Nhiều người cho rằng viết văn là công việc trời đày. Để đi được bền bỉ trên con đường văn chương đã khó, với riêng phụ nữ càng khó hơn, khi họ vừa đảm đang công việc gia đình vừa theo đuổi đam mê sáng tạo. Nếu thành công bằng tác phẩm, ngoài chút danh vọng được bạn đọc biết đến thì văn chương còn mang lại gì cho các cây bút phái đẹp? Và họ đã tự vượt khó ra sao? Nhân kỷ niệm ngày 8.3, Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam mở Bàn tròn Văn học để một số nhà văn nữ tâm tình.
>> Văn chương mang lại điều gì cho các cây bút phái đẹp? – Bài 2
Nhà văn Y Ban (Hà Nội): Nhà văn rất cần cả lòng dũng cảm!
Giống như tất cả mọi nhà văn trên thế giới này văn chương là một sự đam mê cháy bỏng. Vì vậy văn chương đã làm thỏa mãn sự đam mê cho người viết. Khi một nhà văn đặt bút viết những câu chữ đầu tiên đó chính là sự thỏa mãn niềm đam mê. Còn tôi không biết có ai cầu danh cầu lợi gì từ con chữ của mình, tôi không biết.
Mỗi nhà văn có cách riêng vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng tình yêu sáng tạo. Tháng 10.1989 tôi chính thức rời bỏ Trường Đại học Y khoa Thái Bình lên nhập học khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du. Khi đó tôi là biên chế nhà nước cử đi học nên có lương. Sau khi tốt nghiệp tôi không quay về cơ quan cũ nên không có lương nữa, con gái đầu lòng được 9 tháng. Tôi đã “biên chế” vào “viên chức” vỉa hè phố Trịnh Hoài Đức bán gà tần thuốc Bắc từ năm 1992 mãi đến tháng 12.1994 tôi mới làm thử việc tại Báo Giáo Dục và Thời Đại. Tháng 10.1995, tôi được ký hợp đồng dài hạn và làm việc tại báo cho đến năm 2016 thì về hưu.
Tôi nghĩ trường hợp của tôi cũng là may mắn vì tôi có công việc ổn định để nuôi mình và gia đình. Có thể sự ổn định đó mà tôi có một sự nghiệp văn chương dày dặn như bây giờ? Tuy nhiên nếu ổn định quá cũng rất khó phát triển. Suy cho cùng là tạng người viết, ai chọn con đường nào thì sẽ có thành công cũng như thất bại ngay trên con đường đó. Con đường của tôi cũng đầy chông gai. Năm 2007 cùng với sự kiện I am Đàn bà thì sự cố ở cơ quan báo khiến tôi kiệt quệ, quá căng thẳng khiến có nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết. Rất may tôi đã có gia đình và bạn bè bên cạnh. Và cả sự can đảm của chính mình nữa.
Nhà văn rất cần cả lòng dũng cảm!
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (TPHCM): Điều quan trọng hơn hết là đừng để mình phai lạt với chữ nghĩa
Trong mắt của mọi người, nhà văn có một vị trí hơi đăc biệt, được nhận cảm tình của nhiều người, được tôn trọng. Thật ra, văn chương không mang lại lợi nhuận, tiền bạc gì nhiều cho nhà văn. Đây là cuộc chạy đua mất nhiều sức lực, mà chỉ vì đam mê, bàn chân người viết được thôi thúc dấn lên! May mắn thay, trong sáng tạo câu chữ và nhân vật, người ta tìm được những liều thuốc chữa trị được ưu phiền, mang lại những tình cảm chưa hề có, mang lại những sắc màu lạ lùng mà trong thực tế chưa hề trải qua.
Sống nhờ vào viết thì khó. Tôi viết, nhưng sống bằng nhiều nghề khác. Không thể tìm cho mình một chốn “bồng lai” để rảnh rang ngồi viết được đâu. Thì đây, trong bộn bề việc nhà, con cháu, việc mưu sinh… tự nó cũng đã tuôn ra bao nhiêu điều làm vốn cho tôi. Tôi lấy cảm hứng từ những điều nhỏ nhặt, bình thường nhất! Một chiếc vảy cá trên tóc, một tiếng cười của cháu… cũng có thể biến tôi thành gạch nối giữa thế giới thật và thế giới ảo. Nhưng để ghi chép được một mảng nào của cuộc sống, ta không đuợc để cho những bận rộn chi phối.
So với sự chủ động của nam giới, phụ nữ viết văn ở thế kỷ nào cũng bị gò bó, kỳ thị. Nên nhất định khi cầm viết lên là phải tìm cho mình một khoảng tự do. Điều quan trọng hơn hết là đừng để mình phai lạt với chữ nghĩa, đừng để tình yêu với ngôn từ bị cuộc sống cướp mất đi. Giờ tuổi tác làm mình tĩnh lại, trầm lặng lại và không bồn chồn như thuở mới “vào nghề”. Nhưng có cảm giác là cuộc đời không bỏ rơi mình, bởi ngoài một cõi sống, mình có thêm một cõi đọc và một cõi viết nữa! Không hề là một người tiếng tăm gì, nhưng tôi học được một tấm gương, ấy là khi nhà xuất bản phán “Hãy quay về công việc hàng ngày của cô đi!”, lúc đó nếu cô ấy tự ái mà bỏ bút thì cả thế giới không có… J.K. Rowling và tác phẩm Harry Potter quyến rũ bạn đọc khắp thế giới!
Nhà văn Thu Loan (Gia Lai): Để viết văn phải bận rộn, vất vả gấp đôi, gấp ba người khác
Văn chương luôn mang đến cho tôi những cảm xúc tươi mới. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa hơn dù gặp khó khăn, khổ đau, thiệt thòi…
Để có thể bền bỉ với tình yêu sáng tạo, tôi luôn cố gắng xây đắp hạnh phúc gia đình, làm tròn trách nhiệm với cha mẹ, người thân bên mình, bên chồng. Tôi đã phải làm thêm rất nhiều việc để kiếm sống: mở quán trà, làm đại lý vé số, cho thuê phòng trọ, viết sách… Có thành công, có thất bại. Cũng chỉ mang tính chất tăng thêm thu nhập vì ở Gia Lai rất ít việc cho nghề văn. Có thì cũng không đem lại lợi nhuận cao. Còn những ngành nghề khác thì mình không thể đua với thiên hạ. Hoặc mình không có vốn, hoặc không thể dành nhiều thời gian cho những việc đó hoặc con người mình nhân văn quá, không thể đua chen…
Để viết văn, theo đuổi công việc mình yêu thích thì phải bận rộn, vất vả gấp đôi, gấp ba người khác cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi luôn cảm ơn trời đất đã ban tặng cho mình một chút năng khiếu văn chương để cảm nhận sự tươi đẹp của cuộc đời và đóng góp cho cuộc đời một chút sự tươi đẹp.
Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền (An Giang): Văn chương như thứ thần dược cho tâm hồn lẫn cơ thể tôi
Văn chương mang lại cho tôi niềm vui kỳ diệu bất tận mà không có niềm vui nào bằng, kể cả niềm vui vật chất. Tôi có thể sáng tạo ra một thể giới tươi đẹp hơn, nhân ái hơn, chân thiện mỹ hơn.
Để có thể bền bỉ với tình yêu sáng tạo tôi phải vượt qua rất nhiều khó khăn vì phải hành nghề dược và thỉnh thoảng bị bệnh.
Khi viết tiểu thuyết Mệnh đế vương tôi cũng đang chữa bệnh. Nhưng trong lòng khắc khoải về số phận Lý Chiêu Hoàng mà tôi cảm thương. Thế là mỗi ngày tôi cố gắng viết một ít. Sợ mình không viết lỡ chết đi sẽ không hoàn thành tâm nguyện. Thế là viết xong mà bệnh cũng khỏi luôn. Văn chương như thứ thần dược cho tâm hồn lẫn cơ thể tôi.
Nhà phê bình Hoàng Thị Thu Thủy (Thừa Thiên – Huế): Văn chương là kênh giao tiếp đầy hứng thú, trí tuệ, giàu cảm xúc
Sự tồn tại của mỗi cá nhân với không gian và thời gian là hữu hạn. Văn học có khả năng phá vỡ cái giới hạn tồn tại ấy, đến với văn chương tôi nhận thức rằng mình được sống dài hơn, nhiều hơn bằng những số phận, những cuộc đời khác nhau trong tác phẩm.
Nếu coi tri thức con người là kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn thì vốn kinh nghiệm của mỗi cá nhân phần lớn là kinh nghiệm gián tiếp, hình thành qua sự tiếp thu kinh nghiệm của người khác. Phần kinh nghiệm trực tiếp, kinh nghiệm nếm trải là khá giới hạn. Khi cảm thụ tác phẩm văn học, sự nếm trải cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng phá bỏ sự ngăn cách giữa hai khu vực kinh nghiệm đó, tạo ra sự chuyển hoá tích cực từ những kinh nghiệm gián tiếp, trừu tượng thành kinh nghiệm cá nhân, trực tiếp.
Điều quan trọng nhất là tôi nhận thức được chiều sâu của những khám phá thẩm mĩ về con người, giúp tôi liên tưởng tới cuộc sống của chính bản thân mình.
Văn học mở rộng sự hiểu biết cũng chính là văn học cải biến thế giới bên trong, thế giới tinh thần của con người, tạo điều kiện cho mình ý thức được chính bản thân mình, tự lựa chọn cho mình một thái độ sống đúng đắn. Văn học đóng vai trò như là một hiện tượng xã hội hoá cá nhân, phát triển trong mỗi cá nhân đầy đủ những đặc tính xã hội cũng như những biểu hiện phong phú của bản chất người.
Là sản phẩm của một hình thức sáng tạo tuân theo quy luật của cái đẹp, văn học không những thoả mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người mà còn phát triển ở họ khả năng hành động, sáng tạo theo quy luật ấy. Khi nói rằng nghệ thuật làm phong phú đời sống con người, cũng có nghĩa là nó giúp con người nhạy cảm hơn, tinh tế hơn trong hành động và cảm thụ thế giới.
Ngoài ra, đến với văn chương tôi có nhiều niềm vui khi đọc tác phẩm văn chương của những nhà văn quen và chưa quen, rồi viết những cảm nhận đánh giá của mình về tác phẩm của họ, và đó là kênh giao tiếp đầy hứng thú, trí tuệ, giàu cảm xúc. Những bài viết của tôi đã góp phần nâng cấp lí giải tác phẩm lên cấp quan niệm và tính hệ thống, đánh giá được vị trí tác phẩm trong lịch sử văn hoá, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật.
Nhà văn Kiều Bích Hậu (Hà Nội): Khi tôi toàn tâm toàn ý đi theo nghiệp viết thì tiền cũng tự nhiên đến
Văn chương mang lại cả một đời sống phong phú, hấp dẫn cho tôi. Mỗi ngày mới đến không phải là một trách nhiệm, mà là một khám phá thú vị. Ai sẽ đến với tôi hôm nay, người ấy là cả một thế giới bí hiểm, và tôi sẽ phát hiện ra họ, phát hiện ra tôi trong giao tiếp với họ ra sao, đều thể hiện trong những trang viết sáng tạo, với những ý tưởng mới mẻ, hoàn toàn không trùng lặp.
Có những lúc tôi từng nghĩ, mình phải kiếm ra nhiều tiền đã, rồi dùng tiền ấy mà nuôi mình, nuôi văn. Tôi phải có điều kiện kinh tế vững vàng thì mới an tâm viết văn được. Tôi đặt mục đích, làm việc để kiếm thật nhiều tiền, cho đến năm 40 tuổi thì sẽ dừng lại khi có một cái nhà cho thuê, một khoản đầu tư hoặc tiền tiết kiệm sinh lãi đủ lo chi phí cho gia đình, còn tôi ung dung dành thời gian cho đam mê văn chương, thơ phú và các chuyến đi khắp thế giới. Tôi đã thành lập một công ty truyền thông, tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, tôi đã rất vất vả, lao tâm khổ tứ nhưng chỉ đủ để nuôi nhân viên, ngoảnh đi ngoảnh lại gần chục năm mà tôi không đạt mục tiêu. Tôi nhận ra rằng, càng đuổi theo tiền, thì tiền càng chạy xa tôi. Tôi quyết định dừng lại, đóng cửa công ty, tìm việc làm khác cho các nhân viên, xong xuôi đâu đấy thì tôi sắp xếp lại cuộc đời mình.
Tôi thay đổi chiến lược: không đợi đủ điều kiện kinh tế rồi mới viết. Tôi tập trung vào mục tiêu viết văn, bất kể khó khăn ra sao. Kỳ lạ thay, khi tôi tập trung vào việc viết, thì câu chuyện cứ kéo đến với tôi từng ngày, ý tưởng mới cứ nảy ra trong tâm trí từng giờ. Tôi chỉ việc viết nó ra thôi. Và như được trời thương vậy, khi tôi toàn tâm toàn ý đi theo nghiệp viết, thì tiền cũng tự nhiên đến với tôi mà chẳng cần săn tìm. Tôi chỉ cần săn tìm chữ nghĩa mà thôi. Khó khăn với tôi bây giờ, chỉ là vấn đề thời gian. Tôi luôn cảm thấy thiếu thời gian để viết cho hết những câu chuyện mà mình có, những ý tưởng sáng tạo đã nảy sinh. Thách thức mà tôi thấy trước mắt mình, đó là vượt thời gian. Tôi cần tu rèn để nâng mình lên một nấc mới trong sáng tạo và tốc độ sáng tạo. Vì thế, tôi tự quan sát mình mỗi ngày, chiêm ngưỡng sự phát triển của chính mình trong sáng tạo.
Nhà văn Trần Thu Hằng (Đồng Nai): Văn chương giữ gìn tôi trong nhận thức về Chân – Thiện – Mỹ
Văn chương mang đến cho tôi thêm một cuộc đời nữa, bên cạnh cuộc đời của sự hiện tồn này. Cũng nhiều nỗi bi hoan, được mất…
Chính vì đó là một cuộc đời đầy vi diệu nên tôi cũng xác định là mình sống với nó bằng tất cả khả năng, tình cảm của mình (bao hàm cả những hạn chế, cũng có lúc buồn chán chứ không hoàn toàn vui vẻ). Nhưng văn chương giữ gìn tôi trong nhận thức về Chân – Thiện – Mỹ, nên tôi cũng mang những điều ấy vào đời thực, để có thể vượt qua được những khó khăn trong đời sống hiện nay
Nhà thơ Đặng Tường Vy (Pháp): Với người tha hương xứ lạ, thơ là cội nguồn, mạch sống, hơi thở…
Những ai đó đã từng xuất ngoại, biết rằng cuộc sống nước ngoài rất bận rộn, dường như không có thời gian để sống cho riêng mình. Cuộc sống cứ tất bật lướt qua nhau. Riêng tôi dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa, tôi luôn dành cho mình một góc nhỏ để yêu văn chương.
Với người tha hương xứ lạ, thơ là cội nguồn, mạch sống, hơi thở. Trong suốt những năm xa xứ, người bạn duy nhất, trung thành nhất của tôi là thơ. Với thơ tôi được sống với chính mình, được trải lòng mình trong những buồn vui. Thơ nâng dậy tâm hồn, nâng lên sự sống, giúp người xa xứ như tôi không thấy mình cô độc lạc lõng giữa đất khách quê người.
Múc thìa sương, nêm nỗi buồn
Lạnh trong dòng máu lạnh luồn qua tim
Múc thìa sương, trút vào đêm
Nỗi buồn càng lớn càng mềm nhũn ra
Hay là:
Đàn bà xếp chữ nở hoa
Đàn bà đưa tiễn mùa qua cạn mùa
Cuộc sống nước ngoài là như thế đó. Không có tình yêu văn chương, con người sẽ như thế nào? Nụ cười không nở trên môi người xa xứ. Biết bao nỗi buồn nơi đất khách, mang thơ ra nêm nếm, nhờ vậy hương vị cuộc sống thêm ý nghĩa, niềm tin, nghị lực. Đã bao năm tôi xem văn chương như chiếc gậy chống lưng cho riêng mình trong suốt hành trình đơn độc.
Điều may mắn nhất của tôi là không gặp trở ngại trong hành trình sáng tác. Tôi được người bạn đời đồng cảm sẻ chia, góc trời riêng văn chương trong tôi luôn bừng sáng vững bước. Tôi mong ước mình có nhiều thời gian hơn nữa, đọc nhiều, đi nhiều và viết nhiều. Trong tình yêu văn chương, tình yêu nghệ thuật, bắt buộc phải có đam mê. Có đam mê, có thành công.
Nhà văn Trầm Hương (TPHCM): Làm người, được chọn ngòi bút làm nghề nghiệp thì phúc phận bội phần
Khi tôi rẽ ngang nghề kỹ sư nông nghiệp, chọn con đường cầm bút, mẹ tôi rất lo lắng. Bà buồn rầu nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Con ơi, trường văn trận bút, là thân đàn bà con gái, nhọc nhằn, nhiêu khê lắm”. Quả là nhọc nhằn, quá đỗi gian truân. Nhưng văn chương đã mang lại cho tôi tất cả: cuộc sống, tình yêu, gia đình… Tôi đã được đền đáp khi ngòi bút của mình dấn thân, tìm đến những số phận bị quên lãng, đi vào những góc khuất, nỗi niềm; khơi dậy chất bi tráng, anh hùng đầy tự hào, đồng cảm với nỗi đau của thân phận con người…
Càng thêm tuổi tác, tôi càng thấm thía: được làm người là phúc lớn. Làm người, được chọn ngòi bút làm nghề nghiệp thì phúc phận bội phần. Dù văn chương không nuôi nổi mình, tôi sống bằng những gì gần với văn chương như viết lịch sử, biên kịch, thậm chí làm bánh, làm món chay đem bán… Tất cả nghề kiếm tiền mưu sinh là để nuôi văn chương, để được là mình khi đối diện với trang viết.
Con đường trở thành nhà văn của tôi gập ghềnh, không được trải bằng hoa hồng, bị kỳ thị, bạc đãi. Tôi đã viết trong những ngày đêm trước đổi mới, không ít lần tác phẩm bị từ chối. Tôi vẫn kiên trì viết, trong ngôi nhà lá giữa đồng, đèn tắt, tiếp tục đốt lên ngọn đèn dầu, gõ lốc cốc trên máy chữ, đêm này sang đêm khác. Rồi nỗ lực của mình được đền đáp. Tôi hạnh phúc vì tiểu thuyết đầu tay của mình Thị trấn không đèn góp một tiếng nói chống tiêu cực được đồng bào quê hương tôi đón nhận.
Rồi khi tôi về Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cuộc sống rất khó khăn. Có lúc tôi phải giặt khăn đám cưới để nuôi giác mộng văn chương. Tôi được động viên khi những truyện ngắn, tiểu thuyết của mình được trao giải thưởng. Tôi có cảm giác linh hồn những người hy sinh cho đất nước dẫn dắt tôi đi, cho tôi gặp gỡ những người đang sống. Rồi từ những người sống, tôi tìm lại những người đã hy sinh, gặp được những viên ngọc rực rỡ của quá khứ. Những trang viết đầy lên. Nhiều năm ròng rã làm mẹ đơn thân nuôi con, tôi xin được nói lời tri ân những người bạn đã đến, cùng nắm tay tôi, dẫn tôi đi qua những cơn nước lửa khó khăn. Tôi vẫn thường nói với các con, rằng những gì mẹ có được hôm nay là nhờ ơi nhiều người…
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (Thái Nguyên): Lòng trắc ẩn, đó là điều lớn nhất mà văn chương đã mang lại cho tôi.
Văn chương đem lại cho tôi (cũng như cho tất cả nhân loại) sự hiểu biết về thế giới, bao gồm thế giới vạn vật và thế giới tâm hồn của con người. Văn chương dắt tôi vào cõi vô biên do trí tưởng tượng của nhà văn sáng tạo ra. Mỗi cuốn sách là một thế giới, và trong cuộc đời dài hơn nửa thế kỷ của mình, tôi đã được được sống trong vô vàn thế giới như vậy. Rồi một ngày nào đó, tôi rụt rè tạo ra một thế giới của riêng mình. Cũng như mọi người, thế giới của tôi làm bằng chữ nghĩa và cảm xúc được thăng hoa từ đời sống, kết nối với vạn vật xung quanh, với quá khứ và tương lai.
Văn chương đã mang lại cho tôi hiểu biết và cách thức tạo ra thế giới. Cùng với đó, là tình yêu cuộc sống, thương yêu con người.
Ngày nhỏ, tôi đọc sách rất sớm và ngốn sách rất nhiều. Vớ được cuốn nào là ngấu nghiến cuốn ấy. Vì sách hiếm nên thường đọc đi đọc lại một cuốn cho đến khi có cuốn mới. Đọc dấm dúi trong lớp học, giấu bố mẹ mang sách ra vườn chè đọc trộm. Và rồi có những cuốn mà đọc xong ám ảnh đến mức nhìn bìa sách đã rưng rưng nước mắt, nhưng vẫn muốn đọc lại, rồi lại vừa đọc vừa khóc dấm dứt. Như cuốn Mùa tôm của nhà văn Ấn Độ Thakazhi Sivasankara Pillai, cuốn Túp lều của bác Tôm (Harriet Beecher Stowe)…
Hay cuốn Ruồi Trâu (Ethel Lilian Voynich), tôi bị ám ảnh bức thư cuối cùng Ruồi Trâu gửi Giê-ma đến mức chỉ cần nhìn ba chữ “Dim thân yêu” là đã khóc một mình.
Cũng có những cuốn mà khép trang cuối lại lòng tràn ngập một niềm vui sướng, như Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis), hay tập truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O.Hen ry) có truyện ngắn đặc sắc cùng tên.
Những trang văn đã nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đầu đời của đứa trẻ bảy, tám tuổi bằng cách gieo vào nó những xúc cảm thiện lương như thế.
Những xúc cảm thiện lương ấy là nhịp cầu nối từ trái tim tôi vào những trái tim khác, để tìm cách thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Là lý do của hành động lựa chọn làm việc tốt và dừng tay trước việc không tốt, là khát khao được làm những điều tử tế cho cuộc sống, ở ngoài đời cũng như trong trang viết.
Ở tuổi ngoài năm mươi bây giờ, mối quan tâm của tôi dành nhiều cho những góc khuất trong thế giới mà chúng ta đang sống. Vì những lý do nào đó, loài người phủ lên chúng bóng tối của lầm lẫn, ngu dốt và tội ác. Văn chương giúp lịch sử dựng lại những góc khuất ấy bằng chữ nghĩa. Chạm vào chúng, có những ngày như thể phân thân. Nửa cần cù mẫn cán với những bổn phận ở đời thực, nửa chập chờn kinh khiếp và đau đớn cùng chữ, vì biết cõi Chữ chỉ là bản sao của cõi Người.
Lòng trắc ẩn, đó là điều lớn nhất mà văn chương đã mang lại cho tôi.
Với tôi, khó khăn của đời sống và khó khăn trong sáng tạo là hai chuyện chẳng liên quan gì đến nhau. Tôi đã từng sống trong cảnh túng thiếu đến mức vay cả tiền hàng xóm để mua thức ăn cho con. Hàng tháng, cả nhà chỉ chi tiêu trong một suất lương viên chức hạng thấp, suất còn lại để trả các khoản vay do gia đình gặp chuyện rủi ro và bệnh tật. Nhưng những chuyện đó chưa bao giờ ảnh hưởng đến nhu cầu sáng tạo của tôi.
Tôi nghĩ trong quá trình sáng tạo, không có khó khăn nào lớn hơn khó khăn do chính mình tạo ra. Như sự ít học, ít đọc trong thời buổi truyền thông đa phương tiện lấn át và chi phối từ lúc thức dậy đến khi buông tay smartphone trên giường ngủ. Như sự lười biếng, dễ dãi trong lao động chữ nghĩa.
Tôi rất ngưỡng mộ nhiều người trẻ trong giới sáng tác và nghiên cứu bây giờ, họ thực sự giỏi giang và có kiến văn thông tuệ. Kiến văn ấy chẳng ai cho họ được ngoài sự học hành tử tế, lao động nghệ thuật chăm chỉ và chuyên nghiệp của chính họ.
Tóm lại, theo tôi thì thành công hay thất bại trong nghề viết là do mình cả, đổ lỗi cho đời sống là chuyện rất buồn cười.
Nhà văn Niê Thanh Mai (Đắk Lắk): Tôi giữ cho mình mối dây gắn kết với văn chương
Tôi không cho rằng cuộc sống của mình có nhiều khó khăn. Bởi nếu nói về kinh tế, thời gian thì chẳng biết thế nào cho đủ khi mà nhu cầu của mỗi người mỗi khác. Chỉ đơn giản rằng ngay cả khi bận rộn nhất, tôi vẫn cố gắng giữ tình yêu với văn chương.
Không viết được thì đọc. Đọc của mọi người, của bạn bè. Và có điều kiện đi nơi này nơi kia, tôi cố gắng ghi mọi thứ bằng trí nhớ, sổ tay và luôn nghĩ rằng đó là những tư liệu quý giá để rồi hôm nào đó mình sẽ viết. Cứ như thế, tôi giữ cho mình mối dây gắn kết với văn chương. Rồi khi sắp xếp được những bận rộn của công việc, gia đình, cuộc sống. Tôi ngồi vào viết. Mặc dù việc ấy không hề dễ dàng.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng (Hà Nội): Tôi coi viết là một người bạn tri kỷ của mình
Bởi những ám ảnh nặng lòng, muốn xua đi, muốn quên đi, mà nó cứ quanh quất trong đầu, chữ nghĩa nhảy múa, ngay cả lúc phơi phóng quần áo hay những lúc không phơi phóng trên dây phơi, khi dọn dẹp nhà cửa, cũng phải bỏ tất cả đó. Viết đã. Chỉ có thể viết ra mới thấy yên, thì tôi ngồi viết.
Tôi chỉ viết những gì mình nếm trải, những phận người mà tôi vừa gánh lên, rồi đặt xuống với những đối thoại bằng chữ. Viết xong mới nhẹ nhõm, cho dù không in cũng được. Viết để đó, giống thứ của để dành; thi thoảng đem đọc lại, cười nói một mình trong đêm. Thế là sướng. Tôi coi viết là một người bạn tri kỷ của mình. Những đối thoại câm trong ánh sáng của ngọn đèn. Và tôi vẫn còn thích viết bút mực trên giấy trắng. Chẳng có gì phải vội khi viết điều mình thích. Cái chính là tôi còn thích viết, cảm thấy viết hàng ngày sẽ không có sự trống rỗng.
Viết văn xuôi rất cực nhọc, làm thơ thì khó ở một dạng khác. Càng viết càng thấy khó. Khó tới nỗi, tôi đã từng bỏ cuộc. Nhưng rồi không bỏ được. Âu cũng là duyên giời cho. Tôi viết báo kiếm sống, nhưng nhớ một lần nhà văn Tô Hoài dặn: “Khi viết báo hay viết văn, cháu nhớ là phải cẩn thận, viết kỹ. Viết kỹ thì sau đó dễ in thành sách, nếu không phí phạng chữ nghĩa”. Và tôi đã nhớ được lời khuyên này, luôn cố gắng viết kỹ, để không phí phạng chữ.
Tôi chọn cách sống tối giản, không có nhu cầu gì nhiều, viết vừa sức mình, ở lĩnh vực văn hóa, chủ yếu viết những điều mình thuộc, ví dụ như: nếu sức bơi xa được 1000 mét thì tôi chỉ bơi 300 mét thôi, để có sức nghỉ chứ không cố, càng không kham bơi cố lấy hơn 1000 mét thì dễ đuối nước. Viết cũng vậy, sức viết như bơi sải đường dài.
Tôi đã đi qua những năm tháng sống dưới gầm trời bom B52 trải thảm ở Hà Nội (1972); thời đó chỉ mong có một bát cơm gạo trắng thôi, là ước mơ to tát lắm rồi. Bây giờ cần có bát cơm gạo tám, no bụng thì không khó nữa. Cứ nhìn nhận nhẹ nhàng mọi thứ thì tâm tĩnh, an nhiên; nếu không mưu cầu cao về vật chất hay tinh thần thì đời sống người viết như tôi cũng xem nhẹ, khó khăn hay thuận lợi, tất thảy còn tùy thuộc vào quan niệm sống, cách thể hiện của từng cá nhân nhà văn.
Khi ngước nhìn nhà văn Việt Nam, có người hiền tài, âm thầm viết, âm thầm ra đi. Tôi nể trọng sự âm thầm ấy, họ không phiền đến ai. Nhân cách người viết còn lại, dù họ đã ra đi.
Để đi đường dài với văn chương, người viết rất cần sức bền của chính mình. Cũng giống như một người thợ dệt vải tấm, chờ đến phiên, người dệt phải đem bán đũi ở chợ bến Đục bên suối Yến; tôi chạnh nghĩ viết văn cũng vậy. Ngoài viết được điều mình thích, viết để dành, chữ để dành. Khó khăn thì chẳng có mẫu số chung. Đơn giản, tôi chỉ mong khỏe mạnh từng ngày (chỉ nghĩ được từng ngày) lặng lẽ từng ngày, khi nào vàng như lá thì rơi. Tan xuống đất. Đâu cần ai hay. Sống được như lá thì thích lắm.
Nhà thơ Lê Thanh My (An Giang): Văn chương là một động lực để vượt qua mọi trở ngại cuộc sống
Văn chương đã đến với tôi như một cái duyên và nó bên tôi một cách bền bỉ chỉ vì tôi thấy mình hợp với nó và yêu nó vô cùng. Tôi xem văn chương là một động lực để vượt qua mọi trở ngại cuộc sống. Khi tôi vui buồn, khổ đau, khi tôi sung sướng hoặc khi rơi vào cùng cực tôi vẫn luôn nhìn nó một cách khoan nhượng, bởi vì nó luôn chia sẻ với tôi bằng cách riêng của nó.
Văn chương mơ hồ mà thực, cái mơ hồ của nó mà ai cũng muốn có đó là danh tiếng, còn cái thực của nó mang đến vật chất cho cuộc sống. Tôi đã gắn bó với văn chương gần như hơn nửa đời người, tôi chọn nó, học nó và lấy nó làm nghề.
Tôi không thấy khó khăn với nghề viết vì tôi biết đủ là sẽ đủ. Tôi chỉ mong muốn vượt qua chính bản thân mình để văn chương không nhìn tôi một cái nhàm chán hoặc già nua. Vì vậy mà tôi luôn đặt ra cho mình một cái đích, nhỏ thôi và từng bước một để tôi có thể bước tiếp cùng với văn chương trong phần đời còn lại mà không phải đắn đo, cân nhắc.
Nhà thơ Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang): Sáng tác văn học giúp não bộ được nạp một năng lượng tích cực
Nếu nói văn chương mang lại vật chất thì không hẳn rồi. Bởi đâu có nhiều nhà văn thật sự sống bằng nghề viết. Nhưng với một người đam mê văn chương như tôi, ban ngày mải mê lao động kiếm tiền lo cuộc sống và khi đêm về được đọc, được trải lòng qua các con chữ thì thật thú vị. Điều thú vị này giúp cho tôi cân bằng cuộc sống. Bởi vậy, có thể nói niềm đam mê văn chương đã cho tôi một cuộc sống thật ý nghĩa. Nhất là khi sáng tác ra một bài thơ, một truyện ngắn hoặc viết xong một tản văn… dường như não bộ lại được nạp một năng lượng tích cực. Năng lượng ấy lại quay vòng giúp tôi chi chút cho các hoạt động không tên khác.
Đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi nhà văn đều có những khó khăn riêng. Nhưng họ đều có chung một niềm đam mê sáng tạo. Biển sáng tạo thì mông lung rộng lớn.Việc sáng tạo mỗi người có một phương pháp thủ thuật riêng. Với tôi, đời sống khó khăn dường như là một chất dẫn truyền cho công việc sáng tác được thăng hoa hơn. Tuy nhiên, việc sáng tạo là không dễ, phải có một tình yêu văn chương bền bỉ theo thời gian. Bản thân tôi rất xem trọng việc nuôi dưỡng tình yêu ấy. Có được tác phẩm hay là cả một quá trình nuôi dưỡng chăm sóc vun bồi. Thế nên, dù cuộc sống khó khăn, dù áp lực từ mọi phía… tôi vẫn chung thủy đọc, học và viết mỗi ngày.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến (Hải Dương): Thế giới của tôi rộng mở nhờ văn chương
Tôi đến với văn chương như cái duyên trời định. Nói như thế bởi vì từ trước 2016 tôi thực sự không viết cái gì, không nghĩ mình sẽ viết được cái gì. Tôi chỉ có niềm đam mê đọc sách. Đọc bất cứ cái gì có chữ rơi vào tay mình. Kể cả trong lúc ăn hay lúc nằm trong bệnh viện. Cuộc sống của tôi, vốn do đặc thù nghề nghiệp là giáo viên, chỉ quẩn quanh với môi trường hẹp, mất chục năm không thay đổi. Điều đó bình an nhưng tẻ nhạt. Lâu dần thành cùn mòn ý chí, tư duy và năng lực thẩm mĩ.
Đến khi cầm bút viết, tôi nhận ra thế giới quanh mình bỗng trở nên sôi động, hấp dẫn và đầy bí ẩn cần khám phá, cần đọc nhiều hơn, cần nghĩ nhiều hơn. Còn bản thân mình bị cuốn vào đam mê, con chữ là người bạn để buồn vui cùng trò chuyện, và vì thế không bao giờ tôi biết cô đơn. Thế giới của tôi từ ấy rộng mở. Mở ra mối quan hệ với những nhà văn lâu nay tôi từng ngưỡng mộ qua trang sách. Mở ra những người bạn chân tình giúp đỡ tôi những bước chập chững đầu tiên. Mở ra những trái tim nhân hậu, yêu thương, những tấm lòng liên tài giúp những trang viết của tôi đến gần hơn với độc giả. Cái tôi được từ văn chương như thế thật đáng trân trọng.
Để nuôi dưỡng tình yêu sáng tạo, trước hết phải đối mặt với cuộc sống đầy những lo toan. Tôi phải làm tròn vai trò của một giáo viên dạy văn – công việc của nhà giáo chi phối tôi đến từng phút và chỉ thường được nghỉ ngơi thực sự sau 10h đêm. Tôi sẽ tranh thủ những lúc nghĩ ngơi để nghĩ về những điều mình đang viết dở, đọc những gì cần đọc. Tôi tâm niệm: Viết chậm nhưng cần sâu mà nghề giáo thì phù hợp với kiểu viết này. Âu cũng là một niềm an ủi và lấy đó làm động lực.
Ngoài công việc, tôi thực sự cũng rất cần những cảm thông. Niềm đam mê được viết, được làm những gì mình thích cần được trân trọng chứ không phải sự kì thị từ chính những người xung quanh.
YÊN YÊN thực hiện
(Còn tiếp)