VHSG- Văn học là nhân học. Học văn là học cách làm người. Nói cho cụ thể hơn, học văn là để hiểu cuộc sống, hiểu con người; để có thái độ, tình cảm đúng, hành động đúng trước cuộc sống. Song văn học không chỉ đơn thuần là một môn học mà nó còn là một bộ môn nghệ thuật (Ngôn từ). Trong đó tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật, lấy ngôn từ làm chất liệu, có hình thức quy mô đa dạng và phong phú. Bởi vậy, để học tốt môn văn là một quá trình không đơn giản, phải rèn luyện công phu về kỹ năng cảm thụ văn học.
Rèn luyện cảm thụ văn học là một vấn đề vừa rộng, vừa khó. Nên việc rèn luyện cảm thụ văn học cho học sinh để đạt hiệu quả cao nhất là một việc làm cần thiết có thể giúp các em thay đổi tâm lý từ ngại học Văn trở nên yêu Văn.
Rèn năng lực cảm thụ văn học
Trong giảng dạy môn văn tiếng việt ở trường Trung học cơ sở các thầy cô giáo thường quan tâm tới nhiệm vụ bồi dưỡng và nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh thông qua giờ văn học. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên các em đươc đọc, được phân tích hiểu và cảm nhận những tác phẩm thơ văn tiêu biểu cho từng thời kỳ, từng giai đoạn trong sách giáo khoa. Từ đó, các em được mở mang tri thức, mở rộng tầm nhìn, tâm hồn phong phú, biết nhìn đời với cặp mắt thân thiện hơn. Nhưng muốn cảm thụ văn học tốt, người học sinh ngoài việc nghe giảng và học bài còn phải được trau dồi và rèn luyện năng lực cảm thụ văn học theo mức độ yêu cầu của chương trình Trung học cơ sở hiện hành. Có năng lực cảm thụ văn học các em mới có hứng thú viết văn các em càng thêm yêu quý tiếng Việt, có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Thực tế khi bước vào cấp học Trung học cơ sở, học sinh còn nhiều bỡ ngỡ về môi trường sư phạm, phương pháp học và khối lượng kiến thức. Trong đó, bài kiểm tra và thi có thời lượng kiến thức dày đặc không còn đơn giản theo kiểu ”điền từ vào ô trống” như ở bậc tiểu học. Năng lực cảm thụ chưa cao, khả năng tư duy còn hạn chế. Bài làm của học sinh chỉ là sự bắt chước khuôn mẫu, hoặc các em không làm được bài thi.
Vậy vấn đề các em gặp phải ở đây là gì? Câu trả lời chỉ có thể là cảm thụ văn học, phương pháp kỹ năng cảm thụ văn học – vấn đề cốt lõi để các em có thể tiếp cận và chiếm lĩnh tác phẩm văn học.
Chính vì vậy, yêu cầu nâng cao Năng lực cảm thụ văn học đã trở thành đề tài” nóng bỏng” không chỉ của các giáo sư, nhà lý luận nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn, nhà giáo mà của cả những người có tâm huyết với văn chương bàn thảo nhằm đưa ra những giải pháp giúp các em học sinh tiếp cận tác phẩm văn học sao cho hứng thú, say mê. Nhiều tác giả tầm cỡ như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lê Trí Viễn, Phan Trọng Luận… đã đề cập ở phạm vi rộng, trong các chuyên luận, tiểu luận. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình thì lại đề cập đến từng khía cạnh tiếp cận, cảm thụ tác phẩm; nhiều tác giả viết sách giáo khoa đề cập vấn đề cảm thụ tác phẩm thông qua sách hướng dẫn, tư liệu tham khảo hoặc lồng ghép vào phân môn tập làm văn cho học sinh ở từng bậc học, cấp học nói chung. Nhưng ít ai chú ý đến đối tượng học sinh lớp 6,7 là lứa tuổi đầu cấp học Trung học cơ sở, còn nhiều bỡ ngỡ đối với việc cảm thụ và kỹ năng cảm thụ một tác phẩm.
Chính vì vậy, việc trau dồi năng lực cảm thụ văn học cho học sinh là một nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết giúp học sinh có năng lực cảm thụ văn học, có hứng thú học văn, viết văn, tự làm bài kiểm tra và thi đỗ các kỳ thi.
Hiểu một cách đơn giản, cảm thụ văn học chính là sự cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc trong thực tế và cái hay, cái đẹp của văn học thể hiện trong tác phẩm (câu truyện, bài văn, bài thơ…) hay một bộ phận của tác phẩm (đoạn văn, đoạn thơ… thậm chí một từ ngữ có giá trị trong câu văn, câu thơ). Song, cũng cần nói thêm, cảm thụ văn học diễn ra ở mỗi em không hoàn toàn giống nhau do nhiều yếu tố quyết đinh như: vốn sống và hiểu biết, năng lực và trình độ kiến thức, tình cảm và thái độ khi tiêp xúc với văn học… ngay cả trong một con người sự cảm thụ văn học về một tác phẩm nào đó trong những thời điểm khác nhau cũng có nhiều biến đổi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có lần thổ lộ: “Riêng bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” thì ở mỗi con người, ở mỗi độ tuổi của đời người, tôi lại cảm nhận một cái hay riêng của nó và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa đi thấu tận cùng vẻ đẹp của bài học thuộc lòng thủa nhỏ ấy” (sách đã dẫn).
Những điều nói trên về cảm thụ văn học cho thấy các em học sinh phổ thông đều có thể rèn luyện, trau dồi từng bước để nâng cao trình độ cảm thụ văn học, giúp cho việc học tập môn Văn – Tiếng Việt ngày càng tốt hơn và trở thành học sinh khá giỏi.
Rèn kỹ năng viết đoạn về cảm thụ văn học
Chương trình môn văn học Trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9 luôn chiếm một thời lượng quan trọng trong phân phối chương trình môn ngữ văn (lớp 6 chiếm 2/4 tiết/ tuần; lớp7,8 chiếm 2/4 tiết/tuần; lớp 9 chiếm 3/5 tiết/tuần) cho thấy, chương trình luôn coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng năng lưc cảm thụ văn học cho học sinh. Dưới sư hướng dẫn của thầy, cô giáo cùng với việc phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy và học, các tác phẩm văn học sẽ đem đến cho học sinh tri thức và cả những điều kỳ thú hấp dẫn. Tuy nhiên, muốn trở thành học sinh có năng lưc cảm thụ văn học tất cả các em phải tự giác phấn đấu rèn luyện nhiều mặt. Kinh nghiệm cho thấy, để có được năng lực cảm thụ văn học sâu sắc và tinh tế cần có:
– Sự say mê hứng thú khi tiếp xúc với văn thơ, đọc kỹ (ít nhất 3 lần) học thuộc (thơ) nắm cốt truyện, thuộc những chi tiết hay (đắt)
– Chịu khó tích luỹ vốn hiểu biết về cuộc sống và văn học
– Nắm vững kiến thức cơ bản về Tiếng Việt (Từ ngữ – Ngữ pháp) để phục vụ cho cảm thụ văn học .
– Kiên trì rèn luyện kỹ năng viết đoạn về cảm thụ văn học thông qua việc nắm vững được kiến thức và kỹ năng cơ bản về tiếng Việt sẽ giúp các em nâng cao được năng lực cảm thụ văn học. Đây cũng nên được coi là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhất trong việc cảm thụ văn học và việc nâng cao chất lượng học tập của bộ môn.
Muốn cảm thụ văn học tốt, học sinh cần phải được rèn luyện kỹ năng viết đoạn. Để cảm thụ được văn học, bộc lộ qua bài viết, học sinh cần chú ý những điểm chính sau đây:
– Khi phân tích một tác phẩm hay một đoạn, một câu phải chú ý đến ngữ âm.
(Ngữ âm là cấp độ thấp nhất của ngôn ngữ, tự bản thân nó không có ý nghĩa, nhưng nhà văn sử dụng nó độc đáo có hiệu quả vì thế nó có ý nghĩa)
– Cảm thụ văn chương qua việc tìm hiểu cách dùng các từ ngữ, hình ảnh:
Từ ngữ, hình ảnh là yếu tố cơ bản của tác phẩm văn học. Trong tác phẩm không phải chữ nào, từ nào cũng hay. Muốn cảm thụ văn học tốt và tập trung (bài làm không bị loãng), cần chọn những từ ngữ hình ảnh chính để phân tích. Bên cạnh đó là kỹ năng cảm nhận văn chương thông qua nhịp điệu của câu văn câu thơ. Bởi nhịp điệu chính là nhạc thơ được tạo bởi thanh, vần, cách ngắt nhịp. Đi cùng với đó là cảm nhận văn chương qua việc phát hiện và tìm hiểu các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ… (như phép so sánh, âne dụ, nhân hoá, điệp ngữ v.v…) Để học sinh có thể thao tác thành thạo những kỹ năng viết đoạn văn về cảm thụ văn học, giáo viên dạy văn cần tăng cường cho các em các bài tập luyện kỹ năng viết. Việc luyện tập kỹ năng thông qua các yêu cầu cụ thể trong bài tập về nhà, trên lớp sẽ giúp nâng cao năng lực cảm thụ văn học. Đây cũng nên được coi là một yêu cầu bắt buộc đối với học sinh Trung học cơ sở. Nó phục vụ thiết thực cho việc nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh, từ đó nâng cao kết quả học tập bộ môn.
Tuy nhiên để thực hiện yêu cầu này, người giáo viên phải bỏ nhiều công phu tìm tòi, suy nghĩ đưa ra được các dạng bài tập phù hợp với từng đối tượng học sinh (như còn yếu, trung bình, khá…) và phải kiên trì giúp học sinh rèn luyện cảm thụ từ dễ đến khó mới mong đạt kết quả. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng phải luôn bền bỉ, khắc phục thói quen học tập theo kiểu sao chép, sáng tạo trong học tập, rèn luyện năng lực cảm thụ văn học, từng bước tạo lý thú học tập bộ môn nâng cao kết quả học tập môn văn Trung học cơ sở. Do đó, để nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh, từ đó giúp các em chiến thắng tâm lý không thich Văn, ngại học Văn nên tăng thời lượng thích hợp cho việc luyện tập năng lực cảm thụ. Về công tác chuyên môn, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên để nâng cao kiến thức cho các thầy cô giáo, nhằm góp phần thúc đẩy chất lượng dạy và học môn văn trong Trường Trung học cơ sở.
NGUYỄN THANH HÀ
Báo Văn Nghệ
Mức cảm thụ văn học trong nhà trường từ lớp 1 cho tới lớp 5, từ lớp 6 cho tới lớp 9, từ lớp 10 cho tới lớp 12, trong các trường cao đẳng và đại học là khác nhau. Rõ ràng là vậy bởi với mỗi lứa tuổi văn học có cách thức của nó để tiếp cận, hay nói cách khác chúng ta yêu cầu văn chương sẽ đi vào suy nghĩ và hình thành các thói quen, các cảm nhận về con người, văn hóa để thiết lập nên các tính cách của các lứa tuổi khác nhau là khác nhau.
Vẫn biết để giải thích cho ý nghĩa của văn chương bằng bản chất của văn chương là con người, nói về con người và phục vụ con người. Nhưng với mỗi cấp bậc và mức độ thì văn chương được cảm thụ khác nhau. Ta không thể ép buộc trẻ lớp 7 phải hiểu cách thức cảm thụ và truyền tải nội dung của văn chương như tới với sinh viên cao đẳng hay đại học được. Nó giống như dùng văn chương để tạo ra viên đại bác để bắn con thuyền buồm nhỏ trên sông vậy. Chúng ta không làm như thế và phải tách bạch ra được điều này. Cái hay của văn chương, của một tác phẩm văn học là đều dạy được con người ở tất cả các lứa tuổi, bậc học, kể cả sau khi làm việc, giảng dạy văn học, tham gia các hoạt động nghệ thuật hoặc làm việc ngoài xã hội văn chương và văn học vẫn đi vào tâm trí con người và tạo ra những xúc cảm cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của loài người được.
Ví dụ với tôi, đã trưởng thành thì vẫn tiếp cận và các tác phẩm văn học hoặc văn chương vẫn tác động lại tôi bằng một khía cạnh nào đó nó khác với khía cạnh văn chương tác động tới con tôi, tới thanh thiếu niên, hoặc nó khác với việc tác động tới người già, người có chuyên môn. Như vậy phân biệt và tác biệt là quan trọng. Tác giả viết tác phẩm ra không thể làm việc này. Trừ những loại sách, loại tác phẩm chuyên môn rõ ràng như truyện cho người lớn, như chuyện cho thiếu nhi, như các bài ký, tiểu thuyết khó đọc, chỉ dành cho những trình độ chuyên môn cao. Đa số các tác phẩm văn học thì thường tác giả không chủ động được người tiếp cận, người đọc, người cảm thụ mà phải nhờ tới một mắt xích khác, đó là người thầy, người cô, người nghiên cứu xem xét và truyền đạt những góc cạnh của tác phẩm, những yếu tố của tác phẩm được chia ra, xem xét và lựa chọn để truyền tải tới học sinh, tới học trò, tới sinh viên, tới người trưởng thành…vv. Như vậy với trẻ em thì cần có mắt xích ấy giúp đỡ, còn đối với người trưởng thành như tôi, đã hình thành tính cách, thói quen, sở thích thì không cần mà thay vào đó là những người chuyên môn như các nhà phê bình, các góc nhìn về tác phẩm, cách thức xem xét văn chương ở những chiều kích khác nhau, và chắc chắn không lập lại nguyên văn và sử dụng mắt xích là các thầy các cô như với tuổi học sinh, sinh viên.
Tôi thấy có nhiều bài viết quan tâm và lo lắng về vấn đề cảm thụ văn học, cách dạy văn chương trong nhà trường, các yếu tố tiếp cận của học sinh như chỉ học vì chỉ muốn vượt qua kỳ thi, hoặc sự yêu thích môn văn giảm đi…vv…đây là các hiện tượng bình thường khi chúng ta không phân tách và làm tốt được điều đơn giản tôi đã nói ở trên. Khi chúng ta có nhiều mong mỏi không phù hợp, hoặc áp đặt vào các lứa tuổi, hoặc yêu cầu văn chương, các tác phẩm văn học làm những nhiệm vụ không phù hợp với chính nó, hoặc nhầm lẫn với các đối tượng thì các hiện tượng kia xảy ra là chuyện bình thường.
Trong quá trình phát triển, trong quá trình tiếp cận học làm người của học sinh thì các hình thái biểu hiện thế này thế kia là những biểu hiện bình thường. Người thầy giáo, cô giáo, nghiên cứu, quản lý đừng quá hoàng loạn, đừng nên xoắn quá để mà suy nghĩ đây là những yếu tố thể hiện không tốt, không đẹp. Tôi khẳng định là các biểu hiện này là đẹp với lứa tuổi các em, nếu như tôi hoặc sinh viên mà biểu hiện như vậy mới là gay, nếu như những người già mà biểu hiện như vậy mới là sợ. Còn các em, bước những bước đầu tiên thì đương nhiên đá đổ, hoặc dẫm lên những giá trị của văn chương, của tác phẩm văn học là chuyện bình thường. Cái không bình thường ở đây là các thầy cô, các nhà quản lý, các nhà làm giáo dục cứ ầm ầm lên, cứ tán loạn cả lên với những điều đơn giản mà đó chính là bổn phận và trách nhiệm của mình thì lại không làm, lại bỏ rơi hoặc có khi quá hiểu biết, quá nhiều kiến thức rồi mà bỏ qua những điều nho nhỏ mà chính nho nhỏ ấy lại phù hợp với các em, phù hợp với quá trình sơ khởi của quá trình làm người, quá trình đi vào bên trong văn chương, đi vào lòng tác phẩm văn học để tìm hiểu, để soi chiếu so sánh với thực tế cuộc sống, để học hỏi và áp dụng vào đời sống.
Ngụy phong đả tre Nguyễn Hồng Minh.
Quá trình là gì?
Khi cây non ra ánh nắng mặt trời thì cây non sẽ sợ chói trang. Khi con người tiếp xúc với xung quanh con người hay lạ lẫm. Có tò mỏ, có thúc đẩy, có sợ, có rụt dè. Nhà trường dạy kỹ năng là chính xác. Kỹ năng thường quan niệm là thói quen tốt. Kỹ năng tốt là một mắt xích của quá trình. Thói quen tốt của kỹ năng tốt là bộ máy được vận hành tạo thành quá trình.
Quá trình là gì? thì có lẽ triết học hiện đại sẽ trả lời. Kỹ năng cảm thụ hoặc kỹ năng học trò học tập được trong quá trình học ở trường, từ các giáo viên là một phần của quá trình hoàn chỉnh con người, đảm bảo con người tồn tại và phát triển tốt trong môi trường xã hội xung quanh. Quá trình con người sống và phát triển không thể thiếu đi mắt xích này được!
Phóng to mắt xích này lên sẽ là một hệ thống hoạt động bên trong nó. Hệ thống ấy là từ lúc mới sinh ra, cảm nhận như mầm trồi non, rồi các lớp 1, 2,3 rồi tới cấp 2, cấp 3, sau đó tiếp tục…đó là hệ thống hóa phù hợp với sự phát triển của tâm sinh lý, cảm nhận, học tập của con người. Nếu hệ thống này bị trục trặc, thì mắt xích kia của quá trình hoạt động không tốt, và thế là quá trình ấy của con người bị ảnh hưởng, xã hội bị thay đổi hoặc phải thích ứng để biến đổi theo cái khuyết tật mà con người đang nhận được từ quá trình, từ mắt xích, từ hệ thống bên trong mắt xích ấy, và phóng đại lại là từ những điều nhỏ bé nhất bất thường!
Sự thích thú và tạo ra động lực trong các hoạt động rèn luyện kỹ năng của học sinh là quan trọng! Với kỹ năng này thì đâu là sự khởi đầu và đâu là hệ thống thực hiện của nó, điều gì tạo ra sự thích thú, động lực cho học sinh. Học sinh sẽ có thói quen tốt hình thành lên kỹ năng bằng cả sự dấn thân của chính học sinh và giáo viên trong đó nội dung của nó là quan trọng. Nội dung giữa giáo viên và học sinh là gì? Hệ thống hóa có phù hợp và tích lũy với nhau để tạo ra thói quen tốt, hình thành kỹ năng!
Chỉ nhỏ như thói quen đọc thôi mà chúng ta phải bàn nhiều đến thế, bởi đọc là bước đầu tiên của thói quen, là cơ bản của quá trình to lớn sau đó. Trước khi nói tới những gì to tác của cảm thụ, của các hoạt động phê bình từ thấp cho tới cao thì mỗi thói quen nhỏ phải được học sinh khám phá và tìm ra động lực để duy trì như là những thói quen của chính bản thân mình. Như vậy thì học sinh phải được khuyến khích, đánh giá và ghi nhận kết quả và thấy được kết quả từ những thói quen tốt ấy. Ứng dụng công nghệ vào để giải quyết bài toán này, đã có báo cáo nghiên cứu nào chưa…chúng ta đang thiếu đi sự nghiên cứu, chưa thật thấu hiểu nên các hoạt động cứ xiên bổ nhau cả, nhiều mà chưa hiệu quả!
Xin mạo muội đưa ra ý kiến như trên, để cùng nhau bàn và thúc đẩy.
Hòa Phong.