Những lần gặp V. I Lenin – Ilya Ehrenburg – Kỳ 3

VHSG- Nhóm những người Bolshevist thường tụ tập tại quán cà phê tại đại lộ Olean. Trên tầng hai có một gian phòng không rộng. Theo một quy định từ thời nào ở Paris, khách vào quán không phải trả tiền dù muốn ngồi lâu bao nhiều, ngoại trừ khách uống cà phê hay uống bia. Tôi hỏi Savchenco gọi cho tôi thứ nước gì? Cô gái trả lời: “Nước siro. Tất cả chúng ta đều uống siro”. Một lúc sau người ta mang tới cho chúng tôi những ly nước màu hồng hồng. Chỉ riêng Lenin yêu cầu một ly bia. (Sau này, tôi thường nghe các cô gái chạy bàn thường xì xầm ngạc nhiên: các nhà cách mạng mà chỉ uống siro thôi sao?).   

Tham gia cuộc hội nghị này có chừng 30 người. Tôi chỉ chăm chú nhìn Lenin. Ông vận bộ comple màu đen, với chiếc cổ áo hồ cứng. Tôi ngắm nghía ông khá kỹ càng. Tôi không nhớ Lenin nói gì, dù khi còn bé xíu tôi đã rất quan tâm xem người lớn nói gì qua mỗi câu mỗi chữ. Ông trả lời các câu hỏi của tôi rất dịu dàng, không hề cáu bẳn, sau đó chậm rãi giải thích cho tôi nghe những gì tôi không hiểu..Ludmila nói ngay với tôi, rằng tôi hỏi hơi thô, không khéo. Khi hội nghị kết thúc, Vladimir Ilist tiến lại phía tôi nhỏ nhẹ: “Chú từ Moskva  sang à?”. Tôi giải thích cho ông ta rõ, tôi làm việc tại tổ chức của Moskva cho tới  tháng Giêng, sau đấy tôi bị bắt, định mãn hạn sẽ tới Poltava tập hợp các đồng chí. Lenin mời tôi rẽ qua chỗ ông.

Nhà văn Ilya Ehrenburg

Tôi tìm thấy nhà ông trên con phố nhỏ gần khu công viên Mosuri (bây giờ thì tôi kiểm tra lại, đó là phố Bonie). Tôi đứng ngoài cửa khá lâu, ngại không tiện bấm chuông. Cái tính táo tợn xưa kia không còn. Nadegioda Constantinovna, bà vợ của Lenin ra mở cửa. Lenin đang làm việc. Ông ngồi, mắt nheo nheo, đọc gì đó trên những trang giấy dính vào nhau, dài thượt.

Tôi kể cho Lenin nghe sự thất bại của các tổ chức trong nhà trường, về bài báo “Hai năm của một đảng duy nhất”, về tình hình ở Poltava. Ông nghe chăm chú, đôi lúc lặng lẽ cười,  tôi có cảm giác như ông cho rằng tôi còn quá trẻ. Nghĩ vậy, tôi thấy bối rối. Tôi nói rằng, tôi nhớ rõ địa chỉ để gửi bài báo tới. Nadegioda Constantinovna ghi lại địa chỉ ấy.. Tôi muốn đứng lên ra về nhưng Vladimir Ilist giữ tôi lại. Ông bắt đầu hỏi tôi đủ điều: ví như phong trào thanh niên ra sao; các bạn trẻ thích đọc tác phẩm của nhà văn nào nhất; các tập tạp chí Kiến thức có được nhiều người đón đọc không; ở Moskva tôi hay xem những vở kịch gì, tại nhà hát Cors hay tại Nhà hát Nghệ thuật. Lenin đi lại trong phòng còn tôi thì ngồi trên chiếc ghế đẩu. Nadegioda Constantinovna báoi đã tới giờ ăn trưa. Tôi định ra về, nhưng hai ông bà giữ tôi ở lại, ăn cùng họ. Tôi ngạc nhiên với các đồ vật xếp trong phòng của ông: sách đặt trên giá; trên bàn làm việc mọi thứ sắp đặt gọn ghẽ. Tuyệt nhiên không giống với gian phòng các đồng chí của tôi ở Moskva. Thỉnh thoảng Vladimir Ilist lại như nhắc nhở bà vợ nhớ tới sự hiện diện của tôi: “Chú ấy từ đó đến thẳng đây. Chú ấy hiểu rõ thanh niên hiện nay ra sao!”

Tôi sửng sốt khi ngắm cái đầu của Lenin. Tận 15 năm sau, tôi vẫn giữ mãi ấn tượng về cái đầu của ông khi tôi nhìn thấy Lenin nằm trong quan tài. Tôi đưa mắt ngắm rất lâu cái hộp sọ đặc biệt đó. Cái hộp sọ ấy không dành cho các nhà nghiên cứu cơ thể học, nói đúng hơn, nó dành cho các nhà kiến trúc.

(Nhiều năm sau này, sau khi Lenin từ trần, tôi có dịp đọc hồi ký của bà Crupskai. Bà viết Lenin đã đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi. “Anh biết không, ông nhà tôi khen anh viết khá đấy”. Tôi diện kiến Lenin lần đầu như tôi vừa kể ở trên vào mùa xuân năm 1909.Tôi không ngờ rằng sẽ lại được gặp ông , không lâu trước khi Lenin từ trần vào năm 1922 hay 1923 tức vào thời gian ông đọc cuốn “Khulio Khurenito” của tôi).

Nhà văn – dịch giả Tô Hoàng thời học ở Nga

Vài lần khác tôi được nghe Lenin nói trong các buổi họp. Ông nói từ tốn, không cao giọng, không hùng biện, giọng hơi bị đớt một chút. Xen vào giữa điều đang nói, thỉnh thoảng ông cất tiếng cười. Điều ông nói tuôn ra như một chiếc lò so bị ép lại lâu rồi; ông như sợ người nghe không hiểu điều mình nói. Ông thường quay qua trở lại với những ý tưởng vừa trình bày, nhưng chưa khi nào lặp lại điều đã nói mà luôn luôn biết bổ xung điều gì đó mới mẻ hơn. (Sau này một số người bắt chước cung cách ăn nói của Vladimir Ilist, nhưng họ quên mất rằng cái lò xo của Lenin là sợi thép bị nén ép lại; còn lò xo của họ là những sợi thép đã giãn thẳng băng).

Lenin chăm chú theo sát đời sống chính trị của Pháp. Ông nghiên cứu lịch sử, kinh tế  của nước này. Ông hiểu khá rõ tầng lớp thợ thuyền của thành phố Paris. Lenin không chỉ nói được tiếng Pháp mà còn có thể viết được những bài báo bằng thứ ngôn ngữ ấy.

Vào tháng 5 năm 1909 tôi đã có mặt trong cuộc tuần hành của các chiến sỹ Công xã. Họ đi phía trước. Lực lượng khá đông và bước đi rất bình thản, hiên ngang. Với tôi, họ như những người đã quá già cả. Tôi nghĩ về Công xã như nghĩ tới những trang sách của một câu chuyện cổ. Vâng, chuyện này xẩy ra 38 năm trước. Chính tại đây tôi đã nhìn thấy Lenin. Ông đứng rong nhóm những người cộng sản.

Tôi còn nhín thấy Lenin tại thư viện Sent-Gineviev, trên chiếc ghế đá tại công viên Monsuri, giữa cac cụ già và trẻ nhỏ; tại nhà hát dành cho thợ thuyền trên phố Goeth, nơi mà ca sỹ Montehiu đã hát những bài ca cách mạng.

Trong cơn bốc lửa của cac cuộc tranh cãi chống lại phần tử cực đoan coi thường những quy luật phát triển xã hội, đương nhiên tôi phản đối đề cao vai trò cá nhân trong lịch sử.Vài năm trước tôi có ngẫm nghĩ lại câu nói của Enghels: “Mark và cả tôi nữa có lỗi ở chỗ đã phản bác thanh niên khi họ phú cho kinh tế ý nghĩa lớn lao hơn là những gì nó có. Khi phê phán những người không đồng chính kiến, chúng tôi thấy cần phải đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc chủ yếu là không phải lúc nào cũng tìm được thời gian, địa điểm và nguyên cớ thích hợp để truyền đạt điều cần thiết trong những thời khắc còn lại”. Lenin đã biết đặt nhiều việc đúng thời gian, không gian của chúng.

Khi tôi đến gặp Vladimir Ilist, bà dọn vườn đã nghiêm khắc nói với tôi: “Hãy lau sạch chân đi!”. Chả lẽ bà ta hiểu được chủ của bà ta là ai à?”. Chả lẽ cả mấy cô bồi ở quán cà phê tại đại lộ Ordean cũng biết rằng,  cái người thích uống bia bằng cốc  vại ấy, 8 năm sau sẽ cất lên tiếng nói thu hút toàn thế giới lắng nghe? Chả lẽ những bạn đọc cần mẫn thường ghé lui thư viện Sent-Gineviev cũng đoán được rằng  cái người hay ghi chép cẩn thận từ những cuốn sách những con số và những tên tuổi lại sẽ làm thay đổi thế giới; và về ông ấy sau này có cả hàng chục ngàn tác giả đặt bút viết và viết bằng tất cả các ngôn ngữ trên năm châu?

Và chả lẽ cả tôi nữa, người nhờ một phép màu nào đó được nhìn, được gặp Vladimir Ilist lại có thể hình dung ra chính con người ấy sẽ gắn liền tên tuổi mình với sự ra đời một kỷ nguyên mới của nhân loại?

Lenin là một con người của những kích cỡ lớn và phức tạp.. Trong những năm tháng bão lửa của cuộc nội chiến, sau khi Isaev Dobrovein chơi hết bản sonat của Beethoven, Lenin đã nói với  văn hào Gorki: “Tôi chưa từng biết tới điều gì hay, đẹp hơn bản “Appassionata”. Hàng ngày lúc nào tôi cũng có thể nghe bản nhạc này được. Thật là một thứ âm nhạc siêu phàm, làm đắm say lòng người. Tôi luôn luôn tự hào và cũng sẽ ngây thơ nữa khi nghĩ rằng, con người ta lại có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu như vậy sao!- Rồi hơi nheo nheo mắt, Lenin nói tiếp giọng không vui: Nhưng tôi không thể nghe bản nhạc ấy lâu lâu được. Nó tác động lên thần kinh và buộc tôi phải nghĩ tới một điều ngớ ngẩn như thế này: chẳng lẽ con người ta đang sống trong địa ngục tối tăm, khốn khổ mà lại có thể sáng tạo nên cái đẹp đến như vậy? “

Tôi ghi lại đoạn này từ hồi ký của Marxim Gorki. Bởi lẽ, trích đoạn ấy gắn bó khớp khao với cuộc đời, với những ý tưởng của tôi – không, nói cho rộng ra – gắn bó cả với thế kỷ của chúng ta, với số phận của tất cả chúng ta…

ILYA EHRENBURG

TÔ HOÀNG chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Hồi ký Con người, Năm tháng, Cuộc đời 

(Còn tiếp)

>> Khi nhà văn ý thức về ngày sinh, tháng đẻ – Kỳ 1

>> Quả táo có rơi xa gốc không? – Ilya Ehrenburg – Kỳ 2

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *