Mảnh vỡ của mảnh vỡ – Tiểu thuyết của Vĩnh Quyền – Kỳ 1

VHSG- Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế năm 1974, dạy học tại Đà Nẵng. Từng là Trưởng Văn phòng miền Trung của báo Lao Động. Đã xuất bản trên 10 tác phẩm văn học, trong đó tiểu thuyết Debris of Debris.

Tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Debris of Debris) sáng tác bằng Anh ngữ của nhà văn Vĩnh Quyền, đã in lần đầu tại Đại học Saint Benedict – Hoa Kỳ năm 2009. Bản thảo hoàn thiện vừa được NXB Austin Macauley – London phát hành đầu tháng 3.2014.

Xin trích giới thiệu hai chương do chính tác giả chuyển ngữ từ Văn Việt.

Nhà văn Vĩnh Quyền

 Chương 15

Mùa xuân năm chín mươi Kha xuất bản bản dịch cuốn tiểu thuyết Mỹ đề tài chiến tranh Việt Nam. Không lâu sau đó anh gặp tác giả khi ông sang thăm chiến trường xưa. Kha dễ dàng nhận ra nhà văn Mỹ giữa những hành khách phương Tây bởi trong thời gian chuyển ngữ anh đã nhiều lần nhìn ảnh tác giả in trên bìa sau cuốn sách.

Bước vào sảnh tiếp đón của sân bay Đà Nẵng, nhà văn Mỹ thấy tên mình, Tom Keller, được viết trên tấm giấy cứng, giương lên khỏi đầu một người đàn ông Việt cao và hơi gầy, ăn mặc tươm tất, mà ông đoán là Kha, người dịch tiểu thuyết của ông. Hai người vẫy tay chào từ xa, rồi lách đám đông đến bắt tay nhau. Tom lên tiếng trước:

– Xin chào và cám ơn anh đã quảng bá tác phẩm của tôi ở Việt Nam, nơi thôi thúc tôi viết ra nó.

– Tôi phải nói lời xin lỗi vì đã bỏ qua vài chi tiết trong bản tiếng Việt, đó là điều ngoài ý muốn.

Tom xua tay với vẻ thành thật:

– Đừng bận tâm chuyện đó, tôi hiểu anh đã cố hết sức trong điều kiện của mình.

Bỗng có điều gì trong sảnh thu hút sự chú ý của nhà văn Mỹ. Kha nhìn theo và thấy một người đàn ông Việt tầm trung niên đứng giữa một vòng tròn thân quyến và bạn bè, giữa hoa và nước mắt. Hẳn anh ta là Việt kiều ở Mỹ về thăm nhà sau nhiều năm rời bỏ quê xứ.

Tom ngạc nhiên lẫn thích thú khi người đàn ông mở cả hai va-li cỡ lớn và bắt đầu chia quà cho người thân ngay giữa sảnh tiếp đón của sân bay đông đảo. Ông giương máy ảnh ‘chộp’ mấy kiểu mà ông tin là đáng ghi lại trong chuyến đi.

Thật trớ trêu, Tom và Kha, cả hai nhà văn lúc này không thể biết trước: chỉ mười năm sau, trong số những người đang tỏ vẻ biết ơn khi nhận ‘quà Mỹ’ kia, dẫu món quà chỉ là bánh xà-phòng thơm, ống kem đánh răng, sẽ có người trở nên giàu sụ, giàu hơn người đang cho quà. Có thể cái giàu đó là do giỏi làm ăn khi Việt Nam cải cách chính sách kinh tế, cũng có thể do buôn lậu, do tham nhũng… Sau này, Kha phải thú nhận trong một chương sách khi anh viết: chẳng ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra ở một đất nước đang bôn ba làm giàu sau chiến tranh.

Tom rời mắt khỏi anh chàng Việt kiều, nhìn qua mảng tường kính tìm kiếm dấu vết một khu vực rộng lớn dành cho máy bay quân sự Mỹ trước năm bảy ba. Ông thật sự muốn thấy lại những dãy nhà chứa máy bay có mái vòm chống pháo bằng tôn nếp gấp, là hình ảnh ông thấy qua cửa sổ chiếc Dakota hai động cơ khi ông đáp xuống Đà Nẵng lần đầu với tư cách phóng viên một kênh truyền hình quân đội Mỹ, và cũng là ngày đầu tiên của thời hạn hai năm phục vụ ở Việt Nam. Hình ảnh ấn tượng đó đã đi vào cuốn tiểu thuyết của Tom. Tuy nhiên, lúc này ông chẳng thể nào nhận ra bất cứ điều gì về một sân bay quân sự Mỹ còn lưu trong ký ức. Tất cả đã thay đổi trong quá trình mở rộng và nâng cấp sân bay Đà Nẵng thành một sân bay quốc tế.

Trên đường ra bãi đỗ xe, Kha muốn xác nhận chương trình của Tom:

– Trong thư anh bảo muốn đi thẳng ra Huế?

– Đúng, tôi đã sống ở đó gần một năm, cũng là năm dài nhất trong đời.

– Anh trở lại để thu thập tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sắp đến?

– Để xem sao, nhưng trước mắt tôi đi tìm một người.

– Một người?

– Phải, một phụ nữ Việt Nam.

Kha đánh hơi một câu chuyện lý thú và anh muốn biết thêm tình tiết nhưng không tỏ ra quá tò mò. Nhà văn Mỹ đáp lại lửng lơ và chuyển sang chuyện khác. Dù vậy, cũng trong ngày hôm đó, sau vài cốc bia ở một nhà hàng nhìn ra sông Hương, Tom đã mở lòng với Kha, kể anh nghe câu chuyện vẫn ám ảnh ông suốt hơn hai mươi năm qua. Và ông đã mở đầu bằng giọng trầm ngâm:

– Không rõ đó là giấc mơ đẹp hay là ác mộng.

***

“Trong đời phóng viên chiến trường tôi hiếm khi quay được cận cảnh một trận giáp lá cà kinh hoàng như vậy. Tất cả đã diễn ra trong thứ ánh sáng đỏ như máu của hoàng hôn núi rừng. Tôi chưa từng nghĩ có lúc phải nghe những tiếng thét man dại, tiếng rú đau chết của con người, giống như nghe bản giao hưởng chết tiệt của tử thần. Điều khủng khiếp hơn, là với máu nghề nghiệp, lúc đó tôi đã sướng run trước cơ hội riêng có của mình.

Nhưng tôi không thể kết thúc được cú máy để đời. Một lưỡi lê chẳng biết từ đâu cắm phập vào vai phải, máy quay phim bay tuột khỏi tay. Nó lập tức bị dẫm đạp dưới cơn điên quần thảo của giày đinh lính Mỹ và dép cao-su Vi-ci, ngập vào một thứ hỗn hợp kinh khủng, bùn nhão và máu nóng, rồi chìm mất. Dẫu sao thì đó cũng là thứ cuối cùng tôi thấy và cảm nhận trước khi ngã vật xuống, ngất đi.

Tiếng vo ve điện pin của chiếc máy thu thanh đang rà đài Việt Nam là thứ tôi nghe được khi hồi tỉnh. Tôi tiếp tục nhắm mắt, cố nghĩ xem mình đang ở đâu dưới địa ngục. Rồi dần hiểu tôi đang nằm trong lán trại của Vi-ci, lạy Chúa, ít ra vẫn còn trên dương thế.

Vết thương ở vai dội lên cơn đau buốt, tôi nghiến chặt răng nén tiếng rên, sợ lính gác nghe thấy. Nhưng sau đó tôi nghe tiếng kêu đau và chửi thề của lính Mỹ bị thương râm ran chung quanh. Thế là tôi không phải làm khổ mình thêm khi phải giả chết.

Từ phòng sát vách, loại vách ngăn thô sơ đan bằng tre nứa, vẳng sang tai tôi vài giọng nói. Một đàn ông Việt nói gì đó bằng giọng trầm và thô. Vừa dứt, một phụ nữ chen vào, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Lạy Chúa, giọng này tôi thề là đã nghe đâu đó. Tiếp nữa là giọng một lính Mỹ còn non choẹt. Tất cả hợp lại nghe giống cuộc lấy cung tù binh Mỹ. Và tôi biết không sớm thì muộn tôi sẽ đứng vào chỗ lúc này của cậu tân binh ú ớ kia.

Đúng là hôm sau thì đến lượt tôi.

Lính gác dẫn tôi vào căn phòng trống trải nếu không kể mấy chiếc ghể đẩu. Ở đó có hai đàn ông ra dáng sĩ quan và một cô gái mảnh dẻ đang chờ. Tôi bất ngờ nhận ra cô là Hiền, mà không hiểu sao lại ở đây và mặc quân phục miền Bắc.

Hiền không chào tôi, vì vậy tôi đã không làm điều gì chứng tỏ tôi biết cô. Nhưng thú thật đầu tôi lúc ấy nóng bừng với một sự thật khủng khiếp: hóa ra cô ấy là một gián điệp của Cộng sản. Thay vì lo sợ, tâm trí tôi dâng trào cảm xúc nghề nghiệp. Tôi đang chạm vào khoảng tối, vào bí mật của cuộc chiến.

Tôi đã gặp Hiền khi cô làm thông dịch cho một trung đoàn Mỹ đóng ở Phú Bài, và chỉ cách đây vài tháng cô còn giúp tôi phỏng vấn tù binh Bắc Việt.

Rồi chuyện phải đến cũng đã đến, một sĩ quan cao cấp bước vào phòng và cuộc lấy cung bắt đầu. Những câu hỏi và trả lời được Hiền thông dịch. Đột nhiên viên chỉ huy hỏi thẳng tôi bằng tiếng Anh, liên quan đến lĩnh vực hành nghề báo chí của tôi.

– Tư nhân hay quân đội?

– Quân đội.

Nét lo lắng thoảng qua gương mặt Hiền, nhưng ngay lập tức cô lấy lại vẻ bình thản. Về sau, tôi viết về tình huống này trong tiểu thuyết: Tôi hiểu Hiền muốn tôi được đối xử như một nhà báo độc lập, cũng công bằng thôi, vì trong thời gian làm việc với nhau, cô biết tôi ghét bỏ cuộc chiến này như thế nào, cũng như tôi từng tâm sự với cô rằng tôi làm phóng viên chiến trường chỉ để tiếp cận sự thật, chuẩn bị cho những cuốn sách sau này. Nhưng tôi không thể phủ nhận nghề nghiệp của mình.

Cuộc lấy cung kéo dài hơn tôi tưởng. Các câu hỏi như những con sóng bất tận va đập vào trí não tôi, trong khi vết thương ở vai cũng không ngừng hành hạ. Cuối cùng, khi nhận ra tôi đang sốt cao, Hiền đề nghị viên chỉ huy cho hoãn việc lấy cung tôi sang hôm khác. Tôi khẽ gật đầu thể hiện lòng biết ơn trước khi được giải về lán.

Nửa đêm hôm ấy Hiền cùng một cán bộ trên đường tuần tra đã ghé qua chỗ tôi. Tuy còn sốt nhưng tôi có thể nhận biết những gì diễn ra chung quanh. Nhân lúc anh cán bộ nói chuyện với lính gác ngoài hiên, Hiền lẳng lặng đặt một đôi dép cao-su dưới chân giường tôi. Có lẽ ban sáng cô đã để ý hai bàn chân trần của tôi sưng múp và tươm máu. Tù binh bị thu giày để hạn chế khả năng chạy trốn. Tôi chờ Hiền nói điều gì hay ít ra một cái nhìn. Nhưng cô đã rời đi rất nhanh, và lẳng lặng như khi xuất hiện.

Tôi nằm ngửa trong bóng tối, nghĩ mãi vẫn không trả lời được câu hỏi tại sao cô ấy làm chuyện mạo hiểm như thế vì tôi. Rồi tôi thiếp đi, mơ thấy mình bay trên một chiếc trực thăng quân sự đang rơi xuống những cánh rừng nhiệt đới xanh nghít, sâu hun hút, để lại trên bầu trời vệt khói đen ngoằn ngoèo, càng lúc càng dài ra. Tôi dường như không thấy sợ, chỉ là chờ đợi, nhưng chiếc trực thăng chết tiệt chẳng bao giờ rơi tới mặt đất. Điều đó làm tôi ngộp thở, vùng vẫy để rồi thoát khỏi cơn ác mộng với tiếng thét.

Dẫu sao, khi mở mắt ra được, tôi thấy mình còn ở trong nhà giam, nằm trên sạp gỗ xô xảm. Chống tay trái lên mặt giường, tôi từ từ ngồi dậy, tựa lưng vào vách tre, rồi thận trọng nhìn quanh. Những tia sáng của trăng xuyên qua kẽ hở mái lá tạo nên nhiều hình tròn trứng màu trắng ngà trên sàn trước mặt tôi, và trên cả thân mình tôi. Tôi chăm chú nhìn những trứng ánh sáng như thể vừa bắt gặp điều gì mới mẻ. Bất giác tôi nhận ra chúng gợi nhớ một bàn cờ tướng, mà nó đã giúp tôi hiểu thêm về cuộc chiến ở xứ sở này.

***

Hôm ấy tôi chở Hiền trên chiếc jeep màu ô-liu chạy vào ngôi làng nhỏ ở bìa rừng, nơi trận đánh vừa kết thúc đêm trước. Chừng hơn chục chiếc tăng hư hỏng hoặc cháy đen bị bỏ lại, đỗ ngổn ngang cả hai bên đường đất nhớp nháp những ổ bùn và phân trâu. Tôi dừng xe giữa làng, nói với Hiền tôi muốn quay cận cảnh khu dân cư. Nhưng những gì tôi chứng kiến khi đến gần không giống như tôi hình dung. Người dân lầm lì tiếp tục các sinh hoạt của họ bên những ngôi nhà cháy đổ, bên những xác chết chờ chôn.

– Họ trải qua hàng chục lần thế này rồi.

Hiền giải thích trước khi tôi kịp hỏi. Và như để chứng minh sự dạn dày chai sạn con người có được để tồn tại trong chiến tranh, tôi bắp gặp hai người đàn ông đứng tuổi đang chơi cờ dưới một gốc cây, thêm mấy người chầu rìa xúm quanh, như không hề có trận đánh chết chóc vừa xảy ra.

Tôi hỏi Hiền:

– Giống cờ vua?

– Không.

– Tôi muốn xem qua.

Tôi nói với Hiền trong khi mắt không rời đám người quanh bàn cờ và bước về phía họ. Nhưng họ đã dừng lại các thứ đang làm khi tôi đến gần, và nhìn tôi bằng ánh mắt đố kỵ. Dễ hiểu thôi vì tôi là người Mỹ mặc quân phục, và dù không phù hiệu, quân hàm nhưng chẳng phải tôi vẫn đeo khẩu súng ngắn bên hông đó sao?

Thái độ không thân thiện hiển nhiên đó không đủ làm tôi khó chịu và tôi tiếp tục bước về phía họ với ý muốn quan sát, thậm chí sẽ ghi hình cái bàn cờ. Nhưng rồi tôi giật nảy mình, đặt tay vào báng súng như một phản xạ. Lạy Chúa, bàn tay mềm mại của Hiền đã kịp giữ lại. Cô thì thầm trong khi vẫn đặt tay lên tay tôi:

– Bình tĩnh, chuyện gì xảy ra với ông vậy?

Tôi vừa thở hổn hển vừa nói:

– Cái bàn cờ, cô thấy không?

– Bàn cờ?

– Nó được làm bằng cẩm thạch đen, mẹ kiếp!

– Ừ, thì cẩm thạch, nhưng tại sao nó khiến ông phát điên?

– Smith!

– Smith là ai, liên quan gì đến bàn cờ mấy người này?

– Là bạn tôi, phi công, bị bắn rơi xuống khu rừng gần đây đã một năm. Không tìm được xác, bọn tôi làm tấm bia này cho Smith. Trong một chuyến bay qua nơi cậu ấy bị rơi, bọn tôi thả tấm bia xuống. Vậy mà bây giờ nó nằm đây như một bàn cờ!

Tôi nói rin rít qua răng, cố kềm cơn điên muốn bắn bỏ hai người chơi cờ trước mặt.

– Ồ, thật đáng tiếc.

Hiền chia sẻ với tôi nhưng vẻ như cô chưa thấy được hết tâm trạng khủng khiếp của tôi lúc đó. Đột nhiên, vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, tôi chỉ vào hai người chơi cờ, kêu lên:

– Vi-ci!

– Không, họ không phải Vi-ci.

Hiền lắc đầu nói và nhìn quanh vẻ lo lắng. Hai người chơi cờ, và cả mấy người chầu rìa nữa, theo dõi cuộc trao đổi căng thẳng giữa tôi và Hiền. Dù không hiểu tiếng Anh, nhưng họ nghe ra mấy tiếng ‘Vi-ci’ trong lời qua tiếng lại, và họ đoán được vẻ thù địch khó hiểu của người Mỹ là tôi nhắm vào họ.

– No Vi-ci! No Việt Cộng!

Một người trong số họ đứng vụt lên phân bua, xua cả hai tay trước mặt.

Hiền nói với tôi giọng nài nỉ:

– Chờ một lát, tôi sẽ hỏi mọi người, xem đã có chuyện hiểu lầm nào mà chúng ta chưa rõ, okay?

Tôi hậm hực gật đầu.

Hiền ngồi xổm xuống cạnh hai người chơi cờ, hỏi bằng tiếng Việt:

– Xin lỗi hai bác, bàn cờ này của ai?

– Tôi.

Một trong hai người lên tiếng, rồi không bỏ lỡ dịp giải tỏa mối băn khoăn:

– Mà có chuyện gì ghê gớm với thằng Mỹ này vậy cô?

Thay vì trả lời, Hiền chỉ tay vào bàn cờ:

– Cháu xem qua được không?

Người đàn ông gật đầu và đưa nó cho Hiền:

– Có chi phải giấu đâu cô.

Hiền lật sang mặt sau bàn cờ, mọi người nhìn thấy hình chiếc thánh giá và dòng chữ tiếng Anh được khắc trên đó. Cô nhìn quanh và giải thích:

– Bà con ạ, đây là tấm bia tưởng niệm một lính Mỹ tử trận năm ngoái, bạn thân của ông nhà báo đây.

Bọn họ ‘ồ’ lên vỡ lẽ và hối tiếc về việc đã sử dụng bia người chết vào việc giải trí.

Trên đường về, Hiền kể tôi nghe chuyện của ‘chủ nhân’ bàn cờ. Ba tháng trước, trên đường vào rừng đốn củi, ông ta tình cờ lượm được phiến đá đẹp bên bờ suối nhưng không thể biết là cái gì. Quá khó để một người ở nông thôn nhận ra đó là tấm bia, bởi nó hoàn toàn khác với bia mộ người Việt. Dẫu sao, ông ta nghĩ có thể dùng nó để làm bàn cờ. Còn bây giờ đã biết đó là tấm bia, ông ta vui lòng giao nó lại cho chủ nhân đích thực.

Suốt đường về tôi ôm phiến đá cẩm thạch, chặt đến nỗi các khớp ngón tay tê dại, như thể tôi sợ nó thất lạc lần nữa. Tôi nói với Hiền:

– Cám ơn, suýt nữa tôi đã có hành động sai lầm khủng khiếp.

– Chỉ là hiểu lầm thôi, chúng ta đến từ hai nền văn hóa khác biệt, từ đó gây ra đủ thứ rắc rối cho cả đôi bên.

Hiền đáp với nụ cười mệt mỏi.

***

Hồi ức không lấy gì làm vui của tôi bị cắt ngang bởi tiếng gầm rú điếc tai của bầy trực thăng bất ngờ xuất hiện và gần như bay sát trên đọt những ngọn cây. Khu rừng nảy bần bật dưới trận mưa rốc-két. Vài giây sau, phía mặt đất đáp trả, vẽ lên bầu trời lưới đạn đỏ rực. Lúc đó tôi không nghĩ được thứ gì khác ngoài ngày tận thế đã đến.

Hầu hết tù binh Mỹ, kể cả những người bị thương như tôi, nhân cơ hội rối loạn tìm cách đào thoát nhà giam. Nhưng rõ ràng mấy ông bạn Mỹ trên trực thăng đã không thể phân biệt ai ra ai, chẳng thèm biết đồng đội đang mắc kẹt dưới địa ngục trần gian và giữa hai làn đạn. Dường như họ chỉ có mục đích duy nhất là thổi bay toàn bộ những gì tồn tại trên mặt đất. Lạy Chúa, không trách bọn họ được, nếu tôi ngồi trên đó, chắc cũng vậy thôi. Đang triết lý thì ầm, hai trong nhóm tù binh trúng rốc-két, thân xác tung lên cao, rơi biến đâu đó trong đổ nát trên mặt đất. Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục cuộc đào thoát.

– Đứng lại!

Tiếng thét đanh gọn bằng tiếng Anh khiến chúng tôi đứng sững. Một bóng đen thận trọng hiện ra sau màn khói nghi ngút với mũi súng AK-47 đen ngòm chĩa vào chúng tôi.

Và thế là, như số phận đưa đẩy, Hiền và tôi đối đầu một lần nữa.

– Ai nhúc nhích, tôi bắn!

Hiền quát lớn, và tôi tin là cô nói thật. Thì đó, một anh chàng da đen khốn khổ đã phát điên thật sự trong bước đường cùng, bất chấp lời cảnh báo, xông thẳng vào Hiền. Một phát súng nổ. Anh chàng tội nghiệp đổ vật xuống chân cô, khiến cô lảo đảo. Số còn lại nhân cơ hội chạy tán loạn, trừ tôi. Tôi thấy mình đứng đó, trước khẩu AK-47 của Hiền, nòng của nó còn bốc khói.

Đúng lúc tôi nghe tiếng nói lao xao của bộ đội Việt Nam, mỗi lúc một gần.

Hiền và tôi nhìn vào mắt nhau.

Thời gian như ngừng trôi.

Rồi cô thì thầm:

– Ông chỉ là nhà báo, đi đi!

Đêm đó tôi đã chạy xuyên qua cánh rừng khốn khiếp với đôi dép cao-su của Hiền.”

***

– Nghe giống giấc mơ ngọt ngào hơn là ác mộng.

Kha lên tiếng khi Tom kể xong câu chuyện. Nhà văn cựu binh Mỹ nâng cốc nói với Kha:

– Vì đôi dép cao-su của Hiền!

Kha đáp:

– Vì giấc mơ của Tom!

Trong hai ngày sau đó, Kha đưa Tom đi gặp và phỏng vấn những cán bộ cao cấp từng chỉ huy các trận đánh trên chiến trường Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên không ai có thể nhớ một cô gái tên Hiền như Tom mô tả.

– Có thể cô ấy thuộc một đơn vị bí mật và không ai trong đơn vị sống sót.

Một cán bộ đặt ra tình huống, rồi tiếp:

– Chuyện đó không hiếm trong chiến tranh.

Một người khác có cách nghĩ khác:

– Hiền chỉ là bí danh trong hoạt động công khai, chỉ dùng trong vùng địch hậu, còn bây giờ, có thể cô ấy đang sống đâu đó với tên khác – tên thật.

Lời phỏng đoán đã gieo hy vọng cho nhà văn cựu binh Mỹ.

VĨNH QUYỀN

Trích tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Debris of Debris) 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *