Trường thơ loạn qua thẩm mỹ quan Dionysos

“Trường Thơ Loạn” – hiện tượng thơ đáng chú ý giai đoạn 1932-1945 – có những đại diện tiêu biểu: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên,… Trường Thơ Loạn đóng góp thúc đẩy quan niệm thẩm mỹ thơ ca tiền chiến, ảnh hưởng nhứt định một số nhà thơ về sau. Hiện tượng thơ ca này vốn được quan tâm nghiên cứu từ lâu. Nhưng với quan niệm thẩm mỹ Dionysos, bài viết kiến giải thể tính Trường Thơ Loạn trên nền tảng “triết lý bi kịch” của Friedrich Nietzsche. Vận động tương quan thẩm mỹ Apollo-Dionysos giúp nhìn nhận rõ hơn quá trình phát triển thơ ca giai đoạn này. Hơn thế, việc định vị Trường Thơ Loạn còn có thể khai mở phần nào thực tiễn dịch chuyển tri thức giữa phương Tây và Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Thẩm mỹ quan Dionysos, Nietzsche không phát minh mà phát hiện. Thần vị Apollo và Dionysos (xem như thể tính) vốn có trên cõi thế từ cổ thời. Bước thăng tiến sơ thức tới ngã thức, thần tính Apollo và Dionysos đã hữu tại. Apollo và Dionysos không đơn thuần thần vị cổ Hy lạp. Đó là hai khuynh hướng/chiều kích/hệ hình thẩm mỹ trong cuộc tương giao giữa người nghệ sĩ và thế giới – hai cách thế hiện hữu thẩm mỹ. Từ phía sáng tạo, đó là phương thức tương giao thế giới. Về phía tiếp nhận, đó là cửa ngõ cảm thọ thẩm mỹ. Apollo và Dionysos – hai xung lực thẩm mỹ phổ biến trong sinh hoạt nghệ thuật.

Nhà phê bình Võ Quốc Việt – tác giả bài viết

Tại sao có thể nhìn Trường Thơ Loạn từ phía Dionysos? Cuộc “thư hùng” cũ-mới năm ấy khác gì cuộc “tạo phản” của thế hệ “Cronos” đối với “Uranos”. Đến khi thế hệ “Cronos” dần dà an vị thì thế hệ “các vị thần trẻ” lại đe dọa ngai vàng thi ca. Lẽ thường! Bất cứ sinh thể nào cũng đồng thời hiện diện lưỡng cực xung lực, thúc đẩy sinh thể vận động. Cuộc “gió tanh mưa máu” năm ấy, Thơ mới dần thịnh thế trên phương diện sáng tác. Bấy giờ nội tại Thơ mới chuyển hóa, xuất hiện hai khuynh hướng vận động, dần định hình hệ thẩm mỹ tương quan Apollo-Dionysos. Nếu Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, … so ra vẫn mực thước, sáng đẹp, tao nhã thì Hàn Mặc tử, Bích Khê, Chế Lan Viên,… thuộc về phía “ngữ thức” cuồng loạn theo lối “phản đạo”. Hơn nữa, chính Hàn nhờ Nietzsche mở lời tương phùng với Bích Khê. Lẽ đó, “thẩm mỹ quan” Dionysos khả dĩ định vị thể tính Thơ Loạn.

Kỳ thực, hướng tiếp cận này có gì mới mẻ đâu! Chẳng qua, nhờ mỹ quan Dionysos, bạn có thể nhìn và thấy thêm gì nữa từ cõi thơ Loạn mà thôi!

1. Từ thẩm mỹ quan Dionysos đến Trường thơ loạn

“Chỉ để làm điên! Chỉ làm thi sĩ!” (Sầu ca, Nietzsche)

Là triết gia, hiền nhân, kẻ mặc tưởng, người loạn trí, hay gì đi nữa, … Nietzche vẫn có cốt thi sĩ. Người gần gũi với thi sĩ vô vùng! Triết của Nietzsche giống bản hoan ca, hơn cuộc luận thuyết. Và triết này cùng chung mối oan cừu nhơn thế thi ca! Nhứt ở chỗ, phiên biệt lưỡng cực xung lực thẩm mỹ Apollo-Dionysos!

Nguyễn Đình Thi bàn về triết học Nietzsche (tương liên Apollo và Dionysos): nếu nghệ thuật Apollo “đem đến cho chúng ta những hình ảnh, những sự mơ tưởng, nghĩa là cố diễn tả cái đẹp trong không gian và thời gian; những nghệ thuật ấy gồm có những nghề hội họa và điêu khắc”thì nghệ thuật Dionysos phá hủy tạo hóa để sáng tạo. “Tạo hóa chỉ phá hoại để lại sáng hóa: người là một phần tử của Tự nhiên cũng chỉ bị phá hoại để lại được sáng hóa: đã biết thế, chúng ta không còn đau đớn nhiều về điều chúng ta bị phá hoại luôn luôn. Những nghệ thuật làm cho ta hòa hợp với tạo hóa như thể, người Hy Lạp gọi là nghệ thuật Dionysos, vì thần Dionysos là tượng trưng của sự say sưa, – và những nghệ thuật ấy chính là thơ và âm nhạc”3. Từ góc nhìn thế giới đến quan niệm thẩm mỹ, Apollo và Dionysos trở thành lưỡng cực xung lực thúc đẩy vận động nghệ thuật. Hai ý hướng đối lập, tồn tại song song, mãi mãi xung đột nhưng tương hỗ không rời, không thể có Apollo mà không có Dionysos và ngược lại.4

Với cơn thống khoái phi thường, Apollo lẫn Dionysos đều khởi nguồn sáng tạo. Nghệ thuật khả thể vượt lên trên hữu tại thường tình. Thậm chí, nghệ thuật tức là trác tuyệt. Nên Apollo và Dionysos thể như “thần tính” nghệ thuật. Chỉ là, hai khuynh hướng “thần tính” khác nhau. Thần tính trở thành thi tính: biểu hiện như mộng tưởng/mặc tưởng. Thi ca là chốn địa đàng thơ mộng của loài linh trưởng. Mộng là môi trường, mộng là chất liệu; mộng là phương thức; mộng là xúc tác; mộng vừa thủy lẫn chung; mộng vừa hài đồng lại niên lão; mộng đồng thời chính TA cũng PHI-TA. Thơ ca dù hướng đến cái tôi cá nhân hay không đều là quá trình vận động từ chủ thể tính đến phi chủ thể tính/ liên chủ thể tính. Thâm nhập thể tính chủ thể không phải ở chính chủ thể mà ở chỗ tương quan lập hữu (relation subsistante)5. Thành ra, không nói Apollo, không nói Dionysos mà nói mối tương liên thần tính đôi bên. Tách rời đôi bên làm sao minh định, chia biệt đôi bờ sao có tương giang!

Trong thế tương liên, Apollo lẫn Dionysos đều hệ thẩm mỹ. Thần tính Apollo tức mơ mộng, mực thước, hài hòa. “Apollon, thần linh của ánh sáng, của tưởng tượng, ngự trị trên khắp các biểu hiện sáng tạo bởi linh hồn nhân loại này. Thần mãi mãi giữ được vẻ nhàn nhã tự do, vẻ khôn ngoan tươi trẻ; thần đòi hỏi sự mực thước và hòa hợp”. Thẩm mỹ quan Apollo đi về phía cổ điển-tình cảm-lãng mạn! Một khi Dionysos xuất hiện với bài “túy quyền” thượng thừa, mực thước tan vỡ. Thay vào đó, một cơn say, cuộc xuất thần, giao hòa thiên thượng liên tu bất tận, “đồng nhất mọi vật sống và khổ đau”, “một phần của ý chí tản mát khắp vũ trụ”, “Thánh thư của hòa điệu”, “dự vào tính vĩnh cửu của thiên nhiên”, “đời sống vượt bỏ lề luật, mọi giới hạn”, “niềm vui hủy hoại”, “con người cảm thấy mình là thần linh”, “mặc khải thực tại sâu thẳm nhất” , … Hòa tấu thứ chín và Trường ca Hàn Mặc Tử đều nhuần nhị trong cõi lòng Dionysos.

Nhờ đâu có thể lập tương liên Apollo và Dionysos?

“Dionysos và Apollon không đối lập như là các mô men của một mâu thuẫn, mà đúng hơn như là hai cách thức trái ngược để giải quyết mâu thuẫn: Apollo giải quyết một cách gián tiếp, trong sự nghiêm ngắm hình ảnh thân thể; Dionysos giải quyết trực tiếp trong sự tái tạo, trong biểu tượng âm nhạc của ý chí. Dionysos giống như là cái nền, mà trên đó Apollon thêu nên cái bề ngoài đẹp đẽ; nhưng ở phía dưới Apollon chính là Dionysos đang gào thét. Như vậy, bản thân phản đề cần được giải quyết, cần được “chuyển hóa thành sự thống nhất”

[1] Nguyễn Đình Thi (1942). Triết học Nietzsche. Tủ sách Triết học. Hanoi: Tân Việt xuất bản, tr.32. [1] Nguyễn Đình Thi (1942), tr.33. [1] Friedrich Nietzsche (1999). The Birth of Tragedy (and Other Writings) (trans. by Ronald Speirs; Ed. by Raymond Geuss and Ronald Speirs). New York: Cambridge University Press, p.119. [1] Nguyễn Khắc Dương (2020). Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.79. [1] Felicien Challaye (2007). Nietzsche – Cuộc đời và Triết lý (Mạnh Tường dịch từ bản Pháp ngữ). TPHCM: Nxb. Văn nghệ, tr.59.

Thẩm mỹ quan Dionysos và Apollo không loại trừ mà tàng ẩn trong nhau. Bạn có thấy “sinh thể Thơ mới” dung chứa hai khả lực sung mãn ấy! Tâm hồn nghệ sĩ về phía Apollo thể như liều an thần du tưởng dìu mộng; về phía Dionysos, lại “chọc ngoáy” đau thương linh hồn làm niềm “thống khoái”.  Người nghệ sĩ, phải chăng, kẻ đau đời toàn diện. Bản chất có vấn đề, bản chất bi kịch, bản chất bi thương hằng có giữa đời thơ. Sống tức sa lầy. Bi kịch trên hết: mắc kẹt. Thi ca – nghệ thuật đau thương.***

Từ phía Dionysos, nghĩ gì về Trường Thơ Loạn và phần còn lại của Thơ mới?

Mọi định vị mặc nhiên tiền giả định quy hệ. Thẩm mỹ quan Dionysos như quy hệ lượng ước phẩm tính Trường Thơ Loạn; hơn nữa, còn lập định tương quan trường thơ này với phần còn lại của Thơ mới. “Những giòng chữ trên trình bày một thẩm mỹ quan hoàn toàn khác với cái thẩm mỹ quan của Thế Lữ trong “Mấy vần thơ” (1935) và của Xuân Diệu trong “Thơ thơ” (1938). Nghệ thuật ở đây không còn là sự phô diễn liên miên của cái tôi “bề ngoài”, cái anh anh em em như trong thi ca lãng mạn. Nghệ thuật ở đây tìm đến lãnh vực siêu hình, nó đi tìm “bề sâu” của cái tôi, “bề cao” của sự vật; nó là nghệ thuật “luyện kim thi ca” (alchimie poétique)” . Dù chàng Ngô ăn vận tối tân, “cộng đồng diễn giải” bấy giờ vẫn cảm thấy máu mủ thâm tình; trong khi Hàn-Bích-Chế, thiên hạ hoặc hắt hủi hoặc “kính nhi viễn chi”. Phần đông chưa cảm được “cơn điên loạn”, cho rằng: “tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”! Lại cũng có người nỡ lòng dùng “luật thơ Pháp” quy hệ thơ Bích Khê, khác gì lấy rọ heo trầm xuống Hư Vô. Cũng có nhà luân lý luận tội Thơ Loạn. Nhưng phải đội ơn bốn phương “bồ tát”! Bởi nhờ có “bồ tát” bốn phương mà đôi đường Thơ mới càng thêm phân định.

Khoan nói điên-tỉnh, ngay chỗ cách biệt đó, Hàn-Bích-Chế không thể “cùng một lứa bên trời lận đận” với phần còn lại của Thơ mới. Ngay khi “thái dương” phát tỏa đã khởi sinh “thiếu âm”! Lúc “quần hùng” tế sống Tản Đà, cũng là khi thái dương Thơ mới thịnh thế. Bấy giờ, thiếu âm Cuồng Loạn đã nhuốm màu quá nửa châu thân. Trường Thơ Loạn kéo giông tố âm u, huyền bí đầy trời. Truyền nhân “tạo phản” theo kiểu môn đệ Dionysos đã xuất hiện làm nghiêng ngửa “chúng tiên”. Rồi sau đó, lần lượt từng mặc khải thi sĩ thần linh đã bỏ lại quần hùng chữ nghĩa, thượng thừa biệt tích! “Phần dư” hậu kỳ Thơ mới như tiếng nấc khải thị sau cùng!

Trường Thơ Loạn như khoảnh khắc “hiển linh” của thơ Việt hiện đại!

2. Trường thơ loạn: thể tính Dionysos

Luận thể tính thơ Loạn, không ít người đã làm. Phần nhiều kéo về phía Tượng trưng, Siêu thực. Nhưng Hàn Mặc Tử đã lên tiếng ân đoạn nghĩa tuyệt với Baudelaire . Chế Lan Viên cũng nói: “Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ siêu thực. Tượng trưng càng không” . Lẽ đó, thể tính Trường Thơ Loạn nên chăng “quy hồi” chân thân trên lối “trực quan bản chất”, lập thành bí kíp “nghệ thuật đen” của “giáo chủ minh giáo thi ca”!

1. Túy quyền hay vũ khúc nguyên thủy

Lọt lòng, Dionysos đã truy hoan bất tận. Điệu túy ca hoan lạc, say sưa – lên đồng! Nhờ say, một kiếp thành ra vô lượng kiếp! Người ái thấy lên đồng như kinh thiên trác tuyệt; kẻ ố chụp bắt động cỡn vu chứng kinh phong! Vậy kinh thiên hay kinh phong, vì đâu?

Bạn phải nhìn Apollo để hiểu Dionysos. Kìa, vầng dương thơ mộng : do cơn mơ tỉnh, mơ mà biết đang mơ, chủ ý nằm mơ để dệt mộng. Còn nhân tình Dionysos lại cuồng mộng viễn phương, do sức dồn đuổi xô đẩy của thanh xuân, niềm khát sống kinh ngạc (có thể có tác nhân kích ứng). Nietzsche say Rượu Nho Bi Kịch Hy Lạp Cổ Thời hay vì chất kích thích thần kinh thì chưa chắc, nhưng chắc rằng cơn say đó là yếu tính Rượu Nho mà tư tưởng Nietzsche nhuộm vào thi ca! Zarathoutra, Siêu Nhơn của Nietzsche gần với thi sĩ, với Hy Mã đạo sư, với chân nhân mặc tưởng, thể như phi đạo của Bồ Tát đạo hơn là phường trí giả áo xống phẳng phiu. Hàn gặp Bích trong tinh thần đó! Nietzsche, Hàn và Bích đã tương phùng xuyên không. “Tìm mãi cái đẹp không thấy, vì tất cả mọi sự ở thế gian đều tầm thường cả, thi sĩ mới nhận ra rằng chỉ có cái gì đời đời, cái gì hằng sống (éternité) mới thỏa mãn được nỗi khát khao thương nhớ vô hạn của thi sĩ. Le douleur dit: passe et finis!/ Mais toute joie veut l’éternité,/ Veut la profonde éternité (Nietzsche) cho nên thơ chàng sắp bay sang thế giới Huyền bí để đi đến chỗ tuyệt đích là: Tôn giáo” . Ba đứa gặp nhau ở chỗ đời đời và đã nhậu Bàu Đá thi ca trong niềm thống khoái liên tu. Cơn say sưa thần dị đưa cả bọn vượt ra ngoài hạn định ba chiều và xác lập cách thế “chân đạo sư” cho Hàn và Bích trong thi ca Việt. “Đi vào cõi mê ly không bờ bến…”. “Qua nơi này là cách biệt trần gian”. Trên đường tiến hóa tâm linh, Hàn và Bích bỏ lại người côi cút giữa cuộc thế.

Say sưa – cái đệ nhứt thể tính của Thơ Loạn (nói như Chế, thơ tức Rượu Đau Thương). Nhưng nói say thì lắm kẻ say, riêng gì Hàn-Bích-Chế. Kẻ tao nhân mặc khách chẳng phải lấy cơn say làm bộ tịch trích tiên đó sao! Vậy phân định say thể điệu Dionysos như thế nào? Thay vì say rồi trụy thành ra lạc, Trí nhận ra thực tướng thần trí trong cơn say – chỗ khác biệt căn cơ giữa túy lúy hoan lạc Hàn-Bích so với cơn say (rất phổ thông trong Thơ mới bấy giờ). “Xỉn khải huyền” mở ra cho Hàn chiều kích khác: “cõi hữu hình và cõi vô vi”. Hàn thú thực cảm nghiệm của chàng trong lời gửi Trọng Miên. Thiên mệnh thi nhân nhắc người đời u mê “phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn” . “Loài thi sĩ” chịu đày đọa lưu lạc cõi trần. Đọc kỹ lời Trí nhắn gửi Miên, bạn sẽ nhận ra Đức Chúa Trời/Đấng Chí Tôn/Thượng Đế kỳ thực vượt qua quan niệm tôn giáo. Đó là tượng của “tuyệt đối nguyên lý” mà thi nhân “cảm ứng” thông qua thơ ca (mà đời cũng ngộ, hễ cái gì vượt ngoài khả năng tri nhận của đời, thì đời liền khép vào thứ siêu hình thần bí). Cõi vô vi hay cõi tiên, ấy là nói cho diễm lệ thế thôi, kỳ thực chỉ là chiều kích hiện hữu. Suy cho cùng, quan niệm thơ của Hàn khởi đi từ nhận thức chiều kích khác. Vì vậy, thi nhân mắc đọa, sa bẫy trong cõi người, mang tất định cô độc bản chất (như kiểu Blanchot). Có lẽ Lê Huy Oanh cũng nhận thấy “chiều kích” khác trong thơ Hàn khi bàn đến cơn say: “Như một con phượng hoàng, tâm tưởng Hàn Mặc Tử bay vào cõi cao diệu”. Say mà hiển linh như vậy thì nên gọi Hàn là “thánh nhậu” cho rồi! Nói vậy có phải đang ca tụng Hàn hay không? Việc minh định Hàn ở chín từng trời cao ngất không phải tụng ca, khen ngợi gì! Kỳ thực chỉ là một cách nói về kiểu tâm linh khác, mà theo lối đó, bạn có thêm đầu mối nghĩ đến cuộc cách tân tâm linh thi ca. Còn vin vào bệnh tật  để thấy máu đầm đìa châu thân phượng hoàng thì e rằng, chưa thấy tấm linh hồn rỉ máu của Hàn vốn đã đầm đìa từ thời niên thiếu.

Chế uống thơ “cho hả hê, ngây ngất rượu Đau Thương!”. Cơn say của Hàn và Bích thì dàn trải hầu như cả Thơ Điên và Tinh huyết. Say sưa như dung môi cho hồn người vượt qua ràng buộc ý thức, hạn định tư niệm. Để làm gì chứ? Làm vui, làm khuây, làm thơ hay làm tình làm tội, … chỉ để làm “loài thi sĩ”, phụng hiến cho Hư Linh vô cùng. “Loài thi sĩ” hay cách thế hiện hữu/nhận thức chiều kích khác (high dimension). Lấy kính phân tâm của Bachelard soi vào, bạn sẽ thấy cơn say chính là nước trời. Chất nước ngọc của hồn tan rã. Con nước phân hủy, chết liên hồi và thượng thiên bốc tỏa từng giây. Nước trời kia chưng cất thành “mỹ tửu ca”!

2. Nội tiết tố Thanh Xuân

Nhận diện Hàn Mặc Tử, Huỳnh Phan Anh dụng đến những khái niệm lý luận phê bình Tây phương (từ Bachelard, Blanchot cho tới khoảng trống tiếp nhận ). Thần thông thực chứng tỏ ra đắc dụng trong việc nắm bắt các biểu hiện ngoại tại. Thế nhưng, khám cho ra “nội tiết tố” thơ Hàn (cả Bích và Chế nữa) thì phương thức luận chứng và thực nghiệm theo lối ấy, hầu như bất khả thâm nhập. Vì thế, Huỳnh Phan Anh dừng lại ở ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Dù nhìn từ phía Descartes, Bernard Charbonneau, hay Breton, trí giả họ Huỳnh cũng không thể cùng đau niềm thống hận muôn đời của Hàn. Huỳnh Phan Anh không ngừng cắt nghĩa thơ Hàn như Trần Thanh Mại đã từng. Việc ấy khác gì nhà giải phẫu sinh lý mổ xẻ tử thi chữ nghĩa! Tìm thấy chăng, e rằng, chỉ toàn những ruột phèo lộn xộn, máu bầm với tủy ương!

Thắp nén nhang cho tướng công Apollo, rồi hộ niệm túy ca bồ nhí Dionysos, cầu anh linh Hàn-Bích-Chế đội mồ! Kìa, biểu hiện thi tính hay tượng thơ: một đằng dương quang soi chiếu thấu suốt mọi kẽ: hiển minh, phát tiết, sặc sỡ, thanh tao; một nẻo hun hút cửa ngục u minh: thần bí, mê sảng, dị thường, uyên áo. Đố vầng dương rọi tới đáy u minh! Đây!

Hàn:

“Vì có đấng Hằng Sống, hằng ngự trị,

Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh”.

(Ngoài vũ trụ)

***

Bích:

“Say mức say mơ say mất mây

Thần châu tôi xuất phút này đây

Mau lên! Tinh tuý ngàn – muôn – triệu

Thế giới – hư linh – hiệp lại này”;

(Châu III)

***

Chế:

“Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới

Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên!

Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối

Nơi sinh sôi, nảy nở những mầm Điên”

(Cõi ta)

Đặt kế bên cậu học trò chải chuốt bẽn lẽn, bọn môn đệ Dionysos chẳng khác gì ma cà bông! Vì nguồn xuân quá ứ hay vực đời quá hẹp, mà thiên thần nổi loạn! Lý nào cái sự người lại hẩm hiu? Vì đầy xuân, khát xuân cho nên loạn, loạn tức yêu, loạn tức sống. Người loạn cuồng, người thực hữu!

Bích co giật:

Ai bảo là tôi chửa chết rồi!

– Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi,

Máu cuồng run khắp trong thân thể,

Ai bảo là tôi chửa chết rồi!”

(Cơn mê)

***

Chế gào thét:

“Hầu ran nóng, lửa hồng bừng cháy mắt

Máu hồng tươi lay vỡ cả thành tim

Ðâu điệu nhạc điên cuồng ta khao khát

Chẳng vang lên tràn ngập suối trăng êm?

[…]

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ

Ta sẽ ca những giọng của Hồn Ðiên

[…]

Ðể hưởng lấy một giờ không tục lụy

Ðể uống vào một phút chết say sưa!”

(Điệu nhạc điên cuồng).

Vì nội tiết tố nổi loạn trỗi dậy; từ đây, hãy gọi Thơ Điên, Tinh huyết, Điêu tàn là thơ ca dậy thì!

Từ nguồn Xuân ấy, bạn lại thấy tướng công Apollo càng thanh thoát, tao nhã, hợp kiểu học trò/trí thức/thượng lưu. Hẳn là vẫn còn nền nếp lắm! Trong khi bồ nhí Dionysos ngã nghiêng mê sảng, xúc xổ, đổ tháo, bạo liệt, khác gì phường du côn, du đãng – người ngượm cứ như bọn đầu đường xó chợ, bọn con hoang đẻ rớt đẻ rơi. Dù muốn dù không, tượng hình Trường Thơ Loạn đã ly khai cuộc thế! Nội tiết tố Thanh Xuân khiến thần trí Hàn-Bích-Chế “phê pha”! Người học thức, bậc trí giả gọi kiểu ấy: ĐIÊN LOẠN! Từ đây, hãy xem “điên loạn” như lời tuyên dương, thiên hạ dành cho!

“Người ngất ngư – Chết trong muôn thế kỷ!

Chạy điên rồ… đứng sựng giữa xương ma.

Người là ai? Người có phải là ta?” (Sọ người)

“Cũng quay cuồng, múa may và nghiêng ngả

Cũng cười thét, khóc gào vang núi cả

Dưới búng hồn, họng máu của hơi Điên”

(Xương vỡ, máu trào…)

Hàn-Bích-Chế (nhứt là Chế) điên đúng điệu Dionysos nguyên thủy: bản năng, ẩn thức, linh thức cùng trộn lộn đứ đừ. Chế như anh mỹ hầu cân đẩu du hý tam thiên. Chẳng phải ra vẻ, gắng gượng làm điên! Điên chánh hiệu đâu dễ dựng tuồng. Gọi điên là gọi theo ngữ ngôn người đời đa số. Điên mà được như Hàn-Bích-Chế thực đã “tề thiên” san đời bình địa! Sự tỉnh táo điệu đà, điệu nghệ, sành sỏi thường dị ứng cơn say sưa câng nẫng rỡn hớt, cơn say cường hãn (intense intoxication) xuất thần, huyền bí. Gọi rằng say, rằng huyền, rằng bí, rằng xuất huyết xuất tinh xuất thần, … đó là cách minh định kiểu tư duy Apollo thuộc ngữ ngôn ba chiều khái niệm. Còn với Hàn-Bích-Chế, say-điên-huyền-bí toàn chuyện thường ngày! Lập ngôn trên ngữ hệ bốn chiều, tánh nết Trường Thơ Loạn cũng thường tình lắm vậy!

  1. Túy ca, Tục ca hay Thánh ca của thi ca

Đi đứng tình tự, điệu đà trang nhã, thể tính thơ Apollo có tốc độ điều hòa, dao động chậm, tần số nhỏ, biên độ dao động hẹp – quãng trung. Nhạc thơ trong khoảng thường âm (khoảng tai người). Đó là tòa kiến trúc âm thanh hài hòa du dương . Ý chí biểu hiện trực tiếp trong kiến trúc âm thanh đó chứ không phải trong hiện tượng (thuộc về thị giác). Ở diễn biến khác, khi chán chê mọi sự thế gian tầm thường, người thèm ca lời mê sảng, gào thét kích động. Chạy nhảy quay cuồng, thơ ca như nghi lễ hiến linh.

“Nơi thiên sầu địa thảm giới Lâm bô

Say máu ngà, say nữa tới chừng mô

Cả Vũ trụ ta theo ngày Phán xét,

Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt”

(Ngoài vũ trụ).

So với Apollo, thể tính thơ Dionysos say sưa, kích động, mê sảng biểu hiện qua tốc độ thơ đa dạng, dao động nhanh, tần số lớn, biên độ dao động rộng hơn – quãng cao và trầm. Đó là thứ Siêu âm và Hạ âm vượt ra ngưỡng tai người, không nghe bằng tai mà nghe bằng hồn. Nhạc Dionysos là thứ “mê hồn ca” (chaos of the Will ) (ở khía cạnh này có thể xem Đinh Hùng cũng môn đệ Rượu Nho không kém). Đó là thứ nhạc rượt đuổi, hỗn loạn, hoang dại do sự thúc bách căng ứ của khả lực xuân phơi được phóng thích . Hàn nhận ra nhạc ấy trong thơ Bích. “Âm thanh là một nửa tinh thần, anh hoa của thế giới Huyền Diệu. Còn một nửa khác phải là màu sắc phương phi của khí thiêng hun đúc, rạng rỡ cả một trời lưu ly, mã não, trân châu” . (+) Tiếng: “Nhạc và lệ” – nhạc của nước mắt, nhạc của niềm đau, một thứ nhạc vượt lên trên âm thanh. Đó là khoảng cộng hưởng của chữ mà hơn thế, sự cộng hưởng tâm linh. Làm thơ có khác gì làm tình với tam thiên đại thiên thế giới. (+) Hình – “Đẹp và dâm”, một khi đẹp tức thì dâm. Dâm tức nước, dâm có nước, nên dâm cũng là say đắm chìm nghỉm trong nước. Có “thủy bộ” nên dâm lai láng tràn qua bờ bến sông tương. “Việt giới” ngay ở chỗ dâm và đẹp vậy! Thơ Hàn với Bích, tròn tướng dâm, trọn vẻ đẹp! Với Chế, dâm vừa đẹp lại thêm cuồng! Trường Thơ Loạn, lẽ đó, chẳng kém gì Kāmasūtra hay Tố Nữ kinh. Nghệ thuật dâm dường như Thánh thư. “Ta thiếp đi – trong một phút mê loàn/ Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực…” (Tranh loã thể). Dâm đến mức ấy, có thể gọi “giác ngộ” hồng trần!

Có thể dễ dàng tìm thấy đôi câu dâm loàn linh thiêng trong thơ Hàn-Bích-Chế. Nhưng hiểu dâm thể như tính dục tức quy chụp hồn người vào chỗ tính giao (hiểu như vậy thì, tra chìa vào ổ khóa cũng là phi luân). Chẳng phải Hàn đã phủ quyết kiểu tư duy “dâm” là “tính dục” đơn thuần đó sao! Phàm cái gì vượt mức bình thường, lênh láng tràn trề đều là “dâm”. Hiểu vậy, dâm vốn sẵn có khả năng thành ra thi vị. Hoàng Trọng Miên cũng nhìn thấy Bích ở chỗ đó. “Duyên bọn bầy” từ Baudelaire trở về Hồ Xuân Hương tới Bích Khê: “phường nghịch tặc” phi thường, cơn thống khoái thi ca. Hoàng Trọng Miên gọi Bích: “đứa con cưng của địa ngục” .

Vì sao có thể dâm? Theo Đười Ươi Chân Kinh: “Tôi nói điệu điên cuồng. Ấy là vui vậy!”. Hàn-Bích-Chế khác gì tư tế thi ca! Tục ca cũng là thánh ca vậy!

  1. Trường Thơ Loạn: thể tính Dionysos đến Thần thức vũ trụ
  2. Việt giới hay đốn ngộ

Nếu Apollo mực thước thì bồ nhí Dionysos lại tăng động phá tung giới hạn – việt giới . Hãy nghe Chế Lan Viên tuyên xướng:

“Hàn mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tiên, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng” .

Rốt cuộc, thơ tức là ý hướng hùng cường, phi thường, biến hóa khôn lường, cuồng nộ, phủ định, không cần ai thừa nhận hay thông đồng thừa nhận; kiến thiết hệ giá trị khác; dung chứa tất cả những dị biệt đối nghịch đồng thời. Ở tuổi thiếu niên, ai dựa mà Chế có thể xướng lên những lời lẽ ấy! Nào ma quỷ tiên yêu đều dự phần vào cuộc tạo phản của Chế. Thơ Chế khác gì đại chiến “Titanomachy”.

“Nơi, một tối, máu gào vang chiến địa

Nơi, loa vang, ngựa hí, với đầu rơi

Bầy voi Chàm hung hăng như sóng bể

Hung hăng theo ánh lửa của dân Hời”

(Chiến tượng).

Trường Thơ Loạn đại diện thế hệ thần trẻ âm mưu khởi loạn. Nhưng điều gì khiến bọn thần trẻ mưu phản Titan? “Tại vì, hằng đêm, mỗi lần tôi đi lại và khóc quá nhiều, nhưng không phải khóc bằng những giọt lệ tình mà là bằng những giọt lệ đầy hoan lạc. Tôi hát, tôi nói toàn những chuyện điên cuồng, vì tôi đã được thấm nhuần tràn đầy một khải thị mới; từ đây khải thị ấy sẽ là đặc ân riêng tôi mà không một ai trong thiên hạ có”. Minh định Trường Thơ Loạn trên quy hệ Apollo-Dionysos nhưng kỳ thực “sử linh tư tưởng” của Hàn (cả Bích và Chế) đã thướng vượt đến chặng đường thứ hai (trong tư tưởng Nietzsche) nghĩa là bước đường khải thị thế giới bằng linh cảm. Theo lời tác giả Thi nhân Việt Nam, người ta mạt sát, kỳ thị, phê phán Hàn không ít , Bích với Chế cũng thế! Dĩ nhiên, “Trước giờ phút uy linh ấy mọi thái độ phê bình theo nhãn quan của người trần và biện chứng pháp khái niệm đều phải tự thú rằng: bất lực”. Không thể lấy ngữ ngôn linh trưởng để hiểu thấu tâm can vượn người! Ấy cũng lời nhắc nhở bạn lòng, hãy “trai tịnh” thân tâm trước cuộc giao hoan muôn đời tư tưởng, bằng không có thể bị “tẩu hỏa nhập ma” rồi co giật, trào đờm, hộc máu. Chung quy, ngữ thức Dionysos hay ngữ thức nào đi nữa, cần nhập thức mới lập ngữ, bấy giớ có thể hiệp thông. Nhược bằng không, chỉ là kiểu luận giải nhãi nhép hàm hồ!

Việt giới, thướng thượng thăng thiên thống thiết, trước hết vượt qua giới hạn cụ tượng của ý thức. Nếu Apollo thiên về lý tính, ý thức, xúc cảm minh xác; thì Dionysos thiên về Tiềm thức, vô thức, xúc cảm u uẩn. Bản chất tâm lý của nhận thức chiều kích. Nói khác, thể tính Apollo có khuynh hướng “tu xác”, điều ngự, chỉnh sửa khiến hồn thơ trở nên mỹ miều lộng lẫy diễm lệ; trong khi Dionysos không ngừng Thoát xác (self-oblivion), cương thúc ý chí/ý thức cá nhân bị phã vỡ/sụp đổ – quá trình từ cái tôi đến phi tôi (liên chủ thể). Việt giới chính là ở chỗ ấy! Nếu chỉ xét ở nhạc, ở màu, ở hương thơm và ánh sáng, tức dừng lại ở ngũ quan, khó thấy rằng: Trường Thơ Loạn xác lập một phương thức tư duy khác cho thi ca. Hàn-Bích-Chế làm thơ với “đệ tam cấu thức luận” (Tertium Organum). Nhà thơ chăn bò trên đồi sim trái chín mơ màng có thể cùng một cõi với họ vậy!

Bằng óc ác nhà y sinh có thể nghĩ rằng cõi vô biên, thần bí, siêu hình của Hàn là kết quả ảo giác bệnh tật. Nhưng nếu nhà thực chứng nào hiểu được ngữ thức vô cực bằng cấp số nhân vô cực, hiểu được hình học phân dạng và bản chất thời tính sẽ hiểu được quan niệm thơ của Hàn: “Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: Thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan” . Việt giới đưa tới thướng vượt chiều kích. Ngữ thức của Hàn (hay cả Bích nữa). Đó là ngữ thức cõi trời cách biệt của Hàn, mà ở đó nguyên tượng “bông hoa sự sống” phái sinh vô lượng lời thơ. Từ việt giới tới khai mở chiều kích, Hàn-Bích phải cân định trên quy hệ nhận thức thực tướng: Sơ thức – Ngã thức – Thần thức. Hàn và Bích thực thành Tam Ma Địa Thi ca; làm thơ cũng như “tu thiếp”. Hàn nhắc tới “sắc-không” (nhà Phật), “chết cũng như sống”, “gần cũng như xa”, “hư cũng như thực”, “giới vô vi” “người vô sự”, “lời tiên tri”, “hư linh”, “huyền không”, … Bám vào biểu hiện ngôn ngữ thơ chi bằng cảm nghiệm “thần tính” vượt lên trên ngữ nghĩa.

“Lòng vô lượng đây không do phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô thỉ Vô chung?[…]/ Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió./ Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…/ Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân Như Ý” .

Hãy gọi mộng của Hàn là trực giác đốn ngộ. Bấy giờ thi nhân, triết nhân, hiền nhân, chân nhân, gộp về làm một.

  1. Sử linh tư tưởng và Thần thức vũ trụ

Trên phương diện tư tưởng, có thể nói “Chơi giữa mùa trăng” thuộc vào hàng đệ nhứt kiệt tác của Trường Thơ Loạn và thơ Việt hiện đại. Lẽ vì nó biểu thị hầu như mọi nẻo của hồn linh Dionysos với khả lực loạn cuồng phi thường.

Nên nhắc lại, loạn không mang sắc thái tiêu cực; gọi “loạn” chỉ để nói đến cách thế khác với sự mực thước đoan chính mà thôi. Loạn tức phi thường. Loạn vượt đến “linh hồn thanh khiết”.

“Khi ngòi bút của tôi đã thấm nhuần những ý nhĩa cao cường, truyền sang bởi điện tính truyền của trí tuệ, tôi phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng. Hỡi quý nhân, người có nghe thấy điều gì mới lạ, tinh khôi, reo lên, hiện lên, và sử linh tư tưởng của người? Người cảm giác ra làm sao! Hay là mắt người đã no rồi, tai người đã đầy hơi khoái lạc, thần trí người đã mê man, người linh tính để phân biệt màu sắc và âm thanh của sự vật. Người thấy gì trong ánh sáng?” .

Dường như trong tâm tưởng vọng lại âm ba Hy Mã tuyết phủ ngàn năm và lời Zarathoutra thủ thỉ bên tai từ bữa xa rời linh trưởng. Chỉ có thể một sinh thể nghệ thuật bốn chiều! Tiếng hát mộng du dần đi vào cõi tâm linh, tức là vượt thoát khỏi giới ba chiều, đi vào giới bốn chiều, tức thời tính. Biểu hiện khả thể nội tại bốn chiều: phá vỡ quy hệ tư duy, phá vỡ quy phạm ngữ ngôn; phá vỡ quy thúc tâm lý; vận động từ tâm trí đến tâm linh (căn bản ở chỗ xem thời tính cũng như không tính).

Hàn và Bích đã tương phùng ở cõi ấy. “Sự phát triển bồng bột quá, dồi dồi quá, sẽ đưa linh cảm chàng đến một địa hạt siêu thần hơn; thơ chàng cũng như hồn chàng, sẽ qua hết những không khí nhiệm mầu, bay cao đến tột cùng của Nước Trời hay chìm đắm xuống đáy sâu Địa-Ngục”. Hàn còn tinh ý nhận ra lối “điển quang biện chứng pháp” trong thơ Bích. Ở chỗ, Hàn phân tích màu sắc cụ tượng và màu sắc trừu tượng hiển hiện từ lối điển quang ấy . Hiện hữu Bích chẳng phải hiện như hữu “máu thịt” mà đã hữu như hiện “tinh linh ánh sáng”. Và thần thức điển quang ấy khiến Hàn phải thốt lên: Bích là một thi sĩ thần linh.

Nhìn Hàn từ phía Nietzsche, từng có người còn đặt Hàn cao hơn Nietzsche. “Nietzsche hay Heidegger thì cũng đang mê đắm nơi trò chơi phủ nhận. Chỉ có Hàn Mặc Tử là không lập lại, không trích, không từ chương. Con người Hàn Mặc Tử, con người thể xác và thần trí, rả ra để phát nên Lời, như Bồ tát Quảng Đức thoát trên đầu Lửa, im như nguyệt, mà truyền TIN cho thế giới”. Thi Vũ thấy Nietzsche còn quẩn quanh túng khẩu trong khi Hàn đã vang lời. Từ phía Thể Tính Bàu Đá, Thi Vũ xác lập Hàn như nỗ lực “sử linh tử tưởng”. Nhưng cả Thi Vũ và Phạm Công Thiện vẫn còn đứng ở dưới ngó lên, bởi tại vin vào căn bệnh quái ác để bàn đến thi sử Hàn Mặc Tử, bàn đến sử mệnh Hàn Mặc Tử liên hệ sử mệnh quê hương. Sao thiên hạ vẫn thường vin vào chuyện bệnh tật của Hàn để luận chứng về cách thế dị thường ấy. Trong khi bệnh tật chỉ là vấn đề thể xác mà nếu như không có sự khai mở trước đó thì cái bệnh quái ác kia sao có thể bung nở hoa điên trác tuyệt (bao nhiêu người bất hạnh vướng bệnh hiểm nghèo nhưng đâu phải ai cũng trở thành Hàn Mặc Tử). Liệu có ai để tâm quãng đời thơ ấu kịch liệt của Hàn và giây phút cận tử do Nguyễn Bá Tín kể lại, đã tác động triệt để đến Trí, biến Trí thành ra Hàn Mặc Tử. Giây phút cận tử trên phương diện tinh thần đưa Hàn đến với sự thức nhận về tâm linh. Phải chăng đây mới là nguyên do dẫn tới khai mở và khả năng nhạy cảm khác thường của Hàn đối với hữu hiện thế giới, là chìa khóa đưa Hàn đến đệ tứ chiều kích, khiến Hàn hiểu “vĩnh cửu tính chất” của Nietzsche để tao ngộ với hằng cửu ấy trong thơ Bích và Chế. Mấy lời nhắc nhớ của Hàn khi tương ngộ với Bích, thiết nghĩ, có thể làm bằng chứng cho mối tương quan/tương đồng nào đó giữa cơn say Rượu Đế An Nam với cuộc nhậu Pinot Gris Đức Quốc.

Thành ra, “làm sao mà hiểu thấu được cái hay thấm thía, cái âm nhạc réo rắt, cái linh hồn siêu việt của thi phẩm người” . Về Xuân Như Ý và Thượng Thanh Khí: Trần Thanh Mại còn nhìn thấy: “Hồn thơ của thi sĩ càng ngày càng xa cõi thế gian và mọi thứ tình tứ của người thường, như một làn trầm hương bốc tỏa lên cao, cao mãi, khi thơ của thi sĩ cũng vượt ra ngoài cả bầu không khí trần gian mà dâng lên tận những tầng khinh khí thiên không, những vùng trời, cao khiết đến không hề nhuốm lấy một hạt bụi nhỏ, thanh tịnh đến không hề rộn lấy một tiếng động chạm” . Việt giới ở chỗ biết rằng không có giới hạn. Thiên địa tứ thời, nhân gian ấm lạnh, mà Hàn chỉ rặc một cõi xuân. Bởi vì đâu? Trần Thanh Mại ví Hàn như con tằm ủ kén (nói vậy có phải để hậu thế viện cớ phúng thích “tháp ngà” yếm thế). Làm vậy khác gì bắt con phượng hoàng đem nhốt vào lồng. Vậy thì tội nghiệp phượng hoàng lắm ru! Bởi con chim tung cánh rẽ thêm phương trời. Con chim phượng hoàng đã bỏ lại cõi người dưới vòm trời. Chính Trần Thanh Mại xác nhận phượng hoàng bỏ đời thế tục. “Thi sĩ đã đi lạc đường ra ngoài mức, ngoài trình độ lĩnh hội của người thế gian, nghĩa là ngoài cả lĩnh hội của chính thi sĩ nữa.” . Có phải ngầm thừa nhận: không thể suy nghiệm  thơ Hàn. Hàn cố vượt ra ngoài phạm vi ngữ nghĩa của ngôn ngữ ba chiều. Sự võ đoán, lỏng lẻo giữa vỏ và ruột, giữa xác và hồn khiến cho ngữ ngôn ba chiều thành ra khí cụ tai hại dẫn đến cảnh lệch pha giữa người với người, khiến cho vực thẳm tôi và phi-tôi, giữa ngã với tha càng thêm dịu vợi muôn trùng. Hàn từng nói: “sự cắt nghĩa đối với thơ là vô ích. Người ta cảm biết một cách tự nhiên” . Bởi “Trí Người đã dâng cao và thơ người dâng cao hơn nữa. Thì ra Người đang say sưa đi trong Mơ ước, trong Huyền diệu, trong Sáng láng và vượt hẳn ra ngoài Hư linh…” . Vậy thì ai nỡ bắt ý thơ/hồn thơ/nguồn thơ phải “nằm trong phạm vi lĩnh hội của người”, liệu có phải “cầm tù” Hàn hay không?

Thơ Hàn-Bích-Chế ví như “Dimethyltryptamine” mà người xưa vẫn dùng để thông linh. Thi ca=liên kết phân tử tâm linh. Và khi Hàn cho rằng Bích là thi sĩ thần linh thì chính Hàn đã tương phùng với Bích ở chỗ ấy. Và sự thông linh này liệu có gần gũi thân thích gì với nẻo đạo Xuân Thu sau nữa thì chưa dám nói, nhưng nét tương đồng thượng thanh khí với thanh khí thì có thực!

“Thơ” là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý, sẽ sáng tạo được vạn vật, khi đã chia âm dương. Âm dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái đạo nguyên thủy” .

Chế Lan Viên cũng chia sẻ với Hàn ở điểm: loạn trào lý trí. Chớ lấy lý do bệnh hoạn, mà nên nhớ khoảnh khắc cận tử hồi niên thiếu đã biến Nguyễn Trọng Trí thành ra Hàn Mặc Tử, mới là thâm nguyên sơ xưa dẫn bước chàng đến đệ nhứt hiện thực –  thực tướng của hữu tại. Và dù gán cho Hàn tượng trưng khuynh hướng, siêu thực trào lưu hay tôn giáo thi ca, tất cả đều là Hàn mà không phải là Hàn. Có lẽ, chàng chỉ như một hơi Rượu Bàu Đá trung phần nước Việt.

Cốt thơ/ Thần thức vũ trụ (Cosmic consciousness): khả năng trực quan bản chất. Thơ ca tức đốn ngộ! Bấy giờ có thể hiểu vì sao giây phút “cận tử” của linh hồn đưa chữ nghĩa vượt qua ngữ thức khế ước thông thường! Chính ở thần thức, lý giải vì sao anh bồ nhí Dionysos nằm dưới lòng huyệt mộ u minh vô thức vẫn có thể linh hiển đội mồ.

Đến đây, sau khi đã dụng đến quy hệ Apollo-Dionysos để định vị Trường Thơ Loạn. Vị đã định thì quy hệ không còn cần thiết nữa. Từ rày trở đi, bạn đã có “loài thi sĩ” trung phần nước Việt chuyên chở thơ Việt sang bờ tư tưởng. Từ nay về sau, chớ ai hò xê xự xàng liu để nhắc tới giống loài ấy nữa, mà hãy thắp nén tâm nhang tiếp giao với loài ấy trong cõi vô lượng muôn đời!

Chung quy, Trường Thơ Loạn (trong tương quan phần còn lại của Thơ mới), lập thành cách thế tư tưởng, một phương thức tư duy, một hình thái tâm linh. Trường Thơ Loạn: chân kinh của “sử linh tư tưởng” trong thi ca Việt thế kỷ XX.

Vài lời kết

Qua nhãn quan Dionysos, Nhân Tình Rượu Nho trở thành Lưu Linh Bàu Đá, (nói như Lê Tôn Nghiêm) trở thành thơ ca của triết lý Ngọ Thời, thơ ca linh hiển, thơ ca khải thị, v.v… Hàn-Bích-Chế trở thành hồn linh thi ca, tiến vượt đến chặng đường thứ hai (trong quá trình vận động tư tưởng Nietzsche) một cách “gọn hơ”, nhứt là hai chàng không chằn rặn như Nietzsche mà phọt ra nguồn tinh huyết/tinh ngươi/tinh ngời xán lạn long trời lở đất. Nietzsche đi từ “trực giác bi kịch” đến trực giác “phục diễn bất tận” (le Retour éternel) qua cơn đau đẻ banh da xé thịt đứ đừ. Và thứ ánh sáng bi kịch (mà Nguyễn Đình Thi gọi là thời kỳ thâu góp), là sự chuẩn bị cho thứ ánh sáng thái dương lộng lẫy về sau khi triết lý Ngọ Thời chính thức phô diễn ở điểm cực hạn chói chang . Ấy vậy, Hàn-Bích đã trực tiến từ trực giác bi kịch đến trực giác “phục diễn bất tận” trở thành linh hồn thi ca khải thị/thần thức vũ trụ. Nếu Chế khởi dựng bước đường trực giác điêu tàn khi còn ở chặng đường thứ nhất (trên quy hệ Nietzsche) thì Hàn và Bích đã trọn vẹn ở trong nguồn thi cảm linh hiển của chặng đường thứ hai. Lẽ đó, càng về sau Bích và Hàn càng ngời thêm sức bút. Cái đà sống đột khởi càng thêm vì trực giác/đốn ngộ cận tử. Không phải bệnh tật mà chính thi ca đặt hai con người ấy vào chỗ chí tử! Nói vậy, để nhận rằng: Hàn-Bích-Chế đưa thi ca vào con đường thi ca tư tưởng/thi ca tâm linh.

Môn đệ Dionysos chỉ có thể được cảm thấu một khi kẻ cảm thấu tăng cường khả lực tương đồng, cảm thấu một khi lòng những mang nòi cốt nghịch tử/nghịch tôn/nghịch đồ/nghịch đảng! Nietzche nhận định vậy chẳng phải thừa hay sao! Bởi “lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,/ Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”; cho nên một lứa/một lũ/một bọn hẳn có thể tương liên đồng hiện (co-existence) “để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi”. Muốn nhập bọn/nhập bầy/nhập cuộc/nhập hội/nhập hồn; muốn cộng hưởng dao động thời phải cùng tần số, cũng là lẽ thường! Cuộc vần xoay dịch chuyển tương liên vẫn tương tục bất tức. “Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ”. Vậy thì chảy từ Hồng Hà đến Hương Giang về tới Cửu Long, làm kẻ nhập cuộc thơ Việt, thiết nghĩ, không thể không uống vài ngụm nước “Thơ mới” với mấy lít Bàu Đá trung phần quê hương!

Khoảng cuối đời, Nietzsche “tịnh khẩu”/“tịnh ngôn”, có phải vì không còn tin vịn đến ngữ ngôn ba chiều nữa! Ao đời lăn tăn gợn sóng đủ khiếp đảm ếch nhái bụi lùm! Bạn chợt thấy mình chỉ là con chàng hiu đu bám lá cành. Với cơ duyên Bàn Thành, con chàng hiu nước Việt một lần thử đập cánh vỗ về mộng điệp. Hàn-Bích-Chế (và những môn đệ Rượu Đế-Bàu Đá khác nữa) không phải hậu đích mà tiên nguyên mở cuộc viễn khơi.

“Đúng Ngọ cuộc đời, oai linh cao cả

Trẻ lại lần hai. Vườn cây mùa hạ!

Cháy tâm can chờ bạn cả đêm ngày”

(Nietzsche, Du haut des cimes)

Kìa “ngàn cao đỉnh núi” – nơi an ngự trời xanh của những ông thần bát nháo ngã ngớn, với bài túy quyền thi ca không-thời gian! Bọn họ đã thướng vượt từ lâu bỏ lại cõi trần ai khoai củ tẻ nhạt lạnh lẽo đảo điên này! Hàn-Bích-Chế và những Nietzsche muôn đời đã chết để còn sống, dự đại hội thăng thiên! Trường Thơ Loạn – lời tiên tri của thi ca tâm linh!

VÕ QUỐC VIỆT

_______________________

Tài liệu tham khảo:

  1. Huỳnh Phan Anh (1971). Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của Thơ. Tạp chí Văn (Viết về Hàn Mặc Tử) số 179 ra ngày 01/6/1971, tr.55-64.
  2. Felicien Challaye (2007). Nietzsche – Cuộc đời và Triết lý (Mạnh Tường dịch từ bản Pháp ngữ). TPHCM: Nxb. Văn nghệ.
  3. Gilles Deleuze (2010). Nietzsche và Triết học (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Tri thức.
  4. Nguyễn Khắc Dương (2020). Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
  5. Minh Huy (1962). Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932-1962). Saigon. Nhà sách Khai Trí.
  6. Nguyễn Tấn Long – Nguyễn Hữu Trọng (1968). Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Thượng). Saigon: Sống Mới xuất bản.
  7. Trần Thanh Mại (1942). Hàn Mạc Tử. Huế: Nxb. Huế.
  8. Hoàng Trọng Miên (1966). Đề bạt “Tinh huyết”. Tạp chí Văn – Năm thứ Ba, số 64 – Tưởng niệm Bích Khê (15/VIII/1966), tr.64-65.
  9. Lê Tôn Nghiêm (1970). Triết lý giờ ngọ của Nietzsche trong viễn ảnh một vũ trụ tuần hoàn. Tạp chí Tư Tưởng Bộ mới Năm thứ Ba số 5 (1.9.-1970). Viện Đại học Vạn Hạnh. Saigon, tr.61-64&101-110.

10 Nhiều tác giả (1942). Xuân Thu nhã tập. Xuân Thu thư lâu. Hà Nội: Nguyễn Lương Ngọc xuất bản.

  1. Friedrich Nietzsche (1999). The Birth of Tragedy (and Other Writings) (trans. by Ronald Speirs; Ed. by Raymond Geuss and Ronald Speirs). New York: Cambridge University Press.
  2. Lê Huy Oanh (1965). Hàn Mặc Tử – Con phượng hoàng đẫm máu. Tuần báo Nghệ thuật-Năm thứ nhứt số 7 (ra trong tuần 13.11-20.11), tr.18-19.
  3. Lê Huy Oanh (1974). Hàn Mặc Tử qua “Thơ Hàn Mặc Tử”. Giai phẩm Văn số 43 – Ba nhà thơ tiền chiến (20.8.1974), tr.34-48.
  4. Hoài Thanh-Hoài Chân (1968). Thi nhân Việt Nam (tái bản). Saigon: Hoa Tiên xuất bản.

15 Nguyễn Đình Thi (1942). Triết học Nietzsche. Tủ sách Triết học. Hanoi: Tân Việt xuất bản.

  1. Hàn Mặc Tử (1944). Chơi giữa mùa trăng (Tập văn di cảo). Hà Nội: Ngày Mới xuất bản.
  2. Hàn Mặc Tử (1966). Bích Khê, thi sĩ thần linh. Tạp chí Văn – Năm thứ Ba, số 64 – Tưởng niệm Bích Khê (15/VIII/1966), tr.52-63.
  3. Hàn Mặc Tử (1969). Thơ. Saigon: Sống Mới xuất bản.
  4. Chế Lan Viên (2001). Lời giới thiệu. Trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử (Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu) (tái bản). Hà Nội: Nxb. Văn học.
  5. Thi Vũ (1971). Trên chốn lưu đày hải ngoại nhớ về Hàn Mặc Tử, người anh hùng của quê hương. Tạp chí Văn (Viết về Hàn Mặc Tử) số 179 ra ngày 1.6.1971, tr.43-51.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *