Truyện ngắn của Trần Vinh: Thằng phá đám

Khi hắn còn nằm trong bụng mẹ thì ông nội đã dặn cha hắn: “Sinh con ra nếu là trai thì đặt tên Đoàn. Họ Trạch nhà ta mỏng lắm, phải đoàn kết mới trụ được ở cái đất này”. Đúng như mong muốn của ông nội, một bé trai đẹp như thiên thần đã chào đời. Dù cậu bé không thuộc “nguồn tộc trưởng” nhưng cả họ đều vui mừng khôn xiết. Họ Trạch sinh ra con gái vui mười thì sinh con trai vui gấp một trăm, một ngàn lần. Nhà nào cũng phấn khởi chuẩn bị góp cỗ để có một buổi đầy tháng thật linh đình. Văn hoá họ Trạch là vậy!

Để kịp cho con có “danh chính ngôn thuận” trong buổi đầy tháng, cha cậu bé vội chạy lên xã làm giấy khai sinh. Ngày đó tuy xã đã có máy vi tính nhưng thủ tục khai sinh còn thủ công nhộm nhoạm lắm. Người dân có thói quen tính ngày sinh theo âm lịch, cán bộ xã chỉ theo dương lịch. Thành ra ngày sinh tháng đẻ của trẻ em cả làng bị lẫn lộn âm dương là chuyện thường. Họ tên đứa trẻ do người đi khai sinh xướng lên, cán bộ xã nghe rồi ghi vào sổ. May mắn thì nghe rõ ghi đúng. Không may mắn thì rắc rối cả đời. Khi có được tờ giấy khai sinh, người dân cất luôn vào một góc nào đó trong nhà. Đến khi con cái đi học, nhà trường đòi phải nộp giấy khai sinh mới sực nhớ ra. Còn thì nộp, nếu đã mất thì lên xã khai sinh lại.

Hôm ông Kết lên xã làm khai sinh, anh cán bộ xã hỏi:

– Bác đặt tên con là gì?

Ông Kết hồ hỡi trả lời một mạch:

– Dạ tên Đoàn! Cha Trạch Văn Kết, con Trạch Văn Đoàn. Làm gì cũng phải đoàn kết. Con trai mà, Trạch Văn Đoàn.

Nhà giáo Trần Vinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Xong việc khai sinh thêm một “đinh” mới cho họ Trạch cũng vừa đến ngày làm tiệc đầy tháng. Cả xóm Trạch xúm xít, cười nói rổn rảng. Gọi là xóm Trạch vì đó là nơi trú ngụ của riêng dòng họ Trạch. Theo lời đồn, ngày xưa có một vị tướng bại trận, bị đối phương truy đuổi. Vị tướng một mình một ngựa chạy mãi, chạy đến chỗ có quả núi chắn ngang. Quả núi có hình thù khá lạ, phía Nam có chỏm núi hơi tròn nhô lên trời, phía Bắc lưng núi nghiêng xuống thấp giống như một người đang cúi rạp mình quỳ lạy. Vị tướng bèn dừng lại ẩn náu rồi từ đó mà gầy dựng nên họ Trạch, xóm Trạch ngày nay. Quả núi trở thành núi thiêng. Con cháu đời sau đã nhiều lần tìm kiếm tung tích vị tướng – tiên tổ của họ Trạch nhưng càng tìm kiếm thì càng mông lung mù tịt. Kể cả cái họ Trạch có khi cũng chỉ là họ giả để mai danh ẩn tích. Mãi đến nhiều đời sau, khi con cháu họ Trạch đã phủ kín cả vùng chân núi thì mới bàn nhau dựng lên cái nhà thờ họ để ngẩng mặt sánh vai với các dòng họ khác trong xã. Cụ Trạch Văn là người có công lớn nhất trong việc thiết lập gia phả và biên kịch ra thể thức cúng bái tế lễ cho họ Trạch.

Trong lễ đầy tháng cho cậu bé Trạch Văn Đoàn, cụ Trạch Văn trưởng tộc thắp hương vái lạy, trịnh trọng cầm tờ sớ đọc ê a lên bổng xuống trầm trước bàn thờ họ Trạch. Mọi người chỉ nghe loáng thoáng mà chẳng ai hiểu gì cả. Đến chỗ “thỉnh cầu cho Trạch Văn Đoàn được nhập họ…” cụ Trạch Văn cố đọc thật to. Mọi người đều nghe rõ, thế là được.

Đoàn càng lớn lên càng khôi ngô tuấn tú. Đến khi Đoàn học tới cấp 3 mới bắt đầu gặp chút rắc rối. Tên Đoàn rõ ràng, nhập họ cũng là Đoàn vậy mà chẳng hiểu sao trong khai sinh và học bạ sổ điểm lại là Đoàng. Mỗi lần bạn bè gọi tên hắn nghe cứ đùng đoàng như tiếng súng nổ trong phim hình sự. Tụi bạn còn chọc ghẹo Trạch Văn Đoàng chính là cháu của Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn “Đôi móng giò” của nhà văn Nam Cao. Tụi bạn lý sự Trạch Văn Đoành nghe như súng thần công nổ bên tai thì Trạch Văn Đoàng lại nghe như tiếng súng trường bắn tỉa. Từ đó bên cạnh tên khai sinh chính thức là Đoàng, tên thường gọi là Đoàn, hắn còn có thêm biệt danh “thằng súng trường”.

Đoàn học gần xong cấp 3 thì tai nạn bất ngờ ập đến. Hắn trèo cây lấy tổ chim chào mào, không may rơi xuống, đầu va phải đá ngất xỉu. Người nhà hoảng hốt đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Sau bảy ngày hôn mê hắn mới tỉnh lại. Thêm hai tuần điều trị nữa hắn được xuất viện. Về nhà, Đoàn như trở thành con người khác, ít nói hẳn, mà đã nói là chỉ nói thật. Khi đó người nhà cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Cho đến hôm ông Kết gọi khách tới nhà để bán con hươu đực. Lý do phải bán là vì con hươu này hằng năm cho lộc nhung bé quá. Đã đến năm thứ sáu rồi mà cặp nhung cắt ra cũng chỉ được chừng ba lạng đổ lại, không đáng công nuôi. Ngồi trong nhà Đoàn nghe cha nói với khách:

– Tôi cần tiền mới phải bán nó. Tiếc lắm, năm nào nó cũng cho hai lứa nhung, tính ra cả cân chứ ít gì.

Sau một hồi mặc cả ông Kết đồng ý bán với giá 20 triệu, bớt 5 trăm lấy lộc. Thằng Đoàn từ trong nhà lò mò bước ra xem. Hắn nói với người khách mua hươu:

– Con hươu này mỗi năm chỉ cho một lứa nhung thôi, nhung bé tí như cái chóc. Thịt cho rồi chứ nuôi chi nữa.

Nghe Đoàn nói vậy cả ông Kết lẫn khách mua đều giật mình. Sau giật mình là trận chửi xối xả mà ông Kết phải muối mặt chịu đựng. Thằng Đoàn cứ ngơ ngác như rách trời rơi xuống, hắn chẳng hiểu đang xảy ra chuyện gì.

Mấy ngày sau, con út cụ Trạch Văn từ thành phố về chơi có mang theo mấy cân “thịt bò Úc” quý hiếm. Cụ Trạch Văn gọi cha con ông Kết qua nhậu, cũng là mừng cho thằng Đoàn thoát nạn. Một cái đĩa to đầy ụ “thịt bò Úc” luộc đặt lên bàn thơm lừng. Kèm theo là mấy cái bát nhỏ đựng nước mắm gừng ớt tỏi dậy mùi. Cụ Trạch Văn cầm chai rượu nếp nút lá chuối vừa rót vừa nói:

– Hôm nay thằng Út nhà tôi có đưa về được mấy cân “thịt bò Úc”, ta làm một tiệc nhỏ mừng thằng cu Đoàn tai qua nạn khỏi.

Thằng Đoàn nhìn chằm chặp vào đĩa thịt rồi nói:

– Cụ nhầm rồi, đây là thịt trâu lai chứ đâu phải thịt bò Úc.

Cụ Trạch Văn khựng lại mấy giây rồi dằn chai rượu xuống bàn, chỉ mặt ông Kết chửi:

– Chú không dạy được con hả? Thằng mất dạy, không ăn thì cút!

Thằng Đoàn đứng dậy cút luôn về nhà. Ông Kết phải ở lại nói hết lời cụ Trạch Văn mới tạm nguôi giận. Ông Kết bắt đầu nghi ngờ, theo dõi mọi lời nói của thằng Đoàn. Sau vài ngày, ông thì thầm với bà vợ: “Chẳng lẽ con mình bị tai nạn nên giờ nó sinh ra tật nói thật nói toạc”? Chưa biết phải làm thế nào, vợ chồng ông Kết đành dặn dò con:

– Đoàn ạ, con đang thời kỳ dưỡng thương nên đừng đi đâu, đừng nói chuyện với ai cả nhé.

Được cái thằng Đoàn là đứa rất biết nghe lời cha mẹ nên hắn nghe theo. Hết ngày này sang ngày khác hắn cứ ru rú ở nhà, không nói với ai một lời. Thấy vậy vợ chồng ông Kết lại đâm ra lo lắng. Nếu cứ thế này thì thằng Đoàn không bị câm cũng bị trầm cảm mất thôi.

Đến hôm có cuộc họp bầu trưởng thôn. Cái thôn này rộng lắm, gồm cả xóm Trạch, xóm Chùa và xóm Ao. Ông Kết bảo thằng Đoàn thay ông đi họp. Ông nghĩ có khi đến nơi đông vui thằng Đoàn nhanh bình phục hơn. Đến nơi họp, thằng Đoàn nghe mấy người đang khen cái Mai con gái ông Lư xinh đẹp nhất xóm Chùa. Có người còn nói con Mai vừa đẹp vừa giống ông Lư thì sau này giàu sang lắm. “Con gái giống cha giàu ba cửa họ” mà lại.

Nghe vậy thằng Đoàn liền nói luôn:

– Ô hay! Con Mai là con rai của ông Điền hàng xóm, chuyện rõ ràng vậy mà bà con không biết sao?

Mọi người cười ồ lên, có người còn khích thằng Đoàn đã biết thì phải nói ra cho rõ. Buổi họp bầu trưởng thôn lắng xuống, nhiều người ghé tai nhau thì thầm. Kết quả cuộc bầu trưởng thôn ông Điền bị trượt với số phiếu quá thấp. Ngay trong đêm, vợ ông Điền đến đứng trước ngõ nhà ông Kết réo chửi đến sáng. Cũng từ đó những người có máu mặt trong làng bắt đầu ngại gặp thằng Đoàn. Việc thôn việc xóm, đám giỗ đám cưới người ta đều rỉ tai tìm cách không cho thằng Đoàn xuất hiện. Mấy mụ vợ đua nhau đe chồng: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, gặp cái thằng Đoàn phá đám ấy thì nhớ tránh xa cho lành. Nếu để nó vạch mặt ra thì ôm chiếu mà đi luôn, đừng có vác mặt về nhà nữa nhé”. Vậy là thằng Đoàn lại có thêm biệt danh nữa đó là “thằng phá đám”. Thằng Đoàn giống như cái bình nước nóng lạnh nhưng bên lạnh đã bị hỏng. Chỉ còn bên nóng, không cẩn thận mà để nước nóng tuôn ra là bỏng tuốt.

Đến nước này thì vợ chồng ông Kết phải chính thức thừa nhận thằng Đoàn bị mắc căn bệnh nói thật. Hy vọng bà con coi thằng Đoàn là bệnh nhân để đừng chấp hắn nữa. Cụ Trạch Văn thay mặt cả họ tuyên bố: “Vợ chồng nhà chú Kết phải đưa thằng Đoàn đi chữa cái bệnh nói thật, không thể để cho họ Trạch bị mang tai mang tiếng”. Khổ thân cha con ông Kết, đến bệnh viện này thì người ta lại giới thiệu sang bệnh viện khác. Hai cha con chạy như đèn cù giữa cái thành phố xa lạ. Cuối cùng hai cha con cũng đến được một bệnh viện lớn nhất nhì thành phố. Ông kết trình bày với bác sỹ:

– Con tôi bị tai nạn chấn thương não. Chắc là khu vực nói dối bị đá đập hỏng rồi. Chỉ còn khu vực nói thật. Mà con người ta khi chỉ biết nói thật thì luôn gây vạ. Không chỉ cháu nó khổ, nhà tôi khổ mà cả họ cũng khổ lây. Xin bác sỹ cứu giúp, khôi phục khả năng nói dối cho cháu. Gia đình tôi xin hậu tạ ạ.

Bác sỹ nào cũng chỉ biết khôi phục trí nhớ, giúp cho bệnh nhân biết nói thật chứ có ai chữa cho bệnh nhân biết nói dối bao giờ. Vị bác sỹ nổi tiếng này cũng chỉ biết dùng mấy loại thuốc dưỡng não kết hợp châm cứu và cuối cùng là chịu hết nổi bởi những lời nói thật của bệnh nhân. Vì quá nể ông Kết nên vị bác sỹ đành giới thiệu đến một bác sỹ tâm lý chuyên điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Thực ra thằng Đoàn là đứa rất thông minh. Ai đúng ai sai hắn biết cả. Chỉ có mỗi việc nói dối hay ngậm miệng ăn tiền là hắn mất khả năng kiểm soát. Thằng Đoàn vì thương cha nên cha bảo sao nó nghe theo vậy. Tuy nhiên việc theo cha đi khắp các bệnh viện trong thành phố đã làm cho nó bắt đầu khó chịu. Nó nói với cha:

– Con bị mắc bệnh nói thật mà cha cứ đưa con đến chỗ nói dối thì làm sao mà chữa được.

Nghe con nói thật và có lý mà túi tiền cũng đã cạn nên hai cha con lại trở về. Vợ ông Kết ra đầu làng đón con, bà ôm lấy con khóc nức nở: “Sao mà con tôi lại khổ thế này! Chỉ vì con tôi không biết nói dối mà người ta nỡ đối xử với nó vậy sao! Trời ơi là trời…!”

Quanh đi quẩn lại đã đến dịp lễ họ Trạch. Tổ chức lễ họ thường vào dịp đầu tháng 5 âm lịch khi đã có bát cơm gạo mới đầu mùa để dâng lên tổ tiên. Nghi lễ tổ chức cúng bái của họ Trạch có nhiều khác biệt so với các dòng họ khác. Có lẽ nhờ vậy mà quần thể họ Trạch cũng khá đặc biệt, giống như một gia tộc vậy. Lễ họ lần này đông vui hơn bởi có anh Trạch Văn Nhuận là y sỹ ở miền Nam ra và anh Trạch Văn Ất ở bên Lào về. Ất được xem như công thần của dòng họ. Mấy năm nay Ất chuyên sang Lào buôn bán phế liệu. Ất giàu sụ, càng giàu Ất càng hỗ trợ sửa sang xây dựng nhà thờ họ Trạch. Còn anh Trạch Văn Nhuận thì cụ Trạch Văn không ưa vì Nhuận ít đóng góp mà mở miệng nói gì cũng “theo Y học”, cứ làm như mình là người thông thái nhất họ Trạch.

Lễ họ Trạch bắt buộc tất cả các “đinh Trạch” trong xóm phải có mặt. Phái nữ chỉ được phép đứng vòng ngoài chứng kiến và lo nấu nướng. Vào lễ, tất cả các “đinh” đều phải quỳ theo thứ bậc. Động tác quỳ khá lạ. Quỳ theo dáng núi thiêng của làng, “mông chỉ thiên, đầu nhập địa”, trán phải chạm đất, hai bàn tay ngửa lên để ngang đầu, mông chổng ngược. Nhìn cũng hao hao tư thế quỳ của người theo đạo Hồi. Cụ Trạch Văn áo mũ cân đai khá giống với cổ trang trong phim Tàu. Theo quy trình cụ Trạch Văn sẽ có 3 lần thắp hương, 3 lần rót trà rót rượu và 3 lần đọc bài văn tế thì mới gọi là xong xuôi. Các “đinh” cứ phải răm rắp tuân thủ, nếu lỡ sơ suất thất lễ thì rầy rà to với cụ Trạch Văn trưởng họ.

Khi cụ Trạch Văn vừa châm xong lượt trà rượu đầu, cả từ đường nhà thờ họ Trạch im phăng phắc, mọi người như nín thở để lắng nghe cho được tiếng vọng của tổ tiên thì bỗng nghe “bủm” một cái. Dù tiếng “bủm” có âm sắc kìm nén nhưng chắc hẳn ai cũng nghe rõ mà cứ giải vờ như không nghe gì cả. Sau tiếng “bủm”, cụ Trạch Văn hơi tái mặt nhưng vẫn giữ được thần thái để đọc sang phần hai của bài tế. Mấy chục “đinh” đang quỳ chổng mông giữa nhà nhưng chẳng còn nghe được cụ Trạch Văn đọc gì nữa vì ai cũng đang bị cái “bủm” làm cho mất tập trung, lệch hướng suy tưởng chiêm bái. Bỗng dưng lại có một tiếng “bủm” thứ hai vang lên. Lần này tiếng “bủm” vừa to vừa ngân dài vượt trội so với tiếng “bủm” lần trước. Nghe âm sắc cũng đủ biết chủ nhân của cái “bủm” này có tư tưởng buông thả. Tiếng khúc khích rồi tiếng khùng khục đã xuất hiện. Nhiều cái lưng cứ run giật liên lục để kìm nén không cho tiếng cười bật ra. Phía ngoài từ đường nhiều cô gái lấy tay bịt miệng chạy ra thật xa mới dám ôm nhau cười. Trạng thái mất kiểm soát sắp bùng lên thì cụ Trạch Văn kịp hô: “Hoàn tọa”!

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Mấy chục “đinh” ngồi bật dậy, mặt đỏ bừng vì đang cố nhịn cười. Ai cũng biết tiếng cười dễ lây lan lắm. Chỉ cần một người không kìm được, bật cười là sẽ gây ra hiệu ứng cười nghiêng ngả. Điều đó mà xảy ra trong buổi lễ họ thì khác gì thảm họa. Thế mới biết nhịn cười con khó hơn cả nhịn nhiều thứ khác. Phía cuối từ đường vẫn còn một “đinh” đang giữ nguyên tư thế “mông chỉ thiên, đầu nhập địa”. Người ngồi bên cạnh phải đẩy mạnh, cái “đinh” ấy ngã kềnh ngơ ngác. Thì ra đó là thằng Đoàn.

Cụ Trạch Văn bắt đầu mở cuộc điều tra tại hiện trường. Cụ chiếu thẳng tia nhìn vào thằng Đoàn rồi gằn giọng:

– Anh Đoàn! Cả hai lần tôi đều nghe rõ từ chỗ anh phát ra. Anh phá thôn phá xóm chưa đủ hay sao mà bây giờ còn phá cả lễ họ?

– Dạ… dạ cụ đang nói gì mà con không hiểu.

– Thế lúc nãy anh không nghe gì hay sao?

– Dạ… dạ lúc đầu thì con nghe cụ tế, sau đó con chẳng biết gì nữa ạ.

– Anh nói vậy là anh đến đây để ngủ quỳ à? Thằng mất dạy! Cứ cho là cái “bủm” đầu do mày sơ ý nhưng cái “bủm” sau là cố tình.

– Dạ… dạ con hoàn toàn không nghe cái “bủm” nào cả.

– Thằng mất dạy! Đồ phá đám! Dám làm mà không dám nhận. Họ Trạch không có thứ con cháu như mày.

Thấy tình hình quá căng thẳng, y sỹ Trạch Văn Nhuận bèn lên tiếng:

– Thưa cụ trưởng họ, thưa các “đinh”. Thằng Đoàn đang bị bệnh nói thật nên nó làm sao mà nói dối được ạ. Theo Y học thì cái tư thế quỳ “mông chỉ thiên, đầu nhập địa” của họ Trạch ta là tư thế thông hơi. Vì vậy mà ai có lỡ “bủm” ra một vài cái thì cũng bình thường thôi ạ.

Cụ Trạch Văn đập bàn:

– Này anh Nhuận, anh đừng có mở miệng ra là “theo Y học”. Đây là từ đường nhà thờ họ Trạch. Một việc tày trời như vậy mà anh cho là bình thường được sao? Hay chính anh là thủ phạm?

Sau một hồi truy xét bế tắc, cụ Trạch Văn thở dài bất lực, các “đinh” rời từ đường. Người thì bịt miệng cười khùng khục, người thì uất ức, người thì ngơ ngác… Chẳng lẽ sự tôn nghiêm của dòng họ lại bị sụp đổ bởi hai tiếng “bủm” phá đám hay sao?

Trạch Văn Ất biết chuyện thằng Đoàn thấy tội nghiệp. Không gì cũng là chỗ cùng họ nên Ất ghé nhà ông Kết thăm hỏi. Đã rất lâu rồi mới có người đến chơi, cả nhà ông Kết đều mừng rỡ. Ất nói với thằng Đoàn:

– Anh về quê chơi mấy ngày, anh em ta cứ thoải mái nhé. Em muốn nói với anh bất cứ điều gì cũng được.

Thằng Đoàn như cái lò xo bị nén lâu ngày, giờ mới được tự do bật lên. Nó sung sướng ra mặt. Nó nói với với Ất đủ thứ mà thứ gì cũng thật. Chưa bao giờ Ất ngồi nghe ai nói chuyện lại dễ chịu đến vậy. Giống như đang ở trong môi trường ô nhiễm mà được thở bình oxy nguyên chất. Cũng có thể do thằng Đoàn chưa biết những việc cần che dấu của Ất nên chỉ nói toàn chuyện sướng tai. Thấy Ất và thằng Đoàn rất vui vẻ thoải mái với nhau, ông Kết ngỏ ý nhờ Ất tìm cách chữa bệnh giúp Đoàn.

Ất vui vẻ gật gật, nói với ông Kết:

– Bệnh nói thật dễ chữa thôi mà. Chữa chừng 6 tháng là khỏi hẳn. Nếu kéo dài hơn có khi lại thành tật thì đừng có mà oán em đấy nhé.

– May quá rồi! Mà có tốn kém lắm không anh Ất?

– Không tốn gì cả, em nó còn có tiền mang về cho cha mẹ ấy chứ.

– Thế anh Ất định đưa em nó đi viện nào?

– Không viện nào cả, coi như chẳng bệnh tật gì hết. Để mai em gửi nó sang làm với mấy ông bạn đang thầu các “công trình nông thôn mới”.

Nghe vậy biết vậy. Cả nhà ông Kết cứ vui mừng cái đã. Đúng là hôm sau thằng Đoàn đi làm thật. Cũng may là hắn thông minh lại không biết nói dối nên được mấy ông xếp tin tưởng coi như đệ tử ruột. Thằng Đoàn thay đổi rất nhanh, hắn như lột xác thành con người khác. Hắn biết ăn nhậu. Hắn trở thành người khéo ăn khéo nói đến mức thớ lợ. Gặp xếp nào hắn cũng luôn biết xoa tay khom lưng và thuộc làu công thức ứng xử “3 xoa, 2 cười, 1 nói”. Lâu lâu thằng Đoàn cầm cục tiền về đưa cho mẹ. Đáng khen nhất là thằng Đoàn đã biết cách vận dụng phong trào xây dựng nông thôn mới, đề xuất lên cấp trên để có hẳn đoạn đường bê tông phẳng lỳ kéo vào đến tận cửa từ đường nhà thờ họ Trạch. Đó là thành quả đầu tiên trong quá trình rèn luyện chữa bệnh nói thật của hắn. Người họ Trạch bắt đầu quên hắn là “thằng phá đám”.

Thằng Trạch đi làm đã được 6 tháng, ông Kết sực nhớ lời dặn của anh Ất nhưng thấy mọi thứ đang tốt đẹp hơn cả mong đợi nên cũng chẳng còn lăn tăn gì nữa. Năm sau, lại đến ngày lễ họ Trạch. Bà con kéo đến nhà thờ họ trên con đường “nông thôn mới” bê tông phẳng lỳ. Khi chưa vào lễ bỗng xuất hiện mấy đồng chí cảnh sát và cán bộ xã. Họ yêu cầu thằng Đoàn đứng yên để nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp về tội liên quan đến vụ “khai khống rút ruột vật tư công trình”.

Thằng Đoàn bị giải đi. Cụ Trạch Văn lảo đảo bước theo mấy bước, hai tay ôm ngực ho khù khụ rồi khuỵu xuống, miệng thều thào “tay hắn nhúng chàm rồi…” Ông Kết đứng rũ rượi trên đoạn đường “nông thôn mới” bê tông phẳng lỳ trước nhà thờ họ. Mắt ông tối sầm lại, trong đầu cứ văng vẳng câu nói của Ất: “Chữa chừng 6 tháng là khỏi hẳn. Nếu kéo dài hơn có khi lại thành tật thì đừng có mà oán em đấy nhé”. Oán ư? Oán ai bây giờ? Ông Kết oán mình, oán cái “đất lề quê thói” rồi oán luôn cả những ai chữa bệnh thật thà cho thằng Đoàn. Mẹ thằng Đoàn chạy theo con nhưng bị bà con giữ lại. Bà vừa đấm ngực vừa gào khóc: “Con ơi là con, cha mẹ hại con rồi! Tôi hại con tôi rồi! Giá mà đừng chữa bệnh nói thật thì con tôi đâu có bị tai họa thế này. Trời ơi là trời”.

Cả xóm núi chìm trong u ám. Bầy chim chào mào vẫn làm tổ và hót líu lo trên những tán cây xanh.

8.2023

TRẦN VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *