Tản văn Phạm Thị Hồng Thu: Những cung bậc cảm xúc chia tay

Trong cuộc đời mỗi người có biết bao lần phải chia tay, có mấy lần chia tay trong niềm hân hoan sung sướng, có biết bao lần chia tay trong bùi ngùi, rưng rưng xúc động khôn cùng, có những cuộc chia tay mong ngày tái ngộ, có những lần chia tay không hẹn ngày gặp lại. Ở mỗi thời điểm, với mỗi đối tượng, ta có những cảm xúc khác nhau và có lẽ càng già thời gian càng ngắn lại, ta càng ít muốn chia tay.

Còn nhớ thời cắp sách đến trường hồi cấp 1 và 2, chia tay thầy cô, bạn bè về nhà nghỉ ba tháng hè sao mà thích. Bởi ba tháng nghỉ hè không phải đụng đến sách vở tha hồ vào rừng kiếm củi, hái rau quả dại. Hoặc thỉnh thoảng chặt một cây sào trúc dài, đi nhón chân từ xa phóng sào vào miệng hang chặn đường ẩn nấp của cua núi, có càng và mai đỏ rất đẹp.

Nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu

Mỗi bữa bắt được mươi con về cải thiện. Hoặc xuống hồ nhảy qua các bè cỏ kết dày để hái rau muống, rau lưa thưa, cỏ bện dày như những chiếc bè nổi trên hồ, thật mê.  Hoặc xuống suối mò cua, bắt ốc, đãi hến. Cua, ốc, hến thì ít mà nghịch nước thì nhiều, nghịch cho ướt sũng quần áo, tay chân nhăn nheo mới về. Hoặc làm một cây sào dài, có móc ở đầu, vào rừng cao su leo tít cành cao để khèo những cành khô chặt về làm củi. Người bé tí mà gánh nặng vẹo sườn. Rồi rủ nhau đi gánh nước, trẻ con 10 -12 tuổi mà xuống giếng ở chân đồi gánh nước về nhà gần 1 km lên dốc. Tiếc công đi nên quảy đôi thùng người lớn thật to, nặng chịch! Đi được mươi mét là thở dốc phải dừng nghỉ, vậy mà vẫn thích, ngày nào cũng gánh vài chuyến.

Đến năm cuối cấp chia tay bạn bè thấy quyến luyến, ngậm ngùi, xót xa. Năm lớp 7 tốt nghiệp cấp 2 ở một trường của xã vùng sâu, muốn học lớp 8 (lớp đầu cấp ba hệ 10 năm) phải đi bộ 40 cây số đường rừng. Xa xôi cách trở, lại nghèo khổ phải ở nhà giúp gia đình và thi vào cấp 3 thời ấy rất khó nên rất ít bạn đi học. Cả xã có một chị học lớp 10, một anh lớp 9, mình lớp 8, năm sau mới có thêm ba bạn lớp 8 nữa.

Chia tay bạn bè thời cấp 3, thời đại học, cảm giác buồn vui lẫn lộn, nhớ thương vơi đầy, bịn rịn khôn nguôi. Có những dáng hình nụ cười giọng nói đã in đậm trong tâm trí, vậy mà giờ phải chia xa. Không ngờ, có những người bạn cả đời không gặp lại. Nên bây giờ, những lần họp lớp thật trân trọng vô cùng. Chia tay trong háo hức mong ngày họp lớp sau để gặp gỡ bạn bè, hàn hguyên kỷ niệm, chia sẻ tâm tình. Nhưng không khỏi lo lắng lần sau về có đông đủ như lần này không? Tuổi càng cao, sức càng yếu, chả biết lá sẽ rụng lúc nào.

Bao lần chở xong chuyến đò, hoàn thành nhiệm vụ, giúp các em tốt nghiệp và đậu vào cấp 3, lòng thấy lâng lâng, thấy yên tâm vì mình đã hết lòng, hết sức với các em, thấy các em phần lớn đạt nguyện vọng, và hi vọng các em vững bước trong tương lai, cầu mong cuộc đời các em may mắn, thành đạt.

Có lần chia tay mà sung sướng lạ kỳ như trút đi được gánh nặng bao lâu. Đó là lần chia tay đồng nghiệp để về hưu, lòng cảm thấy thật nhẹ nhõm. Không còn áp lực công việc, áp lực thời gian và áp lực xe cộ trên đường. Không phải lo thức khuy dậy sớm, chấm bài mờ mắt vì chữ học trò nhiều em bắt chước chữ bác sĩ kê đơn. Không còn lo sốt vó vì thanh kiểm tra hồ sơ giáo án, dự giờ. Không phải vắt óc với những tiết thao giảng, dự thi giáo viên giỏi các cấp. Không phải nghĩ cách làm sao cho học sinh chăm học, thi tốt. Không phải đau đầu vì những học sinh cá tính… Nói chung là nhẹ nhõm, sung sướng vô cùng.

Cũng có những lần chia tay trong nước mắt, con cháu ở xa, tuổi già sức yếu, chả giúp được gì. Cứ xót xa, cứ dằn vặt, cứ ao ước, cầu mong cho con cháu nơi đất khách quê người ấm no, hạnh phúc, an lành, các cháu học hành giỏi giang, ngoan ngoãn.

Cuộc đời mỗi con người có biết bao lần chia tay, biết bao cảm xúc lắng đọng, không thể phai mờ.

PHẠM THỊ HỒNG THU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *