VHSG- Tan học. Nam và Tâm liêu xiêu trên con đường dài lười biếng. Nó nằm ườn ra ôm trọn cánh đồng bát ngát vừa chớm heo may. Trời lạnh se se, khiến đôi bạn phải ôm cặp sát vào người cho bớt đi cảm giác đói rét. Mưa lất phất rơi xuống, mùi đất xộc lên cùng một làn hơi nóng rất khó chịu.
Tâm dừng lại, nó ngắm nghía cây lúa đang oằn mình gánh bông trĩu quả. Xung quanh thân lúa phủ một lớp mưa xuân trắng mịn. Tâm thốt lên “Nam còi….. nhìn này, lúa đã đỏ đuôi”. Như một quy ước, Nam đáp lại “Ừ! Chủ nhật tụi mình đi bắt tổ chim cu đất nhe”.

Ở vùng này, lúa chớm đỏ đuôi là báo hiệu một mùa xuân đang về. Cũng là dịp chim cu đất vào vụ đẻ. Hột lúa chuyển qua màu vàng “oxy hóa”, là loài này đua nhau sinh sôi nảy nở. Chúng có lẽ là thuộc vào dạng “dễ tính” nên đẻ cũng rất dễ. Ăn lúa no nê béo phệnh phạng là đẻ. Làm tổ bất cứ chỗ nào có thể, trên bẹ dừa, dưới gốc năn, trên ngọn cây… miễn là chỗ đó gần ruộng lúa. Tổ của chúng cũng rất đơn giản, chỉ cần vài cành khô đan đệm dã chiến sơ sơ. Không cầu kỳ như những loại chim khác.
Hôm sau, cả hai cùng đi lên cánh đồng trên của Nông Trường. Các gia đình ở đây đa phần từ ngoài miền Bắc vào làm kinh tế mới. Ngoài việc trồng lúa, bà con còn đào đất ruộng đắp mô cao để trồng dừa và điều lộn hột. Đất phèn mặn dừa còi cọc, hiệu quả kinh tế chẳng là bao. Họ chặt bỏ dừa ban đất xuống để trồng lúa, vậy nên đồng này càng có nhiều chim chóc.
Thói quen của Nam và Tâm lấy tổ trên những bẹ dừa. Chỉ cần leo lên cây dừa thâm thấp là lấy được trứng hoặc con chim non. Đôi bạn mang theo một cái lồng chim và mấy thứ lặt vặt. Đến nơi Nam nói với Tâm “Tìm chỗ nào ngồi nghe tiếng chim cu gáy một lúc rồi mới lấy tổ của nó hen!?”.
Cả hai ngồi tựa vào gốc dừa ngửa mặt nhìn trời. Đôi bạn thám thính xem “vùng trời’ nào có chim mẹ lượn ra lượn vào, để xác định là chỗ đó có tổ. Tuổi thơ lim dim ngắm khung trời đầy mơ ước và nghe tiếng cu gáy thì còn gì thích bằng. Nhìn bầu trời xanh thẳm, Tâm nói “Giá như mà bọn mình cũng bay được như chim Nam nhỉ”;
– Để làm gì?
– Để cũng làm tổ đẻ trứng như chúng.
– Mày có bị sao không vậy? Nếu có thì tao và mày là chim đực, sao đẻ?
– Thì mình làm cho bọn chim mái đẻ. haaaaaa
– “A! không phải tìm đâu xa, kia rồi!” Nam thốt lên.
Tâm bật thót dậy “Để tao! Chiến lợi phẩm đầu tiên, phải chính tay tao đem xuống mới được” vừa nói Tâm vừa leo thoăn thoắt lên cây dừa.
Tâm gỡ trong cạp quần xà lỏn ra một nắm rác. Còn có cả vài cái lông chim và hai quả trứng. “Tính ấp hay gì mà cho vào đây? haaahaa” Nam hỏi.
“Bậy! để cho trứng không bị dập”. Cu cậu cầm trứng lên để vô bên tai lắc lắc. Nói với giọng tỏ ra rành nghề “Trứng này mới đẻ, chưa ấp, phải chi bắt được con mẹ thì êm quá. Chim mẹ to đùng – mập ú, nhìn lông là biết”.
– Nói dóc, chim mẹ bay mất tiêu rồi sao mà biết nó mập!?
– Không tin hả? bay theo nó hỏi thử xem!
– Mày có ngon bay đi.
– Bay đi chỗ khác thì có! Mỗi cây chỉ có một tổ. Không còn nữa đâu!
…………………………… hahahahaha
Nam rón rén leo lên. Vừa ôm thân dừa, vừa ghé tai nghe ngóng tiếng chim con. Nó nói vọng xuống “Nở rồi! chim con đẹp quá, cái này đem về nuôi là bá phát”.
Mở cái áo đang túm gọn tổ chim ra, một bầy chim non dáo dác, kêu la há miệng đòi ăn. Nhìn chúng tội nghiệp và đáng yêu làm sao. Ngắm nghía một lúc Tâm nói “Thôi mình trả chúng về chỗ cũ đi, năm trước mình nuôi cũng đâu có sống được con nào. Tội nghiệp chúng quá, chim mẹ về mất con chắc nó buồn lắm”.
– Lo gì! mất con, thì mẹ nó có người yêu mới, đẻ trứng mới rồi lại ấp ra một lũ em mới cho nó ngay ấy mà.
– Nam à! Trả về mây gió với loài của nó đi, cho nó say xưa với ánh trời. Cứ vậy chẳng bao lâu nữa không còn chim cho mình bắt nữa đâu!
Nói xong, Tâm leo thoắt lên ngọn dừa bỏ bầy chim con vào vị trí cũ, sửa sang cái tổ cho cẩn thận rồi bẻ hai trái dừa vất xuống.
– Nhưng mùi hơi tay người có sao không mày? Nam hỏi vọng lên.
– Thì mẹ nó cảm ơn chứ sao?
– Coi chừng mẹ nó giận thì có. Vì mất cơ hội có ông bố khác, đẻ thêm em cho chúng nó. Haaa
Ngày gặp lại, đôi trâu nghé ngày ấy ngổn ngang tâm sự. Cả hai đến chỗ cây dừa ngày xưa đã thả bầy chim. Nhưng chỉ còn lại vết tích và con sông đang có dấu hiệu bị ô nhiễm do nhà máy bột cá thải ra.
– Hôm đó còn một việc mình chưa làm, hôm nay mình làm luôn đi. Nói xong Tâm cởi phăng quần áo, nhảy ùm xuống sông. Nó ngóc đầu lên gọi “Tắm sông, Nam còi….”.
Nam gật gù nhớ ra, hôm đó uống no nước dừa trời đã nhá nhem tối, hai thằng ra về mà quên tắm sông như thường lệ. Nam lao người xuống sông với bạn, nhưng “cú tiếp nước” không gọn gàng như trước đây. Giờ hắn là Bác sĩ, đầu sói, bụng xệ và mê gảy gitar như mê chim cu đất hồi ấy.
– Tranh thủ tắm đi Bác sĩ cu đất ạ! Ít hôm ô nhiễm cả khu, không còn cơ hội tắm trên dòng sông thơ ấu, đang già nua này nữa đâu.
– Tớ thấy thiếu một cái gì đó ông Tâm ạ!
– Ừ! Tiếng chim cu đất gáy phải không? Loài chim này giờ đây chắc bị Team “thợ rừng” săn bắn ăn thịt gần hết rồi. Chẳng bao lâu nữa có thể tiệt chủng hẳn. Ông thấy tôi xứng đáng được tôn vinh là người đi trước thời cuộc không? Tôi là người tiên phong có ý thức bảo vệ thiên nhiên và chim chóc vật hoang giã. Chính vì nguy cơ tồn vong của nó, mà hôm đó tôi không đem tổ chim về muôi. Vậy mà hôm nay cũng không còn được nghe tiếng chúng gáy! Hazz…. buồn hối hả như cuộc đời.
Vâng! Phong cho tiên sinh là kỹ sư bảo tồn “cu đất” nhé! Cả hai cười hô hố. Mặt trời đang dần tiếp đất rất sát. Giống như những buổi chiều của tuổi thơ cách đây gần ba thập kỷ. Chỉ khác là thiếu tiếng gáy cúc.. tù… tu… tu …u của loài chim đẹp hiền hậu, dễ đẻ./.
VĂN LÊ TÁM