VHSG- Sài Gòn đang là mùa mưa. Những cơn mưa bất chợt giăng lạnh phố chiều. Nhìn từng hạt tí tách ngoài hiên mà lòng người xa xứ thêm buồn, rồi hoài niệm, rồi bỗng dưng thèm nhớ một món ăn quen thuộc quê nhà. Sài Gòn là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa từ các vùng miền. Người dân mỗi nơi đều có món ăn riêng để mà nhớ. Với tôi, trong cơn mưa se lạnh chiều nay, một tô mỳ Quảng nóng hổi thơm lừng là hình ảnh đang nghĩ tới, đang nhớ tới, đang thèm đến cồn cào gan ruột!
Không biết tự bao giờ, quê tôi có mỳ Quảng – món ăn bình dị dân dã nhưng thơm ngon đậm đà, có thể gây ghiện nếu bạn ăn thử một lần! Món mỳ Quảng dân dã và quen thuộc đến độ bất kỳ gia đình nào ở Quảng Nam cũng đều biết nấu, đi qua con phố đường làng nào bạn cũng có thể bắt gặp hai chữ MỲ QUẢNG mộc mạc, viết trên tấm bảng thô sơ. Thế nhưng, để có được tô mỳ hấp dẫn không hề đơn giản chút nào. Nó không những đòi hỏi phải đầy đủ nguyên liệu, mà các nguyên liệu ấy phải từ Quảng Nam. Bởi chính mảnh đất khô cằn khó nhọc quê tôi mới làm nên hạt gạo thơm chắc, trồng được nhiều loại rau ăn kèm đúng vị, ngon nhất là rau được trồng ở Trà Quế – Hội An. Rồi con tôm con cá, heo, gà… nơi đây đều có thịt thơm ngon hơn nhiều vùng miền.
Mỳ Quảng thơm ngon đúng điệu phải được nấu bằng dầu phụng, phải có mùi thơm đặc trưng của củ nén, phải có ớt xanh, đậu phụng rang, bánh tráng gạo nướng giòn… Sự khác nhau giữa mỳ Quảng với bún, phở, hủ tiếu… ở chỗ lượng nước nhưn (nước dùng nấu từ xương, thịt…) chan vào tô mỳ rất ít nên hương vị của nó đậm đà thơm phức! Ngay cách ăn cũng khác luôn. Vào quán mỳ Quảng, ta có thể nhận ra thực khách nào là dân Quảng Nam, thực khách nào là người vùng miền khác. Bởi, dân Quảng ăn mỳ Quảng không hề dùng muỗng, chỉ dùng đũa trọn đều và bưng trên tay mà ăn, rồi lại đặt tô mỳ xuống bàn nhón lấy trái ớt cắn cái rụp một phát, tiếp đến là bẻ cái rớp miếng bánh tráng nhai giòn trong miệng. Khi ăn xong mỳ, họ thường bưng cái tô lên và húp hết luôn chỗ nước dùng, động tác sau cùng đó là để cảm nhận hết vị ngon của tô mỳ, là nét riêng độc đáo và dân dã!
Hình ảnh tô mỳ Quảng gần gũi, gắn bó với đời sống người dân quê tôi từ bao đời nay. Ngày xưa, quê tôi có tục cúng cơm gạo mới sau mỗi mùa gặt, bao giờ cũng làm món mỳ quen thuộc để dâng cúng trời đất, với lòng biết ơn thiên nhiên đã cho mưa thuận gió hòa. Mỳ Quảng có mặt ở mọi sinh hoạt đời sống của dân xứ Quảng_ trong giỗ chạp hay tiệc tùng, trong bữa ăn gia đình hay bên bờ ruộng cho bác nông dân cày bừa lúc nghỉ ngơi… Rứa hỏi răng những người xa xứ như chúng tôi đây không nhớ?
Mỗi khi nhớ quê da diết, tôi thường ghé chợ Bà Hoa – Sài Gòn (nơi dân Quảng Nam sinh sống nhiều), ngồi giữa chợ ăn tô mỳ Quảng, nghe giọng Quảng í ới lao xao, đặc sệt âm điệu thân thuộc mà bồi hồi khôn tả! Ăn tô mỳ lúc này không còn đơn thuần là ăn miếng ngon vật chất nữa, mà ăn bằng nỗi nhớ quê hương!
ÂM XƯA