1. Tôi và cái Mận giận nhau từ hôm ấy. Đó là hôm chúng tôi rủ nhau đi câu cá ở mãi Đồng Gồ. Tôi còn nhớ tối hôm trước nó thập thò chạy sang nhà. Thấy bố mẹ tôi ở gian ngoài, nó mới lôi tuột tôi vào buồng và buông lời ướm thử:
– Hôm trước thằng Lộc đi câu cá ở dưới Đồng Gồ được bao nhiêu là cá nhé. Lúc nó nghiêng thùng cho tớ xem, cỡ phải đến hai chục con cá chép, cá rô phi, cá diếc to hơn bàn tay ấy.
Thấy tôi há hốc miệng, tròn mắt xuýt xoa nó bắt đầu cất giọng mồi chài:
– Từ đây xuống dưới đó chỉ mất có mười lăm phút. Mồi thì đơn giản. Tớ chỉ cần chuẩn bị lưng bát cơm nguội trộn với cám đem giã cho nhuyễn. Từng ấy mồi thôi cũng đủ câu được đầy rổ cá. Cậu thì vác cần, xách xô. Đơn giản thôi mà lại có thức ăn, nhà đỡ phải mất tiền mua còn gì?

Tôi nghe nó nói cũng ngon lành. Nhưng còn thằng cu Cò. Lẽ nào tôi lại để nó một mình ở nhà trông nhà sao. Nghe không mấy yên tâm chút nào. Thấy tôi còn lưỡng lự nó lay tay tôi lắc lắc. Nó được cái thông minh, đoán ngay ra được lo lắng của tôi:
– Này, cậu còn lo cu Cò chứ gì? Tớ sẽ bảo cô Hà để mắt cho. Cô ấy bán quán ở ngay đối diện cổng nhà cậu. Lúc nào chả ở nhà. Cổng nhìn sang cổng. Tiện quá còn gì!. Mà có phải chúng mình đi cả ngày đâu. Từ sáng đến trưa thôi mà. Khi nào bố mẹ cậu đi làm là chúng mình cũng chuẩn bị đi luôn nhá.
Nó nói cũng có lý. Công việc nấu cơm tôi vẫn làm chứ có phải là trốn việc đâu. Mà thấy tôi kiếm được mẻ cá ngon về, lẽ nào mẹ lại còn mắng tôi được sao? Tôi tán thành gật đầu cái rụp. Nó bàn với tôi chọn khúc mương ở gần nơi có bãi chuối. Ngồi ở đấy sẽ đỡ bị nắng. Lại có những tàu lá chuối để mà lót làm ghế ngồi. Hai đứa nhất trí theo đúng kế hoạch mà làm.
– Em ở nhà ngoan nhé. Chị và chị Mận đi có việc một lát rồi về. Nhớ không được cho người lạ vào nhà đấy.
– Chị đi đâu thế. Mẹ luôn dặn hai chị em trông nhà cơ mà? Chị còn phải nấu cơm nữa đấy nhé!.
– Nhất định thế rồi. Đến buổi, đúng giờ là chị về nấu cơm. Cu Cò khỏi lo!
Theo chân tôi ra đến cổng, mặt cu Cò buồn so. Nó phụng phịu quay bước vào nhà đặt cái mông đánh phịch lên bậc hè. Thì đúng rồi mọi khi có chị có em. Giờ bắt nó ở nhà một mình nó lại chẳng buồn à. Tôi kệ. Cứ chiều theo ý nó thì mất hẳn niềm vui của mình. Chúng tôi chọn một bụi chuối để núp vào đấy tìm chỗ bóng râm. Chưa gì mà mỗi đứa đã chuẩn bị sẵn một cái xô đổ sẵn nước chờ cá bỏ vào. Buông cần bó gối đợi chừng hai mươi phút, đến phát oải cả người chú cá đầu tiên mới lộ diện. Giật cần lên, nó vẫn còn tưởng vớ được miếng mồi ngon, sau thì cong người lên quẫy đuôi muốn trốn thoát. Chú cá bé tẹo, chỉ nhỉnh hơn ba ngón tay. Thế mới biết chẳng có gì là dễ dàng. Hơn một tiếng sau, xô của mỗi đứa cũng chỉ thêm được vài ba con lắt nhắt. Lúc đầu hăm hở là thế. Giờ thì như quả bóng bị xì mất hơi
– Cá ngoài mương mà câu gần bờ là không ăn thua rồi. Ngồi đến trưa cũng đến thế thôi. Hay là…
– Về ngay thế nào được. Đã mất công đi câu. Phải mang về ít ra cũng được bữa chứ.
– Không. Ý tớ không phải thế. Cậu có để ý lúc đi qua khu bãi của nhà bà Dung- Mạnh không. Cá cứ ngoi lên hàng đàn, đặc khịt. Nhìn thích thế!. Chỉ cần được vài con nhỡ nhỡ cũng vui nhỉ.
– À, ý cậu là mình sang đó câu trộm chứ gì? Tưởng dễ dàng thế sao? Thế nào nhà bà ấy chả có người ở nhà?- Tôi cãi lại.
– Suỵt! Khe khẽ thôi chứ. Cứ nói tướng lên thế để cả làng nghe thấy à?
Nó xách xô, thoăn thoắt bước chân. Tôi ngẩn người ra một lát rồi cũng theo nó lom khom luồn lách qua mấy vạt mía và những rặng bưởi khoe những chùm quả xanh tròn xoe đang đong đưa trong nắng. Thi thoảng phải cắn răng chịu đựng vì quệt phải mấy cái gai ở cành bưởi cọ vào người nghe nhoi nhói, tê tê. Vườn bãi rộng mênh mông, nhà họ ở mãi tận đằng kia. Mình núp trong bụi cây làm sao mà họ biết cơ chứ. Nhưng phải hết sức cẩn thận đấy! Nó quay lại nhìn tôi cảnh báo. Chúng tôi ngồi cách nhau một đoạn. Mọi hoạt động phải rất khẽ khàng vì nếu thấy bóng người cá sẽ lặn mất tăm. Quả là chưa có niềm vui nào bằng niềm vui ngồi ở ao nuôi thả cá và buông cần. Chỉ dăm phút là cá lao đến nộp mạng. Những con cá trắm, cá chép cỡ gần cân thi nhau mắc câu. Hai đứa giật cần liên tục, nặng tay. Chưa đầy hai mươi phút xô đã nằng nặng. Chúng tôi ra hiệu rủ nhau thu cần rút quân. Đấy thấy chưa, câu thế mới đã. Nó cười khoái chí.
– Đứng lại. Mấy đứa nhỏ kia. Đứng lại!
Tiếng cười chưa dứt chúng tôi giật bắn mình bởi tiếng quát đanh gọn từ phía đằng xa. Thật may có cái khẩu trang che mặt, chúng tôi vội vàng khoác thêm cái áo chống nắng vào người và bắt đầu xách xô cắm đầu chạy thục mạng.
– Chả biết con cái nhà nào mà gan to bằng trời thế.
Bác Mạnh đuổi thêm vài bước nữa biết là không theo kịp bèn ném về phía chúng tôi một cái lắc đầu. Cái Mận chạy nhanh hơn. Cuối cùng nó đợi tôi ở khóm dành dành bên bờ mương ngay mé rìa làng. Nó quay lại ngó nghiêng nhìn lại con đường mòn rồi bảo;
– Thôi, thoát rồi. Tùm xuống đây cho mát tí đi!
Nói rồi nó đặt ngay chiếc xô ở dưới khóm cây và vẫy vẫy tôi cùng đặt vào chỗ đấy. Tôi chưa kịp thở dốc vì mệt đứt hơi sau đận chạy vừa rồi thì đã nghe thấy nó ào xuống mương vùng vẫy.
– Tuyệt lắm. Mát lịm tim luôn. – Nó cười hớn hở.
Tôi cởi áo xống xong, vừa rụt rè xắn ống quần lội xuống mấy bậc đá đã thấy nó bơi sang bờ bên kia. Tay cầm một bó hoa súng hít hà ngửi ngửi.
– Đẹp đấy chứ Na?. Tớ sẽ mang về cắm vào lọ.
Tôi gật gật:
– Nhưng thích nhất là thành quả của ngày hôm nay Mận nhỉ?!
Tôi đằm mình trong dòng nước mát lành của con mương mà tự dưng thấy có một luồng âm ấm quyền quyện trong người. Thôi chết. Tôi giật bắn mình. Có lẽ vui sướng quá vì hình dung ra bữa trưa nay nên tôi đã són ngay ra quần mà không kịp chạy lên bờ để giải quyết nữa rồi. Tôi tặc lưỡi. Cũng chả sao vì nước mương mênh mông thế này, nó loãng tan ra thôi. Cái Mận đâu biết để mà cười trêu tôi được. Lên bờ tôi xách vội chiếc xô, rảo bước về nhà. Vừa vào đến sân, thằng Cò đã chạy vội ra khoe:
– A, chị Na đã về. Em đợi lâu nên đã cắm cho chị nồi cơm rồi đấy.
Thì ra mọi khi tôi cắm cơm nó cũng đã để ý. À, cũng có lần tôi đã hướng dẫn nó cách cắm. Nhưng đây là lần đầu tiên nó mới thực hành. Mà nó cũng đã sắp lên lớp 2 rồi còn gì. Buổi trưa, bố mẹ về. Ngồi xuống mâm cơm mẹ ngạc nhiên sửng sốt:
– Cá ở đâu ra thế này?
Chưa kịp trả lời, cu Cò đã nhanh nhảu:
– Cá chị Na đi câu ạ!
Mẹ buông bát, nhìn tôi quở trách:
– Hai chị em bỏ nhà đi câu à?
– Không, em Cò ở nhà, con cũng đã dặn cô Hà trông hộ. Con chỉ chạy ra con mương ngay kia câu một tí rồi về luôn mà.
– Cá ở ngoài mương à? Được nhiều cá vậy sao? Câu dễ dàng thế ư?
Mẹ thắc mắc một hồi rồi ăn nhanh đứng dậy. Thời gian nghỉ trưa của mẹ không nhiều nên bữa nào mẹ cũng vội vội vàng vàng để còn chợp mắt tí. Bố thì tấm tắc khen tôi giỏi. Số sát cá, biết mổ cá mà không bị vỡ mật. Đi câu cá có được trải nghiệm cũng có cái hay. Nhưng cẩn thận trông em kẻo nó mải chơi một mình, ra bờ ao lại bị đuối nước thì khổ. Bố luôn chiều tôi thế. Chỉ nhắc nhở tôi nhẹ nhàng. Nhiều khi mẹ còn bảo, bố chiều tôi thế rồi tôi sinh hư. Lúc ra ngồi bàn uống nước mẹ mới quán triệt gay gắt:
– Lần này thôi nhé. Muốn ăn cá mẹ sẽ đi chợ mua. Cu Cò không được khỏe, đừng lôi nó đi bêu nắng rồi bị cảm ra!

Tôi bưng mâm ra sân giếng rửa thấy niềm vui cũng đã vơi đi phần nào. Chưa rửa xong bát, cái Mận đã mang cái bản mặt đanh đá cá cày chạy sang nhà tôi hỏi dồn:
– Thế là mất tiêu hai con cá chép to. Cậu không cầm nhầm cá của tớ đấy chứ? Lúc tớ để cái xô cạnh khóm cây dành dành cậu có thấy cá nhảy ra không? Mà cũng không thể có trường hợp đấy được. Chỉ có tớ với cậu. Chắc là…
Mặt tôi đỏ rần lên. Nói như thế khác nào nó đổ cho tôi ăn trộm. Tôi chịu không nổi cái cách nó nghi ngờ tôi vô lý, lên đứng phắt dậy nói to:
– Không đời nào tớ lại làm thế. Cá của cậu nhảy ra từ lúc nào làm sao mà tớ biết được. Lúc tớ xách xô về vẫn thấy hai con chép của cậu vẫn nằm trong xô cơ mà!
Mẹ tôi trong buồng chắc cũng chẳng rõ đầu đuôi, chỉ thấy hai đứa to tiếng thì mở cửa sổ thò đầu ra lớn tiếng quát:
– Có chuyện gì mà ầm ầm thế hai đứa. Khe khẽ thôi để cho bố mẹ nghỉ trưa nữa chứ!
Hai đứa im bặt. Cái Mận ngúng nguẩy ra về. Vài hôm sau nó cũng chẳng thèm sang nhà tôi chơi. Gặp nhau giữa ngõ, nó chỉ văng tiếng “hứ” quẳng sang bên tôi rồi nghênh nghênh vượt qua mặt. Tôi biết nó đang giận dỗi nhưng cũng chẳng muốn làm lành với nó. Vì tôi có lỗi gì với nó đâu.
2. Thế mà chẳng được bao lâu, độ mươi hôm sau đã thấy nó sang nhà tôi mon men nô đùa cùng với thằng Cò. Tôi nhìn thấy chỉ gật đầu một cái lạnh tanh rồi việc nào việc nấy. Tôi ra vườn hái rau, nhặt rau xong rồi vào nhà vắt chân chữ ngũ ngồi xem ti vi mà chẳng hề bận tâm đến sự có mặt của nó tẹo nào. Chơi chán nó bắt đầu lân la làm quen:
– Cậu vẫn còn giận tớ à? Chuyện là thế này…
– Chuyện gì nữa chứ? Chơi với nhau mà còn không tin tưởng nhau thì phát xít đi cho rồi.
Tôi mạnh miệng, được dịp lên nước. Tôi biết nó đã sang chơi thì dù tôi có cong cớn đến mấy nó cũng vẫn cứ sà vào như thường.
– Tớ tin cậu rồi. Thôi, chuyện cũ không nhắc lại nữa. Tớ tính có vụ làm ăn này hay lắm.
– Bữa trước mẹ tớ mắng chuyện đi câu cá mà không trông cu Cò đấy. Lần này thì chịu hẳn rồi. Ở nhà cho nó lành.- Tôi nhấm nhẳng.
Thực ra từ hôm hai đứa giận nhau tôi cũng buồn lắm. Vì tôi và nó thường ngày dí dủm, thân thiết chuyện gì cũng có nhau đã quen. Thế nên chỉ cần nó mở lời tôi bỏ qua xích mích một cách dễ dàng như chưa hề có.
– Vụ này không phải là đi câu. Có mang cá về đâu mà mẹ cậu biết được. Cứ đến giờ nấu cơm là chúng mình về. Có ảnh hưởng gì đâu. Mà lại kiếm được tiền cơ nhé. Chúng mình tiết kiệm rồi mua chung đôi vợt. Cứ chiều tối hay sáng sớm chúng mình thể thao tí cho có sức khỏe. Đủ tiền mua vợt rồi thì mình thôi cũng được. Được không?
Tôi nghĩ vụ này cũng khả thi nên khấp khởi với kế hoạch này. Lời nó nói cũng thuyết phục ra phết. Chỉ cần ở nhà dặn kỹ cu Cò không chơi gần bờ ao, không tin người lạ là xong thôi. Nhiều khi mẹ tôi cũng cứ nghĩ quá nên mọi chuyện mới quan trọng thế. Tôi mặc cả với cái Mận. Đủ tiền rồi thì thôi nhé. Nó nhoẻn miệng cười hiền lành. Thì ra nó rủ tôi đi thu mua hoa chuối ở khu xóm bãi. Khu ấy nhà nào cũng có vườn chuối rộng mênh mông. Chẳng là chị Hạnh nhà có quán ăn ở gần chợ có gợi ý bảo. Chị ấy đang cần hoa chuối để làm món ăn và đi đổ cho các quán bên thị trấn. Nếu thu mua được chị ấy sẽ trả mỗi cái hoa chuối có giá chênh lệch là 1.500 đồng. Độ này chị ấy đang nhiều việc mà các quán lại đang cần.
– Chị lại đi đâu nữa? Mẹ về sẽ mắng đấy. Cá chị mang về là mẹ đổ xuống ao!
Nghe tôi dặn dò, chưa ra đến cổng thằng Cò chạy theo níu áo tôi kéo lại. Chị đi có việc quan trọng. Ở nhà ngoan, về chị sẽ có quà. Cu Cò muốn gì nào? Kẹo mút nhé. Hay kem ốc quế? Chị chiều hết. Chỉ cần cu Cò không xui mẹ thôi. Tôi quay lại dịu giọng và ngọt ngào. Nghe đến kem ốc quế, nó sáng mắt ra, mặt tươi tỉnh hẳn. Nó nuốt nước bọt đánh cái ực một cái. Nó vốn cực thích kem. Nhất là mấy hôm liền nắng nóng. Đến tôi tôi còn thèm nhỏ rãi nữa là. Như có phép lạ nó buông áo tôi ra liền.Tôi và cái Mận đi được mấy bước nó còn dặn theo với:
– Chị nhớ mua kem đấy!
Khu bãi Chân Chiêm bời bời lên bởi những vườn chuối um tùm xanh mướt mát. Khu này là khu chuyển đổi người ta dồn thửa, đắp vùng. Ở đây chủ yếu trồng ổi, chuối và nuôi gà, vịt, lợn. Nhà của dân khu này đa phần là những ngôi nhà nhỏ nhưng mênh mông là vườn. Nhà bác Vân là ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến. Chúng tôi chẳng khó khăn gì khi đặt vấn đề với bác về việc “buôn bán nhỏ” này:
– Ui chà, hai đứa nghỉ hè định làm ăn lớn đấy hử. Chuối thì nhà bác đầy vườn. Hoa lại ở trên cao. Hai đứa chịu khó lấy cây sào giật nó xuống là được ngay ấy mà. Ở mỗi đầu sào, bác sẽ buộc cái liềm vào cho. Không khó đâu.
Chúng tôi hí hửng vào việc ngay dù bác Vân cầm hẳn một đĩa ổi đưa ra mời. Cái Mận thường ngày ham ăn là thế nhưng nay lịch sự biết hoãn lại cái sự thèm thuồng. Nó bảo lát xong việc tha hồ mà thưởng thức. Còn bây giờ phải lo tìm hoa chuối trước đã. Rảo chân ra vườn chuối. Mỏi cổ lên tìm hoa. Xác định được mục tiêu rồi chúng tôi bắt đầu một, hai, ba giơ sào lên giật. Phịch. Phát nào ra phát đấy.
– Ối giời, con bọ nẹt chuối kìa. Ghê quá!
Tôi giật nảy người tí nữa thì nhảy ngược lên khi nhìn thấy một cái đốm mũm mĩm xù xì những lông tua tủa rơi trúng xuống tay cái Mận. Cái Mận cũng kinh hoàng hét lên như người ta vừa gặp ma trêu, quỷ hiện hình. Chỉ một lát tay nó đã sưng tấy lên và ngứa đỏ. Chúng tôi còn đang lúng túng thì bác Vân chạy ra. Hình như bác đã quá quen với những trường hợp thế này. Bác bảo:
– Cách đơn giản nhất cần làm ngay là các cháu lấy cái que này, rạch lấy ruột nó và xát vào chỗ đau nhé. Sẽ nhanh khỏi thôi.
Trong lúc tôi chăm chú chữa vết thương, cái Mận mặt mũi nhăn nhó thiểu não. Tình huống này quả thật chúng tôi chẳng hề nghĩ ra. Thấy hai đứa mặt nghệt ra tiu nghỉu, bác Vân cầm hai cái áo bảo hộ rộng thùng thình đưa cho chúng tôi.
– Thế nào hai đứa. Đã chịu đầu hàng rồi hay sao? Khoác lấy cái áo này vào là không phải lo gì nữa nhé.
Cái Mận cười ỏn ẻn:
– Đúng là chưa chuyên nghiệp tí nào. Nếu mà biết ngay từ đầu thế này chúng cháu đã đi ủng, đầu đội mũ bảo hiểm là an toàn ngay bác nhỉ?
Khoác cái áo bác Vân vừa đưa, nhìn chúng tôi chẳng khác nào như hai con cào cào chuẩn bị vào trận chiến sinh tử. Chẳng mấy chốc hai đứa đã được trên lưng bao. Túm lấy cổ bao chúng tôi lôi về sân chờ bác Vân đếm, tính. Hì hục khênh chiếc bao về đến quán nhà chị Hạnh thì nắng chiều cũng đã nhạt.
– Hai đứa giỏi thật. Chỉ một buổi chiều mà kiếm được từng này cái cơ à?
Chị Hạnh xỉa tiền ra trả chúng tôi. Hai đứa phấn khởi ra mặt, hí hửng về phi vụ làm ăn mới khá suôn sẻ. Hai ba lần thế này nữa là chúng mình sẽ kiếm được một món tiền kha khá đây. Tôi mỉm cười.
– Lúc nãy nhìn thấy cu Cò cũng vừa đi ngang qua đây xong. Nghỉ hè được ít hôm mà trông cu cậu lớn hẳn ra còn gì?
Tôi giật mình đánh thót. Nụ cười trên môi tắt cái rụp. Nó đi tìm em hở chị. Chị thấy nó đã về chưa ạ? Tôi hỏi dồn dập lẫn chút hoang mang. Chị Hạnh thì vẫn đủng đỉnh:
– Nó ngồi sau xe ai chở đấy chứ. Đi về hướng đầu làng kia kìa. Chưa thấy quay lại.
Tôi đi như chạy về nhà. Cánh cổng khép hờ. Trong nhà tịnh không bóng người. Cò ơi Cò ơi. Đáp lại là sự vắng lặng đến ghê người. Tôi lao sang quán nhà cô Hà:
– Cô có thấy cu Cò nhà cháu đi đâu không ạ?
– Cu Cò đi đâu? Vừa cô còn thấy nó thấp thoáng ngoài sân cơ mà. Lúc nãy có hai người đến đổ hàng. Cô chạy vào nhà một lát rồi ra ngay. Sau đó cô cũng không để ý nữa. Thế không thấy nó trong nhà hở cháu?
Rồi như sực nhớ ra cô bảo:
– Lúc cô trở vào nhà trong có nghe thấy tiếng rao “Tóc dài tóc rối”. Có lẽ nào…?
Lúc này tôi hoảng hốt thật sự. Không tìm thấy cu Cò thế nào mẹ cũng đánh tôi quắn đít. Cái roi Mây mẹ vẫn treo ngược trong buồng chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng phát sợ. Nhưng tôi bây giờ sợ mất cu Cò hơn bất cứ cái roi nào của mẹ như mọi khi. Tôi đã nghe chuyện có nhóm người giả danh đi thu mua tóc dài tóc rối để bắt trẻ con rồi. Nghĩ đến đây, tôi òa khóc. Cô Hà vội vàng lấy điện thoại ra gọi cho mẹ tôi và trấn an:
– Cháu đừng khóc nữa. Sẽ rối thêm. Để cô gọi cho mẹ cháu về đi tìm cu Cò ngay.
Tôi chưa nghe hết lời cô thì đã chạy vụt đi tí nữa thì đâm sầm vào cái Mận. Tớ có cách này có thể tìm được cu Cò. Đi theo tớ. Cái Mận nói như ra lệnh. Tôi răm rắp nghe theo.
– Chú ơi, cu Cò nhà cháu chắc là bị bọn tóc dài tóc rối bắt đi rồi…
Chú công an xã tên Minh chính là chú ruột cái Mận. Trong khi tôi rối bời thì nó sáng dạ nghĩ ra cái cách đi tìm chú trình báo. Tôi nhấp nhổm chẳng thể đợi đến lúc bố mẹ về để lo việc.
Tôi vừa nức nở vừa nói trong nước mắt. Cái Mận đã nhanh nhảu nói đỡ tôi một cách rành mạch. Chú à lên một tiếng. Ghi chép cẩn thận vào một quyển sổ, gọi điện cho ai đó.
– Hai đứa cứ về nhà đi nhé!
Chú dặn rồi vội vã đi ngay.Nhưng tôi làm sao có thể về nhà bây giờ.
– Tớ đi tìm cu Cò đây. Cậu về nhà đi.
Tôi quay sang bảo cái Mận. Nớ lườm tôi và bảo:
– Cậu nghĩ tìm được nó chắc? Các chú công an sẽ tìm ra thôi. Về nhà không người lớn lo đấy.
Tôi bỏ ngoài ta và quay gót. Đi được một đoạn lại thấy cái Mận lẽo đẽo đằng sau. Nó hớt hơ hớt hải. Đi đâu tìm bây giờ. Trời tối đến nơi rồi! Tôi quả quyết. Thế nào cũng có lúc bọn họ nghỉ ngơi ở dọc đường. Mình vừa đi vừa hỏi. May ra thì tìm được. Song rồi sẽ kêu ầm lên để những người xung quanh giải thoát giúp cho. Chứ về lúc này rồi ngồi khóc à? Mận chợt xòe nắm tiền ra. Tớ sẽ đi cùng cậu. Tại là tớ rủ cậu đi làm ăn mà. Trước khi đi tớ bảo nhà là đi tìm thằng Cò rồi. Chúng mình cũng có ít tiền để mua bánh mì ăn dần mà. Hai đứa cắm đầu đi. Chỉ đến khi mỏi cuồng chân mới dừng lại ở cái gầm cầu. Bây giờ mới là lúc chúng tôi thấy sợ. Nhỡ đâu gặp kẻ xấu thì làm sao? Ở nhà vừa mất thằng Cò vừa không thấy tôi, không biết bố mẹ sẽ lo lắng nhường nào. Đủ các câu hỏi trong đầu. Mệt quá. Giấc ngủ tìm đến lúc nào chẳng hay. Chỉ đến khi nghe tiếng người ồn ào trên cầu chúng tôi mới mở choàng mắt. Đêm qua không có chút gì vào bụng giờ như có con kiến bò râm ran. Phía trước là chợ. Chúng tôi rảo bước về phía có mùi dầu mỡ đang sực lên nhức mũi.
– Phải cẩn thận đấy nhé. Vừa có vụ tóc dài tóc rối bắt cóc trẻ con đấy.
– Thế à. Chuyện tầm phào. Bà lại nghe tin đồn chứ gì? Dạo này lắm tin thất thiệt lắm.
– Tin đồn gì chứ. Là thông báo lúc sáng sớm nay của Đài truyền thanh huyện mà. Nhưng mà họ bắt được ngay lúc đêm qua. Thằng bé tên Cò bị bắt cóc đã tìm thấy rồi. Người nhà còn thông báo muốn tìm con chị đang đi tìm thằng em không biết giờ ở đâu?
Tôi tưởng mình đang nghe nhầm, mừng rú lên như bắt được vàng. Cu Cò nhà tôi đã trở về rồi. Các chú công an tài thật. Đi vội đến chỗ hai bác đang vừa ăn sáng vừa nói chuyện để hỏi cho chính xác. Các bác bảo chúng tôi đã đi cách xa nhà chừng độ hơn chục km rồi. Bây giờ cách nhanh nhất là lên đường cái to đón xe buýt. Bảo bác tài xế cho dừng lại ở xã Minh Phúc, gần ngay xã tôi. Rồi từ xã Minh Phúc cuốc bộ về cho gần. Về nhanh cho kịp các cháu ạ. Giờ này ở nhà bố mẹ đang lo cuống lên còn gì. Nói rồi hai bác giục. Có tiền đi xe buýt không, các bác hỗ trợ đây. Chúng tôi lắc đầu. Đếm mớ tiền vừa bán hoa chuối lúc chiều qua vẫn còn đến gần ba chục ngàn. Tuy thế hai bác tốt bụng vẫn dúi thêm vào túi áo cái Mận hai chục ngàn nữa.
– Ối giời ơi! Con cái Na cái Mận đã về rồi các bác ơi!
Bà và mẹ cái Mận cũng đang ở nhà tôi. Thấy chúng tôi về đến sân thì mẹ lao ra ôm chầm lấy hai đứa. Như thể lại sợ chúng tôi biến mất lần nữa. Chao ôi, đúng là con dại cái mang. Trẻ người non dạ, để người lớn phải lo. Cha tiên nhân chúng mày. Bà cái Mận cất giọng choang choảng. Cu Cò đang ở trong nhà nghe thế bèn chạy ngay ra, đến bên tôi mừng mừng tủi tủi.
– Từ dày chị Na đừng đi đâu nữa nhé!?
Tôi tưởng mẹ lại giở bài mắng tôi như mọi khi nên im lặng chờ đợi trận lôi đình của mẹ. Nhưng không, mẹ rơm rớm nước mắt nhìn hai đứa tôi rồi bảo:
– Các con lớn rồi phải biết nghe lời người lớn. Đến giờ mẹ mới nhẹ nhõm thở phào. Tưởng là không tìm thấy cu Cò cơ đấy. Cái Na mà cũng đi không biết đường về thì bố mẹ không thể sống nổi nữa đâu.
Chỉ một đêm lo cho chúng tôi mà mắt mẹ thâm quầng. Nỗi ân hận về việc không nghe lời người lớn khiến tôi gục đầu vào vai mẹ thổn thức rồi lí nhí: “Con gái xin lỗi mẹ, đã để mẹ phải lo ạ”. Vừa chải đầu cho tôi mẹ vừa kể. Khi mẹ hớt hải về, cô Hà đã kể rõ đầu đuôi sự việc. Mẹ chạy ra công an xã trình báo thì vừa hết giờ làm. Mẹ gọi cho chú Minh. Chú bảo hai đứa vừa khóc lóc tìm đến chú. Chắc có lẽ sợ mẹ mắng nên lại rủ nhau đi tìm em. Chú động viên cứ yên tâm, chú đã báo công an huyện về sự việc. Bởi vì gần đây trên địa bàn huyện cũng đã có một vụ tương tự. Các chú đang tập trung vào một số đối tượng tình nghi. Qua trích xuất camera ở trạm xăng và của mấy gia đình trong xã dọc tuyến đường liên xã liên thôn thì nhận dạng được hai mụ bắt cóc. Họ đã làm việc cả đêm, đến rạng sáng thì đón lõng được hai người phụ nữ liên quan chuẩn bị cho cu Cò lên xe đưa sang tỉnh khác. Bố tức tốc sang bên Đài Truyền thanh huyện thông báo tìm tôi ngay. Tôi nghe chuyện mà tưởng như được xem bộ phim hình sự.
– Cũng tại em cả. Vì em thèm ăn kem. Nên mụ ấy thấy em ở sân liền vẫy em lại và đưa cho que kem sữa dừa. Đợi chị về lâu quá, thèm không nín được. Em chỉ cắn vài miếng là cứ lên xe đi theo mụ ấy thôi. Huhu.
Nét mặt cu Cò vẫn còn sợ sệt khi nhớ và kể lại sự việc. Tôi ôm nó vào lòng, xòe mấy nghìn lẻ đã nhàu rồi vỗ về, an ủi:
– Đây là phi vụ làm ăn cuối cùng của chị rồi. Chị hứa đấy. Còn mấy đồng này đi mua kem đãi Cò nhé.
Tôi và nó dung dăng sang quán nhà cô Hà. Cô bảo đêm qua hai đứa làm loạn cả khu xóm lên. Thấy tôi tròn mắt cô cười, giải thích. Từ lúc có tin cu Cò bị bắt cóc, các cô các bác trong xóm sang nhà tôi hỏi thăm chật kín nhà. Tôi chợt nhớ đến cái Mận. Nó đã lọ mọ đêm hôm cùng tôi lang thang đi tìm thằng em. Tôi liền mua thêm một chiếc cho nó. Cái Mận ngập ngừng cầm que kem mà chưa dám ăn ngay. Nó muốn tôi xí xóa cho nó về chuyện mất hai con cá bữa trước. Thì ra nó vẫn còn áy náy về việc này. Thế mà đêm qua ở bên nhau suốt nó cũng chẳng buồn nói ra. Sự thực là lúc nó đặt rổ cá ở sân giếng để vào bếp lấy thớt, dao. Con mèo lười nhà nó đã thừa cơ tha đi mất. Mấy hôm sau nó mới phát hiện ra hai bộ khung xương đã mốc thiu bên đống rơm ngoài vườn.
Tôi phì cười. Những phi vụ này vào năm học chúng tôi sẽ kể lại cho mấy đứa cùng lớp nghe. Đó là những phi vụ để đời. Thể nào chúng nó cũng mắt tròn mắt dẹt cho mà xem.
VŨ THỊ THANH HÒA
(Trường THCS Cộng Lạc – Tứ Kỳ- Hải Dương