Truyện ngắn Trịnh Thị Hường: Nỗi đau ngày trở về

Trời chưa sáng, Hải Quỳnh đã thức dậy, khác hẳn mọi ngày cô không đi thể dục mà loay hoay vào bếp để chuẩn bị nấu cơm cúng. Bởi vì, hôm nay là ngày giỗ của bố Quỳnh, người bố mà cô chỉ thấy qua bức ảnh lồng ở góc khung kính nơi có giấy chứng nhận Tổ quốc ghi công với dòng chữ: liệt sỹ Trần Văn Quang, hi sinh năm 1973.

Sau một thời gian tất bật nấu nướng, cô đã bưng mâm cơm lên bàn thờ, giục anh Năm chồng cô lên hương thì bỗng nghe tiếng đứa cháu nhỏ 6 tuổi từ cổng chạy vào gọi to:

– Bà ơi! Có ông cụ nào hỏi bà này!

Nhà văn Trịnh Thị Hường ở Thanh Hóa

Hải Quỳnh vội bước ra sân, cô giật mình khi thấy hai người đàn ông: một người gần 80 tuổi, tóc bạc trắng như cước, nước da rám nắng, thân hình hơi gầy nhưng trông rất rắn rỏi, khỏe mạnh; người kia khoảng ngoài 40 tuổi đang tiến lại gần cô. Người đàn ông tóc bạc, ngước đôi mắt hiền từ âu yếm nhìn cô hỏi:

– Con có phải là Hải Quỳnh, con gái mẹ Phượng và bố Quang không?

Thoáng một chút ngạc nhiên, Hải Quỳnh bình tĩnh trả lời:

– Vâng ạ! Cháu là con mẹ Phượng nhưng mẹ cháu qua đời 5 năm nay rồi bác ạ.

Nghe đến đấy người đàn ông bỏ vội chiếc túi du lịch xuống đất tiến lại phía cô, cầm lấy tay cô và nói bằng một giọng Bắc trầm ấm pha lẫn giọng  miền Nam:

– Hải Quỳnh! Đúng là con thật rồi! Ta là Trần Văn Quang… bố của con đây!

Hải Quỳnh sững người, cô đứng như trời trồng giữa sân, hai tay buông thõng, tròn xoe đôi mắt trân trân nhìn người đàn ông tên Quang tự xưng là bố cô. Thấy vậy, người đàn ông nhẹ nhàng hỏi:

– Mẹ Phượng con trước năm 1975 từng là y tá trong quân đội, rồi bị thương ở chân trái và xuất ngũ phải không?

Trong lúc Hải Quỳnh chưa kịp trả lời thì ông lại hỏi tiếp:

– Con có một vết sẹo bên vai phải đúng không?

Nghe đến đây Hải Quỳnh giật mình, bất giác đưa tay sờ lên vết sẹo trên vai cô. Lúc này, cô mới nhìn kĩ lại khuôn mặt của người đàn ông tên Quang. Tuy mặt ông đã có nhiều nếp nhăn và điểm những chấm đồi mồi nhưng đôi mắt thì vẫn không hề đổi thay so với bức ảnh lồng trên khung kính nơi thờ người bố đã hi sinh gần 50 năm qua.

Thấy vợ đứng lặng người ra nhìn hai người đàn ông, anh Năm vội vã tiến lại phía ông Quang tay xách chiếc túi du lịch lên, ân cần nói:

– Con mời bố và em vào nhà ạ!

Bấy giờ Hải Quỳnh mới như bừng tỉnh, cô nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc đầy vết sẹo của ông Quang run run:

– Bố với em vào nhà đi ạ!

Cô mời ông Quang ngồi xuống ghế và hỏi:

– Từ nhỏ con nghe mẹ nói bố đã hi sinh năm 1973 khi con chưa đầy 6 tuổi và hôm nay là ngày mất của bố nên vào ngày này năm nào hai mẹ con cũng làm cơm giỗ bố.

Chưa vội trả lời con, ông Quang đưa mắt nhìn một lượt khắp ngôi nhà rồi dừng lại nơi bàn thờ mẹ cô và chậm rãi nói:

– Đó là một câu chuyện dài con à. Bố sẽ kể cho các con nghe nhưng để bố thắp cho mẹ con nén hương trước đã!

Hải Quỳnh đưa ông Quang lại bàn thờ của mẹ, nhìn di ảnh vợ, mắt ông rưng rưng. Ông nghẹn ngào thì thầm khe khẽ: “Mình ơi! Gần năm mươi năm trôi qua, hôm nay, tôi mới trở về mong được gặp lại mình.Tôi biết những năm tháng qua mình luôn sống trong đau buồn và thầm lặng nuôi con. Thế mà ngày đoàn tụ, mình lại không còn nữa!…”. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má ông khiến Quỳnh cũng nức nở theo. Thắp hương cho vợ xong, ông Quang lau vội nước mắt rồi đặt nhẹ tay lên vai con, vỗ về:

– Nín đi con! Bố tin ở nơi ấy mẹ con cũng rất vui mừng khi thấy bố con ta được gặp lại nhau.

Nói rồi hai bố con Quỳnh trở lại bàn uống nước. Đỡ lấy chén trà nóng anh Năm đưa, ông Quang nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt xuống bàn và bắt đầu kể giọng trầm hẳn xuống:

Ngày ấy, bố và mẹ con gặp nhau tại một trạm quân y. Mẹ con là một nữ y tá trẻ mới vào chiến trường được một năm. Còn bố là một chiến sĩ hải quân thuộc đoàn tàu không số. Đơn vị của bố làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí lương thực, thuốc men chi viện cho bộ đội ta ở chiến trường miền Nam. Trong một lần tham gia vận chuyển hàng vào Nam, trên đường trở ra Bắc thì đụng tàu địch, tàu của bố đã đánh lạc hướng quân địch và vượt ra khỏi vòng vây của chúng. Nhưng bố bị thương ở cánh tay, máu ra nhiều nên phải vào trạm quân y. Bác sĩ bảo cần mổ gấp để lấy viên đạn ra. Nhưng ngặt nỗi hôm ấy trạm lại hết thuốc gây tê vì vậy bác sĩ đã động viên bố trước khi phẫu thuật. Cô y tá trẻ có tên là Phượng phụ mổ. Cô dùng một chiếc khăn bông đưa lên miệng bố và bảo bố cắn chặt vào khăn, cố gắng chịu đau để bác sĩ tiến hành mổ. Chừng khoảng 20 phút sau bác sĩ đã lấy được viên đạn ra và khâu vết thương cho bố. Xong xuôi công việc, ông giao nhiệm vụ cho cô y tá chăm sóc cẩn thận và chú ý thay băng hàng ngày cho bố vì vết thương khá sâu. Qua nhiều lần trò chuyện với Phượng, bố mới biết cô ấy cùng quê Thanh Hóa nhưng khác huyện. Bất ngờ gặp được đồng hương giữa chiến trường ác liệt đó là một niềm vui lớn đối với bố. Sau ba tuần điều trị ở trạm quân y, bố được trở về đơn vị. Nhưng không biết từ khi nào giữa bố và mẹ con đã nảy sinh tình cảm. Cả hai bịn rịn chia tay.

Rồi từ đấy, bố và mẹ thường xuyên qua lại thăm hỏi, thư từ cho nhau. Hình ảnh của mẹ con luôn là niềm động viên cho bố mỗi lần lênh đênh trên biển khơi đối diện bao khó khăn, thử thách của cuộc chiến cam go. Một năm sau, trong một lần được nghỉ phép để chuẩn bị tăng cường cho chiến dịch, bố và mẹ đã kết hôn dưới sự chứng kiến của họ hàng hai bên. Sau ngày cưới, bố mẹ chỉ ở bên nhau được một tuần rồi tạm biệt nhau để lên đường cùng làm nhiệm vụ.

Trong một lần máy bay địch ném bom vào trạm quân y, mẹ con cùng đồng đội khẩn trương đưa anh em thương binh kịp thời sơ tán nhưng mẹ lại bị thương nặng ở chân trái. Khi ấy, mẹ có mang con được hơn một tháng nên đơn vị đưa mẹ con về tuyến sau để điều trị. Tuy vết thương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chân trái của mẹ con đi lại khập khiễng rất khó khăn. Do vậy, đơn vị đã cho mẹ  xuất ngũ vào cuối năm 1966. Ra quân, mẹ trở về quê ngoại để sinh sống vì ông ngoại con cũng mới qua đời mà bà ngoại chỉ có một mình mẹ.

Đến năm 1967, con cất tiếng khóc chào đời. Biết tin bố vui lắm, anh em trong đơn vị cũng chúc mừng bố được “lên chức” nhưng bố không thể về thăm hai mẹ con được mà chỉ gửi thư thăm hỏi, động viên và dặn đặt tên con là Trần Hải Quỳnh.

Cuối năm 1969, bố được về phép ba ngày. Lúc ấy, con được hơn hai tuổi. Là con gái nhưng con khá hiếu động, thích leo trèo. Một lần, trong lúc bố mẹ không để ý, con trèo lên ghế cao rồi loạng choạng ngã xuống, vai phải đập mạnh vào hòn đá. Bố mẹ phải đưa con lên trạm xá để khâu vết thương. Do máu ra nhiều và quá sợ hãi, đêm hôm ấy, con bị sốt rồi giật mình khóc, bố mẹ phải thay nhau túc trực bên con. Sáng hôm sau, dù rất lo cho con nhưng bố cũng phải lên đường vì ba ngày phép đã hết.

Trở lại đơn vị, bố cùng đồng đội tăng cường tập luyện chuẩn bị nhận nhiệm vụ đặc biệt tiến sâu vào chiến trường miền Nam. Để đảm bảo bí mật cho đường vận chuyển của ta trên biển, mỗi lần lên tàu làm nhiệm vụ đơn vị yêu cầu mọi người phải để lại tất cả giấy tờ tùy thân, thư từ, anbum ảnh, nhật kí… Bố cùng anh em trong đơn vị cải trang thành người dân đánh cá bí mật vận chuyển vũ khí, thuốc men,… vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Trên mỗi con tàu luôn có những khối thuốc nổ, quả mìn lớn phòng khi gặp tàu địch không thể thoát khỏi vòng vây của chúng thì quân ta sẽ cho nổ tung tàu nhấn chìm xuống biển khơi để giữ bí mật. Vì vậy, nhiều đồng đội của bố đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.

Nghe ông Quang kể, Quỳnh rơm rớm nước mắt, xúc động nói: “Chuyện về bố con cũng hay đòi mẹ kể cho nghe nhiều lần lắm, nhất là từ năm 1973 khi đơn vị có giấy báo tử về nhà. Từ ngày ấy con nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội được gặp bố nữa. Nhưng vì sao bố lại có được may mắn thế ạ, mà sao gần 50 năm trôi qua bố mới trở về tìm hai mẹ con?”.

Không đợi con nói hết câu, ông Quang kể tiếp. Vào năm 1973 trong một lần làm nhiệm vụ tàu của ông đã đụng độ với một chiếc tàu địch được trang bị vũ khí hiện đại. Bọn địch liên tục bắn chặn đường rút của ta. Hình như địch có ý định muốn bắt sống quân ta để khai thác thông tin nên chúng không bắn trúng tàu. Lúc ấy, trên tàu của bố chỉ có 6 người, bác thuyền trưởng hạ lệnh cho 4 người nhảy xuống biển để lặn vào bờ. Rồi bác ấy và bố khẩn trương kiểm tra lại khối thuốc nổ và mìn hẹn giờ, bình tĩnh áp sát tàu giặc. Khi hai tàu cách nhau gần chục mét bác  hạ lệnh cho bố phải nhảy xuống biển lặn vào bờ để mình bác ở lại đối phó với địch. Thấy bố còn chần chừ, bác đẩy nhanh bố xuống biển và tăng tốc lao vút tàu về phía tàu địch. Bố chỉ nghe một tiếng nổ lớn và lịm đi không biết gì nữa.

Sau này khi tỉnh lại bố mới biết mình còn sống là nhờ một gia đình làm nghề đánh cá cứu vớt khi thấy bố đang trôi trên biển. Do vết thương khá nặng bố hôn mê mãi gần ba tuần rồi mới tỉnh. Nhưng khi tỉnh lại, bố không nhớ gì nữa vì ngoài bị thương ở phần mềm ra bố còn bị thương ở đầu khá nặng. Nhờ sự chăm sóc tận tình của hai bố con người dân chài hơn hai tháng sau bố dần dần khỏe lại. Gia đình người dân chài này chỉ có hai bố con: ông bố ngoài năm mươi, cô con gái khoảng hai mươi tuổi. Họ ở trên núi để tránh những đợt công kích của địch từ biển vào nên nơi đây dân cư cũng thưa thớt, ít người qua lại. Khi đã bình phục sức khỏe, bố phụ giúp gia đình họ làm nghề đánh cá.

Hai năm sau, miền Nam giải phóng, gia đình họ dọn về làng để sinh sống. Vì không nhớ mình là ai, trước đây làm gì, ở đâu nên bố đành ở lại nơi này. Lâu dần giữa bố và cô gái nảy sinh tình cảm, được bố cô gái cho phép, hai người nên duyên vợ chồng. Một năm sau, cô ấy sinh được một cậu con trai. Bố đặt tên là Hải Đăng – và Đăng cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng bố. Mười năm sau, ông cụ qua đời. Bố trở thành trụ cột của gia đình và sống bằng nghề chài lưới. Hai hai tuổi Đăng lấy vợ, sinh được một trai, một gái. Con trai đầu của Đăng đậu đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Trong một lần lên thăm cháu, bố bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông phải nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa Đà Nẵng một thời gian. Khi gần hồi phục vết thương bố dần dần nhớ lại được quá khứ. Rất may, nằm cùng phòng với bố có một chú ngoài 60 tuổi quê Thanh Hóa. Được chú cho biết một số thông tin về quê hương bố rất vui. Cháu nội cũng giúp ông tìm hiểu thêm thông tin trên mạng về quê mình. Vì vậy, sau khi được ra viện, bố vội về quê để tìm hai mẹ con. Sợ bố tuổi cao, sức khỏe lại kém nên Hải Đăng đã đi cùng bố. Về đến ngôi nhà cũ  bố mới biết mẹ con đã qua đời, còn con theo chồng về xã khác nên bố đã tìm được đến đây.

Đang kể, hai tay ông Quang bỗng ôm chặt lấy đầu. Một cơn đau dữ dội ập đến. Mặt ông nhăn nhó. Trán vã mồ hôi. Ông từ từ ngã xuống. Thấy vậy, Hải Đăng nhanh nhẹn chạy lại túi du lịch lấy ra một lọ thuốc chạy đến bên ông. Quỳnh sợ hãi giơ tay đỡ vội lấy bố, kêu lên thất thanh:

– Bố! Bố làm sao thế này? Đưa bố đi bệnh viện thôi!

Hải Đăng cầm vội lấy cốc nước cho ông Quang uống thuốc rồi nói nhỏ với Hải Quỳnh:

– Do chấn động của vết thương cũ nên lần nào xúc động mạnh bố cũng như vậy đấy chị ạ. Cứ để bố nghỉ ngơi một lúc là bố sẽ khỏe lại thôi. Chị đừng quá lo lắng!

Sau đó, hai chị em cô dìu ông Quang về phòng nghỉ. Hải Quỳnh nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh giường ngắm nhìn khuôn mặt của người bố kính yêu mà cô cứ ngỡ như mình đang mơ. Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên má cô – Đó là những giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc bất ngờ chợt đến với cô. Rón rén khép cửa phòng, Quỳnh lặng lẽ đi lại bàn thờ thắp hương cho mẹ. Qua làn khói nhang, cô thấy mẹ như đang mỉm cười rạng rỡ hòa chung niềm vui, niềm hạnh phúc của ngày đoàn tụ.

TRỊNH THỊ HƯỜNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *