Tản văn của Trần Hiền: Nghe cây trở mình

Thật ra, cây có buồn không nhỉ?

Ngày qua đêm lại, mưa rơi nắng rát, xuân tới đông tàn, cây chỉ đứng yên một chỗ. Cũng chỗ đất ấy, cũng vùng trời này, vạn vật xung quanh vài lần biến đổi, thì cây vẫn thế. Lặng lẽ sống. Lặng lẽ vươn cành. Cây ru mình giữa nắng gió, và ngọn rễ trong đất cằn lại càng thêm cật lực lắm thay.

Lá có xanh có vàng, hoa cứ tàn cứ nở, rễ vẫn âm thầm hút nhựa sống nuôi thân, cần mẫn, nhiệt thành. Rễ có bao giờ đau đớn khi vươn mình gặp chỗ đá sắc đất cằn. Rễ có mệt không khi thân cây càng to lớn càng đòi rễ mạnh mẽ gánh gồng, lá cành vì muốn xanh mà hút nhựa đến cùng tận. Để mặc rễ cố cắm mình trong lòng đất giữa bóng tối mênh mang. Rễ có khát thèm một vùng trời nhẹ tênh đầy ánh sáng?

Rễ bám vào đất, vào đá, rễ trầy xước cả lớp da mỏng. Rễ sống trong đêm tối dày đặc, lần mò vươn dài giữa đất sâu. Nắng hạn đất cằn, rễ càng phải gồng mình, rễ tìm đất mềm, rễ tìm khoáng chất, rễ tìm chút ngọt ngào cho dòng nhựa lớn nuôi cây. Ngày mưa bão lũ, đất mềm rã ra, rễ thêm gồng mình, cố bám cho chắc, sợ cây bật gốc, sợ đau thân cành. Rễ có bao giờ cảm thấy mệt không?

Tác giả trẻ Trần Hiền họ tên đầy đủ Trần Thị Hiền, quê quán Vĩnh Sơn – Vĩnh Linh, hiện sống tại Triệu Long – Triệu Phong – Quảng Trị

Lặn lội dưới lòng đất, rễ có thấy những chiếc lá vàng rụng xuống khi một trận mưa bão hay một cơn gió vừa ghé ngang. Có cảm thấy đau nhói khi một chiếc lá dứt thân, để lại một vết thương rỉ nhựa và một chỗ trống xác xơ, hay cảm thấy nhẹ nhàng khi bớt một miệng ăn suốt ngày hút nhựa. Rễ có buồn, có thương một chiếc lá vội vã xa cành hay không?

Và thân cây đang lớn dần nhờ nhựa rễ, thân toả ra nhiều cành nhiều nhánh, lại còn mọc ra thật nhiều lá nhiều hoa như vậy. Thân cây có thương bộ rễ đang mệt nhoài dưới lòng đất kia không? Dòng nhựa sống đang chảy trong rễ, trong thân, cành, nhánh, chẳng phải được chiết từ những cần mẫn miệt mài của rễ sao? Rễ có muốn cây càng to lớn để thêm vất vả không? Hay thân cứ thoả chí vươn mình, cho bộ rễ dưới kia cứ hoài gồng gánh?

Và những cành cây đang vươn mình nuôi thật nhiều lá, cả những bông hoa đang mềm mại bung toả hương trời, chúng cảm kích thân cây đang truyền nuôi nhựa sống cho nó, hay cảm kích bộ rễ xa xôi dưới lòng đất kia, dù chẳng bao giờ chúng có thể chạm tới hay nhìn thấy? Chúng có biết nguồn cội gốc rễ của dòng nhựa nóng đang nuôi mình hay không?

Có lẽ gió sẽ nói cho chúng biết bài tình ca về cây và đất, nên khi lá buông cành, nó rơi về cội. Nó tan vào đất làm thức ngọt cho đất, làm tơi xốp những khô cằn, ve vuốt những chải bươn cho rễ. Có lẽ trời sẽ nói cho chúng biết về sứ mệnh làm lá phổi xanh của chúng. Lá phổi buông khí thở cho vạn vật, làm dịu mềm không khí, đất đai bớt hạn khô cằn cỗi, rễ cũng bớt trần trụi nhọc nhằn.

Và cuống lá, cuống hoa sẽ nói cho chúng biết thân đã luôn toả mình che chở và nâng đỡ cho chúng làm thật tốt sứ mệnh xanh của mình. Rễ sẽ ngọt ngào hơn biết mấy nếu lá vẫn luôn xanh và hoa vẫn luôn nồng. Để khi cây càng già đi lớn tuổi, rễ đôi khi vẫn trồi mình lên mặt đất, để ngạo nghễ dưới bóng dim bất tận của cây mà lắng kể chuyện đời.

Nên tôi luôn tự hỏi, cây có buồn không cây? Cây có buồn vì cây đã nhọc nhằn một đời mà vẫn đứng yên một đời?

Rằng như cây vươn mình từ gốc rễ, đời cháu chút chắt cũng đã trưởng thành từ mẹ cha, có ai thấu sự sống ấy đã nảy sinh từ tận nguồn cội tổ tông ông bà. Từ đời thuở miệt mài của những vị tổ tiên mà đương thời chỉ còn được hiện thực bằng lư hương hay di ảnh trên bàn thờ. Họ đã hoà lẫn vào đất, như những bộ rễ trong tầng đất sâu, để thân cành lá bây giờ cứ thế đơm hoa kết quả. Lá biết ơn cành, biết ơn thân, và trong lòng đất không dễ gì nhìn thấy, là những miệt mài của rễ. Đôi chân ta đi hôm nay, xin biết ơn đấng sinh thành, và thành kính biết ơn dòng máu nóng của nguồn cội tổ tông.

Cây không buồn đâu bạn! Chúng tôi chung thủy với nguồn cội gốc rễ, toả bóng mát làm mát mảnh đất cho rễ mát mẻ làm việc. Chúng tôi thực hiện ý nguyện của rễ, ở trên mặt đất, hút nhựa ngọt để làm lá phổi cho đời, làm mềm mại lá phổi khổng lồ của trái đất, toả hương hoa cho ong bướm sinh sôi. Toả bóng mát cho đất đai đỡ cằn cỗi, che mát cho cụ già em thơ. Những điều rễ chưa làm được, chúng tôi cùng với rễ cùng làm. Chỉ cần còn cây xanh, hành tinh sẽ còn sự sống.

Đời người cũng như đời cây. Sống cần mẫn lao động, dẫu cho đi mà không hề nhận lại, như rễ, như thân, như cành, như lá. Sống mạnh mẽ kiên trì giữa nắng rát mưa giông. Sống hiếu đạo với đời, với nguồn cội tổ tông, dẫu những yêu thương đã khuất bóng chân trời. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Rồi hôm nay làm mẹ, nuôi lớn những người con, sau lại trở thành bà, ru hời những đứa cháu, mãi cho đến mai sau làm một nén hương tàn, vẫn trở thành nếp nhà, cho tiếp nối đời sau thêm vươn cao cao mãi. Rồi hôm nay làm người, biết ơn mẹ một lòng, biết ơn bà một đời, biết ơn nguồn cội một kiếp. Để mỗi lần cúi đầu trước nén nhang trong bàn thờ tổ, luôn cúi đầu hiếu thuận, toàn cuộc đời biết ơn nguồn cội tổ tiên.

Cảm ơn rễ, lá sẽ xanh. Biết ơn nguồn cội, người sẽ hiền. Đó cũng là cái đức muôn đời vậy!

TRẦN HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *