Văn chương mang lại điều gì cho các cây bút phái đẹp? – Bài 2

Trên con đường văn chương, những nhà văn đích thực bao giờ cũng cô đơn và gặp nhiều khó khăn trắc trở, thậm chí bi kịch, như sự thử thách cho bản lĩnh sống và sáng tạo. Khi họ vượt qua thì ánh sáng nhân văn sẽ chiếu rọi vào trang viết giúp họ thăng hoa…

>> Văn chương mang lại điều gì cho các cây bút phái đẹp? – Bài 1

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc (Quảng Ninh): Nhà văn nữ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tư liệu đời sống cho tiểu thuyết

Với tôi văn chương như một sự giải phóng những năng lượng của mình, mang lại cho tôi nhiều nhất là tình bạn và một vị thế xã hội rất được coi trọng. Văn chương như là một cây thước để đo khi tôi mạnh mẽ hay yếu lòng. Không chỉ là niềm yêu thích thuần túy, mà văn chương còn là trách nhiệm của mình với trang viết, với độc giả.

Đối với mỗi người viết, không chỉ khó khăn cơm áo, mà còn là khó khăn về lao động chữ nghĩa, tìm tòi và phát hiện những mảng màu của cuộc sống ngày hôm nay rất muôn hình muôn vẻ. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của tôi khi khởi viết là nhân vật “hay”, đến lúc tôi chuẩn bị đóng máy kết thúc thì anh ta đang chuẩn bị đứng trước vành móng ngựa vì những đại án kinh tế với rất nhiều lý do. Vì thế, vượt qua khó khăn để viết được cuốn sách hay, có nhân vật văn học được “gọi tên” là một thách thức vô cùng lớn đối viết người viết nói chung, không riêng nhà văn nữ.

Với cá nhân tôi, vì công việc thuận lợi cho nghề viết nên không bị áp lực cơm áo, có thể yên tâm để viết những gì mình thích, viết những gì ấp ủ, viết khi mình vẫn làm công việc ăn lương. Nhưng cũng vì thuận lợi đó mà tôi đã bỏ qua sự trăn trở đau đớn, dằn vặt với tác phẩm của mình, nên các tác phẩm ra đời vẫn thiếu đi những mảng màu cuộc sống khốc liệt đâu đó mà mình chưa chạm tới.

Nếu ở trạng thái bị thách thức vì miếng cơm, manh áo hàng ngày thì cố gắng là vượt qua được, còn thách thức vượt qua khó khăn của việc tiếp cận cuộc sống, tiếp cận chất liệu cần thiết cho việc sáng tạo của mình luôn đòi hỏi nhà văn nữ có những cách nào đó, phương pháp tối ưu nào đó để có thể “chạm” đến những nguồn tư liệu giá trị đồ sộ để làm vốn liếng cho mình khi viết, nhất là viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ thách thức cho nhà văn nữ chính là thách thức về những khó khăn đó, nhất là khi nhà nữ viết văn xuôi, chú tâm vào thể tài tiểu thuyết, vì tiểu thuyết luôn là chủ đạo của văn học, nên để gây “sự ngạc nhiên” cho độc giả của mỗi nhà văn nói chung, không riêng nhà văn nữ vẫn là những thách thức lớn.

Nhà thơ Ngô Thị Ý Nhi (TPHCM): Văn chương như mở ra cho tôi một khung trời mới mẻ.

Thuở mới tập tành cầm bút, văn chương với tôi như một góc vườn bình yên rợp bóng cây nơi tôi để bầy ý tưởng tha hồ lang thang đuổi bắt. Có khi văn chương lại dịu dàng như một vùng bóng tối của góc phòng che chắn buồn vui. Chỉ có mình tôi đối diện với tôi để cảm thấy mình tự do trong vùng không gian nhỏ bé.

Sau này, khi tác phẩm của mình phổ biến rộng rãi hơn, những bài biết đến tay độc giả, văn chương như mở ra cho tôi một khung trời mới mẻ. Đó sự kết nối của những tâm hồn. Sự đồng cảm qua từng trang viết.

Tôi bước vào nghiệp cầm bút đã lâu rồi. Từ bao giờ? Hình như tôi quên mất khái niệm thời gian.

Vâng, cuộc sống thì vốn nhiều khó khăn bất trắc. Nhưng để có một mối duyên bền bỉ với văn chương thì hình như tôi… không phải vượt qua một nghịch cảnh nào quá lớn lao. Tôi làm nghề dạy học. Khi cầm phấn tôi làm việc hết mình. Có những kỳ thi gần như kiệt sức. Nhưng tôi hạnh phúc vô cùng như khi mình đắm đuối tận lực trong một cuộc tình dẫu ở ngoài đời hay trên trang viết.

Với tôi, cái chính là cuộc sống. Tôi bước vào cuộc sống ngắm nhìn và cảm nhận theo cách của riêng mình rồi lại trở về với riêng tôi đối diện cùng trang viết.

Tất cả với tôi nhẹ nhàng và đơn giản như cuộc sống hiện tại, một cô giáo về hưu một mình trong căn nhà nhỏ.

Nhà phê bình Thy Lan (Thanh Hóa): Cuộc sống của tôi hôm nay nhờ có văn chương mà trở nên khoáng đạt và diệu kỳ!

Văn chương luôn là sự thú vị mang yếu tố tự nhiên. Mỗi người đến với văn chương đều như duyên trời vậy. Tôi cũng thế! Để bền bỉ với tình yêu sáng tạo, tôi luôn vượt lên trên chính mình, vượt lên thực tế, nhất là tư duy tích cực trong sáng tác và cuộc sống để nuôi dưỡng đam mê.

Văn chương là nghiệp trời cho, tôi đến với nghiệp văn như một cơ duyên mà sự phấn đấu của nhà văn làm cho mối duyên đó thêm bền chặt. Với tôi văn chương đem lại nhiều điều thú vị: thú vị trong những thăng hoa cảm xúc, thú vị trong nhọc nhằn trải nghiệm, đôi khi thú vị cả khi “mất ngủ” vì hỗn độn suy tư trăn trở với chữ và đời.

Tôi đã chọn và văn chương cũng ưu ái cho tôi nhiều điều lạc quan. Nhớ lần được dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, tôi vẫn còn chưa hết bồi hồi, được gặp nhiều nhà văn tên tuổi, được giao lưu với nhiều bạn văn trẻ, thấy có nhiều nhà văn nữ tôi mừng lắm. Rồi các giải thưởng của quốc gia, của tỉnh cũng lần lượt đến, nhưng không quan trọng bằng sự cổ vũ của bạn viết bạn đọc, tôi dần có động lực hơn cho sự phấn đấu trong nghiệp phu chữ. Đặc biệt khi tôi là phụ nữ, cũng như bao người khác chúng tôi gánh trên vai những chức phận của người vợ, người mẹ. Nhưng chúng tôi biến những gian lao và hạnh phúc trong đời để thành đề tài viết và liều thuốc cho sự trưởng thành.

Sáng tác và nghiên cứu lý luận phê bình là hai lĩnh vực song hành. Tôi lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình như một cơ duyên để trải nghiệm và thử sức vì thấy rằng đây là lĩnh vực hay, đòi hỏi sự học và sự đọc. Đây là lĩnh vực khoa học của rất nhiều các học thuật, khái niệm, định nghĩa… nếu không quyết tâm, không đa mê, không tự trui rèn, thì rất dễ nản lòng, khó có thể tiếp cận thấu đáo.

​​​Cái thiếu ban đầu của người viết lý luận phê bình trẻ như tôi là bề dày kiến thức, năng lực thẩm mỹ, khả năng đánh giá, định lượng, kinh nghiệm hạn hẹp nên hầu hết các bài viết, các nhận định, đánh giá còn sơ sài, dàn trải, thiếu chiều sâu học thuật cần thiết, nặng về cảm tính chủ quan, lỏng lẻo về cơ sở khoa học, đó là điều dễ hiểu.

Tôi ý thức rằng người làm văn chương đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố, đó là thế giới quan lành mạnh, vốn sống phong phú, vốn văn hóa được trau dồi tích lũy thường xuyên, khả năng tư duy, khả năng làm chủ ngôn ngữ… Cao hơn là tấm lòng, thái độ sống. Chính nó là yếu tố quan trọng cấu thành giá trị chân thiện mỹ mang dấu ấn tài năng. Người viết lý luận phê bình còn cần hơn một tư chất là tính khách quan, trung thực và bản lĩnh nghề nghiệp. Chính vì thế có lúc tôi cũng định lùi, nhưng đúng là “thiên định”.

Tôi đã đi từng bước bằng đam mê và nội lực để rèn luyện bản thân, học hỏi các thế hệ đi trước. Văn chương khắt khe nhưng vị tha. Mỗi lần tôi va vấp, là mỗi lần thử thách và sau mỗi lần đó tôi mạnh mẽ, tự tin hơn. Đã 10 năm tròn gắn bó với nghiệp này, tôi biết ơn về tất cả những gì văn chương đem lại: Tình yêu, lòng tin và niềm đam mê… Cuộc sống của tôi hôm nay nhờ có văn chương mà trở nên khoáng đạt và diệu kỳ!

Nhà văn Phương Trà (Phú Yên): Hành trình sáng tạo của người cầm bút là hành trình vượt qua khổ ải

Khi còn là một cô bé, vào một buổi trưa, ngồi trong khu vườn xao xác gió ở một vùng quê hẻo lánh, tôi nói với ba má rằng lớn lên tôi sẽ làm nhà văn. Ba má tôi rất ngạc nhiên, có lẽ vì gia đình nội ngoại hai bên không có ai theo nghiệp cầm bút. Khi đó, cô bé tôi nghĩ đơn giản rằng trở thành nhà văn sẽ được đi khắp nơi và viết những truyện thật hay cho trẻ con đọc.

Lớn lên, tôi nhận ra viết văn là công việc vô cùng nhọc nhằn khổ ải. Và cũng chính vì nhọc nhằn khổ ải nên khi hoàn thành một tác phẩm, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, như thể vừa hì hục, toát mồ hôi vượt qua một quãng đường dài và đặt chân lên ngọn đồi lộng gió. Có điều, vừa lên ngọn đồi này thì lại thấy ngọn đồi khác, cao hơn, hấp dẫn hơn… Tôi nghĩ, hành trình sáng tạo của người cầm bút là hành trình vượt qua khổ ải, cũng là hành trình khám phá bản thân và không có điểm dừng. Có lẽ chính vì vậy mà công việc viết văn, dù nhọc nhằn, vẫn làm cho người ta mê đắm.

Mỗi khi viết một truyện ngắn, tôi có cảm giác mình sống một cuộc đời khác – cuộc đời của nhân vật. Văn chương mở ra nhiều cánh cửa để tôi bước vào những thế giới khác nhau.

Một ngày chỉ có 24 giờ. Trong 24 giờ đó, phần lớn thời gian là dành cho công việc, cho con cái, cho gia đình. Không thể ngồi viết văn nếu như công việc cơ quan giao chưa làm xong, trong tủ lạnh hết thực phẩm nhưng chưa đi chợ, con đã đến giờ tan trường không có ai đón… Tôi nghĩ phải đắm đuối với văn chương thì các nhà văn nữ mới có thể bền bỉ trên con đường sáng tạo.

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi (TPHCM): Viết là một cách giải thoát bản thân

Những ngày đầu cầm bút, đặt bút viết, tôi viết vì cảm xúc chứ không viết vì mục đích được đăng bài, được xuất bản. Dần dần, nghề viết với tôi như một người “bạn thân” trung thành, dễ chia sẻ. Tôi viết vì có những điều tôi không thể nói được. Tôi viết để chính tôi hiểu được nội tâm của tôi. Tôi viết để không bị lãng quên những điều đã diễn ra trong thế giới tôi đang sống.

Đôi khi đời sống của tôi lúc ấy cần một sự giải thoát, giải thoát bằng mọi cách và không gì ngoài viết lách. Càng về sau, tư duy tôi linh hoạt hơn, cảm xúc tôi dạt dào hơn và bản ngã trong tôi không thay đổi, luôn hình thành ý tưởng…

Thế nhưng với tôi, nhà văn nữ để tồn tại, bền bỉ với nghề viết phải vượt qua muôn ngàn khó khăn và thử thách. Những cây bút nữ chúng tôi cùng có một điểm chung đó là nghị lực mãnh liệt, nỗ lực vượt qua đời sống vật chất, kinh tế khó khăn để xây dựng gia đình riêng ấm no, hạnh phúc…

Nhà thơ Phạm Vân Anh (Bộ đội Biên phòng): Văn chương thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và tin tưởng

Có thể nói rằng, dẫu phải trải qua một quá trình học hỏi, trải nghiệm và nỗ lực sáng tạo nhiều nhọc nhằn và thử thách, song trong tôi vẫn luôn đầy ắp tình yêu đối với văn chương. Bởi là văn chương chính là một trong những cánh cửa quan trọng giúp cho tôi có được tâm thế, tư duy, cách sống và đạt được ít nhiều thành công như ngày hôm nay. Là người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và báo chí nên tôi đã từng rẽ theo nghề khác, song chính văn chương và khát vọng sáng tạo văn chương đã thúc giục tôi phải nỗ lực tự học, từ trau dồi mọi kỹ năng thông qua việc đọc sách, tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn từ các thế hệ đi trước để dần hoàn thiện bản thân và làm công việc mà mình yêu thích.

Tôi rất thích một câu cách ngôn: “Nếu tôi không tin vào nhân cách của anh thì đừng bắt tôi tin những gì thơ anh nói”. Văn chương cho tôi cơ hội cảm nhận thấu đáo và sâu sắc đối với nhiều vấn đề, nhiều kiểu người trong xã hội, từ đó thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Khi nhìn cuộc sống và những người quanh tôi bằng cái tôi cộng đồng thì những điều đọng lại trong mắt trong cảm xúc của tôi là một bức tranh đa chiều với những mảng miếng phức tạp có tên là đời sống số phận. Không chỉ có con người mà bất kì một sự kiện một địa danh hay một hoạt động nào cũng đều có đời sống và số phận của riêng nó. Muốn đưa được những cái đó vào văn chương thì phải tôn trọng chủ thể mà mình đang nói tới. Tôi chưa làm được gì nhiều cho quê hương đất nước mình và những thân phận mà tôi đã gặp, tôi cũng chưa có dịp tri ân những người đã ủng hộ tôi trên đường đời… tôi chỉ có thể thông qua văn chương để bày tỏ. Chính vì lẽ đó, tôi không cho phép mình thiếu chân thành cả trong văn chương lẫn trong đời sống hiện thực.

Một điều hết sức ý nghĩa khác nữa là cùng với sự trưởng thành trong cuộc sống, văn chương đã gợi mở cho tôi sức nghĩ, sức viết, sự tinh nhạy và nguồn cảm xúc ấm áp, thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và điều mình tin tưởng, hướng tới sự mỹ cảm của cuộc sống cũng như nghệ thuật. Điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc phát hiện đề tài phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn và từ đó tạo cảm hứng cho tôi sáng tác văn học. Những trải nghiệm cuộc sống, những khoảnh khắc, cơ hội được sống cùng lịch sử, văn hóa và nhân sinh quan Việt đầy sống động và minh triết đã phần nào được tôi chuyển tải qua những tác phẩm của mình

Các thế hệ nhà văn đi trước cho tôi thấy con đường đến với văn chương của họ là một sự lao động không mệt mỏi và một cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ. Tôi là người luôn cố gắng cân bằng mọi khía cạnh trong đời sống cá nhân, công tác chuyên môn cũng như hoạt động sáng tác. Có vẻ như tôi hơi tham lam nhưng do đặc thù công việc là một nữ quân nhân, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như viết báo, làm thơ, viết văn, viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu nghệ thuật dân gian và gần đây còn làm chỉ huy, quản lý một đơn vị bộ đội…, nên chính yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu cũng như khát vọng muốn được thử nghiệm bản thân lại là động lực để tôi phấn đấu bền bỉ.

Với tôi, việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống có vẻ như dễ dàng hơn là vượt qua khó khăn nội tại để sáng tác hiệu quả. Viết văn cho tôi cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào. Dẫu biết là không hề dễ dàng để thành công trên mọi đề tài, thể loại nhưng tôi vẫn luôn đặt ra những cái đích để phấn đấu. Với tôi, đất Việt rộng dài, người Việt trung hậu chính là vỉa quặng quý để tôi “đãi thành vàng” trong mỗi tác phẩm của mình. tôi nhận ra rằng, chỉ cần có một tình yêu với quê hương đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, người ta có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình.

Bên cạnh đó, khát vọng bứt phá và cách tân trong văn chương lúc nào cũng luôn trong tôi. Vấn đề là tôi đang muốn thử nghiệm mình trên mọi phương diện để có đủ độ chín nhất định. Nêu chỉ mong bứt phá mà trở nên dễ dãi phóng túng trong sáng tác thì sẽ là thiếu tôn trọng bản thân thiếu tôn trọng độc giả và trên hết là thiếu tôn trọng Thơ. Truyền thống hay cách tân đều có ưu điểm riêng của từng trường phái. Nếu người viết biết kết hợp cả hai ưu điểm ấy thì mỗi trang văn, mỗi dòng thơ của họ sẽ có chiều sâu tư tưởng có bản lĩnh dưới hình thức thể hiện hoặc giọng điệu mới lạ. Tôi hi vọng bản thân sẽ sớm khẳng định được phong cách văn chương của mình theo phương châm ấy.

Nhà văn Lê Phương Liên (Hà Nội): Tôi khao khát tìm đến tinh hoa đời sống

Tôi đến với văn chương từ lúc 19, 20 tuổi. Lúc ấy tôi đang học hành tu nghiệp để trở thành giáo viên, một nghề mưu sinh lương thiện mực thước hợp với phụ nữ. Tuy vậy tôi không bằng lòng với một cuộc sống không sáng tạo chỉ rập khuôn theo sách giáo khoa. Tình yêu sáng tạo đã sớm nảy nở trong tôi. Văn chương như ánh mặt trời đánh thức tâm hồn tôi. Tôi khao khát tìm đến tinh hoa đời sống.

Từ một giáo viên tôi trở thành cán bộ NXB Kim Đồng chính là để tìm đến một cõi tinh hoa. Khi bắt đầu thời kỳ đổi mới việc làm sách theo cơ chế thị trường đã khiến tôi đối diện với thử thách về nhu cầu mưu sinh lợi nhuận và lẽ sống văn chương là tinh hoa. Để rồi trong thực tế chính tư tưởng: Văn chương là tinh hoa của tuổi thơ đã đưa NXB Kim Đồng, trong đó có tôi, tồn tại vững vàng trên thị trường.

Là một phụ nữ tôi đã trải qua đau khổ và gian nan trong việc sinh ra ba con, nuôi day các con trở thành những người lương thiện sống hạnh phúc. Đối với tôi việc bền bỉ với tình yêu sáng tạo chính là để vượt qua khó khăn của đời sống trong đó có việc lo toan cơm áo cho gia đình. Trong đời mình việc lựa chọn văn chương lên trên hết đã khiến tôi tìm ra con đường sáng sủa nhất, thành công nhất. Văn chương thực sự là lẽ sống của đời tôi.

Nhà văn Ngô Thị Thu Vân (Bến Tre): Văn chương giúp tôi khỏa lấp nỗi buồn trống vắng và vực dậy niềm đam mê chữ nghĩa

Tôi chọn học chuyên văn từ năm lớp 10 để chuẩn bị cho mình một tiền đề thực hiện ước mơ trở thành nhà văn. Giải phóng Sài Gòn đúng vào năm cuối cập ba, tôi như người say rượu bước loạng quạng quơ vào đâu cũng không có chỗ bám víu vì khi đó, toàn bộ các trường có liên quan như Đại học Văn khoa, Luật, Báo chí đều bị giải thể. Không thể cứ lông bông mãi tôi thi vào Sư phạm.

Ra trường, tôi tình nguyện về Bến Tre dạy học và lập gia đình. Sự vắng vẻ cô quạnh ở một vùng quê sông nước mỗi ngày làm ràn rụa trong tôi nỗi nhớ nhà, nhớ phố, nhớ trường lớp, bạn bè… Thế là tôi bắt đầu viết. Những con chữ sống động khỏa lấp đi muôn ngàn nỗi nhớ trong tôi, mang đến niềm vui và sự an ủi… giúp tôi vực dậy niềm đam mê và đem đến cho cuộc sống của tôi một không gian mới mẻ ấm áp mỗi ngày.

Bắt đầu từ những sáng tác được đăng trong tạp chí văn nghệ và các báo, đặc san, giai phẩm ở tỉnh, không lâu sau, tôi được báo Văn Nghệ và các báo có tên tuổi của Thành phố Hồ Chí Minh chọn đăng và giới thiệu. Tôi biết mình đã thuộc về thế giới của văn chương và có thể bước đi vững chắc trên con đường mà mình yêu thích nếu thật sự cố gắng.

Một mình với con nhỏ, với công việc giảng dạy, sau này là buôn bán, làm vườn, tham gia công tác địa phương rồi trở về Sài Gòn viết báo… nhưng tôi vẫn luôn dành cho sáng tác một thời gian nhất định cùng những cảm xúc thăng hoa nhất.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan (Thái Nguyên): Nếu không sáng tác văn chương thì ai nói hộ đồng bào dân tộc tôi

Văn chương khơi dậy niềm đam mê, sự khát khao từ sâu thẳm trong tâm hồn, là động lực để tôi mạnh dạn trải lòng, nói tiếng nói của đồng bào dân tộc tôi – những người dân hiền lành, thật thà, chất phác, nhất là thân phận của những người mẹ, người vợ trong gia đình. Đồng thời, phản ánh những nét đẹp tinh tế, bản sắc văn hóa vùng miền, sự đổi mới trong cuộc sống từng ngày, từng giờ đang “thay da, đổi thịt” trên rẻo cao quê hương tôi. Tuy nhiên, nơi ấy nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại trên các bản làng cần phải xóa bỏ. Ngày nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc… Và đó chính là điều tôi trăn trở để chắp bút, đưa “muôn mặt” cuộc sống vùng cao vào tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết… trên cơ sở đó hướng thiện cho người dân quê tôi phấn đấu sống nhân văn, sống đẹp…

Để có thể bền bỉ với tình yêu sáng tạo văn chương, tôi phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có những lúc tưởng chừng không trụ vững trước áp lực từ gia đình và xã hội và từ chính bản thân.

Đã đam mê rồi thì khó dứt ra. Tôi sáng tác mọi lúc, mọi nơi. Khi thì tranh thủ trên đường đi công tác, lúc viết vào nửa đêm hoặc buổi trưa… Tuy nhiên, tôi “vấp” khó khăn từ sự quan niệm “kỳ thị” của người đời xung quanh trong cơ quan, bạn bè, hàng xóm… Họ gán cho những người phụ nữ mê văn chương như tôi là: “Tư cách không đứng đắn, dễ dãi, yêu bồng bột, xốc nổi, mơ mộng, không thực tế…”

Phải nói rằng, những ngày tháng đó tôi gặp áp lực từ những lời nói bâng quơ. Có lúc, tôi định buông bỏ con đường sáng tác đầy nước mắt, thế nhưng được sự thấu hiểu, cảm thông từ chồng con tôi, như là định mệnh với văn chương, tôi đã vượt qua. Tôi tự nhủ mình phải cầm bút sáng tác, phải viết. Bởi, nếu không sáng tác văn chương thì ai nói hộ đồng bào dân tộc tôi? Càng khó khăn thì tôi càng muốn dấn thân vượt khó.

Nhà thơ Thanh Yến (TPHCM): Tôi thường vịn vào con chữ khi đối diện với những thăng trầm, sóng gió trên dòng đời

Văn chương đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị giúp cuộc sống thăng hoa, cũng là vườn ươm mầm và làm nảy sinh tư tưởng hướng đến hành động hoàn thiện hơn, nhất là về nhân cách, đạo đức. Đồng thời, văn chương còn tạo môi trường giúp tôi liên kết với cộng đồng, xã hội ngày càng tốt đẹp. Tình bạn văn chương chân thành giúp con người sống đẹp sống tốt hơn.

Để có thể bền bỉ với tình yêu sáng tạo, tôi thường vịn vào con chữ, nhất là khi đối diện với những thăng trầm, sóng gió trên dòng đời. Những lúc ấy, vần điệu đã sẻ chia, giúp tôi vơi bớt nỗi niềm và vượt qua khốn khó. Ngoài ra, tình cảm gia đình, người thân… cũng là động lực tạo nguồn cảm hứng giúp tôi gắn bó, bền bỉ với ngòi bút sáng tạo, hy vọng có những trang viết ưng ý.

Nhà văn Hoàng Thanh Hương (Gia Lai): Văn chương giúp tư duy và tình cảm trong tôi chín chắn và trách nhiệm hơn

Văn chương đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống của tôi, trước hết nó cho tôi khả năng cảm nhận cuộc sống đa chiều, đa diện nhờ đó mà nhận thức của bản thân tôi về các lĩnh vực của đời sống được nâng lên theo thời gian. Thứ hai, văn chương đem lại cho tôi những trải nghiệm thú vị về cuộc sống hiện thực và cho tôi cơ hội cất lên tiếng nói riêng của mình về những gì mình đi/thấy/viết, thể rõ tiếng nói cá nhân đồng tình hay phản biện trước các vấn đề lớn/nhỏ của đời sống xã hội, quảng bá về con người và quê hương nơi tôi sinh sống theo cách riêng của mình đến bạn bè trong nước quốc tế. Thứ ba, văn chương giúp tư duy và tình cảm trong tôi chín chắn và trách nhiệm hơn với chính mình, cộng đồng và xã hội.

Để có thể bền bỉ với tình yêu sáng tạo văn chương, tôi đã vượt qua những định kiến của không ít người trong xã hội này khi nhắc tới 3 từ “văn nghệ sĩ”. Thực ra những văn nghệ sĩ chân chính họ rất chuyên nghiệp trong công việc, lối sống, tác phong. Tôi đã vượt qua những khó khăn, bận rộn của người phụ nữ cần phải “giỏi việc nước và đảm việc nhà” vì tôi là một công chức. Có người hỏi tôi viết khi nào? Tôi viết vào những đêm dài khi mọi người đã say ngủ, những thứ 7, chủ nhật rảnh rỗi, với phụ nữ viết văn nhan sắc hao tàn là để đổi lấy con chữ và tác phẩm. Tôi cảm ơn những chuyến đi công tác cơ sở trên khắp địa bàn tỉnh khi làm một cán bộ tuyên giáo, những chuyến đi ấy đã cho tôi chất liệu để viết thật sâu, sát, cảm xúc về vùng đất và con người nơi tôi sống, làm việc trong những tháng ngày dài rộng của tuổi trẻ. Với tôi, tác phẩm thiếu hơi thở cuộc sống, xa rời hiện thực đời sống sẽ không thể tồn tại lâu dài.

Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm (Hà Nội): Văn chương mang lại những khát vọng sống và vẻ đẹp của ngôn từ tiếng Việt

Với cá nhân tôi, văn chương mang lại những khát vọng sống cao đẹp, những góc nhìn hiện thực, những nét văn hóa của đời sống của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử của nhiều vùng miền, những vẻ đẹp của tâm hồn, những vẻ đẹp của tình nhân ái, tính nhân văn, những vẻ đẹp của ngôn từ tiếng Việt. Tôi được đọc, được viết, được học hỏi, được sáng tạo câu từ trên một trên một diễn đàn nhân văn và trí tuệ.

Rất nhiều người cầm bút bị những áp lực về đời sống vật chất, tôi cũng vậy, ngoài việc lo toan cuộc sống của một gia đình trong đó có các cháu nhỏ còn đang đi học, áp lực về tiền bạc luôn luôn là mối quan tâm của tôi.

Là một kỹ sư, là một giáo viên toán ở độ tuổi chưa nghỉ hưu, tôi ngày ngày đối diện với các dự án của công ty và có thêm một trung tâm dạy toán buổi tối, tôi thường chọn thời gian từ 22h đến 24h cho việc viết văn, tuy nhiên khi say mê viết thì có thể viết đến mấy giờ sáng. Dù nhuận bút những bài viết không nhiều, sách của mình muốn in phải bỏ tiền túi ra in, nhưng niềm đam mê học hỏi và sáng tạo trong văn chương giúp tôi vượt qua tất cả những khó khăn mà tôi hiện có.

Nhà văn Lê Hà Ngân (Hà Nam):

Tôi quan niệm văn chương là thân phận con người, giúp tôi sống tử tế hơn. Tiếp xúc với văn chương tôi cảm nhận được niềm vui cuộc sống bớt tẻ nhạt hơn. Khi mở lòng ra với trang viết, hóa thân vào tác phẩm được sáng tạo, được thanh tẩy tâm hồn để mình sống nhân văn hơn hướng thiện hơn. Đến với văn chương tôi thấy mình được sống thêm lần nữa. Khi cái thiện cái ác vỗ vai nhau cùng cười để đi đến tương lai thì nhà văn phải mở hồn ra để lắng nghe âm thanh của cuộc sống và trái tim phải đập theo nhịp đập với nhân quần.

Đến với văn chương thực sự là một con đường gian nan và cô đơn đòi hỏi phải có niềm đam mê và kiên trì với nghề thực sự mới bám trụ được. Tôi là một cô giáo dạy cấp 2 ở một vùng biển ngày ngày đến trường với học sinh. Tôi cũng không được đào tào qua trường lớp viết văn nào cả. Thời gian dành cho văn chương của tôi không có nhièu. Đôi khi còn bị coi là lạc lõng khi mình cứ âm thầm viết. Nhưng tôi không chùn bước vẫn tận dụng mọi thời gian để viết. Tôi luôn mở lòng ra để giao hòa với sự vật và quan sát xung quanh tạo cho mình cảm xúc tươi mới hâm nóng cảm xúc để văn không bỏ mình.

Có lẽ đam mê luôn thắp lửa trong tôi, tạo cho tôi động lực cầm bút. Tôi cũng không có nhiều cơ hội đi tham quan du lịch hay giao lưu văn chương với bạn viết để học hỏi kinh nghiệm. Tôi cứ âm thầm nhìn lên bầu trời, cúi xuống mặt đất để nghe tiếng thở dài của gió, tiếng cựa mình của sông, nghe tiếng khóc uất nghẹn của bao cảnh đời éo le quanh ta. Quan sát và đồng cảm yêu thương dâng lên trong hồn để chảy thành mạch  văn. Tôi khát viết và tự rèn dũa mình. Tự đọc để nâng phông văn hóa của mình trong tác phẩm. Và sự sáng  tạo ùa về trong hồn tôi. Giúp tôi vượt lên để hoàn thiện dần trang viết và yêu nghề hơn, sống tử tế  hơn mỗi ngày qua từng câu chữ từng trang viết.

YÊN YÊN thực hiện

Theo Vanvn.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *