Truyện ngắn Hồ Xuân Đà: Ngày biển động

VHSG- 1. Bãi đá nằm liền kề bên nhau, như một sự sắp đặt có chủ định của mẹ thiên nhiên, từng lớp lớp xếp chồng, nương tựa như một định mệnh, chúng phải bên nhau để người ta mường tượng như một gia đình. Những đợt sóng cuồn cuộn tung bọt trắng xóa, gọt dũa hàng ngày trên những tảng đá, bằng nước biển, cộng hưởng ánh nắng mặt trời, sáng chiếu lấp lánh mỗi khi bình minh lên. Từng chùm sáng rực rỡ, từ phía đông, hừng hực rọi lên bãi đá, nghiêng mình theo từng sóng. Người phu chài kéo từng mẻ lưới vào bờ, trên những chiếc thúng, mạnh tay chèo tới đón những chiếc thuyền lớn. Sau một đêm nhấp nhô trên biển thu về những mẻ cá lớn, nhỏ khác nhau. Người đợi, người chờ, họ ngồi thành từng nhóm theo vòng tròn, bên cạnh là thau lớn- thau nhỏ, những chiếc cân luôn trong tư thế sẵn sàng vào cuộc. Đàn ông luôn ướt sũng nước biển, ướt – khô- không là vấn đề, nước biển rửa sạch hết những cơn sổ mũi hắt hơi của họ. Những con người cha sinh mẹ đẻ tại nơi đây, cùng những người bỏ xứ lưu lạc, họ nói, họ chuyện trò tán gẫu về cảm xúc thuộc về ký ức, gam mau tối sáng pha trộn vào nhau, ngọt bùi chát đắng, cho tới vị mặn của nước biển.

Nhà văn trẻ Hồ Xuân Đà

Vài người trong số họ tỉ tê tâm sự, trộn lẫn vào từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ, họ muốn nhấn chìm mình trong biển để rời bỏ cuộc đời này, ai ngờ đâu, sóng biển không cuốn họ đi, mà đẩy họ xuôi vào bờ. Đó là câu chuyện của đời anh Tám cá, người thu gom cá cho các đại lý ra chợ bán. Cái duyên đưa anh đến cùng biển này như sự sắp đặt của mẹ biển. Ngày đó, hoàng hôn buồn lắm, bờ biển không một bóng người, chỉ có mình anh nằm dài trên bãi cát, lần theo từng cơn sóng, buông lỏng cái thân hình thằng đàn ông mềm nhũn tinh thần, nhẹ tênh thể xác, khi lao vào cơn thiêu thân của những trận cá độ bóng đá. Nữ trang của vợ, sổ đỏ của mẹ già đã do chính cơn khát thắng, đau thua, quyết gỡ độ của anh tiêu tan như bọt biển. Anh vác ba lô ra đi, bỏ lại mớ hỗn độn ấy cho người ở lại, với sự hối lỗi muốn chuộc lỗi, kiếm tiền mang về, giảm bớt phần nào sai lầm của chính mình gây ra. Anh xin vào làm công nhân của một vựa phế liệu. Thuê một căn phòng trọ, anh ở một mình. Rồi một hôm, người bạn làm chung than thở về nơi ở, xót cho bạn mới quen đang phải nuôi con gái nhỏ trạc khoảng 8, 9 tuổi. Cái thiện lương trong anh từ đâu trỗi dậy, có thể là do anh xa gia đình khá lâu, nỗi nhớ con gái lớn dần, anh cho hai cha con về sống cùng chung với anh trong căn nhà trọ. Anh chỉ mong chia sẻ phần nào cho bạn, không phải tốn tiền thuê trọ, có tiền lo cho con, cảnh gà trống nuôi con, anh thấy thương làm sao. Giữa những con người trong bước đường cùng, lây lất chia sẻ cho nhau là điều có thật.

2. Buổi tối đi làm về, anh nằm gác tay lên trán mà nhớ đến gia đình, nhớ nhất là đứa con gái luôn đầy trò làm cho anh cười. Còn anh, hình như đã làm cho những người thân yêu của mình phải khóc.

Đêm ấy,  anh không thể nào ngủ trọn giấc, anh bước lên gác trọ tìm dây sạc điện thoại, thì thấy hành động của bạn mình, anh dụi mắt liên tục, nhìn cho thật kỹ, đôi bàn tay của người bạn anh đang mân mê vùng kín của chính con gái mình. Anh giận quá, la lên, gọi bạn dậy- kéo ngay bạn xuống nhà. Một trận đấu tay đôi, cho tới khi chủ nhà trọ gọi công an phường đến. Không ai tin anh, lời nói như nhân chứng của anh vô giá trị, khi đứa bé gái, không hay biết gì, điều ba nó làm trong đêm. Ai cũng cho rằng anh bị bệnh hoang tưởng, không ai tin tưởng một thằng đàn ông không gia đình, mặt mày buồn hiu, lủi thủi như anh.

Họ đuổi anh ra khỏi nhà trọ. Anh mất việc, không nơi ở, mất luôn một người bạn. Anh chạy mãi, không biết mình phải đi đến đâu, cuối cùng anh tìm đến với biển.

Anh nằm trên gành đá, nhức nhối từng thớ thịt, mảnh xương, anh đã buông mình, cầu cho sóng đánh anh ra giữa lòng đại dương, nhưng cả đêm sóng lặng im dìu anh nhẹ nhàng dạt vào nơi đây. Đôi khi chết thật là điều khó khăn, đâu phải muốn chết là chết được ngay. Ông trời, không cho đi, ông buộc anh phải ở lại,  bởi anh còn mắc nợ chị, nợ dòng nước mắt đẫm bi thương, dại dại của chị. Nên anh không thể nằm được dưới đáy đại dương. Mẹ biển trả anh về.

3. Anh nằm mãi trên bãi đá cho tới khi nắng gắt gao đuổi anh đứng dậy vào bờ. Nước mắt mắt một người đàn ông không biết sợ là gì, đã chảy dài trên đôi gò má đen sạm, hốc hác. Anh bước vào bờ. Bụng đói meo, nhìn ly cà phê, điếu thuốc của những dân chài vừa lên bờ, phì phò, anh thèm, nhìn họ thật sự là đàn ông. Những bắp tay rắn chắc, làn da màu gỗ mun, và giọng nói rặc dân xứ biển, “nâu nẩu”, họ mang từng thúng cá tươi xanh, chuyền tay cho vợ bán. Biển vỗ về từng đợt sóng, anh thò tay vô túi quần, may mắn còn ít tiền, anh gọi một tô bánh canh chả cá nóng hổi, không quên xin thêm nhiều hành tiêu, húp lùa xì xụp một loáng hết vèo, gọi thêm tô nữa, dì bán hàng hỏi:

– Tô nữa hả con? Ngon quá phải không? Dì bán ở đây cả chục năm rồi, đàn ông ăn ở quán dì toàn phải ăn hai tô, mới đầy lưng bụng, coi bộ con đi phượt phải không? Chắc đói dữ lắm, để dì khuyến mãi cho con thêm ít chả cá. Ăn cho no. Rồi có sức mà về với gia đình.

– Không, con không về đâu, con ở lại đây luôn. Con không còn mặt mũi nào để quay về với vợ. Con ở lại đây dì à? Dì có công việc nào giới thiệu cho con không?

– Làm biển cực lắm con ơi, con là dân thành phố không làm nổi đâu.

– Con hết đường để đi rồi dì ạ. Không làm nổi cũng buộc phải nổi. Chết không được thì buộc phải sống.

4. Dì Tám, im lặng không nói gì, cái câu nói “chết không được thi phải sống”, khiến cho dì nhớ lại cuộc đời của dì cách đây mười năm. Khi chồng dì đuổi dì ra khỏi nhà, bởi không sinh được con, dì đã đi theo từng cơn sóng giữa đêm hôm khuya khoắt, dưới vành trăng lưỡi liềm mờ ảo. Dì muốn mình đi tới đường chân trời ngoài khơi xa, trong khi sóng biển mạnh mẽ từng cơn đuổi dì lui chân vào bờ. Dì sợ chết. Mà đã biết sợ cái chết, thì phải sống cho tốt. Dì ở lại vùng biển này luôn, không liên lạc với người thân, xin được một công việc phụ rửa chén bát cho một khu du lịch, rồi từ từ chán cái cảnh bị quản thúc, nhìn ánh mắt người khác mà sống, dì men theo từng bước, rồi mở quán bán thức ăn ngay chợ cá ở vùng biển đang bắt đầu được khai thác du lịch, và giới trẻ háo hức đến khám phá “check in”, anh giấu nhẹm quá khứ phá tiền phá bạc của mình, giúp dì Tám bán hàng. Dì Tám không có con, thời gian lâu dài, nhận anh làm con nuôi. Dì chỉ dạy anh cách thu gom cá bỏ mối ra chợ bán. Nhìn anh mỗi ngày mỗi rám nắng, nhanh nhẹn, thành thạo hơn với những buổi sáng men đuổi theo từng thúng cá, khay mực.

Anh chính thức trở thành con của biển. Biển dạy anh khôn lớn, rắn rỏi hơn. Anh rít từng hơi thuốc dưới ánh nắng ban mai chiếu dài thoai thoải dọc trên bờ cát mịn.

5. Chị không muốn gặp lại anh, người đàn ông chỉ biết làm chị khóc. Bao lần chị muốn mình cắt đứt cuộc hôn nhân chỉ suốt ngày nợ nần, trách cứ nhau. Hai đứa con không thể là chiếc cầu nối, khi anh cứ làm việc theo ý riêng mà không tôn trọng nghĩa vụ chồng vợ, dựng xây – nuôi dưỡng một gia đình. Chị quyết không bao giờ trả nợ cho anh nữa. Nhún nhường cho một thói hư tật xấu đồng nghĩa với việc giết chết một con người.

Ngày anh nhắn tin vào số máy chị, với trạng thái tự vẫn, kết liễu cuộc đời. Chị an nhiên, chặn ngay cái số điện thoại của anh, phó mặc cho phận số định đoạt, bởi đã bao lần chị đã cứu anh rồi, nhưng vô nghĩa, đâu lại vào đấy, ngựa quen đường cũ, đồng lương tiết kiệm của chị cũng chỉ đủ nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Anh nhận ra, việc chặn số máy của chị, đã quyết liệt đưa anh vào nỗi hận, hay sự giác ngộ, anh kiên cường hơn, trong quyết định của một người đàn bà muốn dạy chồng.

Anh hết đường sống. Vậy thì đi chết. Chết không được, biển trả anh về. Và, anh đã sống, sống một cách mạnh mẽ hơn. Bắt đầu thời gian này, anh nhớ con, nhớ nhỏ con gái cái miệng leo lẻo không ngớt những câu chuyện ở trường ở lớp, nhớ thằng con trai vừa ngoan vừa hiền. Nhưng có cái tội mê chơi game, mà chẳng bao giờ biết nhớ cha.  Kỳ nghỉ hè này, chắc mẹ nó sẽ đưa nó ra biển. Anh đoán vậy. Mùa hè của những mùa hè đi qua, anh đã từng bỏ mẹ nó tự đưa chúng nó rời xa sự ngột ngạt của thị thành, để đưa chúng nó đi trải nghiệm. Lấy hết bình tĩnh, gạt đi cái sĩ diện của một thằng đàn ông, anh gọi cho chị hơn 20 cuộc gọi nhỡ, chị vẫn không nghe máy. Trên con đường đi ngang qua nơi anh đang sống, những ngọn núi, những ruộng muối, qua ô cửa sổ biển vỗ tung những ngọn sóng, xanh trong mát lành, mây bồng mây huyền huyền ảo ảo, dập dờn nương nhau. Trên tai chị là giai điệu của dòng nhạc của Michael Jackson, mãnh liệt, du dương, nhịp nhàng. Chị chẳng biết mình đã nghĩ gì, khi đến địa phận nơi anh đang sống, chị xin xuống xe giữa trưa đầy nắng hạ.

Vài phút sau, các con gặp lại cha, sau hai năm dài xa cách. Con gái líu lo, con trai nắm tay chị, như chừng biết mẹ của nó đang xúc động. Nước mắt không thể ngưng lại, từ đâu cứ mặc nhiên rơi. Chị im bặt, không nói gì, chỉ lẳng lặng quay mặt đi, lau từng giọt nước mắt ngang ngược, không chịu nghe lời.

Những ngày lưu lại trên biển, anh nắm tay các con đi dọc trên bờ, con gái nô đùa với từng làn sóng xanh biếc, xây những lâu đài trên cát, nói về những ước mơ, những căn phòng có ba có mẹ, anh nhìn con trai lớn nhanh một thanh niên chững chạc, có thể thay anh làm bờ vai vững chãi cho mẹ. Chị không hề gọi anh về, anh không thể mở lời cùng chị, hỏi thăm mẹ anh có khỏe không, ba của anh giờ ra sao, họ đã phiền muộn về anh rất nhiều ngày tháng trước. Anh hối tiếc mãi về điều đó. Anh ra biển, bỏ chị ở lại nhà đôi quang gánh với trách nhiệm với gia đình  bên chồng, và những đứa con. Anh nợ chị. Ngàn lần muốn xin lỗi chị, mà sao môi cứ mấp máy không mở được lời. Ngay khi chị nằm bên con xoay mặt vào tường, anh muốn lại gần ngửi mùi tóc của chị, nhưng không bản lĩnh nào lại gần. Anh thức dậy giữa đêm, nhìn chị say sưa bên các con, mà nhìn ra biển xa xăm. Còn đêm nay nữa thôi. Mai vợ con anh đã di chuyển về thành phố. Biết làm sao đây, khi anh chưa thực sự sẵn sàng trở về. Anh lại với tay châm thuốc, rít từng hơi dài, nhìn mưa rơi, ngoài biển đưa vào đất liền tùng cơn gió lạnh.

Buổi sáng, sau một cơn mưa to, sóng ầm ầm vỗ vào bờ, biển vẫn còn nổi sóng. Những người đi phu cá gọi anh:

– Hôm nay nghỉ một hôm, biển động, không có cá đâu.

6. Anh đưa vợ con ra xe, chị gửi lại cho anh những chiếc áo còn đầy mồ hôi của con trai, con gấu bông của đứa con gái, chị chẳng có gì để gửi lại cho anh ngoài những thứ ấy. Chị lên xe, nhìn qua khung cửa sổ, nước mắt lại tuôn ra. “Chết tiệt”. Chị thầm chửi cái tuyến lệ ương bướng của mình, bãi đá khuất xa dần sau những vòng xe lăn bánh. Những hòn đá nương tựa vào nhau, dưới sóng biển động ầm ầm, gió thổi lồng lộng. Từng lớp lớp đá, từa tựa như phím đàn, không do một bàn tay con người sắp đặt, chỉ có sóng, có gió, đẩy xô trước nhịp điệu thời tiết không ngừng thay đổi, dựng lên một tuyệt tác làm say đắm lòng người. Ngày mai thôi, đá lộng lẫy uy nghiêm trước thử thách, tung tẩy dưới bàn tay muối mặn. Chị nhận ra đôi khi hạnh phúc không được diễn tả bằng nụ cười, mà được đong đếm bằng nước mắt. Người ta vẫn khóc vì hạnh phúc đó thôi. Biển động để dịu êm. Như sau màn đêm bình minh sẽ thức giấc. Như sau cơn mưa là cầu vồng xuất hiện. Biển động để nuôi người ta khôn lớn thêm.

Ngày 12.6.2019

HỒ XUÂN ĐÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *