Thơm lựng mùi bắp nướng – Phan Thế Hữu Toàn

VHSG- Những đêm lưu lại phố thị Sông Cầu của quê nhà Phú Yên tôi vẫn thường dừng xe bên cây cầu bắc qua dòng sông Tam Giang như một thói quen. Không phải để thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo giữa đôi bờ phố phường với ánh đèn tỏa sáng lấp loáng trên mặt sông hiền hòa, mà để mua… bắp nướng! Món ăn đậm chất dân dã ở đâu cũng có, nhưng lần nào qua đây tôi cũng mua một trái.

Nhà báo Phan Thế Hữu Toàn

Cách đây hai năm có lẻ, khi dừng xe bên đầu cầu, tôi thấy bà cụ gần bảy mươi tuổi, gương mặt khắc khổ màphúc hậu đang lúi húi bên bếp than nhẹ lửa. Ngồi cạnh bà là đứa trẻ trạc chừng mười hai tuổi đang phụ bóc vỏ trái bắp tươi nguyên, nhặt từng nhúm râu bắp để riêng một bên, thỉnh thoảng với tay lấy than củi bỏ thêm vào bếp. Mỗi khi có khách đến mua, bà cụ nói bằng chất giọng chân quê:

– Cô, chú muốn lấy trái nào cũng được. Bắp mới bẻ trên rẫy hồi chiều đó.

Nói vậy, nhưng bà cụ lại với tay cầm trái bắp nướng thơm lựng đặt bên lề rá thép để giữ nóng, rồi bảo:

– Cô, chú chọn mấy trái này chín đều. Hổng muốn thì chờ chút xíu có ngay trái khác gần chín.

Vừa nói, bà cụ vừa luôn tay xoay trở mấy trái bắp trên mặt bếp than nhỏ lửa, rồi nói:

– Nướng than non lửa thì bắp mới chín đều mà lại thơm. Ép trên lửa già thì bắp chỉ chín bề mặt, ăn vô dễ bị đau bụng.

Dứt lời, bà cụ nhìn khách rồi cười hiền lành.

Nhìn bà cụ cầm những đồng tiền nhỏ lẻ từ tay khách rồi vuốt thẳng những tờ tiền giấy có mệnh giá nhỏ đã bị nếp gấp trước khi bỏ vào túi vải, tôi cảm nhận nỗi niềm thương mến.

Bắp nướng mắm nêm là một trong những đặc sản của Phú Yên mà du khách ưa thích, nhất là các chị các em. Và đằng sau bếp lửa than nướng bắp có những số phận đáng thương!

Vài ba lần dừng lại mua bắp, tôi khơi chuyện dò hỏi mới biết bà cụ đã ngoài bảy mươi, còn đứa trẻ phụ việc từng đêm là cháu nội đang học lớp năm. Ba bệnh ngặt nghèo, mẹ vô TP Hồ Chí Minh bán vé số kiến thiết, bà cháu ở nhà kiếm cơm bên bếp bắp nướng. Khi thì ba, bốn chục ngàn tiền lời, lâu lắm mới có hôm kiếm được năm chục. Ít oi, nhưng khi cókhách ngỏ lời biếu tặng tiền thừa còn lại, bà cụ nhỏ nhẹ từ chối:

– Hổng được đâu, hay là cô, chú lấy dùm thêm trái bắp nhỏ.

Dứt lời, bà cụ đưa tay áo quệt mồ hôi trên trán, rồi lại cười. Vẫn nụ cười hiền lành, chân chất.

Lần nào mua trái bắp do chính tay bà cụ nướng tôi cũng ngửi mùi thơm của bắp và chút hơi ấm của than củi. Mùi thơm và hơi ấm đó đánh thức ký ức một thời niên thiếu với những buổi chăn bò bên soi dưa, đám bắp ven sông Ba đậm màu phù sa bồi đắp sau mỗi mùa mưa lũ. Đám bạn chăn bò cùng xóm rủ nhau chạy vào chòi lá ông Tư xin mấy trái bắp, rồi nhặt củi vụn dạt bên bờ cát để nhóm lửa nướng bắp. Than lửa không đều, trái bắp chín nham nhở, nhưng đứa nào cũng khen ngon, khen ngọt, màmôi miệng lem nhem mấy vết đen từ những hạt bắp cháy…

Đêm nay tôi trở lại phố thị Sông Cầu. Dừng chân bên dòng Tam Giang nhưng không tìm thấy ánh lửa từ bếp than của bà cụ bán bắp nướng. Dò hỏi người bán hàng rong gần đó, tôi bàng hoàng khi biết bà cụ đã đi xa sau nhiều ngày lâm bệnh. Tôi thẫn thờ nhìn lại nơi bà cụ cùng đứa cháu nội đã ngồi bán bắp ngày nào, lòng chợt nao nao. Thoảng đâu đây vẫn còn hơi bếp than và mùi bắp nướng thơm lựng.

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *