Trên đầu che mưa nắng cầm tay gọi gió về// Múc ngụm nước suối trong ngần môi ngọt vị quê/ Má thôn nữ nghiêng che màu mùng quân ửng đỏ// Dào dạt dòng thi ca, hoá thân thành huyền thoại/ Ở nơi nào cũng mang dáng dấp quê hương/ Nón lá Việt Nam để nhớ để thương.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.
Giọt nước mắt cay tràn gò má của bà
Mặn mồ hôi ướt sũng lưng áo cha
Ngọt ngào khúc dân ca của mẹ
Một hương vị rứt ray ngấm vào con máu thịt
Dội lên từ lồng ngực
Tan chảy tâm hồn thiêng liêng tiếng: quê hương.
Bông cỏ may khâu miền thương nhớ
Sợi chỉ hương đồng hoá bóng thời gian
Hoa dại những mùa dịu dàng khoe màu áo xốn xang
Hạt cơm thơm da diết mùi bùn non ngai ngái
Bữa cơm trưa chạy đồng rét căm tê tái
Tình yêu sinh từ gốc rạ, văn minh lúa nước mấy nghìn năm.
Đám ruộng đậu xanh giữa đồng không mông quạnh
Đám trẻ trai mục đồng mải mê con sáo sậu. Quên trâu
Nắng cháy đồng khô trâu mon men thèm lá đậu xanh màu
Cô bé thấy lo ra bờ chặn con trâu lén ăn lá đậu
Ngọn roi đau quất lên người: sao mày để trâu phá ruộng
Nước mắt lưng tròng: ông ơi con chặn dùm không phải trâu con!

Trên đầu che mưa nắng cầm tay gọi gió về
Múc ngụm nước suối trong ngần môi ngọt vị quê
Má thôn nữ nghiêng che màu mùng quân ửng đỏ
Dào dạt dòng thi ca, hoá thân thành huyền thoại
Ở nơi nào cũng mang dáng dấp quê hương
Nón lá Việt Nam để nhớ để thương.
Con lớn lên trên những thửa ruộng cày không internet
Câu tục ngữ dạy con ngày nắng hạn đến ngày giá rét
Biết “hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”
Biết “thương người như thể thương thân”
Nghe câu ca dao thương kiếp con cò
Nay về đâu kinh nghiệm bao đời theo câu ca dao, tục ngữ.
Đôi khi mình giận với chính mình
Cái quên không nghe lời
Cái nhớ cứ đành hanh
Có những đêm dài mắt trao tráo nhìn màn đêm đen
Cơn ngủ dỗi hờn không đến
Lòng người sâu rộng làm sao đo?
Khi đèn đỏ vẫn còn
Ô tô bóp còi, những chiếc hon đa phóng vội
Chỉ một người vẫn thản nhiên đợi
Còi giục liên hồi, có tiếng la: sao không đi hả con điên?
Điều đúng có phụ thuộc vào đa số?
Người đúng thường lạc loài giữa những kẻ sai!
LÊ LỆ THỦY