VHSG- Nhà văn, dịch giả, luật gia Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 ở Sài Gòn đã đột ngột từ trần sau cơn đột quỵ tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, TPHCM vào lúc 21h tối ngày 7.11.2020 (nhằm 22.9 Canh Tý) hưởng dương 57 tuổi.
Nguyễn Thành Nhân từng là lính tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Sau khi về nước, xuất ngũ, ông tiếp tục đi học, dịch thuật, làm thơ, viết văn, xuất bản một số sách. Tiểu thuyết “Mùa xa nhà” là dấu ấn lớn của đời văn Nguyễn Thành Nhân và là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.
Lễ nhập quan và lễ viếng nhà văn Nguyễn Thành Nhân từ lúc 13h ngày 8.1 tại nhà riêng (29 đường Lê Trực, phường 7, quận Bình Thạnh); lễ động quan lúc 7h ngày 10.1, sau đó linh cữu ông sẽ được đưa đi hoả táng tại Đài Hoá thân Bình Hưng Hoà.
VHSG xin chia buồn sâu sắc với gia đình, đồng đội, đồng nghiệp của nhà văn Nguyễn Thành Nhân và trân trọng giới thiệu bài viết ngắn của nhà văn Trần Nhã Thụy để tưởng nhớ tác giả “Mùa xa nhà”.

Nhà văn – dịch giả Nguyễn Thành Nhân đã mất. Mình tình cờ đọc được tin này từ trang facebook của nhà văn Lâm Hà. Không tin đó là sự thật, nên nhắn hỏi lại anh Lâm Hà, thì được biết đúng là như vậy. Anh mất vào tối hôm thứ Bảy (7.11), có lẽ là bị đột quỵ, ngủ một giấc rồi không dậy nữa.
Chiều nay mình lên nhà viếng anh, ngồi nói chuyện với Nguyễn Thành Nghĩa (em trai anh Nhân) mà bồi bồi nhớ bao nhiêu là kỉ niệm.
Anh Nhân là cựu binh chiến trường K, tác giả của tiểu thuyết “Mùa xa nhà” khá hay. Cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện này, có lẽ là tác phẩm hay nhất trong số sáng tác của anh. Mà thực ra anh viết cũng không nhiều, công việc chính của anh trong nhiều năm sau này là dịch thuật. Đó là niềm đam mê mới của anh, nhưng cũng là công việc kiếm sống.

Mình thích cuốn “Mùa xa nhà” nên từ đó cũng chơi thân với anh. Tháng 3.2011, mình với anh Nhân có chuyến đi Campuchia rất vui, đáng nhớ. Anh Nhân trở lại chiến trường xưa, gặp đồng đội cũ, còn mình thì đi cho biết xứ Chùa Tháp.
Anh Nhân có vốn tiếng Anh kha khá từ thời làm thông dịch cho huấn luyện viên Weigang của đội tuyển bóng đá Việt Nam (Hình như HLV Weigang cũng qua đời do đột quỵ, nhưng thọ hơn – 80 tuổi, còn anh Nhân chỉ mới 57 tuổi).
Hồi đó hai anh em hay uống bia ở một cái quán bình dân gần ngã tư Hoàng Hoa Thám – Nguyễn Văn Đậu. Chỗ đó gần nhà, anh đi bộ ra được. Quán có mấy em gái Khmer hiền lành dễ thương. Anh Nhân thích một em trong đám này.
Luôn luôn vậy. Lúc nào anh cũng phải tương tư một em gái nào đó. Thật bé nhỏ. Thật hiền lành. Và, luôn muốn cưới về làm vợ. Nhưng các em chỉ quý mến “chú Nhân”, chứ chuyện kia thì không dám. Cứ như thế, yêu nhiều, bóng hồng nhiều, nhưng cuối cùng vẫn độc thân.
Anh là con người hiền lành, nhưng cô độc và nhiều lúc tuyệt vọng. Tiếng thơ anh, lời nhạc anh, là những tiếng kêu tuyệt vọng.
Dường như cuộc nhậu nào, nếu anh có chút tiền trong túi, hoặc đang ngồi với những chiến hữu dễ thương, anh cũng đều gọi mình tới. Nhưng mình thì thích những lúc chỉ có hai anh em hơn. Anh Nhân uống không nhiều, nhưng có thể ngồi lai rai cả ngày, dường như không có gì phải vội. Có vội chăng là lúc bản dịch đang hồi deadline. Những lúc đó anh phải thức suốt đêm để làm việc.

Nghe Nghĩa nói, anh Nhân mất trong tư thế như đang nằm ngủ, lúc đó máy tính vẫn mở, màn hình cho thấy một bản dịch dở dang. Có lẽ anh đã té ngã nhưng không kịp kêu, hoặc kêu không ai nghe, vì nhà lúc ấy chỉ có mẹ già mắt mờ tai yếu.
Thôi thì chết không phiền lụy ai cũng là hay.
Thôi thì cũng xong một kiếp người. Vui thì ít mà buồn thì nhiều.
Chiều Nghĩa dẫn lên phòng anh, thấy cái tượng anh đang nặn dở dang, nhiều sách vở ngổn ngang, và tranh, những bức tranh anh vẽ có bức úp vào tường, hình như là gương mặt của một cô gái trẻ nào đó.
Nghĩa chỉ chỗ anh nằm. Một sàn nhà cũ. Trên tường là hình gương mặt một thiếu nữ.
Mình hình dung những đêm một mình, anh Nhân nằm gác chân, nhìn lên tường rồi tủm tỉm cười một mình, hay là đang khóc một mình?
Vĩnh biệt anh. Lần này thì là xa nhà không trở lại. Bạn bè, mọi người rồi sẽ nhớ anh thật nhiều.
TRẦN NHÃ THỤY