Tản văn Nguyễn Thị Việt Nga: Giấc mơ Phiêng Cành

VHSG- Ngày ấy, lâu lắm rồi, tôi đến Mộc Châu vào cuối mùa đông. Chưa lập xuân, nhưng do tiết trời ấm áp nên hoa mận đồng loạt nở bung. Họp hành xong xuôi, mọi người trong đoàn công tác tranh thủ đi thăm thú vài điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Mộc Châu. Tôi cùng một cô bạn có máu phiêu lưu không đi cùng đoàn theo lịch trình quen thuộc của các tour du lịch thông thường. Chúng tôi mượn xe máy của cô bé lễ tân khách sạn, chở nhau rong ruổi khắp nơi, đúng theo phương châm “cứ có đường là đi”.

Khi đó du lịch Mộc Châu chưa phát triển như bây giờ nên không có bản đồ du lịch, và cũng chẳng có nhiều biển bảng chỉ đường. Chúng tôi cứ thế tha lôi nhau đi giữa màu hoa mận trắng miên man, giữa khung cảnh đẹp như tranh vẽ, hết bản nọ đến bản kia mà không biết tên bản đó là gì. Tới khi thấm mệt và cũng no mắt ngắm nhìn, hai đứa rủ nhau ngồi nghỉ trước khi quay về. Nhưng khi vừa quay xe, tôi phát hiện một con đường mòn bé xíu. Không hiểu sao trí tò mò nổi lên, tôi rủ cô bạn: thử xuống con đường kia xem có gì hay không?

Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga

Chật vật lắm chúng tôi mới dong được chiếc xe máy xuống dốc, chính xác hơn là một đứa cầm tay lái và một đứa nắm đuôi xe kéo lại. Đường mòn chỉ đủ một người đi mà dốc khủng khiếp, hằn lên các vết chân trâu gồ ghề. Vừa thở hổn hển dong xe, tôi vừa nghĩ không hiểu lát nữa về thì sẽ đẩy xe lên dốc kiểu gì và thấy hơi hơi hối hận vì quyết định khám phá của mình. Thế nhưng hết con dốc đó, không ai bảo ai, cả hai đứa đều “a” lên đầy phấn khích khi trước mặt hiện ra một bản nhỏ tuyệt đẹp nằm gọn trong thung lũng. Đã ngắm hoa mận “đầy cả mắt” nhưng rõ ràng những gì đang hiện hữu kia mới chính là thiên đường hoa mận. Màu trắng tinh khôi của hoa nối nhau phủ kín thung lũng. Dưới những tán mây hoa mận thần tiên ấy thấp thoáng mái nhà nâu sẫm, nhỏ xinh. Hai đứa mặc kệ cái xe nằm chỏng chơ bên đường mòn phơ phất cỏ lau, lôi nhau chạy sâu vào trong bản, rồi chọn một cây mận cổ thụ đẹp nhất, tán hoa xòe như cái ô màu trắng khổng lồ, ngồi xuống gốc, say sưa nhìn ngắm, trầm trồ. Bản vắng, chẳng thấy người, chỉ thấy những con gà lông sặc sỡ đang nghịch hoa rụng dưới gốc cây. Nói là nghịch hoa, vì chúng cứ lấy mỏ mổ mổ những cánh mận rụng, rồi lại cao hứng vươn cổ gáy te te rất ngộ. Trên dây phơi của ngôi nhà gần đó, tôi thấy mấy chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ rất đặc trưng của người Mông nên biết đó là bản Mông. Hai đứa ngồi tựa gốc mận, vừa say sưa ngắm vừa lan man nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, rồi quay về chuyện tình yêu. Cô bạn cười khúc khích: “trong bối cảnh lãng mạn thế này, phải nói về tình yêu mới hợp”. Lúc đó, mắt đứa nào cũng trong veo như nước và trong tim luôn có cả một trời hoa.

Đi khắp bản, chúng tôi chỉ gặp lũ trẻ đang nô đùa dưới gốc mận trắng hoa. Những bé gái nhỏ xíu mặc váy Mông xinh ơi là xinh! Thế nhưng không sao hỏi chuyện được. Không hiểu do các bé không biết tiếng Kinh hay sợ người lạ, mà chúng tôi hỏi câu gì cũng lắc đầu, cười ỏn ẻn rồi lại chạy ù đi. Đến tận lúc về, chúng tôi vẫn không gặp bất cứ người lớn nào trong bản. “Có lẽ họ đi làm hết rồi”, cô bạn lẩm bẩm. Ì ạch mãi mới đẩy được cái xe lên đến đường lớn, việc đầu tiên tôi làm là chặn ngay một người  đi đường, hỏi xem bản vừa rồi là bản gì. Đến người thứ ba mới nhận được câu trả lời: “Bản Phiêng Cành”. Hai đứa bảo nhau: “nhớ nhé, bản Phiêng Cành, không thì về đến khách sạn lại quên”. Trên đường đi, thi thoảng cả hai lại lẩm bẩm như dở người “bản Phiêng Cành! Bản Phiêng Cành”. Đến khi trả chìa khóa xe cho cô bé lễ tân khách sạn, tôi hỏi em có biết bản Phiêng  Cành không. Em nói có bản Phiêng Cành, nhưng tít xa trong kia, em cũng chưa đến, vì chả có việc gì để vào tận đó. Lúc đó, giá như có cho tôi quay lại Phiêng Cành ngay lập tức thì chắc chắn cũng phải hì hục hỏi thăm đường từ đầu, cũng như lúc từ bản ra, chúng tôi phải hỏi đường đúng tám lần mới về đến thị trấn.

Và Phiêng Cành giống như một giấc mơ, một thiên đường ảo diệu trong tâm trí chúng tôi. Hai đứa nhiều lần nói với nhau về chuyến đi lang thang ngẫu hứng đó, về cơ duyên gặp được bản Phiêng Cành. Và hẹn với nhau, nhất định lần sau đến Mộc Châu, chúng mình lại quay trở lại Phiêng Cành, dẫu có phải hì hục đứa ghì, đứa kéo xe mệt phờ lần nữa. Dẫu có phải hỏi thăm đường thật nhiều lần. Được đến Phiêng Cành lần nữa để đắm mình trong sắc trắng tinh khôi hoa mận, để ngắm cảnh đẹp nguyên sơ như không có thực trên đời. Để thêm lần nữa trầm trồ kinh ngạc, rằng sao có một nơi tuyệt diệu đến thế này mà chả khi nào chúng mình nghe nói đến…

Và cái “lần sau” ấy cũng đến, nhưng sau lần đầu tiên đặt chân đến Phiêng Cành thật là lâu, những hơn chục năm trời. Có quá nhiều lý do cho sự chậm trễ này. Khi thì đến Mộc Châu vội vàng, không có thời gian rảnh để lang thang. Khi lại không thể tách đoàn, và trong lịch trình của đoàn lại không có Phiêng Cành. Vẫn là tôi với cô bạn năm nao. Hai đứa vẫn thuê xe máy trong tâm trạng háo hức vô cùng. Chỉ khác là Phiêng Cành đã có tên trong bản đồ du lịch. Chúng tôi không cần phải hỏi đường. Và khi chúng tôi đến lần này, Mộc Châu không có bông mận nào, dù đang xuân. “Năm nay hoa nở sớm chị ạ – cậu bé cho thuê xe máy giải thích – Các chị đến chừng hai tuần trước thì hoa đẹp! Hoa mận chỉ nở đẹp khoảng dăm ngày là rụng, mùa  hoa không kéo dài đâu”. Ừ thì không có hoa mận, nhưng vẫn phải đến Phiêng Cành. Không có hoa cảnh vật nơi đó cũng đủ hấp dẫn rồi!

Không còn con đường mòn dốc ngược xuống bản. Chúng tôi đứng bên biển chỉ đường ở lối rẽ mà ngỡ ngàng. Một con đường to, đẹp, bớt dốc đi rất nhiều đã thay thế đường mòn ngày xưa nên tâm thế cố gắng kéo xe, đẩy xe đã trở thành thừa. Phóng vèo cái đã hết bản mà hai đứa còn ngơ ngác, ngơ ngác đến nỗi phải chạy vào nhà dân hỏi thăm: đây có phải bản Phiêng Cành không ạ? Đúng rồi đấy! Thế ở đây có mấy bản tên là Phiêng Cành? Có một bản này thôi! Chao ôi! Mắt đứa nào cũng lộ rõ vẻ hoang mang. Hoang mang là bởi chẳng thấy có vẻ gì giống với bản Phiêng Cành thiên đường ngày xưa cả. Không hẳn vì không có hoa mận. Nhà cửa nhiều hơn. Thay bằng những mái nhà nâu sẫm là những mái tôn xanh đỏ và mái ngói xi măng xam xám. Những cây mận ít đi. Những lối mòn hoa dại nở hào phóng viền hai bên mép đường cũng không còn nữa. “Có phải nó không nhỉ?” cô bạn tôi lẩm bẩm. Chúng tôi phải dùng đến những ngọn núi xung quanh để định vị, để tin rằng đây là “bản Phiêng Cành ngày xưa”. “Thực ra, bản này vẫn đẹp đấy chứ”, sau một hồi ngắm nghía, tôi khẽ khàng: “Chỉ là hơi khác so với hồi mình đến. Tất cả mọi thứ đều phải đổi thay mà! Đường to, nhà đẹp hơn là bà con dân bản giàu hơn mà”. Cô bạn trầm ngâm một lát, rồi bảo: “Đúng thế! Nhưng bây giờ nó giống hệt những bản khác mà mình đã đến! Nó không còn giống bản Phiêng Cành trong ký ức của mình! Có cảm giác Phiêng Cành ngày ấy là một giấc mơ! Một giấc mơ đúng nghĩa! Và chúng mình không thể nào gặp lại lần hai! Mày còn nhớ chúng mình đã nói những chuyện gì dưới gốc mận năm đó không?”. Tự dưng mắt cô bạn loáng ướt. Năm đó chúng tôi nói chuyện tình yêu. Và cả hai đứa đang yêu! Còn bây giờ, những tình yêu năm đó đều đã không còn. Mỗi đứa đều dở dang theo những cách khác nhau, những lý do khác nhau. “Thế đó, có những lúc tưởng chết được vì nhau, tưởng sẽ theo nhau đến cùng trời cuối đất, mà rồi còn thành người dưng, thì sự đổi thay trước mắt mình đâu phải là điều gì khó hiểu phải không mày?”, triết lý xong, cô bạn bật cười, nhưng là tiếng cười xa xót nhiều hơn hài hước, vui vẻ. Bởi lẽ, chẳng ai vui vẻ được khi  nghĩ về một tình yêu đã từng rất đẹp lại tuột khỏi tay. Có những tình yêu như một giấc mơ! Trước thực tại phũ phàng, không hiểu tại sao những tháng ngày đẹp đẽ đã quan nhanh thế! Cũng như giấc mơ Phiêng Cành của chúng tôi!

Dù gì đi nữa, tôi vẫn có một hình ảnh thiên đường hoa mận Phiêng Cành trong ký ức xôn xao. Cũng như tình yêu, dù không còn nữa, nhưng khi nhớ lại, vẫn thấy là một giấc mơ rất đỗi ngọt ngào!

Nhiều khi, người ta sống bằng những giấc mơ!

Nhiều khi, những giấc mơ dắt người ta đi qua bao chênh vênh, cay đắng!

                             Hải Dương, 28.2.2021

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *