Lần đầu tôi tới thăm hồ thủy điện Thác Bà (nằm trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) vào một buổi chiều nắng chiếu vàng ruộm dòng sông Chảy. Trên mặt hồ, phía sau những lan can màu trắng làm bằng những ống tròn inox, những chiếc thuyền đợi để đưa du khách thăm quan thắng cảnh trong vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà nằm xếp thành hàng ngang chờ đợi. Người bạn chỉ lên một chiếc thuyền phía ngay cạnh hỏi tôi có muốn đi không?
Tôi nhìn vào vùng hồ rộng lớn màu xanh ngăn ngắt mà nhớ tới những lần say sóng khiến cả người tôi chợt thấy nôn nao. Tôi đành phải bỏ lỡ một dịp khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên trong lòng hồ của nhà máy thủy điện đầu tiên của miền bắc. Thấy vẻ mặt tiu nghỉu của tôi, anh bạn nở nụ cười hiền dịu. Thôi thì mình không đi vào lòng hồ thì xuống phía dưới đập chơi nha. Rồi, bạn quay sang hỏi các chú bác bên cạnh xem hôm nay ngày gì? để xem thủy điện có xả nước hay không? Chắc hẳn những ngày thủy điện xả nước đã theo một quy trình liên tục và quá quen thuộc với người dân nơi đây nên ai cũng biết như nằm lòng cả.

Cứ thế, bạn và tôi lại leo lên con xe Honda vi vu tới phía bên dưới đập nước. Một cảnh tượng trái ngược với phía trên đập mà vẫn không kém phần đẹp đẽ, kỳ thú. Bạn dắt tay tôi đi xuống dưới dòng sông trơ đáy vì cạn nước. Một dải những hòn đá sỏi tròn trịa, màu vàng mướt mắt hiện ra ngay trước mắt cuốn hút tôi. Tôi đưa điện thoại, nhờ anh bạn chụp cho mấy kiểu để làm kỉ niệm. Rồi tôi thỏa sức nhặt những viên sỏi đó, tìm cho kì được viên tròn nhất, đẹp nhất. Trong lúc tôi thả chân trần đi trên bãi sỏi, anh bạn lại tha thẩn nhặt những viên đá lia đi trên bề mặt những vũng nước lớn, tụ lại từ những dòng chảy nhỏ vẫn rỉ ra từ phía cái đập bằng bê tông cốt thép màu xám đậm to lớn sừng sững phía trước mặt.
Tôi để ý thấy bạn tôi nhìn về phía bãi giữa dòng sông với đôi mắt trìu mến, xa xăm. Thế rồi bạn lại hỏi tôi có muốn biết ở phía bên ấy có những gì không? Tôi mơ hồ lo sợ rằng nhỡ thủy điện xả nước rồi mình lên không kịp thì sao? Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, nghe mẹ kể chuyện anh hàng xóm đi tắm suối tới lúc lũ về không kịp chạy lên, bị trôi suối. May mắn cho anh ấy vớ được bụi cây ven bờ để leo lên nhưng toàn thân cũng xây xát, tinh thần hoảng loạn về nhà ốm đến mấy tuần. Câu chuyện đó ám ảnh tôi đến nỗi mỗi lần bạn bè rủ đi tắm suối tôi đều không dám đi. Bạn nói thủy điện xả có ngày giờ hẳn hoi, trước khi xả nước đều có thông báo trước rồi, đừng lo.
Rồi như để chứng minh lời nói của mình và để tôi yên tâm hơn, bạn cứ thế lừng lững đi sâu vào giữa lòng sông cạn, quay lại vẫy vẫy tay mời gọi tôi với nụ cười thật tươi. Trí tò mò của tôi như bị kích thích, dù trong lòng vẫn còn hơi sợ. Tôi dò dẫm từng bước đi trên những hòn đá trơn trượt. Tới nơi, thấy bạn đang lần giở dưới lớp rêu xanh rì, tôi lại gần xem thấy nào là cua, hến, rồi những con cá con mới nở nhỏ li ti. Bạn nói nhớ ngày trước, mỗi chiều nghỉ học lại cùng mẹ ra con sông này mò hến, bắt cua đem lên chợ bán. Chợ họp vào buổi chiều, ngay đầu chỗ cây cầu Yên Bình bắc qua sông Chảy, dọc hai bên đường, người dân bán đủ thứ cá bắt lên từ lòng hồ, có cả cua, ốc đá, hến, trùng trục, …
Ánh nắng chiều nhạt dần. Bạn đưa tôi đi thăm bà ngoại ở ngay bên kia con sông Chảy. Bên này là Hán Đà, Yên Bình, Yên Bái, bên kia sông đã là Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang. Ranh giới giữa hai tỉnh mà cách nhau có một con sông, nghe sao mà gần. Đến chỗ bến đợi có cái tên Bến đò Hiên, bạn gọi ới ời vang vọng ra giữa sông: “Đò ơ..ơ..i..”. Nhìn thấy chiếc phà chờ đủ người đã bắt đầu chầm chậm chạy từ bờ bên kia sang, anh bạn mới quay sang tôi cười cười. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cảnh gọi đò như trong bài hát tôi đã từng nghe của ca sĩ bolero nào đó, dù “đò” đã được hiện đại hóa thành chiếc phà chạy động cơ chở được hơn chục chiếc xe máy có dư.

Nước ở đoạn sông này khác hẳn với đoạn phía dưới chân đập thủy điện, nước sâu và có màu xanh ngắt bởi rong rêu dưới đáy sông. Chờ cho lưỡi phà cập bến, rồi từng người trên phà đi xe máy lên bờ hết, anh bạn tôi mới đi xe từ trên con dốc đất dẫn từ bờ xuống phà. Ngồi trên phà, tôi mới cảm nhận được hết sự mênh mông của dòng sông Chảy. Hai bên bờ sông cao hẳn lên với những mái nhà thấp thoáng sau những rặng cây xanh rì. Gió thổi từ sông lên cũng man mác mùi tanh của rong rêu bị khuấy động bởi chiếc chân vịt bên dưới phà.
Tôi ngồi bên bạn thảnh thơi nhìn từng làn mây trắng chậm rãi trôi trên nền trời xanh thẳm, những vệt nắng chiều đổ dài trên những ngọn tre phía xa, từng cánh cò trắng vội vã bay đi tìm về nơi trú ngụ. Một tiếng chuông phát ra từ ngôi chùa bên kia sông ngân vang, văng vẳng trên sông vắng khiến lòng người thấy nhẹ nhàng, thanh thản đến lạ kỳ.
Nhà ngoại của cậu bạn là một ngôi nhà lợp ngói nhỏ và thấp, mang dáng dấp của những ngôi nhà nông thôn vùng đồng bằng bắc bộ xưa kia. Nghe thấy tiếng xe, bà ra cửa đón đứa cháu cưng với nụ cười móm mém, hiền từ. Buổi tối ấy, sau khi ăn cơm xong, bà “ỏm”(luộc chín) quả cọ cho hai đứa ăn. Vị bùi béo ngậy từ lớp thịt màu vàng sậm sau khi bóc đi lớp vỏ màu tím than của quả cọ gai khiến người thưởng thức còn vương vấn đến mãi sau này.
Rời quê bạn về nhà đã lâu, mà trong tôi vẫn còn nhớ mãi những hình ảnh đẹp về con sông Chảy cùng buổi chiều cùng bạn khám phá dòng sông quê hương ấy. Tôi đành xin mượn những câu thơ của tác giả Tế Hanh trong bài Nhớ con sông quê hương để đồng cảm với nỗi niềm thương nhớ của mình:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?”
ĐẶNG THÙY TIÊN