽ điều tôi thích ở tập thơ Không tì vết của nhà thơ Mai Quỳnh Nam nằm trong ý nghĩ này chăng?!
DƯƠNG KỲ ANH