Nhượng Tống – Tìm người trong sử trong văn

“Nhượng Tống – Bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX” là tác phẩm của Yên Ba do NXB Hội Nhà văn mới ấn hành. Một câu hỏi sẽ nảy ra khi tên cuốn sách đập vào mắt bạn: Nhượng Tống là ai? Con người đó là ai mà tác giả sách phải đưa thêm dòng tít phụ ghê gớm như vậy? Xin thưa: đó là một nhân vật lịch sử và văn chương mất vào giữa thế kỷ XX nhưng đã bị bụi thời gian của lịch sử phủ dày lên khiến rất ít người biết đến ông. Ai có quan tâm đến lịch sử chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, có tìm hiểu về Việt Nam Quốc Dân Đảng thì mới có thể biết đến ông. Ai có đọc những bản dịch những tác phẩm văn chương nổi tiếng của Trung Quốc ký cái tên này hoặc chỉ được ghi NT mới có thể biết đến ông. Lịch sử chỉ mới lùi xa hơn năm mươi năm sau sự ra đi của một con người mà ngỡ như ông đã mất dạng tăm tích trong ký ức lịch sử. Nhưng lịch sử là cái đã qua, không phải là cái mất đi.

Nhà văn – dịch giả Nhượng Tống

Giờ đây có cuốn sách này của Yên Ba được in ra, nhiều người đọc vào sẽ biết Nhượng Tống là ai và ông đã là nhân vật thế nào trong lịch sử của một đảng chính trị từng làm nên khởi nghĩa Yên Bái (1930) rung chuyển cả nước Pháp và ông đã có những tác phẩm gì đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt và văn chương Việt hiện đại.

Cuốn sách có hai phần chính. Phần I “Nhượng Tống – Bí ẩn và bi kịch”. Ở phần này tác giả Yên Ba căn cứ vào những sách báo, tư liệu có được, dù là rất ít ỏi, cố gắng phục hiện cuộc đời của Nhượng Tống một cách sát nhất, đúng nhất có thể với 43 năm ông hiện diện trên cõi đời. Đặc biệt tác giả còn có những cuộc tiếp xúc trò chuyện với người con gái duy nhất của Nhượng Tống là bà Hoàng Lương Minh Viễn (sinh 1939) để có được những lời kể khả tín của bà về người cha của mình.

Từ sự khảo cứu công phu kỹ lưỡng đó Yên Ba đã làm sống lại, hiện lại nhân vật lịch sử Nhượng Tống: tên thật là Hoàng Phạm Trân, sinh năm 1906 ở quê Hà Nam, lên Hà Nội sống và tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927), bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo (1929 – 1933), về quê an trí làm thuốc chữa bệnh và dịch sách, viết sách (1933 – 1944), lên lại Hà Nội hoạt động chính trị, bị ám sát chết năm 1949.

Bìa sách “Nhượng Tống – Bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX” của Yên Ba.

Để có được một số thông tin cơ bản về Nhượng Tống như vậy, tác giả không chỉ căn cứ vào lời kể của con gái ông, mà còn kết hợp với sự khảo cứu và khảo chứng khoa học của mình. Đặc biệt anh đã đối chứng các tư liệu ngõ hầu muốn vén màn lịch sử về cái chết bí ẩn của Nhượng Tống. Tuy nhiên câu trả lời xác đáng vẫn đang phải chờ thời gian và hậu thế làm sáng tỏ. “Chỉ biết rõ rằng số phận bi kịch của Nhượng Tống phản ánh những bi kịch lớn của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đất nước, khi mà mỗi cá nhân chỉ là một hạt cát trong cái sa mạc mênh mông của thời cuộc.” (tr. 138).

Yên Ba đã đặt con người mang tên Hoàng Phạm Trân vào thời thế lịch sử đó của dân tộc để đưa ông từ lịch sử trở về hiện tại. Đó là một con người đầy nhiệt huyết yêu nước, hăng hái cùng các anh em đồng chí của mình hoạt động cứu nước theo một đường lối chính trị được lựa chọn, tuy có những bất đồng về chủ trương và cách thức hành động trong nội bộ. Đó là một nhà lý thuyết của đảng mình, nếu có thể nói vậy, khi ông đã dịch sách về chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn và đặc biệt đã viết hẳn cả một cuốn sách mỏng (56 trang) đề ra lý thuyết “Hỗ trợ thảo luận” (1943).

Do cách đặt tên sách ngày trước nên bốn chữ tên gọi này không phải hiểu nghĩa như bây giờ là hỗ trợ cho thảo luận. Theo Yên Ba thì Nhượng Tống “trong cuốn sách mỏng này, cho rằng không phải cạnh tranh mà chính tính hỗ trợ mới giúp cho loài người tiến hóa, rằng “lịch sử tiến hóa của loài người, ta có thể coi nó chỉ là lịch sử tiến hóa của luật hỗ trợ mà thôi.” (tr. 117). Toàn văn cuốn sách nhỏ mà mang tính lý thuyết này của Nhượng Tống đã được in ở phụ lục 1.

Phần II cuốn sách của Yên Ba nhan đề “Những “tài tử thư” của Nhượng Tống”. Đây là phần nói về hoạt động văn chương của Hoàng Phạm Trân với bút hiệu Nhượng Tống, cái tên rồi ra sẽ in dấu đậm một nhà văn, dịch giả nổi tiếng trong lịch sử văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ XX.

Tại sao bút hiệu Nhượng Tống? Ở cuộc nói chuyện với người con gái của ông, Yên Ba đã đưa ra câu hỏi về bút hiệu này và bà Hoàng Lương Minh Viễn đã đưa ra một giả thiết thú vị (tr. 155). Hoàng Phạm Trân còn ký vài bút hiệu khác, nhưng Nhượng Tống là cái tên nổi bật quen thuộc nhất, cái tên sẽ đứng lại trong văn giới Việt Nam như một giá trị của một ngòi bút tài hoa tiếng Việt qua những bản dịch “tài tử thư” của văn chương Trung Hoa.

“Tài tử thư” là biến tấu của Yên Ba từ tên gọi “Lục tài tử” do nhà phê bình Thánh Thán (thế kỷ XVII) xếp ngôi cho sáu người viết của Trung Hoa xưa nay: 1) Trang Chu (Đạo đức kinh), 2) Khuất Nguyên (Ly Tao), 3) Tư Mã Thiên (Sử ký), 4) Đỗ Phủ (thơ luật), 5) Vương Thực Phủ (Tây Sương ký), 6) Thi Nại Am (Thủy hử). Trong gần mười năm ở tại quê nhà sau khi ra tù Côn Đảo, Nhượng Tống đã dịch 5 trong 6 “tài tử thư” này, lần lượt theo thời gian là: Tây Sương ký, Ly tao, Thơ Đỗ Phủ, Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Hoa kinh.

Cả năm cuốn đều được in ở nhà Tân Việt thời ông còn sống. Còn cuốn thứ sáu “Thủy hử” có bản in cũng của nhà Tân Việt tại Sài Gòn năm 1962 theo khảo sát và chứng minh của Yên Ba có thể cũng là từ bản dịch ban đầu của Nhượng Tống mà nên. Nếu đúng vậy thì Nhượng Tống đã dịch cả “lục tài tử“, một điều đáng kinh ngạc nếu xét về hoàn cảnh ông lúc ấy và xét về chất lượng cao của các bản dịch.

Yên Ba đã giới thiệu lần lượt năm dịch bản “tài tử thư” của Nhượng Tống một cách chi tiết từ bản gốc dùng để dịch, bản in, năm in, đến các lời cùng bạn đọc của dịch giả, đúng theo kiểu mô tả của một nhà thư viện học. Nhưng anh không chỉ dừng ở đấy mà còn thêm phần bình luận, phân tích văn bản dịch và nghệ thuật dịch của Nhượng Tống như một nhà phê bình văn học tinh tế. Nhờ đó bạn đọc vừa biết hoàn cảnh ra đời các dịch bản, biết được những quan điểm tư tưởng dịch giả gửi gắm qua bản dịch, vừa hiểu được giá trị và đóng góp của Nhượng Tống cho văn học nước nhà qua lao động dịch thuật này. Xin điểm qua một vài nhận định của Yên Ba.

Về bản dịch “Mái Tây” (“Tây Sương ký”): “Nhiều câu thơ ông dịch có thể xem là tuyệt bút của dịch thơ cổ Trung Hoa.” (tr. 175). Về bản dịch “Ly tao”: “Từ chỗ cảm đến chỗ ngồi xuống dịch cho những dòng tình cảm tuôn ra từ đầu ngọn bút, Nhượng Tống đã để lại một mẫu mực về sự đồng cảm giữa người dịch và tác giả, dẫu cách nhau cả nghìn năm.” (tr. 183). Về bản dịch thơ Đỗ Phủ: “Cách nhau cả nghìn năm nhưng ở Đỗ Phủ, người có cuộc đời chung một nguyên tố là đau khổ giống mình, Nhượng Tống đã đồng cảm đến tận cùng để rồi thỏa sức vẫy vùng ngòi bút, sáng tạo nên một trong những dịch phẩm thơ Đường đồ sộ nhất trong văn học Việt Nam.” (tr. 194).

Về bản dịch “Nam Hoa kinh”: “Lần đầu tiên với bản dịch của Nhượng Tống, người Việt có được một tác phẩm triết học nguyên khối, rắn chắc, với vẻ đẹp tinh khôi và sáng rỡ!” (tr. 216). Những nhận định này của Yên Ba, một trong số ít người được tiếp xúc từ sớm với những tác phẩm của Nhượng Tống bị phủ bụi thời gian, còn cần phải được khảo chứng và soi chiếu tiếp với những nhận định khác, nhưng khi được tác giả nói ra ở thể khẳng định tuyệt đối như vậy sẽ gây được lòng tin của độc giả và có sức lôi cuốn họ tò mò tìm đến với những tác phẩm đó. Cũng như vậy, Yên Ba đánh giá chỉ với cuốn tiểu thuyết duy nhất “Lan Hữu” (1940, in lại 2016) đã đủ để xếp Nhượng Tống “vào trong số những tiểu thuyết gia nổi bật của thời kỳ 1930 – 1945.” (tr. 232).

Có thể còn có những trao đổi, thảo luận quanh việc đánh giá này, nhưng sau khi đọc hết cuốn sách của Yên Ba viết về Nhượng Tống bạn đọc chắc hẳn sẽ đồng ý với kết luận của tác giả: “Vượt lên trên những thiên kiến chính trị, Nhượng Tống xứng đáng có được sự đánh giá công tâm, khách quan, về tài năng, công sức, cũng như những đóng góp của ông cho văn hóa Việt Nam.” (tr. 258). Được thế hẳn ông cũng bớt ngậm ngùi “Một đời dù chẳng được việc gì/ Tấc lòng để lại cho Thiên Cổ” như ông đã viết trong bài thơ dài làm tựa cho tập thơ dịch Đỗ Phủ.

Trong lời vào sách Yên Ba nói nhờ tham gia giới chơi sách mà anh đã có cái “duyên” gặp được Nhượng Tống, từ đó bị con người này cuốn hút để phải tìm hiểu và phải viết ra những điều mình biết về ông những mong có thể trả lại “chân diện mục” ông trong sử trong văn. Quả thật cuốn sách này đã rất có ích cho việc đó và có thể coi là bước đầu cho việc nghiên cứu kỹ hơn, thấu đáo hơn về Hoàng Phạm Trân – Nhượng Tống.

Yên Ba đã làm tôi ngạc nhiên và khâm phục từ khi là một cây bình luận quốc tế nổi tiếng ở báo Quân Đội Nhân Dân đến khi chuyển sang viết về bóng đá (cuốn sách dày “Từ Pele đến Maradona” đọc rất thú vị mới được tái bản), rồi viết về các điệp viên thế giới (cuốn sách dày “Răng sư tử” đọc hấp dẫn ly kì cũng đã được tái bản ngay). Và bây giờ là cuốn sách khảo cứu nhân vật lịch sử văn hóa “Nhượng Tống bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX” được viết với đầy đủ các thao tác của một nhà văn bản học.

Hy vọng sách nếu tái bản sẽ có thêm những bản sách của ông ở lần in đầu tiên – điều này với một người chơi sách như Yên Ba hẳn không khó. Và tôi tin Yên Ba sẽ còn những hứa hẹn bất ngờ cho bạn đọc bằng những lục lọi tìm tòi sách báo của mình.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *