VHSG- Là một nhà phê bình văn học trẻ, Nguyễn Văn Hòa ghi dấu ấn trên văn đàn với những bài nghiên cứu, phê bình văn học sâu sắc, thấu đáo. Sách tiểu luận, phê bình “Tình thơ bạn thơ” (NXB Hội Nhà văn, 2020) vừa ra mắt của anh là minh chứng cho điều đó.

Chia sẻ cơ duyên đến với lĩnh vực viết nhiều thử thách và dễ “mất lòng” này, Nguyễn Văn Hòa cho biết:
– Tôi lớn lên từ một vùng quê nghèo ở Phú Yên, may mắn được cha mẹ cho đọc sách từ nhỏ. Cha tôi có cả một kho sách. Nhờ vậy mà tôi được tiếp cận những cuốn sách hay, trong đó có nhiều sách văn chương, ngay từ hồi còn đi học. Sau này trở thành thầy giáo dạy văn, tôi lại tiếp tục niềm đam mê với sách và được dịp tham gia các lớp chuyên sâu về văn chương. Điều đó giúp tôi tiếp thu nhiều kiến thức, lại được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với những chuyên gia đầu ngành và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đọc tác phẩm của họ và viết cảm nhận, tôi nhận ra công việc này rất thú vị.
Dẫu biết đây là con đường nhọc nhằn, lắm thử thách, lại dễ gây “mất lòng” nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng học hỏi, trau dồi và giữ cho mình ngòi bút vô tư, công tâm nhất có thể.
* Trong số 36 bài viết về 36 tác giả thơ trong tập sách này mà anh gọi là “36 khúc đò đưa”, có những nhà thơ đã rất nổi tiếng, có những nhà thơ trẻ. Anh có thể lý giải về sự chọn lựa này?
– 36 bài viết về 36 tác giả trong tập sách, phần nhiều là những tác giả nổi tiếng, rất xứng đáng được tôn vinh. Bên cạnh đó, tôi lại có những bài viết về những tác giả trẻ và thơ trẻ. Cũng có ý kiến cho rằng, việc tôi đưa vào như vậy sẽ tạo độ “chênh” giữa các nhà thơ. Tôi thì không nghĩ thế. Tôi nhận thấy ở những cây viết trẻ có những bứt phá, độc đáo và tác phẩm của họ cũng để lại những dấu ấn nhất định. Tôi muốn thể hiện một sự tiếp nối đáng trân trọng của văn học Việt Nam. 36 gương mặt thơ trong tập sách là 36 lát cắt của nền thi ca đương đại, sự góp mặt của họ làm nên sự đa thanh sắc trong dàn đồng ca thơ Việt hôm nay.

* Theo anh, người viết phê bình văn học cần những điều gì?
– Người viết phê bình cũng là người đồng sáng tạo, phải xem mình như chính tác giả để hiểu, để biết, để đau đớn, hay cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của tác giả và tác phẩm. Theo tôi, người viết phê bình bên cạnh nhiệt huyết, sự yêu thích thì cần đọc nhiều, viết nhiều, phải có vốn sống, vốn hiểu biết. Cần đánh giá tác phẩm khách quan, trung thực, chỉ ra một cách thuyết phục những ưu điểm, khuyết điểm cụ thể…
Nghệ thuật nói chung và sáng tác các tác phẩm văn học nói riêng đòi hỏi phải không ngừng sáng tạo. Các nhà văn, nhà thơ cũng luôn tự làm mới mình để cho ra đời những tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống. Trách nhiệm của người phê bình văn học là tìm kiếm và điển hình những giá trị đó.
* Đã phê bình thì hẳn sẽ có khen và ắt cũng có chê. Anh đã làm điều đó như thế nào để người đọc “tâm phục khẩu phục”?
– Chính xác như thế: Phải có khen, có chê; nhưng khen chê thế nào cho phải đạo mới là quan trọng. Khen đúng và chê đúng, tôi tin là số đông sẽ chấp nhận. Trong thực tế, có người khen nhau quá mức và chê thậm tệ, điều đó dẫn đến những chuyện không hay. Người làm phê bình phải biết khen và chê trên những căn cứ, luận điểm khoa học xác đáng, không đánh đồng, ngụy biện, không mượn danh xưng để bẻ cong ngòi bút. Có như thế, những trang viết của họ sẽ tạo được thiện cảm với số đông bạn đọc và các tác giả.
***
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa còn cho rằng: “Ở khu vực ĐBSCL, lực lượng sáng tác khá hùng hậu, đặc biệt là các cây bút trẻ, từng bước khẳng định vị thế trong cuộc chơi chữ nghĩa. Tuy nhiên, lực lượng tác giả phê bình văn học ở ĐBSCL có vẻ còn khá im ắng”.
ĐĂNG HUỲNH thực hiện
BÁO CẦN THƠ
Bạn đang ở giữa khoảng không gian giữa
Tôi đọc đoạn này của nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa (đoạn trả lời) : “Người viết phê bình cũng là người đồng sáng tạo, phải xem mình như chính tác giả để hiểu, để biết, để đau đớn, hay cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của tác giả và tác phẩm.” Tôi tự hỏi có đúng không? và tự trả lời, đúng sai làm gì, có lẽ nào không đứng ở mặt là người đọc, không cần thiết phạm vi người đọc, nhận thức người đọc khi tiếp cận với văn bản, khi tiếp nhận tác phẩm mà chỉ cần sáng tác cùng nhà văn, nhà thơ thôi sao?
Sáng tác cùng họ để làm gì? Câu trả lời là để làm sáng lên tác phẩm. Làm sáng lên tác phẩm để làm gì? Cuối cùng vẫn là để cho người đọc, thời đọc, tức là cho nền văn học, cho thời đại, vậy mà không đặt mình như người đọc thì khó đạt được mục đích chung nói trên.
Nhà phê bình lúc này đang trênh vênh ở khoảng không giữa, giữa gì thì tôi dừng lại để cho giữa gì cũng được. Và khi ấy lúc thì bám vào tác giả, lúc thì bám vào tác phẩm, lúc thì bám vào cành cây hoặc lúc thì phải bám vào bạn đọc, đôi khi bám cả vào lịch sử, sự kiện, và cả truyền thông, văn hóa, phong cách sống, sự phát triển của xã hội, của cả tông phát triển của triết học, quy cách học, văn chương toàn cầu….kiểu giống như là phổ nhạc cho một tác phẩm vậy. Ý tôi nói không phải cứng nhắc gắn vào một hoặc tất cả những điều trên, hoặc giống như nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa đề cập là sáng tác cùng tác giả…vv mà những điều ấy đã nằm trong tư duy của người phê bình rồi. Những thứ nằm trong ấy tạo lên phong cách của anh ta đưa đẩy anh ta ở mức trênh vênh như thế nào trong không gian giữa mọi điều ấy. Đôi khi các nhà phê bình còn bám cả vào nhau rồi thì cả đạp lên nhau mà tồn tại, nghĩ cũng hay và cũng vui của một nghề, một sở thích, một đam mê, một loại hình lao động giống như các loại hình lao động khác.
Bám víu là đặc trưng của phê bình. Bám víu như thế nào để cho nó hiệu quả, cho nó thuyết thục và cho nó lấy được lòng tin của những điều của sự bám víu ấy bộ lộ, nói ra được. Sự bám víu ấy phải chân thành, thành thật, không bao che, không che lấp, hoặc đôi lúc không cần phải giấu diếm gì cả kể cả sự bám víu ấy có thể làm cho người ta bị đau, bị bẩn, bị xấu hổ, bị mất mặt….không sao cả bởi đó là rủi ro và là đặc điểm của phê bình. Ai đó cứ muốn hài lòng với tất cả thì đừng bám víu vào cái gì cả. Và khi ấy nhà phê bình sẽ trênh vênh, sẽ lơ lửng trong giữa không gian của giữa những điều chẳng thể biết, vậy thì sự tồn tại ấy lơ lửng và lưng chừng, cứ mãi vậy, rồi rằng chẳng để làm gì, đam mê và niềm tin bị mai một đi.
Động lực là một thôi thúc tạo ra sự đam mê và tác phẩm. Động lực ấy phải tạo ra được cảm hứng. Cảm hứng ấy truyền vào suy nghĩ và thể hiện ra kết quả là kết quả của lao động. Do vậy bám víu vào gì đó để tạo động lực, bám víu vào gì đó để lao động tạo ra tác phẩm đều được hết. Tôi thiết nghĩ sản phẩm của suy nghĩ là sản phẩm của lao động và trong đó phê bình là một và không nên thiếu để kết nối, gắn kết giữa những điều, những thứ mà nhà phê bình bám víu vào. Con nhện lúc này nên được ví như là hình nhân của nhà phê bình chăng?
Hòa Phong.