1. Hôm ấy giờ nghỉ trưa, Oanh ngồi tựa trên băng đá của bệnh viện, tháo lớp bảo hộ và nước mắt nó rơi thành từng dòng. Đã một tuần từ ngày nó làm đơn đăng ký đi tình nguyện, từ một đứa với sức khỏe không tốt như bao người bình thường, nó đã chọn tham gia khi địa phương cần vậy mà nó lại dễ tổn thương trước những lời nói của những đứa em mới quen, chúng nhỏ hơn nó nhưng lại luôn tỏ thái độ và lớn tiếng với nó.
Họ đùn đẩy công việc cho Oanh. Hoàng, người chăm coi tổ đó cũng bênh vực những người cũ của mình. Tối đó bên Thành đoàn đã nhắn tin nói chuyện với nó và cả hai bé kia. Hôm sau nó quay lại làm việc. Công việc của nhóm Oanh là điều phối tiêm vaccine hỗ trợ bên y tế. Mỗi người có công việc khác nhau và hỗ trợ nhau. Những buồn vui khúc mắc ban đầu dần dần gắn kết họ với nhau nhiều hơn.

Một hôm làm việc, cả đám người xông tới trước cửa hông bệnh viện và đòi được vào trước. Hai người tình nguyện ở cổng chặn lại vì phải theo thứ tự. Một trong nhóm người đó bắt máy gọi điện cho ai đó, lát sau bác sĩ Duy đi ra và bảo rằng đây là người nhà của bác hãy cho vào luôn. Thế là đám đông đi vào. Họ chen lấn vào cả những người đã xếp hàng chờ đợi trước với thái độ như việc đó là điều chính đáng. Họ vào tiêm và không cần hỏi bác sĩ về loại thuốc được tiêm vì vốn dĩ họ đã biết chắc mình tiêm loại nào từ vị bác sĩ Duy nói trước.
Sau khi tiêm, lúc ngồi đợi lấy giấy chứng nhận tiêm chủng, vài người trong bọn họ tỏ ra khó chịu vì chờ đợi, họ muốn phải hoàn toàn được ưu tiên. Một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc bảnh bao đứng lên chỉ tay vào phía các tình nguyện viên đang viết giấy với lời ra lệnh phải làm nhanh cho họ. Oanh và mọi người ức lắm. Chỉ im lặng và dạ vâng rồi cố gắng làm.
Trưa hôm đó lúc ăn cơm, cả đám đã ngồi lại với nhau, có mấy đứa sụt sùi khóc vì chưa bao giờ nghĩ gặp chuyện như vậy. Chị Phượng giống như Hoàng, là người coi sóc mọi thứ, chị cũng buồn vì sự bất lực của mình mà rơi nước mắt với mọi người. Chiều, bác sĩ Duy mua nước đến mời mọi người với lời xin lỗi vì chuyện đã xảy ra. Nhưng rồi mấy ngày tiếp theo, ngày nào cũng có hàng mấy chục người được vào với sự ưu ái là “người nhà” của bác sĩ. Rồi đến bác Hồng, hôm ấy cũng dắt theo rất nhiều người nhà và đã khó chịu khi tình nguyện viên không đưa thẳng vào, bà ta lớn tiếng bảo coi chừng sẽ đuổi hết tình nguyện đi. Sở dĩ bà ta mạnh miệng đến vậy vì với vị trí phó giám đốc hiện tại thì hoàn toàn có thể làm được.
Mỗi ngày nhóm điều phối phải nghỉ trưa và về trễ vì đợi khi nào hết người tiêm mới về và cuối giờ luôn phát sinh nhiều ca bổ sung thêm. Mọi thứ cũng dần dà làm cả đội thấy áp lực. Mặc dù bình thường khi những người dân đến đa số đều hợp tác với sự điều phối, nhiều người còn rất cảm ơn và có khi tặng bánh, rau củ cho đội. Những lần vậy, đội tình nguyện lại chia với các anh quân đội đang đóng trực ở các con đường.
2. Sau một tháng làm tại đó, mọi người chuyển sang một địa điểm mới phía gần sân vận động để tiếp tục công việc. Ở đây mọi việc được kết thúc đúng giờ và không phải chịu đựng nhiều sự phức tạp. Thỉnh thoảng có bác sĩ nhiễm bệnh rồi tình nguyện viên cũng nhiễm, họ được đưa đi cách ly và sau khi hoàn thành thì cũng đều trở lại tiếp tục hỗ trợ đội. Thật sự ban đầu nhiều người cũng sợ, tiếng xe cứu thương vẫn xé không gian ngày đêm nhưng rồi khi được chiến đấu cùng đồng đội cái sợ hãi đó tan biến đi. Có nhiều bạn làm việc lâu ngày mà cảm mến nhau, trong đó có Hoàng và Phượng. Tết trung thu năm nay thật đặc biệt sau giờ làm việc, cả đội ở lại xét nghiệm nhanh rồi mua ít thức ăn với ít cái bánh được tặng đã có một buổi trung thu đáng nhớ nhất của tuổi trẻ.
Hôm sau, Oanh đến chỗ làm như mọi hôm, mọi người đứng chật kín cả con đường, khó khăn lắm mới vô được. Vì chỗ đội Oanh làm ở tuyến trên và tiêm theo danh sách đã lên trước, số người hôm nay đến phần họ chưa sẵn sàng tiêm trước đó, số khác do phía phường đẩy lên nên số lượng rất đông. Dĩ nhiên bên này chỉ có thể làm theo kế hoạch nên từ chối những người khác. Và do buổi sáng nay đã cố gắng giải quyết tiêm phần lớn người do phường đưa lên mà ai cũng mệt nhoài.
Đi đường xa xôi và mong ngóng được sớm tiêm nên họ giận dữ và xô đẩy. Họ dùng những lời khó nghe đối với những người tình nguyện và ngay cả khi trưởng nhóm ra giải thích rõ ràng họ vẫn cố gắng xông vào. Một tình nguyện viên bị cắn vào tay. Đau điếng và chảy máu. Mọi người phải dừng hết công việc lại và chờ đợi chỉ thị mới. Một lúc sau, một người đàn ông mà mọi người gọi là chú Sáu cùng đội cơ động xuống. Đây là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động chống dịch ở địa phương này. Sau khi nghe giải thích về việc đang ưu tiên tiêm phụ nữ mang thai thì họ cũng dần nguội, mà phần lớn có lẽ họ sợ những người thanh niên cầm dùi cui kia. Họ rút về hết.
Cả nhóm có một ngày bàng hoàng!

3. Có lần trong buổi tiêm, một em gái tỏ ra giận dỗi khi biết mình được tiêm loại thuốc phổ biến, nó yêu cầu người cha phải giúp nó được tiêm loại tốt nhất. Cũng lúc đó những người lao động lầm lũi vào tiêm, đôi khi họ không biết được tên thuốc chỉ cần được tiêm là họ đã yên tâm. Oanh và mọi người đều thấy, có tiếng nấc xót xa nào đó vừa rơi nhanh trong tim nó không phanh rồi nổ tung những cảm xúc. Sự khác biệt và ưu tiên thì ra ở trên bộ đồ hay tiếng nói hay điều khác nữa ở mỗi người.
Ít lâu sau đó, bệnh viện thay thế việc quản lí đội tiêm vaccine cho bác Hồng thay vì bác phó cũ. Nguyên nhân thì tất nhiên tình nguyện viên không được biết rõ. Bà ấy liền thay đổi toàn bộ những người cốt cán bằng tay chân của bà. Đó là những ngày ngột ngạt mà mọi người chỉ có thể nhìn nhau trong im lặng. Người mới thì họ bỏ những cách làm cũ và bắt tình nguyện viên phải làm theo ý họ, thêm sự rườm rà và phức tạp.
Tên Thanh mới được đưa lên trưởng nhóm, hàng ngày hắn ta bỏ tay vô túi đi chỉ dẫn người này người nọ, cái cổ cũng nhướng cao hơn mọi khi, quả thật uy quyền làm người ta trở nên to lớn hẳn, từ lời nói đến tác phong. Oanh cũng như vài người đó cảm giác không vui khi có nhiều thay đổi và đặc biệt là trở về làm việc bên bệnh viện. Những không khí vui vẻ trước đây cũng trở nên lặng lẽ hơn.
Mấy hôm sau bà Hồng thông báo từ nay thay đổi phần ăn của tình nguyện viên. Trước đây, cơm của họ được ăn là cơm phần của bệnh viện, khu cách ly, y bác sĩ. Bà Hồng cho rằng lương bác sĩ cao nên ăn cơm phần và các tình nguyện viên phải ăn cơm hộp. Tất cả không phải vấn đề cách nhau mười nghìn, nhưng là cái cảm giác phân biệt và tách rời làm người ta dễ thấy buồn trong cái bụng. Tình nguyện viên ở đây có ai tính gì nhiều, họ đi vì tiếng gọi trái tim, ngay cả khi sợ hãi với dương tính họ cũng chấp nhận và sau đó vẫn khao khát được cống hiến sức trẻ. Vậy mà đâu phải ước mơ nào cũng giống như bầu trời chỉ một màu xanh.
4. Trở về xóm trọ, đúng lúc dân quân đến kêu đi xét nghiệm, ông chủ trọ bảo Oanh ở nhà vì nó hay ho không may bị dính dịch bệnh thì ảnh hưởng khu trọ. Ông tự hào rằng các khu trọ quanh đây đều bị giăng dây chỉ riêng chỗ ông thì không. Nhưng sau khi ông đi, Oanh cũng đến chỗ xét nghiệm.
Nói về ông chủ nhà trọ thì có rất nhiều chuyện. Bốn mùa dịch qua chưa bao giờ phòng trọ được giảm tiền. Thỉnh thoảng có lẽ chút áy náy với người thuê, ông đi xin ít rau từ phường cho dân trọ, những bó rau héo và có chỗ đã úng ra, phần lớn cũng phải bỏ đi.
Vì tham gia tình nguyện nên Oanh dễ dàng ra bên ngoài, có hôm cô dậy sớm đi mua ít rau từ nhà vườn rồi về chia cho mọi người. Khi dãy trọ cô bắt đầu thực hiện giãn cách, hầu hết ai cũng mất việc, người ta nói chuyện quan tâm và chia sẻ nhau nhiều hơn. Từ việc thân thiết chia nhau những món ngon đến lâu dần thì sinh ra mâu thuẫn. Phòng khá giả thì một phe, những phòng khác một phe. Khi Oanh xin được mì và gạo về cho xóm trọ, những phòng kia bảo đừng cho những gia đình dư dả. Oanh đem chia hết tất cả nhưng rồi các phòng có vẻ đầy đủ ấy lại hậm hực khi Oanh cho sữa các phòng kia mà không cho họ. Lượng sữa rất ít để chia, trong khi con của họ đều lớn hơn những đứa trẻ khác.
Một thời gian sau đội tình nguyện ngừng việc, bên bệnh viện chỉ giữ lại ít người thân cận làm tiếp. Oanh đi làm lại được hơn tháng thì cũng nhiễm bệnh. Nó đi khai báo, người ta xét nghiệm lại và chỉ viết cho nó tờ giấy. Nó rất sợ mọi người ở xóm này biết, họ sẽ kỳ thị. Tuy chẳng ai đến giăng dây hay thăm hỏi nhưng với việc ở nhà, đóng cửa và tiếng ho từ phòng nó thì họ cũng đoán ra. Họ càng tránh xa và không muốn hỏi han. Cũng may có người đồng nghiệp gần đó đã mua giúp thức ăn sang.
Ngày hết cách ly, nó đi ra trạm y tế lưu động lấy giấy tờ. Người ta kêu nó xuống phường nhận, từ phường họ bảo không có giấy nó phải quay lại trạm y tế thì họ cho hay là giấy nó chuyển nhầm khu phố, vậy là họ hẹn đầu tuần sau. Sang tuần Oanh xuống lấy để nộp công ty và trở lại công việc, vẫn chưa nhận được. Nó khó chịu vì phải nghỉ không công khi qua hạn cách ly mà chưa thể đi làm, nó có lên nhóm của phường viết vài dòng về sự trễ nải đó. Tầm mười lăm phút sau, người đàn bà cho là đại diện phường cùng dân quân và chủ trọ đến gõ phòng nó, họ yêu cầu nó gỡ ngay bài đó xuống. Suốt mười bốn ngày qua không ai đến xét nghiệm vì cho rằng không tìm được địa chỉ, nhưng chỉ cần một vài câu đăng lên họ đã đến như một cơn gió. Qua hôm sau nó cũng có giấy và đi làm. Trên đường về phòng, nó ghé ngang chủ trọ đóng tiền, ông ấy nói Oanh sai khi không thông báo cho khu trọ biết và nói Oanh có mệt thì mua thuốc chữa trị từ bác sĩ Hồng. Oanh nhớ trước đây F0 luôn được hỗ trợ thuốc và khi nó hỏi đội y tế thì cho biết rằng hết thuốc.
Nó thấy say sẫm quá, hình như có di chứng nào đó còn dư âm khiến nó thấy rệu rã đi. Dưới ánh nắng sau những ngày cách ly, nó đã không như dương tính với Covid-19 mà cả lòng người. Cái điều cũng có đẹp đẽ nhưng chua chát quá. Rõ là nó mất hết vị và khứu giác nhưng vẫn nghe được cái gì đó lạnh lẽo, nghèn nghẹn giữa họng, nhìn vào bầu trời cứ mờ ảo màu sắc đan xen và chỉ kịp thở dài.
LÊ TUYẾT LAN