Truyện dài của Trần Thu Hằng: Chàng thợ gốm – Kỳ 2

Cuối cùng thì Quý cũng tìm ra “bí quyết” để những chiếc bình gốm có men dị thể màu xanh là thứ người Hoa kiều lẫn người Việt đều ưa chuộng. Hồi Trọng còn ở nhà, ông Bảy đã từng nói: “Gốm Đồng Nai màu đất, gốm Gia Định màu trời”. Nhưng thứ men gốm màu xanh thật đậm có pha những ánh đỏ như máu thì chỉ có lò gốm ông Mạnh mới có. Nghe đâu bình gốm của Quý làm ra đã vào được đại sảnh những ngôi nhà quyền quý ở đô thành. Điều này khiến ông Mạnh vui mừng không kể xiết, hai cha con luôn sát cánh làm việc cùng nhau.

>> Truyện dài của Trần Thu Hằng: Chàng thợ gốm – Kỳ 1

 

KỲ 2: MIỆT MÀI VỚI ĐẤT

 

IV.

Từ đó ông Mạnh không còn mắng nhiếc Quý như trước nữa. Ông chỉ dạy cho em từng chút một, làm sao để chiếc bình gốm cao lên không bị đổ, làm sao khi nung vẫn giữ nguyên được hình dạng và nhất là làm sao vật ấy dùng được, bền đẹp. Qua ánh mắt cha, Quý cảm thấy ông chưa tin tưởng em chút nào, có vẻ như ông rất miễn cưỡng truyền nghề cho đứa con dốt nát như em. Nhưng không hề gì, chỉ cần ông quên được những sự đau lòng là được rồi.

Ông Bảy thương hồ vẫn ghé lại như mọi khi, mặc dù Quý chưa làm được hàng giao cho ông đi bán. Ông vẫn mang đến gạo, mắm và các thứ đồ dùng, thỉnh thoảng lại là mấy bức hoa văn đẹp cho Quý. Điều này càng hối thúc em phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.

Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai

Mẻ gốm đầu tiên Quý đã làm cháy lớp men trên những chiếc bình, khiến chúng lốm đốm màu vàng màu đỏ giống như mặt đất sét mùa mưa. Mấy chục cái bình lớn nhỏ đều bị như vậy. Quý run sợ bày từng cái cho cha xem. Em nghĩ rằng cha sẽ đập… Nhưng ông Mạnh thở dài ngao ngán rồi quay đi nói nhỏ: “Không sao, bỏ đi làm lại con”. Quý khóc ròng vì thấy cha có vẻ thương mình như vậy.

Vừa hay, ghe ông Bảy lại đến. Ông lên hẳn nhà ông Mạnh và thấy Quý đang buồn rầu ngồi giữa những chiếc bình kỳ lạ. Thoáng cái, ông hiểu ngay Quý đã làm hư mẻ nung đầu tiên rồi, nhưng ông vẫn vui vẻ:

– Không sao hết. Để bác mang đi xem người ta nói thế nào. Thua keo này ta bày keo khác mà… . Nào, giúp bác một tay.

Nói rồi, ông tự tay khuân những chiếc bình của Quý xuống ghe. Em đành nghe lời ông, nhưng trong dạ vừa lo sợ vừa buồn. Có lẽ ông Bảy sẽ vần hết chúng xuống lòng sông Cái[1]. Những thứ này chỉ để chật chỗ mà thôi.

Ghe ông Bảy đi rồi, Quý cứ đứng nhìn theo mãi, cho đến khi chiếc ghe vượt khỏi chỗ ông Bảy đã rơi xuống trước kia, cho đến khi nó khuất dạng. Em phải làm lại ngay thôi, không được lười biếng nữa. Nghĩ thế, Quý cắm cổ chạy về nhà, hăm hở bắt tay vào công việc.

Chẳng ngờ ông Bảy quay lại rất sớm. Ông hớn hở báo tin rằng những chiếc bình của Quý đã bán sạch, vì nó lạ mắt và có vẻ sang trọng khác thường. Ông cho hay có một thương buôn người Hoa kiều ở Gia Định đã nhờ ông mua thêm năm mươi chiếc giống như vậy. Nếu làm đẹp, bền thì mai đây sẽ mua nhiều hơn.

Cái tin khiến cha con ông Mạnh ngơ ngác. Quý gần như không tin đó là sự thật, em nghĩ rằng ông Bảy nói như thế để em đừng buồn trước thất bại đầu tiên ấy. Còn ông Mạnh xăm xoi những chiếc bình còn lại của Quý, xem có đúng như lời ông Bảy nói không. Cuối cùng ông bảo:

– Quý à, cứ làm theo lời ông Bảy đi con.

Câu nói ấy khiến Quý giật nảy mình. Em nghe nhiều người nói trăm mẻ nung là trăm màu gốm khác nhau. Thoạt nhìn thì tưởng không khác nhau là bao nhiêu, nhưng những người sành sỏi luôn phân biệt được tốt, xấu và chỉ chọn mua những thứ thật đẹp, thật sang mà thôi. Làm sao có thể làm được men gốm giống như đợt nung trước được? Làm sao em có thể làm lại được?

Ông Mạnh đã hồi phục. Ông hăm hở bắt tay vào cùng Quý làm một mẻ nung mới để sớm có năm mươi chiếc bình giao cho ông Bảy. Cái lò nung của ông quá nhỏ, phải làm hai ba đợt mới đủ. Nhưng không chiếc bình nào có màu vàng tía như da cọp giống như bình Quý làm trước đây. Ông Mạnh nói với con:

– Thôi kệ, không sao. Con làm được như vầy là tốt rồi. Bình gốm làm ra không bán cho người này thì bán cho người khác. Thứ này đâu có tệ…

Nhưng Quý thưa:

– Thưa cha, để con thử làm lại xem sao. Con nghe nói người Hoa kiều trọng chữ tín lắm, con không dám để ông Bảy khó ăn khó nói với họ đâu.

Ông Mạnh không nói gì, nhưng ông rất hài lòng vì thấy Quý suy nghĩ như người lớn. Ông thầm nghĩ: “Tội nghiệp, nó mới có mười sáu tuổi đầu…” Hết ngày này qua ngày khác, Quý miệt mài làm việc, quên cả ăn cả ngủ. Bầy dê sáng sáng tự đi tìm cỏ, chiều tối lại về, kêu be be ầm ĩ để báo tin cho Quý là chúng đã về tới nhà. Chỉ có lúc ấy, Quý mới chạy ra khỏi cái lò hừng hực cháy để gặp chúng. Em ôm từng con dê, vuốt bộ lông thưa và nắm lấy những bàn chân cứng như sắt đang chìa lên cho em. Chúng mừng rỡ be lên nhặng xị, nhảy cỡn lên. Nhưng Quý mỉm cười mở cái hàng rào, em bảo: “Thôi nào, vào đi!”. Nói rồi, em lại nhanh nhẹn quay trở về chỗ làm việc của mình trước đôi mắt tiếc nuối của những người bạn nhỏ.

Mèo Bạch rên lên: “Sao mà tội nghiệp chú ấy quá! Người gầy rộc đi, chân tay be bét bùn với đất, tóc thì cháy xém…”Nhưng chó Mực thì vẫn nằm yên ở cái chỗ bất di bất dịch của nó, gừ gừ một cách nghiêm khắc: “Mặc kệ chú ấy, mặc kệ chú ấy. Phải cố gắng mới nên người được…” Mèo Bạch nghe vậy bỗng ngại ngùng lủi vào vựa củi. Những con chuột trêu ngươi cứ kêu chít chít loạn cả lên.

Cuối cùng thì Quý cũng tìm ra “bí quyết” để những chiếc bình gốm có men dị thể màu xanh là thứ người Hoa kiều lẫn người Việt đều ưa chuộng. Hồi Trọng còn ở nhà, ông Bảy đã từng nói: “Gốm Đồng Nai màu đất, gốm Gia Định màu trời”. Nhưng thứ men gốm màu xanh thật đậm có pha những ánh đỏ như máu thì chỉ có lò gốm ông Mạnh mới có. Nghe đâu bình gốm của Quý làm ra đã vào được đại sảnh những ngôi nhà quyền quý ở đô thành. Điều này khiến ông Mạnh vui mừng không kể xiết, hai cha con luôn sát cánh làm việc cùng nhau.

 ***

Chỉ trong ba năm, ngôi nhà của ông Mạnh đã hoàn toàn đổi khác. Cha con ông đã đắp hai cái lò mới to gấp mười lần cái lò nung cũ, và thay phiên nhau cháy suốt. Thế là ông Bảy lo tìm người về đốt than, bửa củi giúp cho Quý. Bản thân ông cũng sắm được một chiếc thuyền lớn, xuôi ngược dòng Phước Long giang mang đồ gốm của Quý đi khắp nơi. Ông bắt Quý phải học vẽ để làm được nhiều thứ hơn, nhất là sau này phải làm được đồ sứ thì mới địch lại với nghệ nhân Trung Hoa được. Ông còn lo tìm thầy rước về dạy thêm cho Quý, những mong sau này em sẽ không thua kém gì những người thợ gốm tài hoa nhất ở đô thành mà ông biết.

Ngôi làng lại trở nên đông đúc nhờ lò gốm ông Mạnh ăn nên làm ra. những người làm thuê cho gia đình ông đã dẫn theo họ hàng, vợ con về sinh sống. Dân làng phiêu tán từ năm bọn cướp đến hoành hành, nghe tin cuộc sống yên ổn, sung túc lại trở về, mở thêm đất, làm ruộng, bắt cá, dệt vải. Thuyền buôn của người Hoa kiều ghé lại ngày một nhiều, làm thành một cái chợ đông đúc ngay ở bến sông.

Quý đã trở thành một chàng thợ gốm vừa giàu có vừa tài hoa. Nhưng dân làng chẳng bao giờ nhìn thấy mặt, vì suốt ngày Quý làm việc trong xưởng gốm của mình, lúc rảnh rỗi lại lo học chữ, học vẽ rồi cả học võ nghệ. Danh tiếng của chàng vì thế mà vang xa khắp nơi. Họ truyền tụng, thêu dệt những câu chuyện li kỳ về chàng, như thể chàng là con của một vị thần được phái xuống hạ giới để giúp người dân an cư lạc nghiệp. Nhờ chàng mà họ không còn sợ cọp rừng, sấu dữ, trở thành người chủ của mảnh đất này.

Một ngày kia, có người báo tin họ đã thấy Trọng ở Gia Định, nhưng lại đi trong một đoàn tù nhân cổ đeo gông, tay cùm chặt, bị dẫn đi khắp các phố phường làm gương răn cho dân chúng. Nghe họ tả mặt mũi hình dáng thì đúng là Trọng, nhưng ông Mạnh và Quý nửa tin nửa ngờ, cho là họ nhìn lầm. Riêng ông Mạnh còn nói rằng Trọng không bao giờ trở nên đổ đốn như vậy. Tuy thế, Quý vẫn xin cha cho mình đi Gia Định tìm anh một chuyến.

Thế là mùa mưa năm ấy, Lý Quý một mình xuôi dòng Phước Long giang ra chốn thành đô.

 V.

Cảnh vật thật mới mẻ bởi những bến sông tấp nập, những chiếc xe ngựa có mui, và những cô gái mặt hoa da phấn bán hàng ở những quán rượu đông người. Thật chẳng khác nào câu chuyện Trọng đã kể cho Quý trước đây. Dĩ nhiên là Quý không lân la ở những quán rượu để chén chú chén anh, nhưng chàng phải tìm vào đó để nghỉ trọ và hỏi thăm về Trọng – và cả cô bé Hồng con gái ông Bảy nữa – dĩ nhiên. Nhưng thật khó mà hỏi được vì hình như lên đến thành đô, cả hai đã thay tên đổi họ. Quý gặp được một chàng công tử tốt bụng tên Nguyễn Bảo. Chàng ta mách nước cứ sắm ít lễ vật vào dinh quan phủ mà hỏi, ắt sẽ ra ngay. Vì bất cứ án gì cũng do quan phủ phê chuẩn mà thành.

Nóng lòng tìm ra tung tích của anh, nên Quý sắm lễ vật rất hậu để xin được gặp quan phủ. Khác xa với suy đoán của chàng, ngài là một người trông thật hiền từ. Ngài mặc áo dài thụng màu đỏ tía, đầu đội mũ cánh chuồn có gắn một viên ngọc bích. Ngài có bộ râu và cặp lông mày bạc trắng như cước. Khi công tử Nguyễn Bảo đưa Quý vào quỳ lạy ra mắt quan phủ, Quý đã nhận ra chiếc độc bình ở gần án thư là do chính tay chàng làm ra. Thế là chàng reo lên một tiếng thích thú:

– Ồ, đúng rồi!

Tiếng reo của Quý khiến quan phủ giật nảy mình. Ngài co người ra phía sau và đưa tay vuốt chòm râu bạc theo thói quen, rồi hỏi:

– Cái gì làm cho ngươi kêu: “Ồ, đúng rồi!” thế hả? Chẳng lẽ ngươi đã gặp ta rồi sao?

– Dạ thưa không. Xin quan trên thứ lỗi cho tiểu nhân đã làm ngài giật mình vô cớ. Tiểu nhân nhận ra chiếc bình gốm do chính tay tiểu nhân làm ra…

– Thế à? Có phải chiếc độc bình có quai kia không? Thế mà trước đây Nguyễn Bảo công tử nói rằng đây là bình gốm của đời nhà Tống lưu lạc từ Trung Hoa sang đây…

Thế là Nguyễn Bảo lỏn lẻn cười trừ, rồi tìm cách chuồn mất. Lý Quý liền kể lại gia cảnh và xin quan phủ cho biết ngài đã duyệt án xử Lý Trọng ra sao.

Quan phủ nhíu mày nhìn Quý. Ban đầu ngài đã cho chàng là một tay khoác lác khi dám nhận chính mình đã làm được chiếc độc bình mà ngài hằng yêu quý. Nhưng sau vài câu hỏi về nghề gốm, thì ngài thấy Quý nói đúng. Suy nghĩ một lúc, ngài nói:

– Thôi được. Nể ngươi là người thợ khéo, lại thật thà, ta sẽ cho thơ lại lục tìm các án tội để cho ngươi biết anh của ngươi hiện nay ra sao. Nhưng thông thường tội nhân bị gông cùm dẫn ra phố xá thì có tội nặng đấy. Đừng mong ta nể nang mà giảm án cho y đâu nghe chưa.

Giọng quan rất nghiêm. Nhưng nói xong ngài mỉm cười chứ không có chiếc búa lệnh đập chan chát lên mặt bàn như lời cha Quý kể. Thế là chàng mừng rỡ, tạ ơn ngài rồi vội vã lui ra ngoài. Thì ra Nguyễn Bảo công tử đang chờ chàng trong hoa viên. Thấy Quý đi ra, chàng ta vội vã đến gần, chắp tay thi lễ:

– Chẳng ngờ đệ lại là chàng thợ gốm Lý Quý con ông Lý Mạnh ở Trấn Biên. Đúng là tiếng đi trước người. Thật là thất lễ. Huynh mời đệ đi uống chén rượu để tạ lỗi với đệ vậy…

Quý cũng vội chắp tay đáp lễ:

– Xin cảm ơn thịnh tình của Bảo huynh, nhưng đệ phải đi theo bác thơ lại đến viện tàng thư xem án của anh Trọng, xin Bảo huynh thứ lỗi.

Nói rồi, chàng cắm cúi chạy theo người thơ lại. Người này mặc áo dài màu xanh, gầy gò và nín lặng. Nhưng thực ra ông ta rất tận tâm, đã bỏ nửa ngày ra để tìm hồ sơ của Lý Trọng. Quý ngồi ở bên ngoài, chờ đến sốt cả ruột mà không dám kêu ca một tiếng. Cuối cùng, người thơ lại gọi chàng vào nói:

– Đúng là có một người tên là Lý Trọng, quê ở Trấn Biên, đã mắc tội cướp của và lừa đảo nhiều lần, quan phủ giảm án chặt tay, lưu đày viễn xứ xuống còn lưu đày viễn xứ mười lăm năm, vì y nói rằng y là thợ gốm, xin quan phủ gia ân cho y bảo toàn đôi tay để làm lại cuộc đời. Đây, bút lục còn rành rành, ta chẳng thêm bớt gì đâu.

Người thơ lại đưa cho Quý xem tờ cung khai và chữ ký chuẩn án của quan phủ. Đã biết được số phận của anh, Quý còn cố gắng hỏi thêm một việc:

– Vậy xin cho con hỏi là anh con bị lưu đầy xứ nào?

– Ngươi hỏi để làm gì? Quan phủ đã cấm không cho lộ tung tích những kẻ mắc án lưu đày, kẻo phép nước không nghiêm.

– Dạ thưa – Quý lắp bắp trả lời – con không dám làm sai đâu ạ. Nhưng con muốn hỏi để biết cho rõ hơn, không thì con không yên tâm mà trở về được.

– Ừ. Cũng được. Để ta xem. Anh của ngươi đã bị đày xuống Hà Tiên gần nửa năm. Không khéo y cũng đã xanh cỏ rồi. Có ai bị lưu đày đến chốn ấy mà trở về được đâu.

Nói rồi, người thơ lại xếp hết giấy tờ lại, nhanh nhẹn cất lên chỗ cũ. Những lời của ông ta như sét đánh ngang tai Quý. Chàng thẫn thờ chắp tay vái chào người thơ lại rồi một mình về quán rượu, thu dọn đồ đạc đi theo thuyền buôn của người Hoa kiều trở về nhà.

 ***

Về đến nhà, Quý kể cho cha nghe những điều mắt thấy tai nghe. Đúng như chàng nghĩ, ông Lý Mạnh trở nên đau khổ và suy sụp tinh thần giống hệt như lần Trọng bỏ đi. Ba bốn ngày liền ông không ăn không uống gì, nằm bằn bặt trên giường như người bệnh thập tử nhất sinh.

Khi Quý đem thuốc thang đến dỗ cha uống, ông mở mắt ra nhìn Quý, hai dòng nước mắt theo nhau chảy. Ông nói:

– Quý à, cha xin lỗi đã để con phải lo lắng. Nhưng cha không lo sao được, khi biết tin thằng Trọng bị đày xuống Hà Tiên. Xứ ấy cha biết, rừng thiêng nước độc, cọp rừng sấu dữ còn gấp mấy lần nơi đây. Chỉ có những tội đồ không thể cải hoá được người ta mới đày xuống đó cho có bóng người. Mà thằng Trọng… Không biết nó đã làm gì để đến nỗi… Phen này cha mất một đứa con thật rồi…

Qua ngày thứ năm thì có một vị khách quý tìm đến gia đình ông Mạnh. Đó chính là công tử Nguyễn Bảo. Chàng ăn mặc chải chuốt hơn cả khi trước, lưng giắt một thanh kiếm nhỏ. Chàng nói oang oang:

– Biết tình cảnh gia đình đệ, huynh rất thương tâm. Huynh vừa nghĩ ra được một cách có thể cứu được Lý Trọng, để cho cha con đoàn tụ, anh em sum vầy…

– Thật ư, huynh có cách thật ư? Vậy đệ phải làm gì để cứu anh Trọng?

– Cách này… không khó lắm. Không khó lắm. Nhưng hao tổn tiền bạc. Ý đệ thế nào?

– – Ý đệ… Nhưng mà lệnh quan phủ rất nghiêm, ngài đã nói…

Vừa lúc ấy, cánh cửa thông với buồng trong bật mở. Ông Lý Mạnh chống gậy bước ra. Ông run rẩy quỳ xuống trước mặt Nguyễn Bảo:

– Ân nhân! Xin hãy chỉ cách cứu Lý Trọng con trai tôi. Tốn bao nhiêu bạc tôi cũng chịu, có mất cái mạng già này tôi cũng cam, miễn là thấy được thằng Trọng bình yên trở về.

– Ôi, bác ôi! Xin bác đừng làm như vậy – Nguyễn Bảo rối rít dìu ông Mạnh đứng dậy. Rồi chàng nói tiếp – Nhưng xem ra cũng khó lắm bác ạ. Không khéo còn bị tội nữa đấy. Nếu muốn Lý Trọng bình yên trở về, thì coi như một nửa cơ ngơi của bác phải ra đi…

– Bao nhiêu cũng được, miễn là con tôi thoát được cảnh đoạ đày ấy… Ông Mạnh run rẩy quay sang nói với Quý – Quý con! Cơ ngơi nhà ta được như ngày nay là nhờ con làm nên. Nhưng giờ đây anh con mắc nạn, nếu không tìm cách cứu nó thì nó sẽ chết. Cha xin con hãy cho cha bán gia sản này để cứu anh con. Chỉ cần anh con bình yên trở về, cha chắc rằng gia đình mình sẽ vui vẻ, hoà thuận. Anh em cùng nhau làm lụng, thì cái cơ ngơi này các con chuộc lại mấy hồi…

Quý ôm lấy vai cha, dìu ông trở lại ghế ngồi. Chàng nghe hơi thở của cha yếu ớt vô cùng. Nhớ lại những ngày đầu anh Trọng ra đi, cha đã đau khổ đến thế nào, Quý hiểu rằng chàng không có cách nào khác là vâng theo lời cha, mặc dù trong thâm tâm, chàng nghĩ rằng làm như vậy là sai. Bởi chàng đã được gặp quan phủ, tận mắt thấy sự oai nghiêm của ngài, chàng hiểu rằng ngài không xử oan cho Trọng. Nghĩ mãi, Quý lựa lời nói với cha:

– Thưa cha, để con lên đô thành một chuyến nữa. Con sẽ tìm gặp quan phủ, xin ngài tha cho anh Trọng. Phần con, con xin cam tâm dâng hết gia sản vào công quỹ để bảo lãnh cho anh…

– Ôi, không, không được đâu – Nguyễn Bảo vội vàng ngăn lại – Làm như thế khác nào quan phủ bức ép dân, không được đâu. Vả lại, anh Lý Trọng đã được giảm án rồi, bây giờ xin tha nữa thì làm gì còn phép nước. Mà giả dụ có thể tha được đi, thì chờ đến bao giờ? Chắc chắn là anh ấy sẽ chết trước lúc được trở về… Anh Trọng bây giờ như người đã ở ngoài vòng pháp luật rồi, có trở về đây được cũng phải mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ, tránh gặp người thân quen như thế mới có thể bảo toàn tính mạng được.

Nghe Nguyễn Bảo nói, ông Mạnh càng quẫn trí, ông rên lên:

– Phải làm sao đây… Phải làm sao?…

– Thôi thì chúng ta cứ làm theo cách của huynh, để bác đây yên lòng mà anh Trọng cũng sớm trở về, để cha con anh em được đoàn tụ. Của cải thì có đáng gì, dân gian có câu “người sống đống vàng” đấy thôi. Đệ và bác đây cứ bàn tính kỹ đi, chừng nào thuận theo kế của huynh thì báo tin cho huynh biết nhé. Thuyền của huynh đậu ngay chòi lá gần đây thôi, lúc nào cũng có người túc trực ở đó…

Sau vài ngày dùng dằng suy tính, cuối cùng, Quý đành im lặng để cha và Nguyễn Bảo quyết định. Hai người thuê một con thuyền lớn, cho người giả làm quan quân của triều đình đi thẳng xuống Hà Tiên.

Hơn một tuần trăng trôi qua, một đêm kia, có một con xuồng nhỏ cập vào chiếc chòi lá bên sông. Ba bốn người đội nón sùm sụp, lặng lẽ bước lên bờ. Nhìn thấy toà nhà lớn cùng những tháp lò cháy rừng rực, một người bỗng “Ồ!” lên một tiếng.

Trong đêm, chó Mực chợt tru lên một tràng dài. Trong chuồng, ngựa Ô cũng hí vang. Quý giật mình choàng dậy. Chàng thấy mèo Bạch đang giơ chân cào nhẹ lên tấm chiếu của chàng. Chàng hỏi: “Mèo Bạch, có phải anh Trọng đã về không?”– Nó liền gừ gừ một cách bực bội: “Ờ, phải rồi. Chú ấy đang đứng ngắm cái cơ ngơi cũ của chúng ta mà tiếc hùi hụi, nên chưa vào nhà được!”

Quý vội trở dậy, báo tin cho cha, rồi dìu cha ra đón Trọng. Ông Mạnh tay chống gậy, tay nắm chặt lấy tay Quý, vừa đi vừa khóc, vừa gọi. Nhưng Nguyễn Bảo công tử vội bịt miệng ông lại:

– Suỵt, bác gọi thế khác nào báo cho cả làng biết anh Trọng trốn về. Đã dặn trước rồi. Không được khóc, vào nhà đi, vào nhà đi.

– Trọng ơi! Thế là con đã thoát nạn rồi. – Ông Mạnh vẫn không kiềm chế được – Tội nghiệp con. Toà nhà ấy thuộc về người khác mất rồi. Thôi con trở về bình yên là thoả nguyện của cha rồi. Anh em lại cùng nhau làm việc, nối nghiệp cha ông, vài năm nữa chúng ta lại có được tất cả mọi thứ…

Quý vội nắm chặt bàn tay anh. Nhưng Trọng cúi gằm xuống, không nhìn em. Ai mà biết được Trọng nghĩ gì trong giờ phút này. Vừa nhìn thấy Trọng, chó Mực và mèo Bạch liền lảng đi. Mèo Bạch nghe ngóng trong ngoài rồi thì thầm kể cho Mực nghe:

– Anh Mực này, ba cha con họ ngồi nói chuyện suốt cả đêm. Nhưng sao chỉ có mỗi ông Mạnh nói thôi, còn chú Quý thì ngồi nghe. Sao tôi sợ sợ chú Trọng làm sao ấy, anh Mực ạ. Chú ấy chẳng nói chẳng rằng, cứ gườm gườm nhìn quanh nhà như đang toan tính chuyện gì vậy. Có vẻ như chú ấy trở thành kẻ hư hỏng mất rồi. Sao ông Mạnh lại bán tống bán táng mọi thứ đi để rước về một thằng con đáng sợ như thế nhỉ?

– Ờ, kệ chú ấy. Tôi không quan tâm…

– Này, sao anh lại không quan tâm? – Mèo Bạch xù lông vì bị phật ý – Gia chủ có việc quan trọng như vậy mà anh lại không quan tâm? Này, này, dậy mau…

– Hừ, dậy để làm gì, hở con mèo nhiễu sự kia? Để tôi cố ngủ lấy sức. Chẳng bao lâu nữa tôi phải theo cậu Quý đi khỏi cái nhà này rồi. Cả cậu nữa, cậu cũng chẳng ở yên được đâu mà lắm chuyện.

– Thế hả? – Mèo Bạch gào lên chói tai – Tại sao anh lại nói như vậy? Đồ quái gở!

– Con mèo, có con mèo ở đâu? – Bỗng nghe tiếng Trọng quát to lên – Nó đâu rồi? – Chàng sục sạo với một đôi mắt dữ tợn, như thể tiếng gào ban nãy của mèo Bạch đã khuấy động tâm can đen tối của chàng.

Mèo Bạch lủi mất, trước khi Trọng nhìn thấy nó. Chó Mực cũng cúp đuôi, chui vào vựa củi nằm im.

Không biết lời của chó Mực nói đêm ấy đúng đến mức độ nào, nhưng từ ngày Trọng về, cuộc sống của gia đình trở nên nặng nề ảm đạm không chịu nổi. Bao nhiêu lần Lý Quý hỏi anh về cô bé Hồng, con gái của ông Bảy thương hồ. Nhưng Trọng trả lời: “Tao không biết”. Tuy vậy Quý vẫn không chịu thôi, chàng thường tìm cách gợi chuyện, xem Trọng có nhớ được gì liên quan đến cô bé Hồng không. Có lần, Trọng bực bội hỏi sẵng:

– Con bé ấy có gì để mày lo lắng đến như vậy? Mặc kệ nó, tao cũng chẳng biết nó sống chết như thế nào cả.

Quý lắc đầu:

– Em thì em không kệ được. Hồng là con gái của ông Bảy – mà gia đình mình với gia đình ông Bảy có khác gì ruột rà thân thích. Những năm anh bỏ đi, ông Bảy thiếu điều chết đi sống lại vì mất con gái. Bây giờ anh đã trở về rồi, thì cũng phải tìm Hồng cho cha con sum họp. Anh hãy giúp em, vì không ai khác ngoài anh đã biết Hồng đã đi đến đâu, làm gì…

– Xì! Mày khờ lắm! Tao có được trở về đây, cũng không thể sống suốt đời ở đây được. Trước sau gì tao cũng phải đi nơi khác. Chẳng qua tao mới “thoát vòng kiềm toả” nên phải chịu ngồi ru rú trong nhà thế này, để cho cha tạm yên lòng đã. Tao cấm mày không được cho ông Bảy biết tin tao về, nghe chưa? Phiền phức lắm, mất mạng như chơi. Còn chuyện đã qua rồi thì cho qua luôn nghe chú em! Rất cảm ơn chú biết thương yêu, nhường nhịn anh như thế này. Gần một năm trời sống trong cảnh đói khát, bị đày ải thật là thê thảm, giờ được ăn mặc sung sướng như thế này, được cha và em chăm lo đầy đủ như thế này, anh tự thấy mình có phước lắm rồi. Giờ thì đừng nhắc đến cô Hồng cô Xanh gì nữa nhé, anh chỉ thấy rờn rợn vì nhớ đến những ngày cùng túng mà thôi…

Được lời như cởi tấm lòng, Quý mỉm cười với anh:

– Anh cảm thấy thoải mái như vậy là tốt rồi, em cũng không mong gì hơn. Nhưng anh nên suy tính cho kỹ càng, để từ đây về sau không phải mắc tội mà sống trốn tránh nữa. Em định đi tìm Hồng một chuyến, nếu không thì thật là có tội với bác Bảy. Trong lúc em đi vắng, anh ở nhà chịu khó tiếp tục dựng lại lò gốm. Tiền bạc em sẽ giao hết cho cha, cần làm gì cha sẽ chỉ bảo anh cặn kẽ. Anh không phải lo gì cả. Cha sẽ truyền hết bí quyết cho anh, chỉ cần anh chú ý là sẽ hiểu ngay thôi mà. Còn em, em tin là sẽ tìm được Hồng. Đã tìm được anh ở giữa rừng nước Hà Tiên, thì chắc chắn cũng phải tìm được Hồng thôi, đúng không anh?

Lý Trọng gục gặc đầu cho qua chuyện, tâm trí chàng ta để cả vào chỗ tiền mà Quý nói. Còn Quý thì không ngờ vực gì cả, liền đi nói với cha ý định của mình.

Nghe Quý nói, ông Mạnh xúc động đến độ rưng rưng nước mắt. Ông nắm chặt bàn tay chàng mà nói:

– Không ngờ con lại là người sống có tình có nghĩa như vậy. Cha rất mừng. Con hãy giúp cha tìm con bé Hồng về, cũng là giúp cha tạ lỗi với ông Bảy. Còn anh con, vì phải ẩn giấu danh tánh nên khó mà lộ mặt, thì để anh ở nhà lo làm ăn. Anh em con, tuy hai mà như một, đúng không con?

– Thưa vâng – Quý đáp.

Nghe hóng được câu chuyện, mèo Bạch liền vội vàng thổi lại vào tai chó Mực. Chó Mực bật dậy, sủa váng lên. Quý lật đật chạy ra.

– Sao thế, chó Mực? Có người lạ tới sao?

– Không, chú Quý ạ. Nghe tin chú định ra đi, tôi muốn đi cùng chú.

– Tôi cũng muốn đi cùng chú! Mèo Bạch dụi đầu vào chân Quý năn nỉ.

– Ồ, không được đâu. Tôi đi rồi thì các bạn phải ở nhà trông nom nhà cửa, còn phải giúp cha tôi và anh Trọng dựng lò nữa. Tất cả tôi trông cậy vào hai bạn đó.

– Hừ… hừ… Chó Mực rền rĩ – Ở nhà có người như chú Trọng thì mười con chó già như tôi cũng chịu chết.

Quý ngồi xuống vuốt ve chó Mực và mèo Bạch, nói cả hai nên yên lòng vì Trọng là anh của chàng, vừa tài giỏi vừa khôn ngoan hơn chàng. Phải giúp Trọng làm lại tất cả mọi thứ, không thể vì một lần mắc tội mà bỏ mặc. Quý đi tìm Hồng lần này cũng là giúp cho Trọng quên đi những năm tháng lưu lạc mà thôi. “Rồi chúng ta sẽ có những ngày sống vui vẻ như trước đây!” Quý nói thêm.

***

Nhưng đó là một chuyến đi thất bại. Sau hơn hai tháng đi hết những nhánh sông lớn, rồi tìm kiếm qua những ngôi làng, kể cả những nơi hẻo lánh nhất, Quý vẫn không gặp được Hồng. Vì chàng chẳng biết nàng làm nghề gì cả. Những cô gái tên Hồng cỡ trạc tuổi nàng, Quý đều tìm đến, nhưng chẳng ai là cô bé Hồng ngày xưa cả. Chàng thầm trách mình đã thiếu cương quyết đối với Trọng. Nhất định mình phải trở về hỏi thật cặn kẽ về Hồng, phải tìm được Hồng bằng bất cứ giá nào.

Thế là Quý khăn gói trở về nhà. Bấy giờ đã là giữa mùa hè, cây cỏ chết khô, Quý đi giữa những cơn lốc bụi và mong sao sớm được về nhà. Chàng sẽ tắm cho thoả thích nơi bến sông nhà mình, rồi sẽ cùng mèo Bạch và chó Mực ra ngồi hóng mát ở căn chòi lá một đêm. Quý cũng nóng lòng muốn gặp mặt cha vì chàng rất thương nhớ cha. Chuyến đi này thất bại, chắc cha cũng buồn lòng lắm. Nhưng biết làm sao được, anh Trọng quả là con người ngang bướng và thiếu lương tâm. Có lẽ Quý phải nói thật với cha, nhờ cha hỏi chuyện anh Trọng mới được.

Thế nhưng bước chân vào nhà, Quý đã chẳng nghe thấy hơi nóng quen thuộc của lò nung gốm, cũng chẳng thấy Trọng đâu. Đồ đạc trong nhà như không cánh mà bay. Chỉ còn chiếc giường đơn độc ở góc nhà, nơi ông Mạnh đang nằm bất động, xung quanh chỉ có chó Mực và mèo Bạch đang rầu rĩ nhìn chủ. Ngửi thấy mùi của Quý, chó Mực chạy bổ ra, đúng hơn là nó khập khiễng một cách khó nhọc, nhưng sự vui mừng khiến nó quên cả đau. Nó cắn gấu quần của chàng kéo đi đến tận giếng nước mới nhả ra:

– Chú Quý ơi! Thằng Trọng nó ác quá. Chú đi rồi nó bắt ông phải đưa tiền cho nó. Ông không đưa, ông mắng nó. Thế là nó đánh ông, tôi nhảy vào liền bị nó đánh gãy chân luôn. Ngay cả anh Ô, nếu không dứt đứt dây cương chạy về phía núi Bửu Phong thì chắc cũng bị nó bắt đi rồi…

– Trời! – Quý kêu lên hoảng hốt. Chàng không ngờ Trọng lại làm như vậy. Không tiếc tiền bạc, nhưng lòng chàng đau đớn vì cha mình bị hành hạ bởi chính anh trai mình.

– Tôi nữa, tôi nữa! – Mèo Bạch cũng phóng ra, quấn lấy chân Quý – Nó bắt ngang lưng tôi. Úi trời, bàn tay nó cứng như sắt, nó mà nghiến một phát chắc là xương sống của tôi gãy làm đôi luôn quá. Nhưng tôi đâu có để cho nó ức hiếp tôi. Tôi quay đầu lại cắn vào tay nó một phát. Nó điên lên, ném tôi vào tường. Nhưng tôi đâu phải con mèo tầm thường nhút nhát, tôi đu ngay lên xà nhà, nó hết cách giết tôi…

– Thật tội nghiệp cho các bạn quá. Nhưng cha tôi, cha tôi có làm sao không? Để tôi vào thăm cha… Quý kêu lên

– Không sao, ông đang ngủ. Ông cũng đỡ nhiều rồi. May sao Trọng bỏ đi mấy ngày thì ông Bảy ghé. Chắc ông Bảy đến lấy hàng đi bán như mọi khi. Thấy ông bị như thế, ông Bảy liền ở lại để chăm sóc. Không có tiền, ông Bảy liền bán cái thuyền của mình để thuốc thang cho ông. Nếu không thì hôm nay chắc chú đã thấy mồ ông xanh cỏ rồi…

– Trời! Thế ra chiếc ghe nhỏ xíu cột dưới bến là của ông Bảy đó sao?

– Phải rồi! – Chó Mực kêu khùng khục trong cổ họng, đáp lại bằng giọng rất thê lương – Đành phải mua chiếc ghe để lấy cái mà đi lại chứ. Bây giờ chúng ta lại trở về với hai bàn tay trắng, như mười năm trước đây, cùng với một vết thương lòng do đứa con bất hiếu gây ra…

– Thế ông Bảy đâu rồi? Từ lúc tôi về không thấy ông ấy đâu!

– Ông Bảy đưa ngựa Ô vào rừng đốn củi rồi. Mèo Bạch vừa kể vừa rít khìn khịt – Chú Quý à! Nói thật cho chú biết, thấy chú đi lâu quá ông và ông Bảy đã nghĩ chắc chú gặp tai nạn gì, biết đâu đã chết rồi không chừng. Ông vật vã thật thảm. Ông Bảy thấy vậy nói rằng nếu chú không về thì ông Bảy bỏ sông nước về ở với ông luôn. Ông Bảy còn định dựng lại lò gốm, học cách nắn bình, nắn nồi để hai ông kiếm sống qua ngày, nhất là để giúp ông nguôi đi nỗi buồn tán gia bại sản. Ông bảo lo gì không làm được, giàu đôi con mắt khó đôi bàn tay mà lị.

Thế là Quý đã hiểu. Lòng chàng xúc động và biết ơn ông Bảy vô hạn.

Chàng muốn tìm ông Bảy để quỳ xuống tạ ơn đã cứu cha, đồng thời xin ông tha thứ cho anh mình. Nhưng giờ đây chàng phải vào với cha để ông yên lòng. Chàng tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa ông nữa.

Khi ông Mạnh tỉnh dậy, nhìn thấy Quý ông đã không tin đó là sự thật. “Ta nằm mơ sao?” Ông lẩm bẩm, rồi khép con mắt đã đờ dại lại. Quý vội ôm lấy cha, khóc nức nở. Hồi lâu sau, ông mới thều thào với Quý:

– Cha xin lỗi con Quý ơi! Ngày trước cha đã không phải với con, không tin con, không thương con… Cha xin lỗi con…

– Cha ơi! Xin cha đừng nói như vậy. Xin cha hãy giữ gìn sức khoẻ, để sống cùng con… Con sẽ làm lại từ đầu, con sẽ không bao giờ rời xa cha nữa đâu, cha ơi! Anh Trọng…

– Đừng nhắc đến thằng con trời đánh ấy nữa. Từ bây giờ nó không phải là con của Lý Mạnh này nữa…

TRẦN THU HẰNG

(Còn tiếp)

____________

[1] Khúc sông chảy qua thành phố Biên Hòa ngày nay.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *