PGS Chu Xuân Diên – Tóc ngời mây trắng, mắt ngời hạnh vui

Những năm tháng còn ở tuổi 70, thầy còn khỏe, còn đi lại nhanh nhẹn và vẫn tham gia giảng dạy cao học cho Khoa dù đã về hưu lâu, tôi lại tiếp tục ôm sách vở vào lớp của thầy. Nhưng lúc này không còn là tư cách sinh viên hay học viên cao học nữa mà đã là trợ giảng.

Thầy tôi sinh nhật tuổi trời/ Tóc ngời mây trắng, mắt ngời hạnh vui/ Tuệ người gởi lại chúng tôi/ Môi người còn mãi nụ cười bé thơ.

Nhận trách nhiệm cùng thầy cô đồng môn biên soạn cuốn sách mừng sinh nhật tuổi 90 của thầy, tôi đã được đọc hết những bài viết của đồng nghiệp và học trò viết về thầy. Đọc những bài viết công phu về những đóng góp của thầy cho ngành, những nhận định sâu sắc về tài năng và tính cách của thầy, tôi cảm thấy thật ngại ngùng khi những gì tôi muốn viết về thầy thật là nhỏ bé, riêng tư. Và có lẽ tôi là người cuối cùng góp bài vào cuốn sách vì mỗi lần muốn viết gì đó thì những kỷ niệm đầy yêu thương không đầu không cuối cứ lũ lượt kéo về khiến tôi lại ngẩn ngơ vì nhớ.

PGS Chu Xuân Diên

Hơn 20 năm được làm người học trò gắn bó và gần gũi với thầy, trong tôi đầy ắp những ký ức về thầy từ những năm thầy tròn 70 tuổi đến bây giờ, những điều giản dị, đơn sơ mà gây thương nhớ.

Học hành phải thong thả đường dài

Năm 2006, lúc ấy thầy đã 72 tuổi, thầy đến dự tiệc cưới của tôi, lúc ra về thầy bảo “lấy chồng sinh con là việc cần làm ngay, còn học hành thì cứ thong thả đường dài”, khi ấy tôi đang viết luận văn thạc sỹ do thầy hướng dẫn. Có lẽ thầy tinh ý thấy được trong mắt tôi ánh nhìn… hối lỗi của đứa học trò mê yêu hơn mê học, đã vội chồng con khi sự nghiệp học hành chỉ mới bắt đầu. Tôi cũng là đứa học trò đầu tiên được thầy giới thiệu để Khoa Ngữ văn và Báo chí giữ lại giảng dạy tại bộ môn Văn hoá dân gian mà thầy là người mở ngành, chưa gì đã dính vào chuyện chồng con thì còn trông mong gì nữa.

Rồi những tháng ngày sau đó là những ngày hối hả, tôi hối thầy đọc, hối thầy hướng dẫn, hối thầy chỉnh sửa luận văn cho tôi kịp bảo vệ trước ngày con trai đầu lòng của tôi chào đời. Có lẽ suốt những ngày tháng ấy, bao nhiêu việc của thầy bị chậm lại vì phải ưu tiên cho việc hướng dẫn tôi. Ngày ra hội đồng bảo vệ, thầy phát biểu với tư cách là người hướng dẫn: “suốt thời gian cô Thi Gia viết luận văn, tôi không dám mắng cô ấy một tiếng nào, sợ ảnh hưởng tinh thần của bà mẹ trẻ”. Cả hội đồng cười ồ trêu tôi nhưng ai cũng biết, cả đời thầy tôi nào có từng lớn tiếng với ai bao giờ, nói gì đến mắng mỏ học trò.

Những năm tháng còn ở tuổi 70, thầy còn khỏe, còn đi lại nhanh nhẹn và vẫn tham gia giảng dạy cao học cho Khoa dù đã về hưu lâu, tôi lại tiếp tục ôm sách vở vào lớp của thầy. Nhưng lúc này không còn là tư cách sinh viên hay học viên cao học nữa mà đã là trợ giảng. Trong những chuyên đề cho lớp Cử nhân tài năng và lớp Cao học, thầy dần dần cho tôi tham gia giảng dạy vài tiết khi tôi đang làm nghiên cứu sinh. Từng chút một, tôi đã thụ hưởng từ thầy không chỉ là những kiến thức sâu rộng của môn học mà cả phong thái giảng dạy với phương pháp trao truyền giản dị và dễ hiểu, khiêm tốn, nhẹ nhàng. Tôi mê say những bài giảng của thầy về phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích, cách thầy khơi gợi chúng tôi nói lên những cảm nhận và hiểu biết của mình. Đôi lúc tôi quên mất vai trò “trợ giảng”, thay vì điều hành buổi thuyết trình của học viên, tôi lại hăng hái và sa đà vào cuộc tranh luận “Về cái chết của mẹ con dì ghẻ trong truyện Tấm Cám” cùng các bạn trong lớp. Lúc ấy thầy chỉ biết lắc đầu cười trừ và nói: “cô lại làm cháy giáo án của tôi rồi”.

Rồi tôi được thầy chuyển giao dần từng môn học, khi bắt đầu dạy chuyên đề Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học với Huyền thoại và văn học cho các lớp cao học thì tôi đã theo thầy lên lớp đến năm thứ 4 trong vai trò trợ giảng và cũng đã hoàn thành luận án, xuất bản được cuốn sách chuyên môn đầu tiên của riêng mình.

PGS Chu Xuân Diên trong một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của học trò

Sách của thầy – ước vọng của thầy

Tôi không dám nhận là đại đệ tử hay là truyền nhân của thầy, chỉ dám nhận là người học trò được thừa kế sách của thầy mà thôi. Vì thầy có rất nhiều học trò, từ Bắc đến Nam, trên khắp đất nước Việt Nam. Học trò giỏi của thầy cũng nhiều không đếm được, họ đã làm rạng rỡ thêm danh tiếng của thầy. Họ là những người xứng đáng được nghe câu nói “danh sư xuất cao đồ” khi ai đó biết được họ đã theo học thầy tôi – PGS Chu Xuân Diên.

Nhưng học trò được thầy cho sách, mà nhiều đến hơn ngàn quyển thì chỉ có tôi, đứa học trò thuộc thế hệ cuối, thế hệ út ít. Người được thầy cho sách cũng nhiều, ai đến với thầy mà chẳng được nhận ở thầy một vài cuốn sách cần thiết cho vấn đề mình đang theo đuổi. Nhưng được thầy thương, được thầy chọn làm người giữ gìn gần như toàn bộ kho tàng sách vở của thầy thì may mắn thay lại là tôi. Tôi đã dược thầy trao cho chiếc chìa khóa mở vào kho tàng tri thức mà thầy tích góp hơn nửa thế kỷ nay. Vì một cơ duyên gì đó (hay vì ước nguyện của tôi gởi vào vũ trụ) mà gần 10 năm nay thầy lần lượt chuyển giao cho tôi những cuốn sách quý giá của thầy.

Năm 2003, bắt đầu theo thầy làm luận văn thạc sỹ, tôi đã được thầy cho những cuốn sách mà thầy đặt từ nước ngoài về, tài liệu tiếng Nga, tiếng Pháp chưa được dịch sang tiếng Việt thầy dịch luôn giúp tôi để tôi có cái mà tham khảo và dẫn chứng. Đến lúc tôi làm nghiên cứu sinh thì mắt thầy đã kém nhiều, thầy không thể dịch giúp tôi được nữa. Tôi chạy vạy khắp bạn bè các nơi trong nước và ngoài nước, lên trang Amazon đặt sách, nhưng đó là nguồn tài liệu bằng tiếng Anh, còn tiếng Nga thì tôi chịu. Thầy lại mang sách mà thầy nhờ bạn bè xách tay về Việt Nam đưa cho tôi, đánh dấu cho tôi đọc trang này, trang này…

Tôi lại chạy khắp, may thay tìm được một chuyên gia dịch sách tiếng Nga, đã từng xuất bản bao nhiều đầu sách chuyên môn khó nhằn, là dịch giả Phạm Nguyên Trường. Anh sẵn lòng chuyển dịch cho tôi tài liệu folklore bằng tiếng Nga với nhiều thuật ngữ mà cả hai anh em cũng thấy lạ lùng. Rồi thầy hiệu đính cho tôi toàn bộ những bản dịch đó, để tôi có cái mà tham khảo. 6 năm nhọc nhằn đọc và viết luận án rồi cũng đã qua.

Sau khi tôi bào vệ tiến sỹ, mang hết những tài liệu hiếm mà thầy đã cho mượn trong suốt những năm làm luận án đến trả thầy. Những gì có thể mua được trong nước và đặt được ở ngoài nước thì tôi đều đã cố gắng tự lực. Khi tôi mang trả thì thầy không nhận lại nữa, thầy bảo “cho Thi Gia hết” để tôi tiếp tục đọc và làm sâu sắc hơn công trình của mình. Những gì tôi tham khảo được trong những năm qua cũng chỉ là kiến thức cơ bản đủ để tôi hoàn thành luận án theo yêu cầu của cơ sở đào tạo. Thầy bảo tôi tiếp tục làm sâu hơn phần này, phần kia để đóng góp vào lý thuyết nghiên cứu folklore của nước mình. Tôi “dạ” và rồi… rẽ ngang rẽ dọc vào sưu tầm, biên soạn với nguồn tài liệu thực tế cứ ngồn ngộn hàng năm. Làm với tinh thần phải nhanh chứ không kịp nữa. Đi dạy, điền dã, công việc rồi con cái…, lời hứa “làm sâu” với những bản thảo mà thầy đã dịch dở dang và trao cho tôi làm tiếp, vẫn còn nguyên đó, gần 10 năm rồi còn gì.

Gần 10 năm đó, tôi đã nhiều lần nhờ chồng đưa đến nhà thầy để… chở sách về, lần nào cũng vài chục cuốn. Lần nào ôm sách thầy cho ra xe cũng tự hứa với mình là sẽ sử dụng cho thật hiệu quả. Và hiệu quả là khi những thầy cô bạn bè đồng môn của tôi cứ tìm sách huyên môn không đâu có thì hỏi đến tôi là tìm được. Hôm trước có anh bạn đồng môn nhắn hỏi mượn mấy cuốn sách mà anh tìm khắp nơi không ra, tôi chuyển cho anh mượn còn nhiều hơn mong đợi. Anh bảo “biết mà, giang hồ đồn muốn kiếm sách chuyên môn văn học dân gian thì cứ tìm tới Thi Gia là xong hết”. Thì… cả thư viện sách của chuyên gia đầu ngành là thầy tôi đã về với tôi hết còn gì.

Cách đây vài tuần, con gái của thầy gọi tôi đến chở sách về. Chị và thầy không biết đã mất bao nhiêu ngày chọn sách, phân loại, xếp gọn thành những chồng ngay ngắn đặt giữa thư phòng, chờ tôi đến nhận. Khi tôi đến, cảm giác đầu tiên là choáng ngợp, cảm giác tiếp theo là phân vân, không biết một chuyến xe 4 chỗ có thể chở hết không nếu cho cả vào trong cốp và trong băng ghế sau. Và khi đã xếp ngay ngắn gần 1.000 cuốn sách thầy trao cho, từ tủ sách của thầy sang tủ sách của mình, tôi cứ bần thần: tôi đã làm được gì và sẽ làm được gì để xứng đáng với sự tin tưởng này?

PGS Chu Xuân Diên cùng các học trò đồng môn tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ

Những niềm vui giản dị của chúng tôi

Có lẽ tôi cũng là một trong rất hiếm học trò dám chở thầy đi lung tung bằng… xe máy khi thầy đã gần 80. Tôi đón thầy đến trường đi dạy, tôi chở thầy đi mua sách, lòng vòng các tiệm sách cũ và mới, thầy ngồi sau xe tôi, bé nhỏ và nhẹ bẫng. Một vài lần tôi xung phong chở thầy đi khám bệnh, các anh chị con thầy thấy tôi hăng hái quá nên nhường. Là do tôi nhất định đòi phải đưa thầy đến một vị bác sỹ đông y mà tôi biết là chắc chắn sẽ xử lý được căn bệnh mãn tính ngoài da khó chịu của thầy. Năm 2016, lúc đã gần 83 tuổi, thầy vẫn từ Nhà Bè xuống Quận 2 dự tiệc tân gia của gia đình tôi. Tôi còn nhớ lúc ấy chồng tôi bảo: thầy cưng em nhất còn gì.

Cách đây tầm 3, 4 năm thôi, tôi và thầy Phan Xuân Viện vẫn còn thay nhau đón thầy đến trường dự những buổi gặp mặt cùng thầy cô trong Khoa vào dịp ngày hiến chương nhà giáo. Từ lúc nhận nhiệm vụ đảm nhiệm Bộ môn, mỗi dịp sát tết, tôi lại tìm cách mời bằng được các thầy cô đã về hưu của Bộ môn như cô Phan Thị Yến Tuyết, thầy Nguyễn Ngọc Quang, Thầy Phan Xuân Viện, thầy Nguyễn Hữu Ái cùng tôi và cô Lê Thị Thanh Vy ngồi với nhau ăn một bữa cơm tất niên. Những năm ấy, thầy Diên còn uống được một lon bia, còn ngồi được lâu để trò chuyện với chúng tôi – những thế hệ học trò nối tiếp nhau của thầy.

Ba năm gần đây thầy không đi đâu xa được nữa, chỉ có chúng tôi cùng rủ nhau đến thăm thầy. Dịp gần tết năm ngoái, chúng tôi mỗi người chuẩn bị một món ngon mình tự làm mang đến thăm thầy, rồi bày biện cùng nhau ăn tất niên tại nhà thầy, tôi biết thầy tôi vui biết mấy. Và lúc ấy tôi đứng nép một bên, nhìn thầy tôi rộn rã nói cười giữa những người học trò, đồng nghiệp cũng đã gần 70 tuổi của mình mà tự nhiên nghe lòng cảm động. Tôi thấy mình hạnh phúc khi được chứng kiến những yêu thương quay quần của thầy cô tôi với vị ân sư của tất cả chúng tôi, và mong ước được nhìn thấy những niềm vui ấm áp giản dị này thêm nhiều lần nữa./.

TP Hồ Chí Minh tháng 10.2023

LA MAI THI GIA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *