Thơ 1-2-3 Tuấn Phạm: Thấy cả ngày xưa trong mấy bức hình!

VHSG- Hoài niệm và tiếc nuối về tuổi thơ và những giá trị văn hóa bị mất đi “Đời trôi tuột mọi ưu phiền theo câu hò điệu ví/ Hội làng nay về đâu?”, sẻ chia với người nghèo khó giữa sự vô cảm “Tiếng rao dường cũng phân vân/ Chiếc ô tô xẹt qua vũng nước/ Ướt mỏng cả tiếng rao chiều”, trở về với lòng mình Tuấn Phạm cảm thức: “Được, mất mong manh/ Ta tri âm cùng trang giáo án/ Tim nóng lên men với con chữ cuộc đời!”

Nhà thơ Tuấn Phạm

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau 4 tháng phát động đã nhận đã nhận gần 360 chùm thơ 1-2-3 của gần 150 tác giả trong và ngoài nước gửi về, đăng tải hơn 280 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều cây bút tham gia những chùm thơ 1-2-3 chất lượng như: Nguyễn Quỳnh Anh, Trần Thế Vinh, Cao Ngọc Toản, Nguyễn Trọng Văn, Hồ Loan, Nguyễn Thị Thanh Long, Từ Dạ Linh, Đỗ Quảng Hàn, Lê Văn Hiếu, Lê Thanh Hùng, Quách Mộc Ngôn, Trần Mai Ngân, Nguyễn Bá Hòa, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Thị Thanh, Lương Mỹ Hạnh, Phạm Hồng Soi, Nhất Mạt Hương, Vũ Lam Hiền, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Vũ Hà, Vương Thanh Lan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Chử Lê Hoàng Điệp, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Nguyễn Đức Bá, Hà Vinh Tâm, Huỳnh Thanh Liêm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Nguyệt Lê, Mai Lệ Hằng, Hạ Như Trần, Lê Bích, Phạm Thị Hồng Thu,…

Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3” và xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.

Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ 1-2-3 mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!

 

Về nhà mẹ thuở ấu thơ

 

Rưng rưng chỉ còn mình mẹ

Thấy cả ngày xưa trong mấy bức hình!

 

Ngõ đất, gốc khế già, giếng khơi in trầm tích lặng thinh

Đâu rồi lũ trẻ con chơi khăng, đánh đáo?

Vé về tuổi thơ liệu có ai mua được!

 

Ngả mình trên đụn rơm vàng

 

Chợt da diết quê nhà từ hạt lúa khay mùi đất

Từ ánh trăng ngà neo dáng mẹ cha tất bật!

 

Người quê lớn lên từ hạt lúa, củ khoai

Nhớ cái đói quay quắt lúc giáp hạt

Chợt cay mắt ai đốt rơm trên đồng trong thẫm bóng chiều!

Thèm vài sợi nắng mùa đông

 

Đem sưởi ấm, sân trường lạnh giá

Ngoài kia mặc cả

 

Được, mất mong manh

Ta tri âm cùng trang giáo án

Tim nóng lên men với con chữ cuộc đời!

 

Tha phương chợt nhớ hội làng

 

Trăng vàng, trống hội mang mang

Các o thường ngày bẽn lẽn, quen cấy hái

 

Chợt nhiên hóa cô tiên sân khấu đêm nao

Đời trôi tuột mọi ưu phiền theo câu hò điệu ví

Hội làng nay về đâu?

 

Lèn đá – địa danh đã đi vào lịch sử

 

Giờ thân lèn nham nhở

Mìn giật, đá rơi, bụi mù trời…

 

Liệu trăm năm sau ai còn biết

Về chứng tích một thời

Đành chụp lèn đưa lên face may thế hệ sau còn nhớ

 

Người đàn ông đạp chiếc xe cà tàng ngang phố

 

Dáng người khắc khổ

Ánh nhìn lạ lẫm, ngại ngần

 

Tiếng rao dường cũng phân vân

Chiếc ô tô xẹt qua vũng nước

Ướt mỏng cả tiếng rao chiều!

 

TUẤN PHẠM

(YÊN THÀNH – NGHỆ AN)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *